Thứ Hai, 6 tháng 12, 2021

Nguyễn Hoàng Sơn: - THƠ và BÁO và TRANH LUẬN…

Nguyễn Hoàng Sơn:

- THƠ và BÁO và TRANH LUẬN…


n.hong_sn

NHÀ THƠ NGUYỄN HOÀNG SƠN


BÙI ĐỨC KHIÊM

Gần 40 năm làm báo, sau khi nghỉ hưu tôi hay nghĩ vềbạn bè, đồng nghiệp cùng lứa. Một trong số đó là nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn. Cái “duyên” Hòa Bình và “duyên” thơ viết cho thiếu nhi đã se chúng tôi gặp nhau, rồi dần thân tình cả trong công việc và ngoài đời.

  1. NGƯỜI THƠ “LẮNG LẠI” VỚI HÒA BÌNH

“Thị xã trong tôi lắng lại tự bao giờ…” là một câu trong bài thơ Đi trong đêm thị xã của Nguyễn Hoàng Sơn: Tôi đi trên đường phố Hòa Bình/ Nghe dòng sông đâu đây, gần lắm/ Tiếng gió qua lùm cây như tiếng sóng/ Hơi nước bay đầy dịu mát trời đêm/ Bỗng thấy dòng sông như nhịp đập quả tim/ Quả tim khỏe không bao giờ mệt mỏi…

Bài thơ được Nguyễn Hoàng Sơn gửi dự cuộc thi thơ năm 1975 của Báo Văn nghệ và được trao giải khuyến khích. Giải không cao, nhưng với một tác giả, chàng trai mới 26 tuổi, sau tốt nghiệp đại học được phân công lên công tác ở một tỉnh miền núi thì quả là “oách” so với nhiều người cùng thời.

 Tác giả nói về mình: Tôi đi từ cuộc sống Thủ đô/ Đến nơi đây cửa ngõ vào Tây bắc/ Núi và núi, nhiều hơn nhà gác/ Thị xã chạy dài như không có bề ngang…

Với Đi trong đêm thị xã, Nguyễn Hoàng Sơn một bước được ngồi cùng “chiếu giải” sang trọng với 19 tên tuổi của văn đàn cả nước thời kỳ đó và sau này, những: Hữu Thỉnh, Văn Lê, Anh Ngọc, Lê Đình Cánh, Ngô Văn Phú, Nguyễn Phan Hách, Võ Thanh An, Trần Mạnh Hảo...Nghe nói nhà thơ Xuân Diệu - thành viên Ban chung khảo cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm đó - khen bài thơ Đi trong đêm thị xã ngôn từ giản dị, trong sáng và có tính dự báo, lạc quan phơi phới (?)…

 Tôi đọc Đi trong đêm thị xã lần đầu trên Báo Văn nghệ và cảm nhận đó là một thi phẩm hay. Cái hay trong bối cảnh đất nước vừa mới đi qua chiến tranh và bước sang giai đoạn tái thiết, xây dựng mới các thành phố, thị xã.

 Quê ở huyện Kim Bôi, cách thị xã Hòa Bình hơn 30 ki - lô - mét, những năm học cấp I, II trường xã, trường huyện tôi từng vài lần được “lên tỉnh” dự đại hội thiếu niên, học sinh tiên tiến. Rồi nữa, năm đầu thập niên này tôi có một năm “tầm sư học đạo” ở phân hiệu đại học Trường TNLĐXHCN Hòa Bình trước khi “sang ngang” thi vào một trường mỹ thuật ở Hà Nội. Một năm, tôi nhiều lần đạp xe đi, về qua thị xã nên “thuộc” Hòa Bình như lòng bàn tay…

 Có thể tôi là dân học mỹ thuật nên đọc rồi nghĩ Đi trong đêm thị xã như một bức tranh khắc hoạ những nét độc đáo của một thị xã miền sơn cước có dòng sông Đà chảy qua với những địa danh nghe thật mộc mạc, dân dã: Phố Đúng, phố Lau, Sủ Bến…Cùng với những nét hoang sơ, bức tranh có những vỉa mầu trầm tích: Thị xã này từng vườn trống nhà không/ Lấy đổ nát hoang vu làm thành trì đánh giặc/ Nền móng cũ, mảng tường xưa vẫn nhắc/ Những đêm trăng lu“pháhoại” năm nào/ Mười năm hòa bình chưa làm được là bao/ Thị xã lại hai lần sơ tán/ Ở lẫn với rừng đẵn bương làm lán/ Ăn cơm ngô đánh giặc với miền Nam…

 Vậy đấy thị xã Hòa Bình, cũng giống như bao thị xã, tỉnh lỵ ở miền Bắc những năm tháng chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội!

 Nhưng, bức tranh Đi trong đêm thị xã còn có một không gian rộng mở bởi những mảng màu tươi rói: Bạn tôi, một kiến trúc sư/ Yêu tha thiết những gì anh đang vẽ/ Tôi sung sướng lắng nghe anh kể/ Về một tương lai có lẽ rất gần/ Thành phố xanh mầu áo công nhân…

Nguyễn Hoàng Sơn quê ở huyện Sóc Sơn, nhưng được ra Thủ đô học phổ thông ở Trường Chu Văn An danh tiếngrồi đậu vào Trường đại học Kinh tế quốc dân (1966-1970). Ra trường, Sơn nhận quyết định lên “khởi nghiệp” ở Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình. Chính ngồi mài ghế ở sở chuyên ngành về xây dựng mà Hoàng Sơn sớm nắm bắt được những thông tin về một dự án ngăn sông Đà. Nhưng nghe, biết là một chuyện còn chuyển tải đưa những thông điệp ấy vào thi ca thì Hoàng Sơn phải là người nhanh nhạy và tự tin lắm: Tôi đi một mình trên đê Đà Giang/ Dòng sông chảy trong đêm như đại lộ/ Lửa chài sáng hay ánh đèn xe cộ/ Một chiếc ca nô đột ngột kéo còi/ Những ngôi nhà yên ngủ quanh tôi/ Và hẳn trong giấc mơ những con người đôn hậu/ Cái thị xã mà họ hằng yêu dấu/ Sẽ hiện về với bộ cánh tương lai/ Năm tháng cho ta tin ở ngày mai…

 Thì đấy, Nhà máy thủy điện Hòa Bình được khởi công xây dựng vào tháng 11 năm 1979 rồi tưng bừng khánh thành tháng 12 năm 1994 - trở thành công trình thủy điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á khi đó. Năm 2006 thị xã Hòa Bình được lên thành phố. Thì đấy, từ chỗ muốn qua sông Đà người ta phải lụy đò, lần lượt có một rồi hai, gần đây thêm cây cầu thứ ba hiện đại nối liền bờ phải và bờ trái, nhà tầng nhiều như núi với dọc ngang những con đường mang tên các vị anh hùng dân tộc, cả tên nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng, trong đó có con đường mang tên nhà văn Nguyễn Tuân - Tác giả tập truyện Sông Đà vang bóng một thời…

 Không chỉ có Đi trong đêm thị xã, tháng 10 năm 1976 Nguyễn Hoàng Sơn còn có bài thơ Bưu điện ngã bacũng in ở Báo Văn nghệ: …Nơi đường Sáu mọc thêm nhành mới/ Có ngôi nhà bưu điện của em/ Ta làm lụng và trang thư chợt đến/ Biết mấy ân tình những ngón tay đưa…(cuối bài tác giả ghi: Ngã ba Chăm, Tx Hòa Bình, 4 - 1976). Sau này, Nguyễn Hoàng Sơn tập hợp 120 bài thơ in thành tập: Đợi mắt nhìn mới nở (Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2010), hai bài thơ Đi trong đêm thị xã, Bưu điện ngã ba được tác giả xếp trang trọng đầu tập sách. Đến như tên tập thơ cũng là tên bài thơ viết về Đà Bắc, một huyện của tỉnh Hòa Bình: Tiếng Mường hay tiếng Nùng?/Nghe vui tai: Tu Lý!/ Cái bản vắng lòng thung/ Đã trở thành huyện lị…

Ngỡ ngàng, bâng khuâng với“cái thuở ban đâu lưu luyến ấy” là tâm trạng của Nguyễn Hoàng Sơn những lần trở lại nơi một thời mình từng gắn bó.

Một hồn thơ “lắng lại” với Hòa Bình với sông Đà như thế kể cũng là đến độ!

 

  1. MỘT BƯỚC VỀ HÀ NỘI VÀ LÀM BÁO…

 Nhưng Nguyễn Hoàng Sơn cũng chỉ “ăn cơm tập thể, ngủ giường cá nhân” ở thị xã Hòa Bình chừng 5 năm. Sau khi nhận giải cuộc thi thơ Báo Văn nghệ đầu năm 1976, đến giữa năm Hoàng Sơn chuyển công tác từ Ty Xây dựng Hà Sơn Bình (Hòa Bình mới sáp nhập với Hà Tây) về Báo Tiền phong. Vậy là một bước, bài thơ “đưa” Hoàng Sơn về Hà Nội và chuyển sang làm báo bên cạnh nghiệp thơ phú.

 Có một sự trùng hợp, năm 1976 tôi cũng được nhận công tác ở một tờ báo ngành kinh tế trung ương. Một ngày cuối năm, tôi đạp xe đến Báo Tiền phong ở phố Hồ Xuân Hương gặp Hoàng Sơn. Khi biết tôi cũng sinh năm 1949, nhưng cuối năm, tuổi Sửu còn mình sinh đầu năm, mệnh Tý, Sơn chuyển sang xưng “tớ và chú” với tôi rất tự nhiên, dễ gần…

Từ đấy chúng tôi thường gặp nhau. Làm báo tuần thời đó khá nhàn tản, nhất là với những người mới “khởi nghề”. Nhiều chiều chúng tôi hẹn nhau rồi cùng đạp xe nhằm hướng phố Khâm Thiên, Ô Chợ Dừa...đến gần Ngã Tư Sở tôi rẽ về nhà ở một khu tâp thể còn Sơn lầm lũi đạp tiếp năm cây số nữa về nhà, tận Hà Đông.

 Từ Hà Đông, thi thoảng Hoàng Sơn cũng nhảy ô tô buýt đi làm. Mỗi sớm mai là bài thơ đầu tiên của Sơn viết sau khi về Báo Tiền phong: Chẳng là đồng nghiệp đồng hương/ Vì chung nhau một đoạn đường mà quen/ Xe dừng, cửa mở, em lên/ Vừa may, cứ sợ nữa em lỡ giờ/ Mưa theo cơn, nắng có mùa/ Chuyến xe đúng hẹn, nắng mưa vẫn dừng/ Ở đây bến vắng giữa chừng/ Chỉ mình em xách cặp lồng bước lên…

 Đó là thời bao cấp khốn khó. Không “Chỉ mình em xách cặp lồng” đi làm đâu,  Hoàng Sơn, tôi và nhiều người cũng thế! Cái khó nó hiện hữu từ trong cuộc sống mỗi gia đình. Sau này khi Tiễn con gái lớn về nhà chồng Hoàng Sơn còn hoài niệm:…Thuở ấy nhà ta thật nghèo/ Con vừa sinh đã phải cùng chia sẻ/ Một quả trứng ba người nhường nhau/ Mền bông rách truyền hai thế hệ/ Thời khốn khó tránh sao điều nặng nhẹ/ Con có buồn không khi bố mẹ bất hòa?

 Những câu thơ gan ruột Sơn viết ra ấy, tôi đọc, thấy sao mà giống gia cảnh của mình đến vậy? Và rồi “cơm áo không đùa với khách thơ” còn đeo bám Sơn (cả tôi nữa) đến sau khi đất nước bước sang thời kỳ đổi mới. Nhiều tờ báo tuần ở trung ương được xuất bản thêm các số cuối tuần, cuối tháng. Năm 1988, Báo Tiền phong ra tờ Tiền phong chủ nhật và Nguyễn Hoàng Sơn được làm Trưởng ban - kiêm Thư ký tòa soạn. Hợp với “sở trường” của mình quá, người thơ vì thế cũng bận bịu, gặp gỡ nhà văn nọ nhà thơ kia nhiều hơn để viết bài và có thêm nhuận bút, đương nhiên rồi.

 Cuối năm 1988, Hoàng Sơn được tòa soạn cử đi dự lớp đào tạo, quản lý công tác Đoàn những 9 tháng ở CHDC Đức. Như nhiều người được đi Tâythời đó, Sơn cũng loay hoay vay mượn tiền bạn bè, đắn đo lo cái “mang đi và mang về” (tên một bài viết của Sơn). Sơn cũng mang đi những quần bò, áo phông Thái, hàng thủ công mỹ nghệ…rồi “mang về” những áo lông, xích-líp xe đạp, bàn là và hàng va-li phim ảnh WRWO…

 Riêng Hoàng Sơn có một thứ “mang về” mà không phải ai cũng có. Đó là một xê-ri thơ hơn chục bài và ghi chép “Cảm nhận Bec-lin”. Tôi thích bài thơ Tele café của Sơn: Tôi xếp hàng ròng rã/ Chờ lên tháp truyền hình/ Muốn được nhìn cho thỏa/ Cả hai phần Bec-lin/…Tháp sắp trọn vòng quay/ Người bán hang tới nhắc/ Tôi tặng cô một Mark/ Để được thấy nụ cười/ Nụ cười từ mặt đất/ Mang theo lên lưng trời!

 Tinh tế và hóm hỉnh đến thế là cùng! Hoàng Sơn đã mang nụ cười “mua” được ấy từ lưng trời Béc-lin về Việt Nam. Trong một lần trà dư tửu hậu với bạn bè, Sơn cười tít: - Lần đầu tiên trong đời vợ chồng tớ có tiền gửi tiết kiệm. Chẳng có gì phải giấu giếm, ai đi Tây chẳng “rứa”! - rồi cao hứng đọc: Thư về, em hẳn khó tin/ Anh đang đứng giữa Béc-lin, chợ trời/ Cũng đôi co, cũng chào mời/ Dẫu không dễ hiểu được lời của nhau(Chợ trời Béc-lin).

 Sau chuyến đi Đức, Hoàng Sơn sắm được con Honda Cub50 để mỗi sớm mai phóng vè vè từ Hà Đông đến cơ quan. Nhưng rồi không lâu sau Sơn đã “chào thân ái” con đường Nguyễn Trãi đông đúc Hà Đông - Hà Nội. Ấy là đầu thập niên 90, Báo Tiền phong được UBND thành phố Hà Nội cấp cho miếng đất đâu những 5.000 M2 ở trung tâm quận Đống Đa, cách Ô Chợ Dừa chỉ vài trăm mét và phân lô chia cho cán bộ, phóng viên.

  Nước nổi bèo nổi, năm 1993 vợ chồng Hoàng Sơn đã cất xong ngôi nhà tầng trên mặt bằng gần 60 m2. An cư giữa thủ đô, “khách thơ, khách báo” không lạc nghiệp mới là lạ! Thật thế, Hoàng Sơn đã lạc nghiệp 33 năm ở Báo Tiền phong cho đến khi nghỉ hưu (2009). 33 năm, Hoàng Sơn đã cho ra đời hơn 12 tập truyện, thơ, trong đó 2 tập thơ viết cho thiếu nhi: “Sự tích rước đèn trung thu” và “Dắt mùa thu vào phố” được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1989 và 1992). Ngoài ra là hai tập dầy dặn:“Tranh luận văn học”“Văn đàn thời sự & bình luận”(NXB Văn học, năm 2000 và 2003) - Đây là những ghi chép, trao đổi với hàng chục “Người văn - Nghề văn” và các bài tranh luận trên Tiền Phong chủ nhật, một số báo, tạp chí của Hoàng Sơn với các nhà văn cùng thời như Trần Mạnh Hảo, Văn Chinh, cả với các nhà nghiên cứu, phê bình gạo cội: Phó GS Cao Xuân Hạo, GS Phong Lê…

 Đọc một cách liền mạch hai tập sách nói trên người ta mới thấy hết được tác giả là người đọc nhiều, am tường đông tây, kim cổ như thế nào. Bởi vậy, những trao đổi hay tranh luận gai góc…tính lô-gic và thuyết phục thường nghiêng nhiều về phía Hoàng Sơn - Với “Tranh luận Văn học”, một lần nữa Hoàng Sơn lại được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (2001) đã nói lên điều đó!

Một đời gắn bó với nghề báo, có được 3 tác phẩm Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam đâu có mấy ai? Mừng cho bạn tôi - Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn!

Hà Nội, tháng 11/2021.

B.Đ.K

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét