HỒ THỦY GIANG
TRAO ĐỔI LẠI VỚI ÔNG NGUYỄN
KIẾN THỌ VỀ BÀI
Tản mạn về văn xuôi Thái
Nguyên thời kì “hậu Việt Bắc”
Sau khi bài Tản mạn về văn xuôi Thái Nguyên thời kì “hậu
Việt Bắc” của tác giả Nguyễn Kiến Thọ đăng trên số báo xuân Mậu Tuất 2018
báo Văn nghệ Thái Nguyên, có một số bạn văn tỏ ra không hài lòng. Sự việc đó âu
cũng là lẽ thường trong sinh hoạt văn chương. Nhưng rồi sau đó tôi nhận được
không ít điện thoại của các bạn văn than phiền, có người bày tỏ sự bức xúc. Bởi
thế, tôi mới đọc bài của ông Thọ và viết bài trao đổi lại.
Thực ra, bài viết của ông Thọ
chỉ là loại bài ‘đến hẹn lại lên’, nghĩa là thường trong dịp lễ tết, viết theo đặt
hàng của tòa soạn. Loại bài này nếu được viết một cách công tâm, chính xác thì
nó giống như một cánh én báo tin vui mỗi độ xuân về. Anh em viết lách được một
dịp điểm quân, được động viên, được góp ý về những điểm mạnh, yếu để có thể
tiếp tục cầm bút trong một niềm vui sáng tạo. Nhưng bài viết của ông Thọ lại
không có được những hiệu ứng tốt đẹp như vậy.
Hãy bỏ qua những gì thuộc về
cá nhân, ở bài viết này tôi muốn hướng vào chuyện học thuật.
Tản mạn về văn xuôi Thái Nguyên thời kì “hậu Việt Bắc ”, tuy mang tính truyền thông, nhưng nó thuộc loại phê bình một giai
đoạn văn học. Loại bài này, nếu không phải là một nhà phê bình được chứng kiến
giai đoạn văn học mà mình định viết thì cũng phải là người có kiến thức sâu
sắc, người nghiên cứu có trách nhiệm. Bất cứ một giai đoạn văn học nào, của cả
nước cũng như của các địa phương cũng đều mang tính lịch sử của nó. Những nhận
định, đánh giá của một người chưa đủ sức nghĩ, sức hiểu cả về chiều rộng lẫn
chiều sâu thường gây hại cho cộng đồng, nhất là với những đối tượng đang cần
học tập và nghiên cứu như các em học sinh, các thầy cô giáo trong nhà trường
phổ thông và đại học...
Nhà văn Hồ Thủy Giang
Ở bài viết này tôi không
nhằm đi sâu vào việc mổ xẻ nội dung và nghệ thuật bài của ông Thọ mà chỉ xin
bàn lại về một số nhận định trong giai đoạn văn học mà ông Thọ bỏ chung vào một
“rọ”: thời kì “hậu việt Bắc”.
Trước khi vào vấn đề, tôi xin
nói chút ít về quãng thời gian mà ông Thọ gọi là “hậu Việt Bắc”. Khái niệm về
giai đoạn văn học này, theo ông Thọ, được mở rất rộng, nghĩa là từ khi giải tán
Khu Tự trị Việt Bắc (1975) cho đến tận ngày hôm nay. Tất nhiên, nếu hiểu theo ngữ
nghĩa của từ “hậu” thì tất cả những gì sau nó đều có thể gọi là “hậu”. Nhưng
quan niệm về giai đoạn văn học của ông Thọ tôi cảm thấy cần trao đổi thêm. Các
nhà lí luận thường nói đến Thời kì Thơ Mới (1932- 1945), thời kì văn học cách
mạng, kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Thời kì văn học Đổi Mới (từ 1986)…Chứ
chưa thấy ai nói đến cái “hậu”- “hậu Việt Bắc” trong một quãng thời gian dài
đến như vậy. Hỏi rằng có ai nói thế hệ làm thơ thế kỉ XXI bây giờ ở Thái Nguyên
(và cả Việt Nam
nữa) là thời kì “hậu Thơ Mới” hoặc “hậu kháng chiến chống Pháp” …không? Thứ
nữa, nếu bàn đến cái “hậu” của một thời kì văn học thiết nghĩ cũng nên ít nhiều
nêu ra những tiếp biến về thi pháp, ngôn ngữ, văn hóa… nghĩa là cái “chất” Việt
Bắc có ảnh hưởng gì đối với thời kì văn học kế tiếp (có thể ảnh hưởng từ di
truyền văn hóa bằng ý thức và vô thức) thì mới đáng để nói về cái “hậu” của một
thời đoạn văn chương chứ. Nhưng mà thôi, đấy là quan niệm riêng của ông Thọ,
không cần nhọc công bàn cãi. Cái sự “hổng” kiến thức về thời kì văn học “hậu
Việt Bắc” của ông Thọ mà tôi muốn nhắc đến không phải là vấn đề này.
Trước hết, khi bàn về những tác giả của
thời kì “hậu Việt Bắc”, ông Thọ đã có những lầm lẫn đáng tiếc. Sự khẳng định
hai nhà thơ Hà Đức Toàn và nhà thơ Ma
Trường Nguyên là hai cây bút có tính đại diện cho văn xuôi Thái nguyên thời kì
“hậu Việt Bắc” đã chứng tỏ ông Thọ không am tường giai đoạn văn học này. Ông
Thọ có biết rằng, cho đến tận năm thành lập Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên (1987),
ngoài một giải thưởng thơ duy nhất ở báo Người Giáo viên nhân dân, Hà Đức Toàn
chưa hề có một truyện ngắn nào được đăng trên báo địa phương chứ chưa muốn nói
ở trung ương. Cuốn văn xuôi đầu tiên “Ngôi nhà của thượng úy về hưu” (tập kí) của
Hà Đức Toàn được xuất bản vào năm 1990. Bước sang thế kỉ XXI ông mới lần lượt
xuất bản tiểu thuyết “Đồi ba ông đầu rau”, “Tiếng hổ gầm”... Còn nhà thơ Ma Trường
Nguyên cũng là một cây bút thơ từ thời Việt Bắc kéo sang thời “hậu Việt Bắc”
chứ không phải văn xuôi. Tận năm 1991 Ma Trường Nguyên mới có cuốn tiểu thuyết
đầu tiên là “Mũi tên ám khói”. Vậy mà sao ông Thọ dám phán một cách xanh rờn
: “Trước hết, phải kể đến các lão tướng có thể coi là đã
hoàn thành xuất sắc vai trò, sứ mạng của họ đối với văn xuôi Thái Nguyên như Hà
Đức Toàn, Ma Trường Nguyên…Họ đã đi qua một thời trai tráng, một thời thanh
niên sôi nổi và dẫu họ có ngừng viết thì lịch sử văn học Thái Nguyên không thể
không nhắc đến tên tuổi của họ như những cây bút mở đầu cho văn xuôi Thái
Nguyên thời kì hậu Việt Bắc”. Trời ơi! Liệu ông Thọ có biết, vào những năm
kể từ khi Khu Tự trị Việt Bắc giải thể đến năm 1980, rồi 1990, khi mà các tác
giả như Nông Minh Châu, Xuân Cang, Vi Hồng, Vũ Duy Thông, Nguyễn Đức Thiện, Nguyễn
Minh Sơn, Trịnh Thanh Sơn, Vũ Nho, Hồ Thủy Giang, Chu Hồng Hải, Đồng Tâm, Nguyễn
Anh Bình, Ba Luận, Nguyễn Hải Lưu… cùng những tiểu thuyết và truyện ngắn của họ
được xuất bản và đăng tải thường xuyên trên các báo lớn ở trung ương như Báo
Văn nghệ, Tạp chí Tác phẩm mới (một ấn phẩm có uy tín của Hội nhà văn Việt Nam
thời ấy), Văn nghệ Quân đội, Tiền phong, Nhân dân, Người giáo viên nhân dân với
nhiều giải thưởng sáng giá thì Hà Đức Toàn và Ma Trường Nguyên (những người mà
ông Thọ đánh giá là những tác giả mở đầu cho văn xuôi của thời kì hậu Việt Bắc
của Thái Nguyên) chưa hề có một đầu sách văn xuôi trình làng (vì lúc ấy họ là
những người làm thơ và có những đóng góp đáng kể). Vậy, không phải ai khác, mà
chính loạt tác giả tôi vừa nêu tên ở trên mới là những người mở đầu và làm nên
một thời kì sáng tạo hoàng kim của văn xuôi “hậu Việt Bắc” ở Thái Nguyên. Một
sự lầm lẫn “khủng” mà một nhà phê bình có kiến thức và chân chính không thể
mắc.
Tôi cũng hoàn toàn không nhất
trí với nhận định của ông Thọ về hai nhà văn đã quá cố là Nông Minh Châu và Vi
Hồng. Ông Thọ cho rằng: “Nông Minh Châu
là người công bố truyện ngắn đầu tiên, tiểu thuyết đầu tiên của văn xuôi các
dân tộc thiểu số. Nhưng từ đó cho đến hết cuộc đời, ông hoàn toàn không có một
dấu ấn nào nữa. Vì sao vậy, đơn giản là vì ông không bắt kịp sự phát triển của
văn chương đương thời”. Tôi rất ngờ sự hiểu biết của ông Thọ về nhà văn
Nông Minh Châu, một nhà văn được nhắc tới không ít trong sách giáo khoa. Phải
chăng, ông Thọ quan niệm “dấu ấn” ở đây phải là đoạt giải Nô- ben hay ít nhất
là giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam? Nhận định về nhà văn Nông Minh Châu
như vậy là bất công lắm đấy ông Thọ ạ. Nên hiểu, sau “Muối lên rừng” xuất bản
năm 1964, Nông Minh Châu vẫn luôn giữ được phong độ sáng tác, mặc dù sức khoẻ
của nhà văn không được tốt lắm. Ngoài việc làm thơ với sự xuất bản khá đều đặn,
trong những năm từ 1964 đến khi từ trần (1979), Nông Minh Châu còn viết một
loạt truyện ngắn, kí đăng tải trên các báo, chí ở Trung ương. Năm 1978 với bàn
tay “bà đỡ” của biên tập viên Nông Phúc Tước ở nhà Xuất bản Văn hóa dân tộc,
tập truyện ngắn “Tiếng chim gô” của Nông Minh Châu đã ra đời và có được dư luận
tốt. Những người cầm bút trẻ chúng tôi ngày ấy đã đọc tác phẩm của Nông Minh
Châu và coi đó như một tấm gương sáng tạo. Ông Thọ cũng nên hiểu thêm, vào thời
kì đó, khoảng trên dưới mười năm mà được xuất bản một tập truyện ngắn hoặc một
cuốn tiểu thuyết đã là một dấu ấn đối với các tác giả hoạt động ở địa phương và
phần nào cả ở trung ương nữa.
Còn những nhận định của ông
Thọ về nhà văn Vi Hồng thì quả là tôi phải “rùng mình” về sự thiếu cẩn trọng
của một nhà phê bình văn học (nếu đáng gọi là như vậy). Hãy xem ông Thọ hạ bút
về Vi Hồng khi ông đưa vào văn cảnh tiếp nối với những nhận xét về nhà văn Nông
Minh Châu: “Vi Hồng cũng vậy, nếu ông còn
sống và còn sáng tác ở thời điểm hiện tại, tôi cam đoan rằng ông sẽ chỉ là cái
bóng của chính mình, cái bóng bị chính thời gian làm mờ nhòe và không thoát ra
được. Vi Hồng sẽ không thể vượt qua được cây cầu truyền thống để đến với văn xuôi
hiện đại đang sải những bước dài mạnh mẽ từ sau Đổi mới”. Chao ôi! Không rõ
dựa vào đâu mà ông Thọ dám phán xét về tiền nhân như vậy. Liệu ông Thọ có biết
rằng ở Việt Nam
đã có không ít các nhà văn tuy không còn trẻ nhưng đã từng vươn mình, thậm chí
lột xác để thích ứng với văn chương hiện đại. Tất nhiên Vi Hồng không còn nữa,
không thể có những tác phẩm tiếp theo. Nhưng đó đâu phải là điều để ông Thọ
liều mình nhận định một câu thiếu trách nhiệm và vô căn cứ như vậy. Hơn nữa, tôi
xin nói thêm, tác phẩm “Đường về với mẹ chữ” của Vi Hồng được xuất bản năm
1997, cũng là năm Vi Hồng từ trần, đã đoạt giải nhất trong cuộc vận động viết
về thiếu nhi do Nhà Xuất bản Kim Đồng tổ chức. Đây là một giải lớn, ban giám
khảo là những nhà văn xuất sắc nhất nhì cả nước, chắc không trao giải nhầm. Về
sau, chính tác phẩm này lại là một trong hai tác phẩm được xét để trao giải Nhà
Nước vào năm 2012. Và về phía cá nhân, tôi được biết ngay từ những năm đầu của
thập kỉ 80 thế kỉ trước, Vi Hồng đã nhiều dịp trao đổi với bạn văn Thái Nguyên
về phương pháp hiện thực huyền ảo của Châu Mỹ La tinh, trong khi nhiều người
viết trẻ chúng tôi còn rất mù mờ. Nói vậy để thấy Vi Hồng không phải không có ý
thức đổi mới trong sáng tạo. Ông Thọ đứng trên phương diện nào mà có thể đoán
mò về một nhà văn gạo cội vào bậc hàng đầu ở địa phương Thái Nguyên và các nhà
văn dân tộc thiểu số của cả nước như vậy? Vô lý quá ông Thọ ơi! Liệu có ai
buông lời phán xét đón đầu những tác
phẩm không bao giờ còn có thể xuất hiện được nữa như vậy không?
Trong bài viết, ông Thọ cũng
đề cập nhiều đến các nhà văn lớp sau, đương thời của Thái Nguyên. Đó là các nhà
văn ít nhiều đang được ông chứng kiến, theo dõi trên đường văn chương chứ không
phải là các nhà văn lớp trước mà khi các tác phẩm của họ đã lan truyền khắp cả
nước thì ông mới cất tiếng chào đời. Vậy mà ngay cả khi viết về các cây bút
đương thời, ông Thọ vẫn tỏ ra loạng choạng như người đi trên dây. Số lượng liệt
kê về tác giả của ông từ những năm cuối thế kỉ XX bước sang thế kỉ XXI cũng
chưa thể hiện đầy đủ bản chất của đội ngũ. Thưa ông, thời kì này, người viết
văn xuôi Thái Nguyên không chỉ có Phạm Đức, Bùi Như Lan, Ngọc Thị Kẹo… như ông
đưa ra. Tất nhiên ông cũng có dùng dấu ba chấm. Nhưng trên bảng điểm danh của
ông, nhiều cái tên đáng nói thì lại thiếu vắng. Ví như nhà văn đã khuất Trần
Quang Toàn, một cây bút có thể nói là duy nhất viết về mảng nông thôn ở Thái
Nguyên với năm tập truyện ngắn được bạn đọc Thái Nguyên đón đọc cùng những giải
thưởng cao; hoặc Nguyễn Văn, Dương Thu Hằng, Hoàng luận, Lê Thế Thành, Phạm Quý,
Phan Thức… là các tác giả từng đoạt những giải thưởng ở trung ương và đã xuất
bản nhiều đầu sách riêng được phát hành trên phạm vi toàn quốc, được giải
thưởng ở trung ương và địa phương, đã góp phần làm nên diện mạo cho văn xuôi
Thái Nguyên trong những thập niên đầu của thế kỉ XXI. Tất nhiên ông có quyền
nhắc đến người này và không nhắc đến người khác, nhưng cái quyền đó cũng nên có
giới hạn chứ không thể sử dụng một cách thiếu khoa học. Tôi đồ rằng, ông
Thọ đọc các tác giả văn xuôi Thái Nguyên một cách rất hạn chế nên trong bài
viết ông không đưa ra được những minh họa làm sở cứ cho những nhận định của
mình. Ví như trường hợp nhà văn Bùi Như Lan, một tác giả “xuất chiêu” từ đầu
thế kỉ XXI nhưng đã như một niềm tự hào cho người sáng tác Thái Nguyên với nhiều
tập truyện ngắn xuất sắc như “Tiếng chim kỉ giàng”, “Mùa mác mật”, “Hoa mía”….
cùng những giải thưởng lớn ở trung ương. Tôi có thể nói thêm rằng, với một nhà
phê bình công tâm và sâu sắc thì không
thể không nhắc đến nhà văn Bùi Như Lan như một hiện tượng của văn xuôi Thái Nguyên
trong thời kì “hậu Việt Bắc”, chính xác hơn là thời kì Đổi Mới. Phẩm chất của
một nhà phê bình ở đâu mà chỉ thấy ông nói về Bùi Như Lan trơ trọi một cái tên cùng
một dòng quá ư giản lược? Với Nguyễn Minh Sơn cũng vậy. Hiện giờ, với hoàn cảnh
gia đình và sức khỏe, anh đã sáng tác ít hơn so với những năm trước, nhưng có
thời là một trong những cây bút được bạn đọc Thái Nguyên mến mộ. Vậy mà ông nhận
xét về Nguyễn Minh Sơn cứ như một trò đùa: “Nguyễn
Minh Sơn là một người lính đã đi qua những năm tháng ác liệt nhất của cuộc
kháng chiến chống Mỹ. Anh là một thày giáo dạy văn có năng khiếu văn chương và
trong một phạm vi nhất định của sáng tạo nghệ thuật”. Lạ thật! Một đời văn
của người ta mà lại quăng ra vài câu hời hợt như vậy sao? Có khác nào như khen
một tác phẩm văn học lại đi khen cái bìa đẹp.
Hai tác giả Phan Thái và
Minh Hằng được ông Thọ phân tích khá tỉ mỉ ở phần cuối bài (khoảng nửa non toàn
bài viết). Cái “tít” bài của ông là nói về các tác giả “hậu Việt Bắc”. Nhưng Phan
Thái và Minh Hằng không hiểu có ai xếp vào các nhà văn hậu Việt Bắc không, mà
sao lại có sự phân tích “nặng cân” đến vậy?
Với nhà văn Minh Hằng, tôi
không có ý kiến gì khi ông Thọ đánh giá về truyện ngắn của chị. Công bằng mà nói,
ông Thọ đã có những nhận định khá chính xác về truyện ngắn của nữ nhà văn này.
Nhưng sau khi phân tích truyện ngắn của Minh Hằng, ông Thọ đã phán một câu làm
tôi hơi choáng: “Tạng chị không hợp với
đại tự sự. Truyện ngắn của chị sở dĩ rất ngắn, theo tôi là do tình thế tạo ra
chứ không phải là một ý đồ nghệ thuật, viết dài hơn sẽ chỉ là sự dông dài”.
Tôi biết Minh Hằng tuy viết thơ, kí, tản văn đã lâu nhưng lĩnh vực truyện ngắn có
lẽ chỉ thực sự có hiệu quả trong vài năm gần đây. Vậy cũng có thể coi chị là
một cây bút mới, đang đà viết của thể loại này. Tôi muốn hỏi, ông Thọ dựa vào
đâu, tài tiên tri hay óc phân tích kì diệu của một nhà phê bình trác việt để
phán xét về Minh Hằng như vậy? Tuy hoàn toàn không muốn nhưng tôi xin lấy một
dẫn chứng nhỏ về chính bản thân mình để minh chứng cho trường hợp Minh Hằng
(chỉ để làm dẫn chứng chứ không hề có ý phô trương): Suốt từ ngày đầu cầm bút
(khoảng năm 1967) chủ yếu tôi chỉ chung thủy với thể truyện ngắn, nhưng chưa một
bạn đọc, một nhà phê bình nào nỡ nói tôi chỉ có thể viết được truyện ngắn chứ
không viết được tiểu thuyết. Bước vào thập kỉ thứ hai của thế kỉ này tôi mới
thực sự viết những thể loại khác. Trong 5 cuốn tiểu thuyết tôi hoàn thành vào
thời gian này đều được thẩm định, đánh giá công bằng, trong đó có 3 cuốn đoạt
giải ở trung ương. Thiết nghĩ, một nhà phê bình có lương tâm và tỉnh táo, không
bao giờ võ đoán một cách bất công về bất cứ một tác giả nào như vậy. Thêm nữa,
tôi đồ rằng ông Thọ chưa tỏ tường cho lắm về khái niệm “đại tự sự”. Xét về văn
cảnh khi đưa ra thuật ngữ này, thì hình như ông Thọ hiểu đại tự sự theo ý nghĩa
thể loại (Đại tự sự = tiểu thuyết). Ý nghĩa của Đại tự sự không hẹp như vậy
đâu. Còn nếu ông đã “thừa hiểu” thì quả là không nên đặt lên vai một tác giả
mới, lại ở địa phương như Minh Hằng một sứ mệnh lớn đến như vậy.
Còn đây là ý kiến của ông
Thọ về nhà văn Phan Thái: “Tôi cho rằng
Phan Thái dẫu có viết nhiều vẫn không đi được bao xa và không thể vượt qua chính
mình” thì quả lại là một nhận xét hết sức chủ quan và thiếu căn cứ nữa. Ông
nghĩ sao về một cây bút là quyền của cá nhân ông, nhưng nêu ra với ý nghĩa là
một nhận định thì phải thận trọng và đặc biệt là cần có cơ sở khoa học. Vậy mà,
hai nhà văn đã khuất (Nông Minh Châu, Vi Hồng) và hai nhà văn đương thời, đang
đà đi lên ở Thái Nguyên (Phan Thái, Minh Hằng) đều được ông “xuất chưởng” bằng
“thi pháp đoán mò”. Nguy hại lắm lắm đấy ông Thọ ơi! Chắc ông cũng thuộc câu
thơ của Tú Xương: “Văn chương nào phải là
đơn thuốc/ Chớ có khuyên xằng chết bỏ
bu”.
Có một sự thật là những
người viết văn xuôi ở Thái Nguyên chúng tôi trong nhiều năm qua đã cố gắng hết
mình, đã đóng góp được một phần, dù hết sức bé nhỏ, với nền văn chương cả nước.
Nhiều anh chị em đã không quản ngại khó khăn để vươn lên. Nhưng đòi hỏi người
sáng tác ở Thái Nguyên có nhiều những Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Bình Phương hoặc
Cao Bằng có nhiều Cao Duy Sơn, Y Phương là điều không thể. Dù thế nào đi nữa
thì hoạt động văn chương ở các tỉnh lẻ cũng ít nhiều khó thoát khỏi ý nghĩa
phong trào. Nhưng nói theo nhà văn Vi Hồng là có nụ mừng nụ có hoa mừng hoa. Xin
đừng ai bứt nụ bẻ hoa làm hại đến nền văn chương mà chúng tôi đang hết lòng gìn
giữ và gắng công phát triển.
Thiết nghĩ cũng nên có vài
lời về phía biên tập và đọc duyệt của tờ báo đặt bài. Đặt bài ai tất nhiên là
quyền của tòa soạn, nhưng tôi chỉ lấy làm lạ là trong khi ở tỉnh ta không ít
lắm những nhà lý luận phê bình chuyên nghiên cứu về giai đoạn văn học sau khi
Khu Việt Bắc giải thể và giai đoạn văn học vào thời kì Đổi Mới ở Thái Nguyên nhưng
không được tòa soạn “để mắt” tới mà lại đặt bài một người viết phê bình chưa nhiều,
nhất là đối với mảng văn xuôi như ông Thọ? Hơn nữa, với một bài viết có tầm
quan trọng (những giai đoạn văn học, những thế hệ văn chương của một địa
phương), có sự động chạm tới không ít người như kiểu bài viết của ông Thọ mà
tòa soạn không nghĩ tới việc sử dụng các chuyên gia trong thẩm định, biên tập
thì quả là một sơ suất đáng tiếc, nếu cho đó là một sơ suất.
Vài lời cùng ông Nguyễn Kiến
Thọ như vậy, nếu có điểm nào còn hạn chế của một người xưa nay chủ yếu chỉ sáng
tác chứ không quen với các kiến thức hàn lâm như tôi, xin được các bạn văn lượng
thứ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét