Thứ Tư, 7 tháng 4, 2021

NGƯỜI ẤY CỦA NGUYỄN ĐỨC MẬU VỚI LỜI BÌNH

 


   Bình bài thơ “Người ấy”- của  Nguyễn Đức Mậu

 

         Người ấy

 

Mười năm người ấy yêu anh

Tình yêu suốt cuộc chiến tranh thật dài

Yêu từ tóc xõa ngang vai

Hoa cau thơm suốt những lời tiễn đưa

 

Mười năm vần vũ nắng mưa

Chiến tranh qua, bóng người xưa chẳng về

Rối bời mái tóc chiều quê

Một ai đứng ở bờ đê mỏi mòn

 

Xưa nàng Tô Thị lên non

Xa chồng nhưng đã có con bế bồng

Bây giờ người ấy tay không

Con thuyền góa bụa trên dòng sông sâu

 

Chiến tranh đã tắt từ lâu

Cau vàng trái rụng, giàn trầu héo hon

Nửa đêm gió lặng, trăng mòn

Có người nghe tiếng ru con… khóc thầm.

 

Trích trong “Từ trong lòng cuộc chiến”-Thơ Nguyễn Đức Mậu-nxb Văn hóa-Thông tin-2010)


Lời bình của Thanh Ứng

 

        “Người ấy” không có tên cụ thể, đó là môt cách gọi “phiếm chỉ”song lại không vô tình, vô cảm. Đó là một người mà chủ thể trữ tình của thi phẩm đã gửi thương, gửi nhớ và cả sự cảm phục trong bốn khổ thơ lục bát chứa chan ân tình. “Người ấy” là ai ? Là một người con gái trẻ tuổi mười năm yêu anh ‘Tình yêu suốt cuộc chiến tranh thật dài / Yêu từ tóc xõa ngang vai / Hoa cau thơm suốt những lời tiễn đưa”. Qua ngôn từ và những ẩn dụ, người đọc nhận ra: Đó là người con gái nông thôn yêu anh đang tuổi xuân thì, trẻ trung “tóc xõa ngang vai” và những lời đưa tiễn thơm đẹp như hương hoa đồng nội của làng quê xóm mạc ân tình. “Mười năm”, thời gian     được tác giả nhắc ngay ở đầu bài: “Mười năm người ấy yêu anh” là điểm nhấn về thời gian dài dằng dặc, nhất là đối với người phụ nữ yêu trong chờ đợi, mong ngóng, trong  hoàn cảnh chiến tranh “thật dài” đầy những bất trắc, mất mát đau thương. Khổ thơ thứ hai: Điệp khúc “Mười năm” được nhắc lại. Vẫn là sự khắc nghiệt của thời gian và sự khắt nghiệt của hoàn cảnh: “Mười năm vần vũ nắng mưa / Chiến tranh qua, bóng người xưa chẳng về”. Thế là đã rõ: Mười năm; yêu anh, đợi chờ anh, vượt lên nhiều khó khăn vất vả chống trả với những kẻ thù hữu hình, kẻ thù vô hình để đứng vững, chờ đón anh nhưng rồi: anh không về. Tám chữ “Chiến tranh qua, bóng người xưa chẳng về” ngỡ là giản đơn nhưng chứa chất cả cuộc chiến ác liệt, tàn khốc: “mười năm” và cái kết cục bi thương đối với người con gái. Một cơn bão lòng đã nổi lên trong người thôn nữ : “Rối bời mái tóc chiều quê / Một ai đứng ở bờ đê mỏi mòn”. Tác giả đối lập hai con số “Mười năm” ở đầu khổ thơ và “Một ai” ở câu cuối của khổ thơ càng làm cho người đọc thấm thía nỗi khổ đau, cô lẻ, đơn độc  của người con gái trước giông bão của thời gian và của cuộc chiến.. Chỉ thế thôi, bài thơ đã gây bao nhiêu xúc động cho người đọc. Nhưng với tấm lòng người lính và tài năng của một nhà thơ, Nguyễn Đức Mậu đã đẩy ý thơ lên một mức mới: cao hơn và sâu sắc hơn  có tầm khái quát lớn lao khi tác giả so sánh người phụ nữ thời nay với nàng Tô Thị xưa: “Xưa nàng Tô Thị lên non / Xa chồng nhưng đã có con bế bồng / Bây giờ người ấy tay không / Con thuyền góa bụa trên dòng sông sâu”.

 Một biểu tượng của cuộc sống ngàn xưa được tác giả cảm nhận theo một tinh thần mới, vừa sáng tạo, vừa độc đáo và phù hợp với nội dung tứ thơ  mà nhà thơ cần đạt tới. Sự so sánh càng làm tăng lòng thương cảm của độc giả đối với người phụ nữ thời nay. Một ẩn dụ đầy sức truyền cảm “Con thuyền góa bụa trên dòng sông sâu”.Sự đơn độc đầy hiểm nguy của người phụ nữ góa bụa trên dòng sông cuộc đời với bao thách thức khó lường được hóa thân trong một hình tượng thơ đầy sức biểu cảm . Thơ Nguyễn Đúc Mậu giản dị về câu chữ nhưng lại chứa chất, tiềm ẩn sâu xa về ý nghĩa nhân văn. Nhà thơ có nhiều bài viết về những đau thương, mất mát, thua thiệt của những người phụ nữ trong chiến tranh với  sự cảm thông, chia sẻ chân thành “Hoa tàn nhưng cánh chưa rơi / Héo khô hương sắc không lời thở than” (Chị tôi). Đấy là “chị tôi”, còn “Người ấy” thì phải sống lặng thầm cô đơn trong cảnh góa bụa héo hon “Chiến tranh đã tắt từ lâu / Cau vàng trái rụng, giàn trầu héo hon / Nửa đêm gió lặng, trăng mòn ”. Ngày xưa“tóc xõa ngang vai” yêu anh, khi tiễn anh ra trận “Hoa cau thơm suốt những lời tiễn đưa”.Cuối bài là hình ảnh “cau vàng trái rụng ” và “giàn trầu héo hon”. Kết cấu theo kiểu “Đầu cuối tương ứng” ấy gây ám ảnh mạnh mẽ trong người đọc, hiệu quả thẩm mỹ của hình tượng thơ tạo nhiều ấn tượng sâu sắc.

  Kết thúc bài thơ là hai dòng lục bát giản dị nhưng đầy xúc động: “Nửa đêm gió lặng, trăng mòn / Có người nghe tiếng ru con… khóc thầm”.Cuộc sống tĩnh lặng, thời gian mòn mỏi, sóng lòng trong người con gái trỗi dậy. Đó là khi nghe tiếng ru con trẻ từ bên hàng xóm vọng sang. Người phụ nữ đã khóc thầm cảm thương cho thân phận cô đơn của mình. Tiếng ru con của người hàng xóm đã nhói vào nỗi đau lớn nhất của người đàn bà không một lần được làm mẹ. Nỗi đau đó càng tăng thêm trong đêm trăng vắng lặng, đêm tàn không người sẻ chia, không mấy ai thấu hiểu...

             Trái tim lớn của nhà thơ đã đồng cảm với những hoàn cảnh éo le nơi có những số phận khốn khổ đang trú ngụ mà không phải ai cũng có thể nhận ra và chia sẻ. Đó là tấm lòng nhân hậu của người chiến sĩ, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu.

                                                        

                                                          Thanh Ứng

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét