TƯỞNG NHỚ NHÀ THƠ TRÚC THÔNG
KHÚC TRẺ THƠ*
Trúc Thông
I.
...và trẻ con khoác vai nhau đi
chơi với nhau
chơi với trăng
chơi với biển
chơi với các lâu đài
này trẻ con ơi
cho tôi theo với
tôi bé lại đây này
tôi rất trẻ con
tôi làm những bài ca cho mà hát
cho tôi theo với
quá nửa cầu rồi
các trẻ con ơi
II
các em trang trí gì cho mặt đất
phấn cầm tay di di
phấn trắng quá
ngây thơ tự hát
trái đất cười thích thú được bôi lem
bằng phấn trắng
gạch đỏ
than...
trái đất mỉm cười mặt mình ngũ sắc
cười rung... gió cây
III
cứ lần theo giấy kẹo trẻ con
sẽ gặp thiên đường
Trọng Thủy chồm theo vết lông ngỗng
chỉ thấy gào biển thẳm
thật đấy mà
cứ lần theo giấy kẹo trẻ con...
*Khúc trẻ thơ: Thơ Trúc Thông-Trong phần thơ “Chầm chậm tới mình”-NXB Tác phẩm mới, 1985.
Lời bình của Trần Trung
“Khúc trẻ thơ” là một bài thơ thuộc phần Chầm chậm tới mình của nhà thơ Trúc Thông, trong tập thơ in chung với Đào Cảng (NXB Tác phẩm mới-1985).
Ngỡ như lạ mà quen với điệu giọng riêng của thơ Trúc Thông, vốn thường “bắt” người đọc sau cảm, phải ngẫm ngợi mà tự rút ra điều cần nắm bắt, phải nắm bắt đằng sau câu chữ. Phần khơi mở (khúcI), nhà thơ hồn nhiên , thung thăng đưa ta vào thế giới thật riêng, rất đỗi con trẻ. Bởi, người thơ như bắt sóng hợp hòa với lũ trẻ thơ đáng yêu, cùng “khoác vai nhau đi” mà chơi thả sức, hết lòng “với nhau”, “với trăng”, “ với biển”, “với các lâu đài”.
Thi sỹ dường như vui trẻ lại cùng khúc hát lòng mình . Vui, mà hòa cùng bước đi; mà dắt đẫn con trẻ đi vào thế giới “vô thủy vô chung”-Mênh mang, kì vĩ, vừa như gần gũi lại vừa xa xôi của Miền-Chơi-Thật-Ảo :
“...và trẻ con khoác vai nhau đi
chơi với nhau
chơi với trăng
chơi với biển
chơi với các lâu đài”
Tiếng gọi của nhà thơ với tuổi thơ hay niềm khát vọng hồi sinh, nhẹ nhàng mà khẩn thiết, thiết tha. Tôi, thích và rất đỗi cảm thương trong những lời thơ được điệp lại của Trúc Thông : “này trẻ con ơi/cho tôi theo với”, rồi lại “tôi bé lại đây này/tôi rất trẻ con”, “quá nửa cầu rồi/các trẻ con ơi”...
Tình ý, tình tứ của Trúc Thông trong “Khúc trẻ thơ”, dịch chuyển từ khúc-Giao-Cảm sang Khúc-Nhận-Biết-Nhận biết về những điều ngây thơ và cũng vô cùng diệu kì mà con trẻ đã ( và sẽ !) “trang trí cho mặt đất”, khiến cho “trái đất cười thích” và “mỉm cười” khi được lũ trẻ thơ “bôi lem” lên mặt mình “ngũ sắc”. Thật thú vị, khi nhà thơ cảm nhận được một cách tràn đầy cảm xúc và suy tư-những biểu hiện “ngây thơ tự hát” của lũ trẻ con mà tạo nên cơn chấn động trong ba lần cười của trái đất, từ trái đất : “trái đất cười thích thú” (lần một); “trái đất mỉm cười” ( lần hai); và, “cười rung... gió cây” (lần ba).
Nhà thơ Trúc Thông là người một đời tâm đắc đến riết róng và thâm hậu trong câu chữ thơ; ngẫm, sau câu chữ tìm tòi, sáng tạo là tấm lòng dịu dàng, nhân ái với đời, với người, ở thi phẩm này là tấm lòng cùng suy tư nhà thơ dành cho con trẻ. Chưa hết, nhà thơ trao gửi tâm tình cho con trẻ và cho cả người lớn nữa chứ, cho hôm qua, hôm nay và muôn đời sau. Nhà thơ nhân bao điều cảm suy cho chúng ta trong “Khúc trẻ thơ” thứ ba (khúcIII), cũng là khổ kết với thật nhiều dư vị :
“cứ lần theo giấy kẹo trẻ con
sẽ gặp thiên đường
Trọng Thủy chồm theo vết lông ngỗng
chỉ thấy gào biển thẳm
thật đấy mà
cứ lần theo giấy kẹo trẻ con...”
Phải chăng sự dị biệt giữa con trẻ hồn nhiên, thơ ngây với toan tính, mưu mô của người lớn nằm trong hai chữ đối nghịch : “lần”> “chồm”. Và, mọi thứ đều có giá của nó!
HÀ NỘI 5/6/2019.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét