Chủ Nhật, 26 tháng 12, 2021

CHÚT KỈ NIỆM VỀ MỘT NHÀ VĂN LỚN

 

CHÚT KỈ NIỆM VỀ MỘT NHÀ VĂN LỚN

CHÚT KỈ NIỆM VỀ MỘT NHÀ VĂN LỚN

         Trần Trung

nha_van_nguyen_hong

         NHÀ VĂN NGUYÊN HỒNG

Tôi vẫn nhớ đinh ninh. Ấy là vào mùa xuân năm 1968. Lúc đó, tôi đang học năm thứ hai, khoa Văn ĐHSP Việt Bắc.

  Được tin nhà văn Nguyên Hồng sẽ lên gặp gỡ, với sinh viên khoa Văn, chúng tôi rất mừng vui, háo hức. Và rồi, sau khi nhận được tin chừng dăm hôm, nhà văn của “Những ngày thơ ấu” (1938), “Bỉ vỏ” (1938), “Địa ngục và lò lửa” (1946)…đặc biệt là bộ tiểu thuyết đồ sộ dày hàng hai vạn trang sách gồm bốn tập đầy đặn-“Cửa biển” (được viết từ năm 1961 đến năm 1976),

đã lên Thái Nguyên và “cập bến”tại Hội trường khoa Văn của chúng tôi.

  Sau lời giới thiệu trịnh trọng và thân mật của thầy Hoàng Nhân-Chủ nhiệm khoa, một ông già nhỏ thó với hàng râu thưa, xuất hiện trên bục giảng-Nhà văn Nguyên Hồng ! Cả hội trường đứng bật dậy và vỗ tay nồng nhiệt. Nhà văn khả kính của chúng ta, thật mộc mạc, giản dị đến không ngờ; có lẽ chỉ “sang” hơn một chút về hình ảnh ông (trước cách mạng ) qua cách nhìn thân mật và có phần  suồng sã của văn hữu Nguyễn Tuân: “Ăn mặc xuềnh xoàng tới mức người ta tưởng là lập dị”. Trên tay ông là một cuộn bìa lớn, màu trắng đục. Sau nụ cười cởi mở rất hiền, ông giở cuộn bìa, treo lên bảng và hăm hở giới thiệu ngay : Đây là sơ đồ bộ tiểu thuyết Cửa biển mà tôi sắp hoàn thành. Tôi , ngồi ngay trên hàng ghế đầu (chỉ mong nhìn cho rõ nhà văn yêu quí !),ngước lên nhìn vào tấm bìa màu xin xỉn dở trắng đục, cơ man là chữ, là những mũi tên, những khoanh vuông tròn mà…đọc làm sao nổi ! Mà, ngơ ngác, lạ lẫm. Rồi, nhà văn say sưa, xúc động thuyết minh, giảng giải về bộ tiểu thuyết đồ sộ của mình sắp hoàn thành. Quả là, như nhiều người đã nhận xét về bản tính của Nguyên Hồng:Nhà văn dễ xúc động và nhất là ông rất hay…khóc. Lúc thao thao bất tuyệt, tôi dễ nhận ra ông với ánh mắt long lanh vừa như chứa lửa, lại vừa như rưng lệ. Ngoài hội trường, như đang “đồng tình”, “đồng cảm” với nhà văn của chúng sinh lao khổ mà giăng giăng những lớp mưa xuân bàng bạc, thoảng bay…Ông giảng giải say sưa, hào hển cứ như đang đứng trước các nhân vật, từng nhân vật của mình, nhất là những cảnh ngộ trắc trở, khốn quẫn của nhân vật mình đang thai nghén, sáng tạo…

nhagiatrantrung

 Tôi cứ nhớ mãi câu chuyện đã trở thành giai thoại của Nguyên Hồng: khi đọc lại bản thảo của mình, tự nhiên ông bật khóc nức nở, khi nhân vật Gái đen (Trong tiểu thuyết “Sóng gầm” của ông) bị chết mà tác giả không “cứu”được. Ông khóc thương, xa xót cho những nhân vật “nhỏ bé”, khốn khổ của mình, hay ông đã khóc, từng khóc cho chính số phận bất hạnh của mình : năm 12 tuổi, Nguyên Hồng đã mồ côi cha-Người cha từng ốm đau, nghiện ngập và không có tình thương với vợ con. Gia đình ông vốn nghèo khổ, càng trở nên sa sút,bế tắc. Rồi, mẹ ông lén lút đi bước nữa, để rồi bị nhà chồng ruồng bỏ, đến con đẻ cũng không được gặp mẹ. Hẳn là từ cảnh ngộ buồn thảm và bi đát ấy,Nguyên Hồng sớm tìm đến cảm thông và xót thương với những con người lao động khốn khổ, “dưới đáy” xã hội.

  Hội trường khoa Văn im phăng phắc nghe nhà văn của những con người cùng khổ nói chuyện, tâm tình. Ngoài trời, đang vào độ xuân, vẫn mưa, thoảng nhẹ như mơ hồ. Lũ sinh viên chúng tôi, mới độ đôi mươi, chăm chú nghe nhà văn như nuốt lấy từng lời tâm huyết của Nguyên Hồng. Tôi cứ nhớ mãi một đôi lời của ông trước khi kết thúc buổi giao lưu :Nhà văn phải là người bạn gắn bó, tâm đắc của những con người cùng khổ mà phẩm hạnh sáng trong, cao cả ! Nhà văn cũng nhấn thêm rằng : Nghề văn là nghề nhọc nhằn, nghiệt ngã và song phẳng lắm.. Những con chữ anh viết phải được chắt ra từ cảm xúc thực, từ tim, óc, máu thịt anh. Những lời tâm huyết gan ruột của nhà văn, hẳn đã được “chắt ra” trong những trang viết sôi nổi mà da diết đến thống thiết qua: “Những ngày thơ ấu” (1938), rồi kế tiếp đến hang loạt các truyện ngắn, truyện vừa của Nguyên Hồng- “Bảy Hựu”, “Hai dòng sữa”, “Miếng bánh”, “Giọt máu”, “Đêm giải phóng”…

                                ***

  Hội trường khoa Văn của chúng tôi khi đó, trên một quả đồi được dựng bằng tranh tre nứa lá và lợp bằng lá cọ. Khi đi xuống những bậc thang đất, tôi đi ngay sau nhà văn. Nguyên Hồng bước đi thong thả , tự tin. Chợt, tôi giật mình khi nhà văn trượt chân, suýt ngã. Cũng may ( may cho ông và, cũng là may  cho cả tôi nữa!), Nguyên Hồng nghiêng đổ vào tôi và tôi cũng kịp đỡ lấy ông. Đôi dép cao su ông mang, cũng vì thế mà tuột tung quai ra. Tôi định cúi nhặt giúp nhà văn, Nguyên Hồng đã cười rất hiền: để tớ ! Thế rồi, ông nhanh nhẹn rút từ trong túi quần ra một cái rút-dép , lồng trong chiếc vòng tròn tròn được làm bằng kim loại mỏng, một sản phẩm nào đó của nhà máy Dệt-Nam Định. Cái rút-dép đó, thời chúng tôi, dường như ai đi dép cao su cũng sẵn “thường trực” trong túi quần, phòng bị quai “lìa” khỏi dép.  Lão nhà văn bình thản, ngồi và rút lại từng quai dép bị tuột. Có lẽ, việc/sự này đã quá quen, quá thạo với nhà văn nghèo gốc Thành Nam…Ông lại cười, rất hiền và bình thản đi xuống tiếp.

                              ***

 Từ phố Hàng Cau-Nam Định, nhà văn Nguyên Hồng ra đất cảng Hải Phòng,sống chật vật và viết văn tại xóm lao động nghèo. Cũng từ những năm tháng đó,sự nghiệp văn chương của nhà văn cần lao thực sự khởi phát với những tác phẩm:tiểu thuyết, truyện ngắn có giá trị với nguồn cảm hứng nhất quán hướng về tầng lớp cần lao. Cho đến năm 1959, Nguyên Hồng lại chủ động, ngược lên Bắc Giang và tiếp tục “khắc khổ, cần lao và tranh đấu” với những trang viết; lại tiếp tục “chắt ra” những con chữ,trang văn từ máu thịt tâm tư của mình, khi hướng tới những con người khốn khổ và cao quí… cho đến hơi thở cuối cùng trước tiểu thuyết “Núi rừng Yên Thế”-Tập 2 (viết về người anh hùng Hoàng Hoa Thám ), đang còn dang dở. Trong hơi thở tàn bên người vợ, Nguyên Hồng chỉ còn thốt lên, đứt đoạn : “Tiếc quá”… “Hội nhà văn”…,rồi đi.

 Hôm nay, viết những dòng kỉ niệm đã qua xa trên năm chục năm rồi, tôi chợt ngẫm: một nhà văn rất giầu tình cảm trong văn và cả trong đời như Nguyên Hồng ,cũng là một nhân cách lớn bởi tình yêu thương rất mực với đồng loại, với quê hương và sáng tạo bền bỉ, quyết liệt đến tận phút chót của cuộc đời. Tâm trí tôi như chợt hiện lên hình ảnh nhà văn của những con người dưới đáy xã hội (xưa) cùng ánh mắt, nụ cười hiền và sáng ; cùng  những sợi râu bạc rung lên, cả khi ông cười và khóc.

                                           HÀ NÔI, 25/12/2020

                                              Trần Trung.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét