Chuyến thăm Nga của Đoàn nhà văn Việt Nam 2010 ( tiếp)
Một ngày ở Van Đai
31.V. Đi thăm trại cá giống. Bên cạnh trại cá là Bảo tàng lịch sử Trại nuôi
cá giống Nhikônxki đầu tiên ở Nga mang tên V.P. Vraxki. Bảo tàng đặt trong căn phòng của văn phòng Trại cá giống
Nhikônxki ( tên làng đem đặt cho tên Trại), được xây cất trên khu nhà của điền
trang dòng họ Vraxki. Phòng trưng bày bảo tàng chia làm hai gian chính. Ngay
lối vào bên trái là thư phòng của
Vladimir Pavlovit Vraxki, nơi thu thập những tư liệu về cuộc đời của người sáng
lập trại cá giống và hoạt động của nó như trại nuôi cá đầu tiên của Nga. Sau
khi tốt nghiệp đại học, chàng trai Vladimir
Vraxki đã về quê và đầu tư vào việc nuôi cá giống. Ông đã khảo sát và xây dựng
hệ thống liên hoàn nước tự chảy giữa các ao, hồ nuôi trong vùng. Những giống cá
quý đã được nuôi thành công. Người sáng lập trại mất năm 33 tuổi trong một tai
nạn nghề nghiệp do cảm lạnh, khi ông chưa kịp xây dựng gia đình.
Trong gian thứ hai – lịch sử trại nuôi cá từ cuối thế
kỉ XIX đến nay. Phần trưng bày đầu tiên dành cho Oxakar Andreevich Grim, nhà
động vật học nổi tiếng, người đặt nền móng cho khoa ngư loại học, lãnh đạo Trại
cá giống 33 năm. Dưới sự quản lí của ông, Trại
Nhikônxki trở thành địa chỉ kinh
nghiệm tầm cỡ thế giới.
Chiếm vai trò đáng kể là các giá trưng bày tư liệu về
hoạt động của Trại cá từ năm 1920 đến năm 1940 và sự khôi phục hoạt động sau
chiến tranh. Số phận đặc biệt của các nhà lãnh đạo Trại cá và sự lao động tận
tụy của họ đã cho phép giữ được Trại trong những năm gian khó nhất của đất
nước.
Hoạt động của Trại nuôi cá giống hơn ba chục năm gần
đây là phần trưng bày cuối cùng, kết thúc của Bảo tàng.
Sau khi xem bảo tàng, Trưởng đoàn Lê
Văn Thảo ghi vào sổ Lưu niệm. Mọi người uống cà phê, ăn bánh. Cả đoàn tiếp tục
thăm nghĩa trang của dòng họ Vraxki, xem nhà cầu nguyện do dân chúng tự đóng
góp xây dựng. Rồi sau đó về nhà người bạn thân của Oleg để thưởng thức tiệc cá.
Ăn xúp cá và nhậu với cá xông khói ở cạnh bờ hồ ( một người bạn của Oleg chiêu đãi). Bàn tiệc bày giữa nắng mát mẻ dưới gốc bạch
dương. Những con cá hồi thơm ngon được nấu xúp khoai tây với rau thì là thật
hấp dẫn. Chủ nhà mang ra một xê-ri cá măng ( suka) và cá hanh (lin) mới xông
khói. Hóa ra cá hanh ngon hơn cá măng một bậc. Thấy mọi người khen, chủ nhà lại
hào phóng mang ra tặng. Kim Hiền nhận mang mấy con về Matxcơva để làm quà.
Chiều thăm Vườn quốc gia sinh thái Vanđai.
Vườn quốc gia Van Đai thuộc lãnh thổ tỉnh Nopgorot.
Trong tọa độ 57 độ 25 và 58 độ 25 vĩ độ Bắc, 32 độ 40 và 33 độ 40 kinh độ Đông.
Diện tích 1585 km vuông. Trong số 35 vườn quốc gia của nước Nga,
Van Đai là vườn quốc gia trù mật
nhất. Trong phạm vi của vườn quốc gia có 151 điểm dân cư, bao gồm cả thành phố
Van Đai là thành phố trung tâm cấp huyện của tỉnh Nopgorot. Van Đai cách thủ đô
Matxcơva 365 km, cách Xanh Pê tecbua 290 km, cách thành phố Nopgorot Vĩ đại 140
km.
Trong lãnh thổ của vườn quốc gia có 76 hồ đẹp nhất. Có
ba hồ lớn nhất là Velie 45 km vuông, Van Đai 20 km vuông, Xeli ghe ( một phần
diện tích).
Rừng chiếm 80% diện tích vườn quốc gia. Phần lớn là
rừng tùng bách lá kim, phần đáng kể là rừng lá nhỏ, trong những khu đất nhỏ
cũng có những vạt rừng cây lá to như sồi và phong. Có khoảng gần 60 loài thân
gỗ và 750 loài thân thảo, 6 trong số này được đưa vào sách Đỏ cần bảo vệ. Trong
vườn quốc gia có 46 loài động vật có vú ( trong đó thú vị và có ý nghĩa hơn cả
là nai, gấu, lợn rừng, hải li), 180 loài chim ( gà rừng, gà lôi, đa đa v.v.)
Trong thành phần ngư loại học có 45 loài cá : cá măng, cá dầy, cá rô, cá lơ-xi-cút, cá mè, cá hồi trắng, cá tuyết sông,
cá vược, cá hồi, cá thyman, v.v.
Trên lãnh thổ vườn quốc gia có gần 600 di tích lịch sử
và văn hóa. Có thể đi lại bằng các phương tiện thủy, bộ, trượt tuyết và ô tô
buýt. Trong phạm vi lãnh thổ của vườn quốc gia có những suối nước khoáng và bùn
chữa bệnh dùng cho các cơ sở điều dưỡng- nghỉ ngơi.
Giám đốc vườn quốc gia là ông Victor Xokolov, cũng là
người quen của Oleg. Có lần Oleg khoe rằng mình được công nhận là công dân danh
dự của Van Đai. Đoàn đến thăm khi Giám đốc đi vắng, nhưng vẫn được đón tiếp thân
mật và trọng thị.
Điều thú vị nhất là nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà họa
sĩ, nhạc sĩ Nga gắn liền tên tuổi với Van Đai. Có thể ra một số tên tuổi quen
biết với chúng ta như : G.P. Decgiavin, A.N. Radisev, A.X. Puskin, A.I.
Ghéc-xen, A.N. Tôn xtôi, V.P. Oxtrovxki…
A.X.Puskin đã từng qua Van Đai và mua bánh mì vòng nổi
tiếng thơm ngon của các cô gái xinh đẹp bán hàng. Giai thoại kể rằng người đẹp
mang cả xâu bánh mì vòng, khách mua mỗi chiếc thì nhận được một nụ hôn. Nhà thơ
đã mua bánh và hôn đến kiệt sức…
Van Đai và Iadenbisy được coi là những địa danh lịch
sử của Liên bang Nga.
Người van Đai tự hào nói rằng: Trên bầu trời có Thiên
Đường, còn trên mặt đất có Van Đai…
Chúng tôi vinh dự đã được có mặt ở thiên đường trên
mặt đất!
Nghỉ ngơi, chèo
thuyền trên hồ Vanđai. Trong câu chuyện tếu táo trước khi Kim Hiền đi, mọi
người bàn tán về “tước hiệu” ( Chi-tun). Các tước hiệu xưa trong triều đình phương Tây và Nga từ cao xuống thấp : Công
tước, Hầu tước, Bá tước, Tử tước, Nam tước. Căn cứ vào đặc điểm, công
trạng của mỗi chàng, sau khi hiệp y với Kim Hiền, Y Ban Đệ Nhất công bố Chiếu
chỉ phong tước hiệu như sau:
Oleg Pavykin :
Hầu tước Da Ga KoViLo
Hoàng Minh Tường
: chuẩn Nam tước Da Ga KoViLo
Lê Văn Thảo : Bá tước
So Lo
Vũ Nho : Bá
tước KoViLo Nha
Sở dĩ Hoàng Minh Tường kém điểm và nhận tước hiệu thấp
nhất là vì có nhiều hành động mất điểm
nghiêm trọng và vẫn còn để ngỏ khả năng lập công cuối cùng cho chàng.
11 giờ tiễn
Nguyễn Thị Kim Hiền về Matxcơva.
1.VI. Sáng, thăm Bảo tàng chuông Vanđai. Vũ Nho lãnh
nhiệm vụ phiên dịch từ đây.
Bảo tàng chuông
Van Đai đặt trong một nhà thờ cổ kính và tuyệt đẹp. Khi đoàn nhà văn Việt
Nam
đến thăm, những người phụ trách bảo tàng đón tiếp rất nhiệt tình. Có lẽ ngoài
sự mến khách thông thường, có thể có một lí do nho nhỏ khác. Theo lời nhắn của
Oleg Bavykin, Đoàn đã chuẩn bị hai quả chuông be bé xinh xinh từ Việt Nam để
tặng Bảo tàng. Người giới thiệu tỏ ra hết sức lành nghề. Qua câu chuyện của cô,
chúng tôi biết được sự khác biệt giữa chuông phương Đông và chuông phương Tây.
Chuông phương Đông thì dùng vật đánh từ bên ngoài vào. Còn chuông phương Tây
thì kéo giây đánh từ trong ra. Cô kể rằng khi trong thời Ekatêrina Đệ nhị, Nữ
hoàng đã ra lệnh đúc một quả chuông thật lớn. Rất nhiều những chuông nhỏ được
đem về và đập vỡ để lấy nguyên liệu. Theo tín ngưỡng của người Nga, việc đập vỡ
chuông là một hành động tội ác. Chính vì vậy mà có báo ứng. Người thợ cả chỉ
huy việc đúc chuông đã chết bất đắc kì tử khi quả chuông to chưa đúc
xong. Nữ hoàng ra lệnh cho con trai ông ta lên thay và công việc vẫn được tiếp
tục. Rồi thì cả Nữ hoàng cũng bị chết bất thường. Quả chuông lớn đúc dưới hầm
do đó không được mang lên. Mười năm sau cái chết của Nữ Hoàng, người ta mới lấy
quả chuông lên. Quả chuông, giống như người phụ nữ. Có đầu chuông, vai chuông,
thân chuông và quan trọng nhất là váy chuông. Khi đưa quả chuông lên mặt đất
thì phần váy chuông bị hỏng. Ai cũng cho rằng đó là điềm Trời không ưng Nữ
Hoàng Ekatêrina Đệ Nhị, đó là một vị vua xấu.
( Hôm trước thăm
Bảo tàng Krem li, không biết quả chuông vỡ phần váy chuông để ở bệ có phải là
quả chuông được nhắc đến trong câu chuyện này không!)
Người thuyết minh
cho hay, người ta quan niệm khi tiếng chuông ngân lên, đó là giọng nói của
Thượng đế nhắn nhủ mọi người hãy sống lương thiện. Cô nói rằng ở VanĐai, người
ta hòa tấu chuông với những quả chuông khác nhau. Cô nói và giật nhiều dây
chuông của các quả chuông để tạo thành một bản nhạc cầu kinh. Vũ Nho và Hoàng
Minh Tường cũng được mời thử nắm vào dây và hòa tấu câu cầu nguyện : Yêu mến
Chúa! Yêu mến anh em!
Y Ban cũng muốn
thử tài và được vui vẻ mời hòa tấu.
Người
thuyết minh nói rằng quả chuông cũng như người, khi mới ra đời, rồi khi tráng
niên, và sau cùng là lúc nó cần được nghỉ ngơi. Tuổi nghỉ ngơi của một quả
chuông là khoảng sau khi nó phục vụ được 300 năm.
Chúng tôi được cho
xem quả chuông Trung quốc, chuông Ý, và đặc biệt là quả chuông của Mĩ. Chuông
của Mĩ khác hẳn các loại chuông kia, vì nó là hình khối tam giác. Trong tủ kính
trưng bày, tôi thấy quả chuông đúc hình tòa tháp đôi của Mĩ bị phá hủy ngày 11
tháng 9. Chắc là của đoàn Mĩ tặng. Chúng tôi cũng xem những lục lạc ngựa được
đúc ở Van Đai rất đẹp.
Anh Thảo thay mặt Đoàn cảm ơn Bảo tàng. Đây là buổi đầu tiên tôi dịch từ tiếng
Nga và dịch ngược. Nhưng cảm thấy suôn sẻ và tự tin. Có lẽ Chúa giúp tôi để
truyền đạt những ý nghĩa thiêng liêng của tiếng chuông trong đời sống tâm linh
con người chăng? Dù sao thì tôi như cất gánh nặng lo lắng, tự tin để làm nhiệm
vụ cầu nối của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét