Thứ Bảy, 10 tháng 4, 2021

Có Chăng nhầm lẫn?

 


CÓ CHĂNG NHỮNG NHẦM LẪN TRONG DỊCH THUẬT?
Có lần PT đã bàn về chuyện không hề có cây THÙY DƯƠNG ở bên Nga, nên việc dich lời bài hát "Cây thùy dương" là không chuẩn. Đó thực ra là cây Thanh lương trà (рябина).
Có một loài chim bị dịch nhầm khá phổ biến trong văn học dịch Việt Nam, chính là CHIM HỌA MI.
Chúng ta biết có loài Chim oanh (Luscinia megarhynchos), nhất là loại Oanh cổ đỏ được ca ngợi là loài chim hót hay nhất. Chim Oanh có thân hình bé nhỏ, thuộc bộ Sẻ. Nó chính là con chim mà người Nga gọi là Соловeи́, và nhiều người dịch sang tiếng Việt là CHIM HỌA MI. Nhưng đó là cách dịch không đúng.
Thi hào Nga A.X Puskin có bài thơ “Соловей и роза” nổi tiếng, được dịch giả Thúy Toàn dịch là: “CON HỌA MI VÀ NHÀNH HỒNG”:
Giữa vườn xuân bóng đêm tĩnh mịch,
Con họa mi thánh thót bên nhành hồng
Nhưng đoá hồng kia chẳng chút động lòng
Mà lặng lẽ đung đưa rồi thiếp giấc,
Bản tình ca vẫn du dương réo rắt.
Vì sắc đẹp lạnh lùng ngươi hát làm chi?
Hỡi, thi nhân, hãy mau tỉnh dậy đi!
Uổng công thôi, ngươi nhìn thấy đấy
Nó mơm mởn sắc hương lộng lẫy
Nhưng chẳng chút gì xúc động cảm rung;
Nó làm ngơ chẳng đáp lại tiếng lòng.
Khi đọc bản dịch hay này, tôi từng thấy gợn một chút, là những hình minh họa bài thơ không phải là Họa mi, mà là 1 loại chim khác, nhỏ hơn. Tìm hiểu ra thì đó chính là chim Oanh (Luscinia).
Chính chim Oanh mới gần gũi con người hơn, mới về vườn, mới đến bên cánh hồng, cành cam, cành bưởi v.v. Chứ họa mi thì thường tít mít trong rừng núi. Cũng nhiều nhà thơ VN làm thơ ca ngợi tiếng hót chim Oanh (xem 1 hình ảnh đính kèm).
 
Trong BÀI CA CUỘC ĐỜI CỦA Olga Bergoltz có đoạn:
Перебирая в памяти былое,
я вспомню песни первые свои:
«Звезда горит над розовой Невою,
заставские бормочут соловьи…»
Bằng Việt dịch:
Em lại nhớ chuyện ngày quá khứ
Khúc hát ngây thơ một thời thiếu nữ:
"Ngôi sao cháy bùng trên sóng Nêva
Và tiếng chim kêu những buổi chiều tà..."
Thực ra, tiếng chim ở đây chính là tiếng Oanh (соловьи). Mà Oanh thì là loài chim hót (chứ không phải chim kêu, chim gù, chim gáy…) do vậy dịch “tiếng chim kêu” có vẻ chưa hợp.
Xin tạm đưa một phương án dịch khác thế này:
Giờ nghĩ lại tháng ngày xa đó,
Em nhớ sao những khúc hát đầu tiên:
“Ngôi sao cháy trên Nê-va rực đỏ,A
Tiếng oanh vang lảnh lót vùng ven…”
Còn con chim ứng với HỌA MI của Việt Nam (Garrulax canorus) có tên Nga là Oчковая Kустарница. Nó không phổ biến trong thơ ca Nga, không được coi là biểu tượng của nhà thơ, ca sĩ… Biểu tượng đó chính là CHIM OANH (Luscinia) cơ!
7 bình luận
7 bình luận

Bác
Phuong Ta
là một Đại bách khoa toàn thư sống!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét