Cảm nhận tiểu thuyết TRĂN TRỞ MỘT ĐỜI
Đọc “Trăn trở một đời ” của Nguyễn Mạnh
Thắng, nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2018
Vũ Nho
Thật ra, theo những điều mà tác
giả đã viết trong những tập thơ của mình, tiểu thuyết này của anh gần như là một
“ hồi kí tự truyện”. Không sao! Nếu sách ở dạng tự truyện, sẽ khó cho tác giả vì
những lí do tế nhị. Là “tiểu thuyết” thì cho phép người viết “hư cấu” nhiều hơn,
“bịa” thêm nhiều hơn. Và quan trọng nhất là nhân vật, dù có mẫu nguyên xi ngoài
đời, nhưng đã mang tên khác, là người khác. Tránh cho tác giả những phiền phức
không đáng có.
Không cần phải công phu khám phá
gì, thấy ngay tác phẩm “tiểu thuyết” đầu tay của nhà thơ còn thiếu kinh nghiệm. Ba phần đầu
chỉ vẻn vẹn có 51 trang in, phần sau gồm 278 trang. Đã thế phần một có
nhan đề “Tình mẹ”. Các phần sau lại không có nhan đề. Mà cái nhan đề “Tình mẹ” ấy
cũng không bao quát, không gây được ấn tượng gì sâu sắc, ngoài chuyện kể bà Cao góa chồng từ năm 21 tuổi, nuôi cậu con
trai đến khi cậu 13 tuổi thì bà cưới vợ cho con. Rồi bà nói với con trai rằng bà
muốn đi bước nữa với ông Đậu, người cùng làng.
Cả phần một, phần hai và phần ba đều viết bằng giọng “kể”. Câu
chuyện rềnh rang, chỉ xoay quanh chuyện bà Cao lấy vợ cho con, rồi bà lấy ông Đậu,
nhận một thằng bé làm con nuôi, đặt tên là Đình Lợi. Rồi bà Cao đứng lên lấy vợ
hai cho chồng mình mong cho ông có người nối dõi. Nói chung ba phần này
viết non tay, nhân vật không có gì đặc biệt. Nếu bạn đọc là người khó tính,
có thể bỏ sách xuống và hạ một câu : Nhạt! Chả có gì đáng xem!
Nhưng nếu ai kiên trì đọc tiếp phần
bốn, phần chính của cuốn sách này thì mới thấy cái hay của tiểu thuyết “Trăn trở một đời” . Nhân vật chính, chàng
trai Nguyễn Đình Lợi, con nuôi bà Cao, ông Đậu có một cuộc đời chìm nổi đầy trải
nghiệm trong cuộc chiến tranh chống Mĩ. Phần này, vẫn với văn phong “kể” như ba
phần trước, nhưng nhờ có nhiều “chuyện” để kể; nhờ cuộc đời lắm phức tạp, gian
nan, ngang trái; và nhờ một trí nhớ tốt, một giọng kể có duyên, do vậy mà những yếu tố đó đã làm nên thành công của
cuốn sách. Cuộc đời nhân vật chính Đình Lợi có nhiều nét giống với cuộc đời thực
của tác giả, nên yếu tố “tự truyện” là khá rõ. Nhưng không sao. Chính cuộc đời
lính tráng và những mất mát, tan vỡ, rồi may mắn của người viết, tự nó đã là một
“tiểu thuyết” hấp dẫn.
Anh chàng
Nguyễn Đình Lợi dù là con một , dù đã có giấy gọi nhập học Đại học vẫn kiên quyết
xin đi bộ đội. Cái thời của Lợi là thế “ Cả nước lên đường” mà! Anh chàng được thưởng phép về vì bắn giỏi, được chị phó
bí thư chi đoàn cho “vào đời”. Rồi anh
chàng khám tuyển phi công mọi tiêu chuẩn đều đạt, riêng mắt thì …bị đánh trượt.
Sung vào đơn vị lính dù, nhảy dù bị gió bay tạt sang sườn núi bên kia, bị dân quân bắt vì tưởng là “phi công Mĩ”. Đơn vị
lính dù giải tán, Lợi lại trở về huấn luyện lính đặc công. Phải là người lính
thời đó được huấn luyện, được thông tư tưởng, và phải có trí nhớ tốt mới nhớ được
lời của Lữ đoàn trưởng “ Tư tưởng còn
chưa thông, mang cái bình tông cũng không nổi”. Lợi lăn lộn ở chiến trường,
sốt rét, bị thương phần mềm. Hết làm lính
trinh sát đặc công, phụ trách máy bộ đàm, rồi lại chuyển sang hậu cần, làm
lính xăng dầu cho đến ngày đất nước giải phóng. Những kỉ niệm chiến trường ăn sâu
trong trí nhớ. Và Lợi còn ghi chép nhật
kí vào sách hướng dẫn máy 2 oát thông tin gửi về nhà. Chuyện cứu bạn ngã
xuống vực; chuyện ông tướng nói đùa chỉ có một sao, còn thấp hơn quân hàm binh
nhất; chuyện đơn vị trọc đầu như sư; chuyện vắt; chuyện muỗi, chuyện anh Nhung
về Bắc hai ngày cưới vợ cấp tập theo ý gia đình; chuyện bị sức ép hầm bị lấp; chuyện đặt mìn định hướng; chuyện nằm chung với
các tử sĩ, suýt bị công binh nhầm là tử
sĩ khiêng xuống chôn… Đủ cho người đọc thấy được sự gian khổ của cuộc chiến. Đó
cũng là một phần giá trị của tập sách viết
về hiện thực chiến tranh. Nó bổ sung thêm những ấn tượng cuộc chiến mà chúng ta
đã biết qua những tập sách “Nỗi buồn chiến
tranh” (Bảo Ninh), “Hồi ức lính” ( Vũ Công Chiến), “ Chuyện lính Tây Nam” ( Trung Sĩ),…
Vũ Nho, chủ trang
Theo tôi, điều đặc biệt của số phận
anh lính Đình Lợi chính là nét riêng, nét độc đáo của cuốn sách này. Câu chuyện bắt đầu từ ngày trở về. Cái tâm trạng “về” của
nhân vật được bộc lộ khá rõ trong lời nói với quân lực Trung đoàn về việc đợi phong quân hàm : “Chúng tôi về đi cày. Thôi mấy ông cứ giữ lại
đó, nếu có cuộc chiến tranh nữa thì gọi chúng tôi tái ngũ, rồi phong hàm Tướng
cho chúng tôi. Bây giờ không còn đủ kiên nhẫn đợi phong quân hàm đâu!” (
trang 167). Lợi mong về, sốt ruột về như
thế vì đã phong phanh tin vợ có con với người khác. Và sự bức xúc của người lính
ngày trở về đã được nhân vật cảm tác: “ Giá mình cũng chết như ai/ Khắc tên bia mộ,
cắm vài nén nhang/ Không may sống sót về làng/ Mới là chết thật tan hoang cửa
nhà/ Vợ sinh con với người ta…” (
trang 209).
Vợ Lợi là người
lấy anh trong trận lụt kinh khủng ở quê. Ba ngày cưới thì 2 ngày cô “treo cờ trắng”.
Mãi hôm thứ ba về nhà máy mới được chị em nhường cho một đêm “động phòng”. Rồi đơn
vị chưa hành quân ngay, nên vợ chồng Lợi có thêm một đêm nữa. Thế rồi Lợi biền
biệt nơi bom đạn không biết sống chết ra sao. Bởi vậy khi biết tin vợ có con với
người khác, Lợi vẫn nghĩ theo tinh thần rộng lượng, bao dung rằng tại chiến
tranh, tại hoàn cảnh. Bởi vậy mà Lợi không hắt hủi vợ, không hắt hủi cả đứa con
không phải dòng máu của mình. Điều trăn trở của Lợi chính là vì tương lai của
những đứa trẻ. Anh chấp nhận tất cả để
nuôi cho con cái trưởng thành. Thật đáng cảm phục cái tình và sự hi sinh khi hòa bình của một người lính. Tình cha con thật là “phụ tử tình thâm”. Sau
này, Lợi còn chấp nhận bỏ việc Giám đốc đại diện để làm người trông coi dựng nhà
cho con. Và đứa con trai riêng của anh,
đứa con trai sau của người khác, Lợi đều
lo toan, nuôi nấng cho học hành chu đáo,
có bên có bề.
Sự cố gắng hàn
gắn của Lợi không có kết quả. Bởi “tình cũ không rủ cũng đến”. Cô vợ vẫn lén lút
quan hệ với tình nhân. Lại còn ghen ngược dùng dao chém chồng. Kết cục là hai người ra tòa, chấm dứt sự nặng nề càng hàn gắn càng vỡ vụn của quan hệ vợ chồng.
Riêng chuyện vợ chồng Lợi, từ khi
lấy nhau ở quê, tiễn nhau ở cơ sở nhà máy
của vợ, đoàn tụ sau chiến thắng 1975, cho đến ngày chia tay nhau tại tòa cũng là một
câu chuyện buồn đáng suy ngẫm, cảm thương.
Tiểu thuyết có
một kết thúc có hậu như là cách kết thúc thường thấy của truyện cổ tích. Lợi làm
thơ, viết văn. Rồi Lợi được một bạn đọc chênh lệch tuổi tác thương thầm và quyết
tâm đền bù cho những mất mát của người lính già. Cuộc tỏ tình của “cháu bạn đọc”
với chú Lợi , rồi cuộc họp gia đình, cuộc ra mắt họ hàng nhà gái được kể lại mộc
mạc, hóm hỉnh và hấp dẫn.
Như đã nói, vốn
là một người lính, một người thợ cơ khí bậc cao, mãi đến những năm tháng nghỉ hưu,
Nguyễn Mạnh Thắng mới bắt đầu làm thơ và viết văn. Từ năm 2007 đến nay, anh đã
công bố 9 tập thơ, 2 tập truyện ngắn và bây giờ là 1 tiểu thuyết. Nghĩa là bình quân chưa đầy 1 năm, anh có một tác phẩm
trình làng. Tôi đã đọc hầu hết các tập thơ, hai tập truyện ngắn và tiểu thuyết
này. Tôi cho rằng thành công của Nguyễn Mạnh Thắng là ở thơ, ở tiểu thuyết chứ
không phải là truyện ngắn. Tất nhiên, những truyện ngắn như là sự tập dượt của
anh để cho anh viết tiểu thuyết, tác phẩm đại tự sự. Và tiểu thuyết này, dù có
nhược điểm ở ba phần đầu, nhưng phần thứ tư là một phần viết thành công. Bạn đọc không chỉ thấy được số phận đặc biệt của một người lính,
mà còn có thể thấy những số phận và tình bạn của những người lính, những người
thợ, ông giám đốc quan liêu, ông cụ giáo
trẫm mình vì bị con trai làm nhục, ông giáo khác bị vợ cắm sừng, phải lén lút đi
ăn xin bằng cách vét phở thừa ở một cửa hàng ăn; và những người giàu lòng nhân ái
như bà Cao, ông Đậu, anh Lợi, cô Ngọc,…
Nhà nông có câu : “ Ngày đầu chưa quen,
đường cày đâu thẳng ngay”. Với người cựu chiến binh, người thợ, nhà thơ Nguyễn
Mạnh Thắng, tiểu thuyết đầu tay “ Trăn trở một đời” nhưng đã có thành công đáng
ghi nhận! Thật là một niềm vui lớn của người cầm bút. Xin được chúc mừng!
Hà Nội, 9 tháng 7 năm 2018
In báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam số 32 ngày 11/8/2018. Đây là bản gốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét