Thứ Năm, 15 tháng 8, 2019

CHUYẾN THĂM NGA CỦA ĐOÀN NHÀ VĂN VIỆT NAM (2010)




CHUYẾN THĂM NGA CỦA ĐOÀN NHÀ VĂN VIỆT NAM (2010)



                                                Vũ Nho





28.V. 2010 Bay 10 tiếng đồng hồ, vượt 7850 km từ Nội Bài, Hà Nội đến Semechevo, Matxcơva. Oleg Bavykin  đón ở sân bay. Về nhà hàng Việt Nam của vợ chồng anh Hoàng, ăn cơm Việt. Sau đó Vũ Nho và Lê Văn Thảo về KS Đại học tổng hợp. HM Tường và Y Ban về nhà Nguyễn  Thị Kim Hiền.

          Khi ở trên tàu bay, ghế trống nên Y Ban lật ghế lên nằm ngủ. Xuống sân bay, Vũ Nho ra trước tìm chỗ lấy hành lí. Mãi không thấy mọi người. Hóa ra Y Ban trùng tên với đứa bị nghi là khủng bố.( Đấy là theo lời Ban, có Trời mà biết được các bác Nga nói với Y Ban điều gì) Mà cũng có thể là máy tính tìm không ra tên của chị chàng nên chúng cứ giữ. Hoặc giả là trong túi xách của Ban có đủ các thứ hàng: 2 quả mướp, 10 bắp ngô, một ít vải tươi, rau ngót, rau húng, ớt tươi, mồng tơi và gi gỉ gì gi…Lạ cái là họ cho qua hết. Xuống nơi tìm thấy hành lí, chất lên xe. Ra ngoài thì Oleg đến. Huy Hoàng, Châu Hồng Thủy gọi điện. Yên tâm.

          Ăn cơm ở nhà hàng Bếp Việt. Hoàng Minh Tường đem Thời của thánh thần ra tặng vợ chồng anh Hoàng. Rồi cả bọn về nhà Hiền để đồ. Kéo sang khách sạn Đại học Tổng hợp. Chụp mấy bức ảnh đêm. Sim điện thoại chưa lắp nên không liên hệ được. Vũ Nho nhờ Huy Hoàng gọi về nhà báo tin cho bác Thìn yên tâm.

          Tối hôm đó anh Lê Văn Thảo loay hoay lắp được sim vào máy. Nhưng anh không gọi được. Hai ông gọi cho nhau cũng không được.  Lúc ba giờ khuya, Vũ Nho gọi cú điện thoại về nhà thành công ( khi đó ở nhà là 6h30 sáng). Tiếp theo anh Thảo cũng gọi được cho con trai. Hai ông ngủ tiếp đến quãng 5 giờ thì dậy. Trời đã sang tanh bành. Hai ông xuống đường đi bộ. Nhà hàng mãi 8h30 mới mở cửa. Đi chán lại quay về đợi giờ đi ăn sáng.

          Đúng 8h 30, hai ông lò dò xuống. Nhà hàng đã mở cửa. Vũ Nho cẩn thận hỏi xem giả bằng Đôla có được không. Trực nhật trả lời là không. Vậy là có một đống tiền nhưng hai ông đành nhịn đói. Lúc này cảm giác hoàn toàn bị cô lập. Điện thoại không liên hệ được. Tiền không có. Anh Thảo bảo nhờ họ gọi ta xi để đi ra chỗ đổi tiền. Ra đó mới có tiền rúp  trả cho ta xi và đi ăn sáng. Vũ Nho nói lại với nhân viên trực khách sạn. Bà ta nói không cần đi ta xi. Đi thẳng từ KS ra, rẽ trái, đi 3 nhà sẽ có chỗ đổi tiền. Thế là hai ông quyết tâm đi. Không thấy dấu hiệu Ngân hàng, nhưng đúng là có một điểm  chi nhánh ngân hàng. Vào tới nơi. Thấy treo tỉ giá đổi và phí đổi từ 1000 đến 10.000  U SD. Mừng quá. Hóa ra không thể đổi dễ dàng. Nhân viên đưa cho Vũ Nho một bản khai yêu cầu điền vào đó Họ tên, nghề nghiệp, số hộ chiếu, ngày cấp, nơi ở hiện tại, và mấy câu hỏi dài dòng rắc rối khác mà không có từ điển, chịu không rõ là hỏi cái gì. Vốn nhanh nhẹn nên Vũ Nho nói rằng lâu lắm không dùng tiếng Nga, không biết hai câu hỏi này thì nên đề Đa hay Nhét? Nhân viên bảo nên đề Nhét. Vậy là đổi tiền xong.

          Khi về Khách sạn thì Ban và Tường cũng đã đến. Anh Thảo muốn vào Bar để ăn sáng, nhưng mọi người bảo sang nhà Kim Hiền. Thế là qua đó.



29.V. Đi thăm bảo tàng Kremli. Không ngờ người xếp hàng đông đến thế. Trước đó, Oleg đỗ xe rồi mọi người đi bộ qua thư viện mang tên Lê- Nin. Trước sân thư viện là tượng của Đốt xtoepxki. Vũ Nho lấy làm lạ. Hơn hai mươi năm trước, đã từng đọc sách cả tháng trong thư viện này. Lại còn tra giúp tài liệu về Văn tâm điêu long cho bạn cùng khoa là Bàn Tiến Tân nữa. Rõ là không có tượng Đốt. Hỏi lại Oleg. Quả đúng như vậy. Bức tượng này mới được đặt trong vòng một chục năm nay.

Mua vé vào cửa đã đông. Xếp hàng vào cửa lại càng đông. Oleg l áu cá đã chia đoàn thành hai nhóm. Một nhóm xếp hàng mua vé. Một nhóm xếp hàng đợi vào. Khi có vé thì không phải xếp hàng nữa. Quả là một sáng kiến hay. Tiết kiệm thời gian. Nhưng hóa ra thiên hạ cũng có người làm. Người đứng trước mình không vào mà nhường cho mình lên. Thì ra là chưa có vé.

          Bảo tàng là một nơi rộng mênh mông với ti tỉ thứ để xem. Nào là Đại bác, nào là chuông vỡ, nào là nhà thờ với những hầm mộ, nào là chỗ cầu nguyện, giáo đường, tu viện, nào là những vòm củ hành dát vàng,…Đi mỏi cả chân. Thế rồi đi ra, chờ Oleg mang ô tô đến để chở ra quảng trường Đỏ. Cả đoàn lại duyệt bộ trên quảng trường. Lăng mộ LêNin vẫn còn đó. Nhưng không có người gác. Và cũng không mở cửa. Năm xưa, trước khi về nước, tôi cũng cố xen vào một hàng khác đứng chờ để được viếng Lê Nin. ( Cũng tò mò xem xác ướp của cụ có khác Bác Hồ ở  lăng Ba Đình không). Bây giờ chụp cho Hoàng Minh Tường một kiểu ảnh. Rồi cả bọn lại duyệt binh trên quảng trường. Vũ Nho trêu đùa là trong Binh đoàn nhà văn Việt Nam tham dự Lễ diễu binh tưởng tượng, có nữ nhà văn Y Ban trong trang phục quần đùi mốt nhất thế giới!

          Trên quảng trường còn lưu lại dấu vết đài xử giảo ngày xưa. Bây giờ mọi người ném tiền xu vào đó để cầu phúc. Cả đoàn chưa tiêu nhiều nên chẳng ai có đồng xu mẻ nào để cầu.

Điều thú vị nhất là những bức vẽ trên vải che ngôi nhà cũ bị phá đi xây lại. Các bác Nga cứ xây ở bên kia, bên này khách du lịch cứ việc tham quan. Đấy chẳng qua chỉ là vải da rắn mà Hà Nội vẫn che các nhà xây dở. Nhưng họ làm đẹp và khéo đến nỗi cứ nghĩ đó là các tòa nhà cổ kính tự ngày xưa!



 Trên đường đi rẽ qua Trụ sở Hội nhà văn Cộng hòa liên bang Nga. Nhà 13 đại lộ Kon xomonxki. Tòa nhà khá to. Phòng Oleg nhỏ ở ngay tầng một. Oleg dẫn lên Hội trường. YBan đóng vai chủ tịch đoàn cười toe. Còn Vũ Nho cũng chụp một ảnh đang giơ tay chào mọi người ở dưới.



Tối lên tàu hỏa đi Vanđai. Ra ga Xanh Petecbua.  Vợ của Oleg lái một xe, cháu Sơn, con trai Kim Hiền lái một xe chở cả đoàn và đồ đạc. Tại đó là quảng trường ba ga. Mỗi ga mỗi vẻ. Khi lên tàu, các bác Nguyễn Huy Hoàng, Châu Hồng Thủy dặn phải hết sức cẩn thận. Đề phòng kẻ gian lọt vào khoang lấy giấy tờ, tiền bạc. Để cho chắc ăn, Kim Hiền, Lê Văn Thảo, Hoàng Minh Tường, YBan chung một khoang. Tất cả đồ đạc để trong khoang này. Vũ Nho và Oleg thì ở khoang bên cạnh. Làm quen với cậu thanh niên học tiếng Tàu ở VladiVoxtoc. Mọi người đi lên toa nhà hàng. Y Ban không đói không có nhu cầu ăn nên coi toa.

Anh Thảo đòi ăn món bánh mì đen, bơ và fomai. Mình đã đặt bia và các món đó. Nhưng chịu chết không nhớ lại được fomai tiếng Nga gọi là gì. Giải thích cho nhân viên bán hàng. Cô không biết tiếng Pháp ( Mình cũng chẳng rõ cái món khỉ gió ấy tiếng Pháp có gọi là Fomai hay không). Loay hoay một hồi, mình nghĩ ra mẹo, giải thích với cô rằng đây là món cùng ăn với bánh mì và bơ. Bơ thì mềm hơn. Còn món đó cứng hơn, dùng dao để thái. Cô bán hàng hiểu ra : xư-rơ phải không? Mình reo lên : Hoàn toàn đúng. Đúng là Xư rơ ( dịch sang Việt là Pho mát). Thế là hoàn thành đơn đặt hàng.

Bữa ăn trên tàu rất ngon.  Bia và bánh mì đen với pho mát, cá trích rất hợp. Hoàng Minh Tường và Oleg gọi rượu. Phấn chấn, nhà văn họ Hoàng nói oang oang. Chẳng hiểu ông xì xồ với Oleg những gì.

Rồi cả bọn cũng kết thúc và trở về khoang của mình.





30.V.

Quãng 1 giờ, Oleg đánh thức tất cả dậy. Đánh răng, rửa mặt. Đã sắp đến Ga VanĐai. Trời tối, có mưa lất phất. Cả nhóm lịch kịch xuống tàu. Hai ta xi đã chờ sẵn. Hiền, Ban, Tường một xe. Nho , Thảo  và Oleg xe kia. Xe đi được một đoạn. Qua điểm bán thực phẩm phục vụ 24/24 giờ. Oleg ra hiệu cho xe dừng lại để vào mua thực phẩm. Đủ các thứ bia, bánh, cá, giò, rau quả. Tường, cùng Hiền và Oleg vào mua. Vũ Nho với anh Thảo ngồi trong xe tán chuyện. Ta xi đi chừng nửa tiếng gì đó thì đến nhà nghỉ của Oleg. Cả nhóm  lại lịch kịch khuân đồ xuống. Ông tài xế khoe bắt được con rái cá để ở sau xe. Cả nhóm xúm vào xem. Ông tài xế tỏ ý sẵn sàng cho nếu các cô gái đồng ý nhận. Cả nhóm cám ơn. Con rái cá bị buộc trong khoang xe phía sau có lẽ đến bảy tám cân. Nhưng nhận con rái cá thì nuôi thế nào, cho ăn ra sao? Cám ơn là thượng sách.

Khuân đồ vào nhà gỗ của Oleg. Đúng là nhà nghỉ của Bá tước. Qua phòng ngoài, phòng giữa vào phòng trong. Cơ man sách vở. Mọi người uống chè nóng, ăn bánh rồi dọn chỗ nghỉ. Hai cô tiểu thư mỗi cô một buồng riêng ở tầng hai. Anh Thảo chọn đivăng tầng hai ( Vũ Nho nhận xét rằng Trưởng đoàn chọn chỗ đắc địa để canh gác và bảo vệ hai cô nương). Vũ Nho cũng có một phòng riêng ở tầng hai. Căn buồng riêng ở tầng ba để không. Hoàng Minh Tường và Oleg ngủ ở tầng một.

Khoảng 9, 10 giờ sáng  thì dậy. Ban và Hiền chuẩn bị bữa ăn. Tường đi múc nước. Nho theo Oleg chở củi xuống đốt lò nhà tắm hơi để chuẩn bị cho buổi chiều. Anh Thảo  cùng với các cô lo bày biện bàn ăn.

Buổi chiều Oleg đưa cả đoàn đi tham dự lễ hội lần thứ bảy cạnh cây thánh giá trong rừng.



Đây là lễ hội được tổ chức mỗi năm một lần. Lần này là lần thứ Bảy. Theo một bài báo mà Oleg viết trên tờ Văn học, khi quân Mông cổ đến đây, chuẩn bị tiến đánh Nopgorot thì xảy ra một sự kiện khiến chúng đột ngột rút lui. Lí do là quân sĩ bị sa xuống đầm lầy rất nguy hiểm. Đứa cháu gái của Thành Cát Tư Hãn bị chết đuối trên sông. Mặt khác, nội bộ có sự chia rẽ, lục đục. Đội quân xâm lược bỗng gặp cây thánh giá chính giáo Nga trong rừng. Có lẽ tin rằng đây là điềm báo không thể đi tiếp. Chủ tướng hạ lệnh quân sĩ quay về. Nhờ đó mà thành Nopgorot không bị quân Tác ta Mông cổ xâm lược.

Buổi chiều hôm đó nắng rất đẹp. Muỗi rừng nhiều vô kể. Những người tham dự đều cầm một cành cây xanh xua muỗi. Đây là nơi giáp ranh của ba huyện ( rai-ôn). Các vị quan khách lần lượt phát biểu. Mỗi vị đứng đầu huyện sau khi phát biểu xong đều giới thiệu đội văn nghệ của huyện mình biểu diễn. Oleg cũng phát biểu. Sau đó anh ta giới thiệu Đoàn nhà văn Việt Nam (lần đầu tiên có khách quốc tế đến dự Lễ hội).Anh Lê Văn Thảo phát biểu. Nguyễn Thị Kim Hiền dịch ra tiếng Nga. Anh nói đại ý vui mừng được tham dự lễ hội. Cả người Nga và người Việt xưa kia đều có chung kẻ thù là giặc Tac-ta Mông cổ. Chúng ta là bạn bè. Giặc Tác ta đã phải rút lui ở đất này. Chúng cũng ba lần bị đánh bại ở Việt Nam. Đặc biệt là trận chiến thắng lần thứ ba trên sông Bạch Đằng. Người Việt Nam đã dùng những cọc gỗ cắm trên sông. Khi nước lên, chiến thuyền quân giặc không nhìn thấy nên đã sa vào trận địa. Quân đội Việt Nam phản công, thuyền giặc bị va vào cọc vỡ và bị đắm. Hiện những cọc gỗ này vẫn còn  lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử, ở Tỉnh Quảng Ninh là tỉnh kết nghĩa với thành phố Nopgorot. Chúng tôi rất vui mời các bạn Nga đến Việt Nam, thăm vịnh Hạ Long, kì quan thiên nhiên của thế giới và xem cọc gỗ Bạch Đằng.

Bài phát biểu của Trưởng đoàn Lê Văn Thảo được nhiệt liệt hoan nghênh. Nhóm  Ban, Tường, Nho hát dân ca và bài hát Nga. Rồi cả nhóm kể cả Trưởng đoàn tham gia các trò chơi dân gian.

Y Ban hôm đó ăn mặc phong phanh nên hơi bị lạnh. Vũ Nho xui đến chỗ bếp than nướng thịt cừu cho ấm. Không những  được ấm, tránh muỗi, Y Ban còn được vị đầu bếp hướng dẫn nướng thịt. Có lẽ nhờ vía của Ban nên thịt nướng bán chạy. Sau đó đầu bếp còn tặng một xâu thịt ngon nhất để cám ơn. Cả nhóm ăn nhẹ, uống rượu sau khi lễ hội kết thúc. Có thứ rau thơm mà Va-xi-a ( bạn của Oleg trồng) rất độc đáo. Gọi là rau anh ăn chị sướng. Cả trưởng đoàn, Oleg, Vũ Nho và Hoàng Minh Tường đều gật gù thưởng thức. Không rõ Oleg và Hoàng Minh Tường thế nào, chứ Trưởng đoàn và Vũ Nho thì cầm chắc là chẳng làm ai sướng cả!



Về trang trại Oleg. Tắm trong nhà tắm hơi đốt bằng củi. Hai tiểu thư tắm trước. Lượt tắm nam 5 người kể cả Va-xi-a bạn của Oleg. Chuyện tắm hơi này Vũ Nho không còn lạ. Hồi ở LêNingrat,  cứ 3 tuần lại rủ  Nguyễn Văn Khải, Đinh Trung Quỳnh ( Thái Nguyên), Nguyễn Việt Hải ( Hà Nội), Cao Gia Nức( Thái Bình) đi tắm. Tất nhiên, với dân Nga, đi tắm có nghĩa là nghỉ ngơi, mang cả bánh mì, giò, cá xông khói, rượu, bia vào nhà tắm. Xông hơi xong ngồi thư giãn, nhậu rồi tắm tiếp.

Hai ông bạn Nga và Vũ Nho tuân đúng luật đi tắm. Không vị nào có mảnh vải che thân. Hoàng Minh Tường và Lê Văn Thảo hoặc ngượng, mà cũng  có lẽ là không biết luật nên diện quần đùi. Kết quả là cũng phải lột tuốt ra khi xông hơi. Va-xi-a lấy cành lá thơm phơi khô, nhúng nước cho mềm rồi đập lưng cho Vũ Nho. Hơi nóng ngùn ngụt. Cành lá thơm quất vào người làm cho mạch máu như dãn ra, người tựa như tỏa thơm…Thật là sảng khoái. Xông hơi chán chê thì có tiết mục chạy ra ngoài dìm người xuống hồ nước lạnh. Chẳng khác nào người ta tôi thép! Lạnh buốt. Mọi thứ đang nở ra bỗng co hết cả lại. Có cảm giác lạ kì. Như đánh mất tiêu những viên ngọc quý trong người! Chỉ nhúng một lát rồi lại vào nhà tắm. Không may, khi xuống hồ, mảnh chai hay vỏ sò làm chân Vũ Nho chảy máu. Thế là đành cầm máu và không xuống hồ “tôi thép” lần hai. ( Lại may mà anh Lê Văn Thảo có mang sẵn băng cá nhân. Vũ Nho lấy một miếng, dán vào chỗ ngón chân cái bị xước. Thế là ổn).

Tắm táp xong về nhậu. Các cô Hiền, Ban đã chuẩn bị bữa tiệc thịnh soạn. Va-xi-a người gác rừng là bạn học của Oleg mang đến dưa chuột tự muối, rượu tự nấu ngâm lá thuốc ngon tuyệt.  Có lẽ cần phải nói một chút về Va-xi-a. Khi ba Oleg làm Giám đốc nhà nghỉ dưỡng Van Đai ( Dành cho cán bộ cao cấp của Liên xô) thì ba của Va-xi-a làm Đầu bếp trưởng của nhà nghỉ. Hai anh bạn cùng học trường phổ thông với nhau, chơi thân với nhau. Bây giờ tình cảm ấy vẫn gắn bó. Rượu ngon, thức nhắm ngon, người ngồi cùng ăn ngon, giờ ăn, chỗ ngồi ăn ngon. Cứ theo việc bàn về sự ngon của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu thì bữa tiệc tối ấy đáp ứng đủ các tiêu chuẩn. Vì thế mà uống rất vào. Xong lại còn hẹn quay trở lại Van Đai  vào mùa Đông để đục băng câu cá. Oleg đem ra cái quần lùng thùng như quần phi công vũ trụ. Vũ Nho mặc thử và Y Ban chụp một kiểu ảnh độc nhất vô nhị về anh chàng Ninh Bình trong trang phục thợ câu!
                                  ( còn tiếp)

                    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét