Thứ Bảy, 10 tháng 4, 2021

BÊN DÒNG SÔNG MÊ – CUỐN SÁCH ẤN TƯỢNG VỀ CUỘC CHIẾN Ở BIÊN GIỚI TÂY NAM

 


BÊN DÒNG SÔNG MÊ – CUỐN SÁCH ẤN TƯỢNG VỀ CUỘC CHIẾN Ở BIÊN GIỚI TÂY NAM

                 Về cuốn Bên dòng sông Mê của Bùi Thanh Minh, nxb Hội nhà văn 2020

                                                    Vũ Nho

bui-thanh-minh-vhsaigon-1

NHÀ VĂN BÙI THANH MINH

          Bùi Thanh Minh là nhà văn quân đội có thâm niên 3 năm cầm súng chiến đấu tại chiến trường miền Nam và  10 năm chiến đấu trên chiến trường biên giới Tây Nam. Trưởng thành từ người lính đến cương vị cán bộTrung đoàn.  Ông cầm bút viết văn  với mục đích “ để giải tỏa tâm huyết của lòng mình và để trả nghĩa cho đồng đội” ( Suy nghĩ về nghề văn). Tiểu thuyết “ Bên dòng sông Mê” hoàn thành năm 2008, theo đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng trong Chương trình “Sáng tác tiểu thuyết sử thi”. Năm 2012  xuất bản và đoạt ngay Giải thưởng Mê Kông lần thứ IV. Trước khi viết tiểu thuyết này, nhà văn đã có sáu tập truyện ngắn và ba tiểu thuyết, trong đó có hai  tiểu thuyết liên tiếp được tặng Giải thưởng Văn học Bộ quốc phòng là Bên sông Trà Lý (1999-2004) và Cõi đời hư thực (2004 -2009).

            Bên dòng sông Mê là một trong những tiểu thuyết tiêu biểu của ông viết về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam những năm bảy mươi của thế kỷ XX.

Bên dòng sông Mê được xây dựng dựa trên một sự kiện lịch sử có thật là trận đánh của một trung đoàn chủ lực Mặt trận 979, khu vực Cô Công - Campuchia. Đó chỉ là một phần trong trận chiến của bộ đội tình nguyện Việt Nam tại chiến trường  này trong giai đoạn truy quét tàn quân của Pôn Pôt khi chúng đã bị quân đội tình nguyện Việt Nam đánh bật khỏi thủ đô Phnom pênh. Không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết trải dài từ  Việt Nam sang Campuchia. Bức tranh  chiến trận  được tái tạo, rất dữ dội,  nhưng  cũng  rất lãng mạn với  bối cảnh tự nhiên, đặc biệt là  những mối tình  của các nhân vật.

            Một điều đặc biệt là trong số các nhân vật được tiểu thuyết hóa dựa trên nguyên mẫu những đồng đội và thuộc cấp của tác giả, còn có một số nhân vật được giữ nguyên tên tuổi trong thực tế như tướng Lê Đức Anh của Việt Nam, Một số nhân vật trong chính quyền Khơ me Đỏ như Pôn Pốt, Yêng sa ry,  Khiêu Thi Rít,…

            Tiểu thuyết gồm 21 chương và một Vĩ thanh.

Chương 1 như là chương nhập truyện nói về nhà văn Chu Nguyên và cô em gái Quỳnh Lương đáp máy bay qua Phnom pênh  với tư cách khách mời của Hội nhà văn Campuchia. Sau  hội nghị và tiệc tùng, Chu Nguyên xin đi Cô Công thăm lại chiến trường xưa. Ở đó ông đã gặp lại Xi Thon, người đội trưởng đội công tác bộ đội Campuchia phối  thuộc với trung đoàn. Và ông bất ngờ gặp lại Tà Khốc tên trung đoàn trưởng khét tiếng của quân Pôn Pốt mà ông đã tưởng y tự sát vì thất bại. Tà Khốc mang tên  mới Chăn Keo với cương vị phó Tỉnh trưởng đang thuyết trình dự án mở khu du lịch Đậu Khấu – Con Voi. Kí ức về chiến trường  của nhà văn Chu Nguyên, vốn là trung đoàn trưởng Trần Bá Luân,  đối thủ không đội trời chung của Tà Khốc, từng bị Tà Khốc treo giải thưởng một ki lô gam vàng ròng được gợi lên trong các chương tiếp theo.

            Câu chuyện là cuộc đấu giữa tướng Lê Đức Anh của Việt Nam với Pôn Pốt và Yêng Xa Ry ở cấp chiến lược về cuộc chiến  ở Campuchia sau khi quân tình nguyện Việt Nam đã giải phóng thủ đô Phnôngpênh. Ở mức thấp hơn là sư đoàn 162 do chính Pôn Pốt thành lập và dìu dắt, đối chọi với sư đoàn 310 của Việt Nam.  Hai sư đoàn đó có 2 trung đoàn chủ công.Trung đoàn 61 do Tà Khốc chỉ huy đối chọi với Trung đoàn 7 của Việt Nam do Trần Bá Luân giữ chức Trung đoàn trưởng.

            Nhà văn đã không dừng lại ở việc mô tả những trận đánh dữ dội, những mảng miếng nghi binh, lừa nhau của 2 viên Trung đoàn trưởng. Tà Khốc từng được đào tạo ở Việt Nam, đã bị Trần Bá Luân cho đo ván khi diễn tập, và nhiều phen chịu thất bại trên chiến trường. Câu chuyện chiến trận còn phức tạp và gay cấn bởi Tà Khốc lại có người em cùng cha khác mẹ người Việt Nam là cô giáo Hạnh mà y hãm hiếp rồi thủ tiêu  bất thành khi đánh sang Việt Nam. Trần Bá Luân thì có người em cùng cha khác mẹ là Văn Lát, một cô gái Campuchia rất xinh đẹp  hai lần bị Tà Khốc giết nhưng cả hai lần đều được bộ đội Việt Nam cứu sống. Bên cạnh đó, cô Xi Thon, đội trưởng đội công tác của Campuchia lại mê Trần Bá Luân, trong khi Trần Bá Luân có người yêu là bác sĩ Hòa ở quê, có cậu em Đặng Tình của Hòa cùng trong đơn vị. Giữa lúc chiến dịch quan trọng thì Chính ủy Trung đoàn Phạm Chiến khăng khăng đòi kỉ luật Trần Bá Luân vì anh bị cô Xi Thon hôn khi đang ngủ,…Tất cả những tình tiết đó làm cho cuộc chiến được mô tả dữ dội trong tiểu thuyết được cân bằng với tình cảm lãng mạn và éo le của những người trong cuộc.

            Có thể nói tác giả đã huy động rất nhiều vốn sống và những hiểu biết của mình về các nhân vật chóp bu của chính quyền diệt chủng như Pôn Pốt, Yêng Xa Ry, Khiêu Săm Phon. Đặc biệt là những phong tục của nhân dân Khơ me. Đó là phong tục đám  cưới ( trang 178 – 181) phong tục đám ma ( trang 219 – 221), phong tục đám giỗ ( trang 234- 236).  Ngay cả  bảy chuyện phòng the mà Khiêu Thi Rít dạy cháu gái trước khi lấy chồng theo tài liệu Trung Hoa  không phải ai cũng biết. Đồng thời tác giả cũng  dựng lại rất  ấn tượng tội ác của bọn diệt chủng tàn sát đồng bào Khơ me một cách dã man, độc ác ( trang 116 -121).  Tố cáo việc chúng   mổ sống  mẹ của Tà Khốc làm “giáo cụ trực quan” cho bọn học viên  lớp học y tá thật man rợ ( trang 101 – 102).    

          Những năm tháng chiến đấu trên chiến trường  Campuchia với cương vị  cán bộ  trung đoàn cho phép tác giả hình dung và xây dựng bộ ba  nhân vật Trung đoàn trưởng Trần Bá Luân, Trung đoàn phó  kiêm tham mưu trưởng Nguyễn Hà và Chính  ủy Phạm Chiến không cần hư cấu nhiều mà vẫn khá sinh động và ấn tượng. Chính ủy Phạm Chiến với cuốn sổ ghi những khuyết điểm của mọi người, với lối dĩ hòa vi quý “ Nhất trí cao với ý kiến của đồng chí Trần Bá Luân và đồng tình với ý kiến của đồng chí Nguyễn Hà…”- Trong khi hai ý kiến trái ngược nhau, quả là khác thường . Chiến sĩ sợ chính ủy như sợ cọp đến mức làm việc tốt mà Phạm Chiến ghi tên để biểu dương thì khai một tên giả.  Đáng buồn nhất là thái độ tìm cách dìm đồng chí để làm nổi bật mình. Phương pháp xây dựng tính cách nhân vật của tác gỉa khá độc đáo.

            Là người trong cuộc, nhà văn hiểu rất rõ cuộc chiến không hề dễ dàng. Các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam gặp vô vàn khó khăn trước chiến thuật “bu bám” của kẻ địch. Đặc biệt là thương vong của ta khi vướng mìn cài khắp nơi của  kẻ thù. Các cán bộ cỡ Trung đoàn cũng cảm thấy bế tắc. “Phạm Chiến cảm thấy mệt mỏi và quả tình ý chí quyết tâm có phần nào giảm sút. Nhất là cuộc chiến tranh du kích của bọn Pôn Pốt, trong đó chiến thuật cài mìn mọi đường ngang ngõ tắt thật là nguy hiểm. Thần chết im lặng nằm dưới lòng đất là liều thuốc độc ngấm ngầm đánh vào tư tưởng của bộ đội. Phạm Chiến chưa tìm được cách nào trấn an tinh thần cho họ. Bản thân mình chưa trấn an được mình thì làm sao trấn an được người khác” ( trang 271).

         Để lý giải nguồn gốc của chế độ diệt chủng, tác giả xây dựng hình tượng chế độ Pôn pốt- Yêng sa ry thông qua nhân vật Tà Khốc, một tên Trung đoàn trưởng khét tiếng tàn bạo, đã  từng được cách mạng Việt Nam nuôi dưỡng. Và đặc biệt chi tiết một quái thai không đầu, kết quả cuộc tình của Tà Khốc với  cô giáo Hạnh.

          Vậy Tà Khốc là ai? Cô giáo Hạnh là ai? Giải mã điều này phần nào hiểu được nguồn gốc chế độ quái thai Pôn pốt- diệt chủng chính dân tộc của mình.

       Tà Khốc là con của một đôi vợ chồng chính gốc Khơ me. Người cha do làm ăn buôn bán mà bị giết, còn mẹ Tà Khốc thì lại bị ngay chính thể mà Tà Khốc đang phục vụ mổ sống để làm giáo cụ trực quan. Còn cô giáo Hạnh là con một người đàn bà gốc Hoa, có dòng máu lai Pháp. Khi còn sống ở Việt Nam bà qua lại Campuchia buôn bán cao su cùng với cha của Tà Khốc và họ đã sinh ra Hạnh ngoài giá thú. Thật trớ trêu thay, sau này cô lại bị chính người anh mình là Tà Khốc loạn luân và sinh ra một quái thai không đầu- Có lẽ đó chính hình ảnh ẩn dụ chế độ diệt chủng Pôn Pốt- Yêng sa ry. 

          Nhà văn Bùi Thanh Minh viết qua nhận xét của Trung đoàn trưởng Trần Bá Luân : “Nhưng ngày đó ( thời chống Mĩ -  VN chú) cả nước từ già đến trẻ,  từ hậu phương đến tiền tuyến, đâu đâu cũng hừng hực trong một lò lửa chiến tranh, chỉ cần hô một tiếng là tất cả lao vào  quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, không so đo tính toán. Còn bây giờ…cả nước đang hòa bình, nhiều người chỉ cắm cúi làm giàu, thậm chí một số cán bộ còn tiêu cực. Người lính ngoài mặt trận, chỉ cần ngoảnh lại phía sau là ăn chơi, là nhậu nhẹt, gái gú xả láng. Hô một tiếng không xong. Hô xung phong, quay lại ngó nghiêng xem người bên cạnh thế nào đã” ( trang 275). Có thấy được bối cảnh ấy, mới hiểu và đánh giá đúng được thắng lợi  to lớn của cuộc chiến  cam go, phức tạp truy quét tàn quân Pôn Pốt trên đất Campuchia.

            Có thẻ nói, nhà văn đã xây dựng một cốt truyện có nhiều yếu tố bất ngờ lôi cuốn người đọc. Bạn đọc  không chỉ theo dõi cuộc đấu trí của 2 viên trung đoàn trưởng Tà Khốc với Trần Bá Luân mà còn theo dõi số phận của các nhân vật. Cô giáo Hạnh ra sao? Văn Lát hai lần bị bắt và hai lần bị thủ tiêu sẽ  như thế nào? Cô Quận có đào ngũ  không, lí do gì mà đào ngũ? Tình yêu của Trần Bá Luân với bác sĩ Hòa có vượt qua được thử thách mà thử thách lớn nhất là cha mẹ Hòa không tán thành?

       Bất ngờ  nhất đối với người đọc  chính là khi Tà Khốc đang liên tiếp nhận được những tin mừng về việc trung đoàn  trưởng Trần Bá Luân  trúng mìn hi sinh, bọn lính trà trộn vào dân thường sắp ra tay, quân của Trần Bá Luân đã bị trúng độc,.. Tà Khốc sắp giơ tay cầm chiến thắng thì  y  nhận thất bại cay đắng.

        Không phải ngẫu nhiên mà tiểu thuyết “ Bên dòng sông Mê” của nhà văn Bùi Thanh Minh vừa xuất bản đã đoạt ngay Giải thưởng Mê Kông năm đó. Cùng với các tác phẩm của  một số nhà văn viết về chiến tranh biên giới Tây Nam và mặt trận Campuchia như  Nguyễn Trí Huân, Khuất Quang Thụy, Thanh Giang, Văn Lê, Nguyễn Quốc Trung, Nguyễn Thành Nhân, Sương Nguyệt Minh,…Bùi Thanh Minh đã dựng lại trang sử hùng tráng của quân tình nguyện Việt Nam trên đất bạn.

Chắc chắn đề tài chiến tranh sẽ còn được các nhà văn trong và ngoài quân đội tiếp tục khai thác với cách tiếp cận mới đa chiều và đa thanh cùng với độ lùi sâu của thời gian.

 

                                                 Hà Nội, tháng 1 năm 2021

 

BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị & vận hành Website: Nhà văn Cầm Sơn
 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét