Thứ Tư, 21 tháng 4, 2021

Ngọn lửa tình đời bừng sáng giữa bão giông

 


Ngọn lửa tình đời 
bừng sáng giữa bão giông([1])

          BÙI NHƯ HẢI


Văn Xương tên thật là Nguyễn Văn Bốn. Anh sinh năm 1959, tại thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Văn Xương hiện là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị và là cán bộ Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị. Văn Xương là một trong những cây bút truyện ngắn khá thành công trên văn đàn trong những năm gần đây, được bạn đọc trong và ngoài nước chú ý, quan tâm. Văn của Văn Xương rất chân thực, giản dị nhưng lại chất chứa nhiều cảm xúc, giàu tính nhân văn, khiến độc giả luôn thao thức, phải nghĩ suy. Truyện ngắn của Văn Xương được đăng, in trong các tuyển tập truyện ngắn chọn lọc, trên các báo, các tạp chí Trung ương, địa phương và được giải

thưởng văn học. Ra mắt bạn đọc hai tập truyện ngắn Hoa gạo đỏ bên sông (2006) và Hồn trầm (2008), Văn Xương đã trụ được và đứng được giữa làng truyện ngắn Việt Nam đương đại, khẳng định được những giá trị nghệ thuật chân chính, mà anh đã dày công hun đúc, dựng xây. Thế nhưng, Văn Xương không chỉ làm nên chứng chỉ thời gian trong lòng bạn đọc ở thể loại truyện ngắn, mà còn gặt hái được những thành công nhất định ở địa hạt thi ca, được bạn đọc yêu thích, ghi nhận. Có một điều ít ai biết rằng, khởi nghiệp cầm bút của Văn Xương chính là thơ chứ không phải văn. Nhưng trong quá trình sáng tác, Văn Xương đã lấn sân sang thể loại truyện ngắn và đã thành công. Mặc dù, duyên thơ nghiệp truyện (truyện ngắn), nhưng Văn Xương vẫn không chối từ Nàng thơ, vẫn sáng tác đều đặn và đăng rải rác khắp trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương. Chính ngọn lửa tình yêu với thi ca luôn rực cháy, đã thôi thúc Văn Xương ra mắt bạn đọc đứa con tinh thần đầu tiên của mình, đó là tập thơ Búp lửa, do Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành vào quý I, năm 2011. Một điều hiển nhiên, trong sáng tạo nghệ thuật, thì số lượng tác phẩm không thể định danh được tác giả, mà chỉ có chất lượng tác phẩm mới là tấm thẻ căn cước duy nhất của tác giả đó mà thôi. Và thật may mắn thay, Văn Xương nằm trong những tác giả đạt được cả chất lẫn lượng. Thơ anh không chỉ bạn đọc, đồng nghiệp yêu thích, mà còn được các nhạc sĩ phổ nhạc và các nhà nghiên cứu, phê bình văn học chú ý, quan tâm sâu sắc.

Đọc tập thơ Búp lửa bạn đọc sẽ thấy, tình yêu là một trong những đề tài được Văn Xương quan tâm thể hiện nhiều nhất. Tình yêu là một câu chuyện muôn đời của nhân gian. Tình yêu vì thế, là đề tài muôn thuở trong thi ca, là nguồn cảm hứng vô tận, dạt dào của thi sĩ. Nhưng mỗi nhà thơ là một thế giới riêng, một khát khao riêng, một cách thể hiện riêng, không ai giống ai. Một Nguyễn Bính - “người nhà quê” chân chất, da diết. Một Xuân Quỳnh dạt dào, say đắm; một Xuân Diệu - “ông hoàng thơ tình” nồng nàn, mãnh liệt; một Cao Hạnh ấm áp, yêu thương,...  Và một Văn Xương đượm buồn, trong trẻo. Chính sự thể hiện tình yêu đa sắc, lung linh, huyền diệu như vậy, nên sự thể hiện tình yêu trong thi ca vì thế cũng không trở thành nhàm chán, đơn điệu, trái lại luôn hấp dẫn, vẫy gọi bạn đọc đến với vương quốc của tình yêu. Tình yêu trong tập thơ Búp lửa là một thế giới rộng mở, sinh động, có nhiều cung bậc, trạng thái, cảm xúc rất khác nhau. Ở đó, có cả sự mãnh liệt và nồng nàn, có cả nhớ nhung, vui sướng và hạnh phúc tràn đầy, vô cùng tận:

Valentine, Valentine

Ngọn lửa ru tình

Nồng nàn, cháy bỏng

Say đắm, trào dâng

                                                (Valentine)

Và tình yêu cũng có lúc đầy khổ đau, chán chường và tuyệt vọng, chia li, rơi vào bi kịch nhưng đó là sự đau khổ, bi kịch để thanh lọc tâm hồn, để mở ra một chân trời mới, với niềm hy vọng mới:

Em lên tàu để lại một trời thương

Cùng bể nhớ lặn đầy trong mắt

Em vội vã đưa bàn tay cắn chặt

Rưng rưng chiều tím sân ga

                            *

Anh nghe tiếng ai thổn thức, nghẹn ngào

Vọng cùng tiếng con tàu chuyển bánh

Bóng hình ai nhòa trong lấp lánh

Bình minh lên con tàu sẽ quay về

(Sân ga)

Văn Xương dưỡng nuôi tình yêu bằng cả những cảm xúc rất hồn nhiên, những rung động đầu đời của một thời áo trắng mộng mơ, tinh khôi. Dẫu cuộc tình ấy có một cái kết buồn, dang dở, lỡ làng, người yêu đã tách bến sang sông nhưng người thơ vẫn còn giữ mãi bên mình, vẫn còn vẹn nguyên, nồng nàn, dẫu có chút đượm buồn, xa xót:

Ba mươi năm biết bao vấn vương

Xao xác bước, chân mềm qua lối nhỏ

Lòng bâng khuâng lặng nhặt từng sợi gió

Ngày xưa ơi! Vời vợi ướt bờ mi

                        *

Ba mươi năm thời gian trôi đi

Trong trang sách phong thư tình chưa gửi

Nét bút vẫn xanh, sao tóc đã bạc rồi

Xót xa lòng ta khẽ gọi: Người ơi

(Trường xưa)

Tình yêu vừa mang lại bao hạnh phúc lẫn nỗi khổ đau, làm tổn thương cho trái tim, nhưng tình yêu lại cũng chắp cánh cho những khát vọng bay cao, bay xa, có ích và tươi đẹp, lung linh giữa cõi đời này:

Em là vầng trăng hoài vọng

dịu dàng, ngời suốt trong anh

Là hạt sương trưa nhiệm mầu huyền diệu

cho miền anh khô khát đẫm ngọt lành

         

Em là gừng thơm, em là muối đặm

Là hạt gạo heo may ru giấc ngủ cánh đồng

Em là búp lửa

Ngọn lửa tình đời bừng sáng giữa bão giông

                                                     (Búp lửa)     

Những cung bậc ấy của tình yêu đều được Văn Xương thể hiện một cách chân thành, giản dị, chan chứa tình đời, tình người, vì thế bạn đọc luôn tìm thấy sự đồng cảm, sẻ chia, hội ngộ, tri âm.  

Không chỉ có tình yêu trai gái, trong Búp lửa những bài thơ Văn Xương viết về tình yêu quê hương, đất nước cũng khá hay, có sức lan tỏa sâu rộng, gây được sự chú ý đối với bạn đọc. Những bài thơ như Chiều Cửa Tùng, Huế ngẩn ngơ, Bắc Kạn xanh, Về Cố đô, Yên Bái yêu thương,… chứa đựng cả một trời yêu thương, thấm nghĩa, nặng tình. Mỗi bài thơ như là một bức tranh phác họa về mảnh đất nơi chôn nhau cắt rốn, về những miền quê trên đất nước Việt Nam và những miền quê xa xôi trên thế giới mà Văn Xương đã từng đến thăm, từng du ngoạn.

Những miền quê, những địa danh đi qua đã để lại trong Văn Xương những kỷ niệm đẹp đẽ, những phút giây xao động, không thể nào quên trước vẻ đẹp của thiên nhiên mà tạo hóa đã ban tặng cho con người. Đến Bắc Kạn - một vùng đất miền núi nổi tiếng phía Bắc với địa danh Vườn Quốc gia Ba Bể, Văn Xương được  thưởng thức, hiểu thêm về truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa của các lễ hội, trang phục, nhà cửa, các đặc sản ẩm thực,... Và cùng trải nghiệm, chiêm ngưỡng, hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp của núi rừng ngút ngàn, sương khói lan mờ giăng phủ trắng xóa, sắc nước trong xanh màu ngọc bích, sóng nước mặt hồ lay nhẹ, vệt nắng chiều tà phảng phất, vương vấn lữ khách:

                 Xanh rừng xanh ngút tận

                 Chiều mờ sương khói lan

                 Khua tay bên đỉnh dốc

                 Chạm vào mây đại ngàn

                                    *

                 Đầu Đẳng hoa trắng xóa

                 An Mạ sóng nước lay

                 Trầm mặc Hòn Bà Góa

                 Hương lòng phảng phất bay

                                         (Bắc Kạn xanh)

     Đến với miền sơn cước Yên Bái, thi nhân Văn Xương không chỉ đắm say trước vẻ đẹp non nước hữu tình, thơ mộng của những màn sương bao phủ khắp núi rừng, những rừng chè Shan tuyết cổ thụ, những triền đồi vàng rực hoa dã quỳ, hồng rực đại ngàn hoa đào thuần khiết, những thửa ruộng bậc thang như những “nấc thang vàng”,...mà còn mải mê theo tiếng gọi khèn của bạn tình, còn ngẩn ngơ trước vẻ đẹp kiều diễm, sắc thắm của người con gái dân tộc Thái:

                 Tôi mải mê theo tiếng khèn gọi bạn

                 Phố núi say như cốc rượu ngô chiều

                 Gặp sắc thắm áo người con gái Thái

                 Cứ dùng dằng như có lửa sau vai  

                                         (Yên Bái yêu thương)

Chiến tranh và người lính là một trong những đề tài tâm đắc, quan tâm nhất, vì thế đề tài này đã hiện diện trong suốt hành trình sáng tác của Văn Xương, đặc biệt ở thể loại truyện ngắn. Nhưng vì tâm đắc, phù hợp với cái tạng, với cảm xúc thẩm mỹ của Văn Xương, nên nó cũng hiện diện trong thơ, dẫu có phần hơi ít ỏi. Các bài thơ viết về đề tài này khá hay, gợi sự ngân rung nơi sâu thẳm trái tim bạn đọc về nỗi đau của chiến tranh, về thân phận của người lính, nhất là những nữ thanh niên xung phong. Hình ảnh những nữ thanh niên xung phong trong bài Vĩ thanh là một minh chứng điển hình. Đọc bài thơ, độc giả sẽ cảm phục, ngợi ca những nữ thanh niên xung phong biệt động thành một thời “chẳng tiếc đời xanh”, máu xương của mình trên chiến trường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh khói lửa để phá bom, san lấp hố, mở đường, đảm bảo cho con đường huyết mạch ấy luôn được thông tuyến, để những đoàn quân, đoàn xe ra trận chiến đấu. Các chị hiến dâng cuộc đời của mình hết sức vô tư, không hề toan tính, chỉ với một quyết tâm sắt đá, cùng vẹn nguyên lời thề trước lúc ra đi: Quyết tử cho Tổ quốc được hòa bình, độc lập. Lời thề thiêng liêng đó, đã tiếp thêm sức mạnh để các chị vượt qua mọi gian khổ, hiểm nguy của rừng sâu, nước độc; không nao lòng, không khuất phục, không sợ hãi trước sự cảm dỗ ngon ngọt, cực hình dã man, lao tù khổ cực của kẻ thù:

Cô gái Thanh niên xung phong Trường Sơn

Lao tù, cực hình không khuất phục

Bom vùi, đạn rít… chẳng nao lòng

Bóc thời gian:

    Không phải tờ lịch

          Mà từng ngày dài trong hầm tối xà lim

          Dầm dãi rừng sâu, nước độc…

Tóc cứng, đêm mềm rụng trên gối ba lô

Khổ ải như thế, nhưng các nữ thanh niên xung phong Trường Sơn vẫn nhen nhóm lên một “niềm tin, hy vọng, đợi chờ”; vẫn lạc quan, yêu đời cất lên tiếng hát trong những lúc hành quân, vận chuyển đạn dược và ngơi nghỉ nơi rừng sâu, núi thẳm, non ngàn:

                    Dìu xe qua - lớp lớp sóng biển xô

                    Tình em chao theo cánh võng…

                    Những bài hát mở đường dọc dài năm tháng

                    Và mắt em ngời lên dưới tầng pháo sáng 

                    Niềm tin, hy vọng, đợi chờ...

Kết thúc chiến tranh, những nữ thanh niên xung phong Trường Sơn còn sống sót trở về với cuộc sống đời thường cũng lắm nỗi truân chuyên. Các chị giờ đây tóc đã ngã màu, mất đi “khoảng trời con gái”, trở thành “những ngôi sao xa xôi” dang dở, lạc lõng giữa chốn cát bụi trần ai! Những kỷ vật của chiến trường đã bị thời gian, cái nghèo, cái đói phủ mờ, lấy đi nhưng những ký ức, kỷ niệm về đồng đội, những phút giây hạnh phúc của năm tháng Trường Sơn chẳng bao giờ phai nhòa, vẫn luôn neo đậu, vọng về trong trái tim của các chị - một điểm tựa để các chị “chôn bóng mình vào đất nở thành lá biếc, chồi non”.

Tôi thiết nghĩ, một nhà thơ nào đó dù có tài năng đến đâu, cũng không thể có sự hoàn hảo hết thảy trong thơ của mình được. Người đọc vì thế, cũng không thể nào tìm thấy trong thơ Văn Xương một sự hoàn hảo như kỳ vọng. Dù chưa thật sự hoàn hảo nhưng bù lại, độc giả có thể tìm thấy ở tập thơ Búp lửa của Văn Xương một chữ Tình đối với cuộc đời, với chính mình. Một chữ Tình như Ngọn lửa tình đời bừng sáng giữa bão giông, nên tôi tin rằng, gánh nặng tâm hồn ấy, bởi nón nợ ân tình ấy, sẽ còn tiếp tục gõ cửa trái tim thi nhân Văn Xương ở phía trước chân trời mới.  Qua tập thơ Búp lửa, bạn đọc càng thêm trân trọng, yêu mến và càng hiểu hơn về nhà văn, nhà thơ Văn Xương - một nghệ sĩ giàu lòng nhân ái, tình cảm và thao thiết với cõi đời, cõi người nhưng cũng lắm đa tình, ân nghĩa cuộc đời.

                                                Hải Thiện, tháng 4/2012




([1]) Nhân đọc tập thơ Búp lửa của Văn Xương, Nxb. Thuận Hóa, 2011.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét