VĨNH BIỆT NHÀ THƠ TRÚC THÔNG!
NHÀ THƠ TRÚC THÔNG SINH NĂM 1940
ĐÃ RỜI CÕI TẠM NGÀY 26 THÁNG 12 NĂM 2021
HƯỞNG THỌ 82 TUỔI.
XIN CHIA BUỒN SÂU SẮC CÙNG GIA ĐÌNH!
KÍNH TIỄN LINH HÔN NHÀ THƠ TRÚC THÔNG VỀ CÕI PHẬT!
VUNHONB.BLOGSPOT.COM
Xin đăng lại một bài viết về tập thơ của nhà thơ Trúc Thông!
THAO THỨC TRÚC THÔNG
Tập thơ Một ngọn đèn xanh của Trúc Thông, nxb Hội nhà văn 2000
Vũ Nho
Trong số các nhà thơ thành danh, người đạt kỉ lục in thơ ít có lẽ là Chính Hữu, và sau này là Trúc Thông. Có bạn viết đùa rằng Trúc Thông chầm chậm tới mình, rồi chừng như sốt ruột, anh lại chuyển qua maratông. Thật ra, chầm chậm tới mình (cũng là một kiểu maratông) và maratông không phải là hoàn toàn trái ngược. Hai quá trình này đều có điểm chung là sự đi tới một cách kiên trì, và nhất là bền bỉ. Nếu anh không tới mình, anh chẳng là anh, một gương mặt riêng, một phong cách riêng, thì sự tới đích của cuộc maratông thứ hai phỏng có được bao nhiêu ý nghĩa? Chọn cách tiếp cận biện chứng, thống nhất như vậy, Trúc Thông ung dung, bình tĩnh trên đường tìm tòi sáng tạo của mình. MỘT NGỌN ĐÈN XANH cũng là một kiểu đua thời gian lặng lẽ, một sự thao thức bền bỉ, maratông đi tìm một siêu cúp của Nàng Thơ.
Ấn tượng về một Trúc Thông nghiêm túc, khắt khe, và có thành tựu trong lao động nghệ thuật lại một lần nữa được tô đậm, khá đậm trong tập thơ này. Chùm thơ quê của anh thật trong trẻo và ấm áp. Nó gợi cảm giác Phảng phất rất xa xăm. Sao gần hiền đến lạ. Khó mà dẫn ra một bài, một đoạn thơ nào thật tiêu biểu, nhưng "hồn quê" như là phảng phất, như là ngưng đọng ở Ngọn gạo xa cánh đồng, ở Thời gian ngoằn ngoèo vỏ cây vệt chảy, ở Quán chợ quê hương gạch tường long đỏ, ở Sông Châu gió đầy đôi bờ gần lắm, ở hình ảnh người mẹ Đội thúng đậy mảnh vỉ buồm. Đường hè chân rát đường đông bấm bùn, và những người dân quê Những người chở mạ đi xanh thẫm cùng chiều. Tất cả những hình ảnh thân thương ấy thấm đẫm trong tình yêu da diết làng quê khiến cho người đọc như muốn thốt lên tự đáy lòng: Quê hương mình thương lắm…
Từ nẻo quê mình, Trúc Thông đến các miền quê khác với bao nhiêu cảm nhận về nét riêng độc đáo của cảnh sắc, con người. Miền Trung "có bao nhiêu mắt sắc, bao miệng cười muối mặn nhói lòng thay". Cà Mau "Sông cứ chảy bời bời sóng đục. Trôi đôi bờ thấp thoáng bông mai". Paris "Những chân trời xếp hàng chật chội - danh nhân - một tên mới nhô lên khó lắm…". Nhưng, bao giờ nhà thơ cũng nghĩ đến những người mẹ.
Vận nước rồng lên
Vận nước tối bùn
Mẹ vẫn áo tơi cánh đồng đi cấy
Biển sông nông nỗi làm chứng ngọn đèn
Lom đom canh khuya dải sương che khuất
Qua vùng Kinh Bắc
Cha chợt thấy ngõ xa hun hút gió
Bà nội các con đi một đời người
…
Bà đã đem tấm thân mỏng gầy
Lấp đầy khổ ải
Cho đến mùa hoa rợp các con
Những thoáng Paris 5
Người mẹ ấy, khi là hình ảnh người đàn bà tóc bạc Một bà cụ lưng còng gần rạp đất (Lát sông quê), khi là hình ảnh mẹ Tiết không chỉ lam lũ, vất vả, mà còn phải chịu "nổi khổ to bằng thế giới", và
Mẹ nhỏ lại
Bằng đứa cháu kia thôi
Một cô bé tóc bạc
(Tặng mẹ Tiết)
Hình ảnh người mẹ "một cô bé tóc bạc" là một hình ảnh rất Trúc Thông, thể hiện không chỉ tình cảm của anh mà còn cả sự tìm cách diễn đạt tạo ấn tượng.
Một mạch tình cảm sâu nặng khác của tập thơ này là tình cảm với bạn bè. Trúc Thông dành những cảm xúc chân thành, hồn hậu và thương mến cho bè bạn, nhất là những người bạn viết, bạn văn, bạn thơ. đó là Đào Cảng, Cao Minh Trai, Trần Hoài Dương, hay thân gần hơn nữa, chỉ một cái tên là Hải, là Đôn, là Hiếu, hay một cái tên viết tắt, hoặc vô danh hơn, một thi hữu. Cái mối dây gắn bó ngoài tình bạn viết, còn có tình người, tình đời sâu nặng. Biết bao nhiêu là kỉ niệm vui buồn có thể có giữa hai người được gợi lại:
Ngõ sâu khuya nhắc chi
Đường cây xanh nói gì
Và phở trong quán nhỏ
Và đôi li ru ri
Người bạn vong niên ấy phương Nam
Và đây nữa, phải gắn bó thế nào mới có thể viết những dòng thơ như nguyện cầu:
Xin em neo lại một làn hương say
Một ngày đổi lấy triệu ngày
Ngàn xưa đổi lấy đời nay một người.
Tặng Trần Hoài Dương
Trong những bài thơ tặng bạn bè, một thi đề quen thuộc, Trúc Thông cũng thể hiện sự gắng gỏi để thơ có thể cô đọng, để tình cảm có thể dồn nén, để hình tượng, câu chữ có thể ám ảnh.
Trúc Thông sản xuất thơ chậm, in thơ ít, phải chăng là do quá cẩn trọng, quá khe khắt với chính mình? Cái đó cũng có thể. Nhưng hình như còn có lý do khác. Ấy là anh muốn cách tân, muốn tìm chìa khoá mới cho sự sáng tạo: "Rũa, rũa. Những chìa thường. Chìa mở vô biên”. Anh muốn lấy "lưỡi búa và rượu thần ngôn ngữ" của bà Chúa thơ nôm mà "ném ra cho Cái Cũ rủa nguyền". Anh muốn tránh cho con tàu thơ thảm hoạ chìm, chìm dần do nghe những cũ quen của những nàng Si ren biển xưa Hy Lạp ru mê hồn, ru đắm đuối. Bằng suy nghĩ và việc làm, Trúc Thông thể hiện là người lao động thơ có ý thức cao về nghề, có trách nhiệm với bạn đọc, và luôn luôn muốn có tìm tòi, sáng tạo.
Anh tìm một cách nhìn sự vật:
Ôi đàn xenlô chảy chậm một dòng
Ru khúc chiều đang quê hương cổ điển
Chợt quê
Anh tìm một cách tương phản hình ảnh:
Em trỗi dậy từ chân trời bão lửa
Hắt sáng lên cát trắng sóng duềnh
Dàn trải miền Trung
Một cách đảo ngữ:
Ghé vào cửa sổ
Đựng trong túi gió
Mùa thu mang đi
Gió đang thu ru ở đầu cành
Gửi một thi hữu
Các bé gái chơi thổi nấu. Một cách hiệp vần trong câu.
Và nhất là cách diễn đạt độc đáo những điều quen thuộc
Tôi rắc tuổi thơ loanh quanh phố chợ
Chút tình thơ dại bây giờ tôi buôn
Bán cho vợ con lần đầu thăm quê
Bán gởi cho ai xa nước chưa về
Đứng ở chợ sông
Bảo tàng Louvre
Vỗ trên ngực tôi
Bác Nhai vào ngay giữa tim tôi
Và đứng lại
Những thoáng Paris 1
Đôi mắt mở to
in lên toàn đêm xiếc
Mấy đoạn thơ Thượng Hải
Thơ Trúc Thông còn kiệm lời, và cũng khá giàu nhạc điệu. Cái mà anh gọi là âm nhạc bên trong của thơ.
Những cố gắng tìm tòi, thử nghiệm của Trúc Thông đã có được một số thành công. Tuy nhiên, trong khi hướng tới tính chất cô đọng, tính chất trí tuệ, thơ rất dễ bị giảm mất sự mềm mại, giảm bớt sự say mê, đắm đuối. Tất nhiên, mỗi vẻ đẹp thơ có sự quyến rũ riêng của nó. Nhưng nếu giảm thiểu những yếu tố cần thiết đó thì thơ có thể mới đạt đến cái lạ, cái mới, mà chưa chắc đã có được cái hay - là linh hồn của thơ ca mọi thời đại. Trúc Thông chắc không phải là không biết đến điều này. Nhưng từ suy nghĩ đến sáng tạo là của một quãng đường dài. Người làm thơ vừa phải tới mình vừa phải maratông tới đích. Hai cuộc chạy đua đó làm "chới với bao thi sĩ". Dù "Xả thân, tuẫn thánh. Họ đã chơi cơn lốc hết mình. Nhưng sợi chỉ mỏng manh may rủi. Đã cản vào chấm vạch vinh quang".
Những người không thua cuộc). "MỘT NGỌN ĐÈN XANH" chứng rằng Trúc Thông vẫn còn trên đường đua. Hơn ai hết, anh biết rất rõ: "Cuộc chơi maratông này luôn thách đố cả những tay đua nhà nghề già giơ nhất" (Trúc Thông. Bạt tập thơ Giữa dòng xuôi ngược của Vũ Quang Tần, nhà xuất bản Lao động, 1999).
2/2001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét