Thứ Năm, 22 tháng 3, 2018

Ai lên xứ Lạng...





                                             Cửa khẩu Hữu Nghị Việt Nam (nhìn về từ phía Trung Quốc)
AI LÊN XỨ LẠNG…

                            Vũ Nho

Xứ Lạng đã vào ca dao từ khi nảo khi nào. Các nhà nghiên cứu địa danh  cho rằng địa danh Lạng Sơn xuất hiện  năm Tân Tỵ 981. Nhưng trước đó, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Hinh, “ít ra từ thời Đường (thế kỉ thứ VII – X) địa danh Lạng đã ổn định” (*). Hiển nhiên trong bài ca dao cổ, xứ Lạng là một xứ đầy hấp dẫn mọi người với các danh thắng và ẩm thực :

Đồng Đăng có phố Kì Lừa

Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh

Ai lên xứ Lạng cùng anh

Bõ công bác mẹ sinh thành ra em

Tay cầm bầu rượu nắm nem

Mảng vui quên hết lời em dặn dò…

          Do điều kiện công tác của mình, tôi đã nhiều lần lên xứ Lạng. Và không ít lần đến với biên giới Việt- Trung không chỉ ở tỉnh Lạng Sơn.

Tôi đã đến  Cao Bằng  thăm thác Bản Giốc , đến Pác Bó nhìn lên cột mốc 108, nơi Bác Hồ sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài trở về Tổ quốc ngày 28 tháng 1 năm 1941.

Tôi đã  thăm Lào Cai, qua cửa khẩu Lào Cai sang Hà Khẩu của Trung Quốc.

Tôi đã lên Hà Giang, qua cửa khẩu Thanh Thủy sang Trung Quốc.

Ở Lạng Sơn, lần đầu tiên sang Trung Quốc qua cửa khẩu Hữu Nghị, tôi đến Bằng Tường rồi trở lại.

Tôi đã hai lần đến cửa khẩu Tân Thanh.

Những nơi biên giới tôi đã đến đều để lại trong mình một ấn tượng không vui. Đó là phía bên kia biên giới, nước bạn xây dựng cái gì cũng đàng hoàng, cũng quy củ, gọn gàng. Còn phía Việt Nam thì đơn giản, thậm chí đơn sơ, quá đơn sơ  đến mức gần như hoang sơ. Điển hình là ở Bản Giốc vào thời điểm tháng 10 năm 2002, khi chúng tôi thăm và làm việc ở Trùng Khánh.

Ấn tượng không vui nhất là vào tháng 3 năm 2010, đoàn nhà Văn của Hội nhà văn Hà Nội đi thực tế, tham quan thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây Trung Quốc. Chúng tôi xuất cảnh qua cửa khẩu Hữu Nghị. Chỗ làm việc của phía ta thật vô cùng nhếch nhác. Lá cờ Tổ quốc cắm phía Việt Nam ngày chúng tôi qua vừa bạc màu lại vừa không lành lặn. Nhà vệ sinh vừa không vệ sinh với mùi khai, vừa phải trả tiền hai ngàn đồng một lượt. Chỉ qua mấy chục bước chân, sang đất bạn thì đã khác hẳn. Mọi thứ ngăn nắp, sạch sẽ. Chỗ vệ sinh đàng hoàng và miễn phí hoàn toàn. Các nhà văn vốn nhạy cảm nên… ai cũng buồn phiền.  Còn buồn hơn khi chúng tôi chụp ảnh trước Hữu Nghị Quan, vốn là Mục Nam Quan ngày trước, nhưng giờ đã nằm gọn trong đất bạn.

Có thể nói là lần này lên Lạng Sơn, cái cảm giác buồn phiền và khó chịu đó vẫn ám ảnh tôi cho đến tận khi xe  ô tô của Sở Văn hóa được đồn biên phòng cho phép đưa đoàn nhà văn đến cột mốc biên giới 1116, cột mốc cỡ đại có quốc huy Việt Nam.

Thật vô cùng sung sướng và kinh ngạc.

Tôi nhìn thấy khu làm việc  xuất nhập cảnh của ta được xây dựng rất đàng hoàng, to đẹp. Tòa nhà mới xây thật hoành tráng ( còn lớn hơn nhà phía Trung Quốc). Bên kia biên giới, một tòa nhà đang xây dựng nhưng vị trí và độ hoành tráng không thể sánh với phía Việt Nam. Hai cột mốc do ta và phía bên kia thi công sừng sững hai bên bờ dốc. Tuy kích cỡ  cột đá và quốc huy, cỡ chữ ngang nhau, nhưng cột do phía Việt Nam thi công  mang số 1116 hình dáng đẹp hơn hẳn  cột mang số 1117 phía bên kia thi công. Một điều  ai cũng nhận thấy là cột mốc phía chúng ta  thi công vẫn sừng sững  trên nền đất vững chắc, thì  cột phía phía bên kia  thi công đã có dấu hiệu nứt rạn nền,  do đất chảy gây lún sụt. Theo hành lang được xây cất đẹp mắt, có mái che, từng đoàn người qua cửa khẩu sang Trung Quốc. Có nhiều người Việt Nam qua cửa khẩu làm ăn, du lịch. Cũng có không ít người Trung Quốc qua Việt Nam  làm ăn, du lịch trở về.

Thiếu tá Lê Công Minh dẫn đoàn nhà văn đi. Anh giới thiệu mạch lạc như một hướng dẫn viên du lịch. Hỏi ra mới biết, anh vốn ôm mộng viết báo, làm văn. Đã từng dự thi vào Tổng hợp Văn, nhưng thiếu một điểm nên đành chuyển sang binh nghiệp. Dưới sự hướng dẫn của anh, nhiều nhà văn đã chụp ảnh với cột cây số không của đường quốc lộ số 1A có chữ Hữu Nghị. Theo thỏa thuận của hai bên, cột cây số vẫn giữ nguyên hình dáng và vị trí như một dấu tích Lịch sử.

Sau khi thăm cửa khẩu, đoàn chúng tôi thăm đồn biên phòng cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị.  Một cơ ngơi khang trang, gọn gàng. Câu chuyện của thượng tá Vương Quang Thắng, chính trị viên và của Trung tá Bùi Xuân Tài, đồn trưởng với các chi tiết đời thường làm cho các nhà văn vô cùng thích thú. Chúng tôi cùng ăn bữa cơm chiến sĩ với các anh. Mọi người rất vui vì đời sống các chiến sĩ biên phòng của ta khá tươm tất.  Cổ nhân dạy “ Thực túc binh cường” - Vật chất đầy đủ thì quân đội  mạnh. Ngày hôm sau chúng tôi cũng ăn cơm cùng chiến sĩ ở đồn biên phòng Chi Lăng thuộc huyện Đình Lập. Một ở nơi phố thị, một ở nơi thuộc vùng xa nhưng  đời sống không chênh lệch. Chúng tôi tin các anh  bộ đội biên phòng  đủ sức để bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc.

Riêng tôi,  sự thay da đổi thịt đến ngỡ ngàng  của cửa khẩu Hữu Nghị phía ta làm cho tôi vui suốt chuyến đi. Cả khi ngồi viết lại những dòng này, tôi cũng còn tràn đầy cảm hứng. Tôi muốn nói với hơn 30 nhà văn Hà Nội từng qua cửa khẩu Hữu Nghị  tháng 3 năm 2010 và tất cả mọi người rằng thật vô cùng tự hào khi chúng ta có một cửa khẩu quốc tế  Hưũ Nghị  khang trang, đẹp đẽ, xứng tầm với đất nước giàu đẹp và có một nền văn hiến lâu đời.

Không chỉ có cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn còn có nhiều địa điểm đáng thăm. Hữu Lũng, Chi Lăng, Lộc Bình, Đình Lập, Bắc Sơn, Bình Gia, Cao Lộc, Văn Quan,Văn Lãng, Tràng Định…  Khu tưởng niệm nhà cách mạng Hoàng Văn Thụ, Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn, vườn quýt hang Hú, Khu  di tích khảo cổ Thẩm Khuyên, Đền Mẫu,  khu du lịch Mẫu Sơn, làng văn hóa Quỳnh Sơn…nơi nào cũng đẹp, cũng mến khách.

Đường quốc lộ 1A đang nâng cấp và mở rộng thành cao tốc. Khi hoàn thành, thời gian từ Hà Nội lên Lạng Sơn chỉ khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ. Du lịch Lạng Sơn sẽ vô cùng thuận tiện. Vậy đấy, nhớ bài ca dao cổ,  tôi nghĩ rằng một đời người ít nhất cũng phải một lần lên xứ Lạng thì mới “ bõ công bác mẹ sinh thành”. Nói thể hẳn là không quá!

                                                           Hà Nội, 26/11/2017


*) Hữu Sơn - Tìm hiểu chữ “ Lạng” trong địa danh Lạng Sơn. Văn Nghệ xứ Lạng, số 288, tháng 10 năm 2017

                                         Vũ Nho ở cột mốc đại số 1116

                           Cùng các  cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng cửa khẩu Hữu Nghị

                                  Ở cột mốc đồn biên phòng Bản Chắt


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét