| HÌNH ẢNH NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM QUA CHÙM THƠ CÙNG NHAN ĐỀ “MẸ” Th. S. Nguyễn Thị Thiện Người
mẹ - là đề tài bất tận của nghệ thuật, nhất là thi ca. Thơ Việt Nam
hiện đại viết về mẹ rất phong phú, có nhiều bài hay bởi mẹ là người đã
khơi nguồn cảm hứng cho các nhà thơ. Thật thú vị trong quá trình tìm
đọc, nghiên cứu những bài thơ về chủ đề người phụ nữ, tác giả bài viết
đã bắt gặp tới năm bài thơ đều có nhan đề chỉ một từ duy nhất "Mẹ" của
các tác giả Nguyễn Ngọc Oánh, Phan Thị Thanh Nhàn, Trần Quốc Minh, Bằng
Việt và Đoàn Thị Ngọc Thu. Tuy chủ đề giống nhau, đối tượng hướng tới
giống nhau, cảm xúc về mẹ cơ bản tương đồng nhưng các sắc thái biểu hiện
về mỗi người mẹ, cách thức ngợi ca tri ân mẹ ở mỗi tác giả lại khác
nhau. Tất cả tạo nên chân dung đa dạng về người mẹ với vẻ đẹp ngời sáng
chất của người phụ nữ Việt Nam. "Trong khổ đau, Người đẹp hơn nhiều" Đây là câu thơ của Tố Hữu rút từ bài thơ “Chào xuân 67”
đã khái quát sâu sắc phẩm chất của người mẹ Việt Nam. Càng trong vất vả
gian lao, phẩm chất người mẹ, vẻ đẹp của người phụ nữ càng tỏa sáng. Có
4/5 bài thơ trên ra đời trong thời kỳ đất nước chiến tranh, cuộc sống
vô vàn thiếu thốn, gian lao (riêng bài thơ của Đoàn Thị Ngọc Thu ra đời
sau). Tất cả những người mẹ trong chùm thơ đều sống trong cảnh nghèo
khó, thường ngày các mẹ lao động tăng gia sản xuất cật lực để nuôi con
cái và cả gia đình. Trong thơ của Nguyễn Ngọc Oánh, chân dung người mẹ
hiện lên thật sống động: "Cánh bàng thà lái heo may/ Mẹ gầy cái dáng khô gầy cành tre/ Gót chai nứt nẻ đông hè/ Ruộng sâu bấm mãi đã tòe ngón chân".
Chỉ mấy câu thơ tác giả đã làm hiện lên rõ nét cả cuộc đời cơ cực của
mẹ. Thơ chẳng là điêu khắc mà có thể chạm khắc sống động hình ảnh người
mẹ Việt Nam chân thật và xúc động biết bao! Cách diễn đạt "tòe ngón chân" rất
gợi cảm, quen thuộc với lối nói của người nông dân chứng tỏ tác giả am
hiểu lời ăn tiếng nói của quần chúng rất sâu sắc. Mẹ không những chăm
chỉ việc đồng áng, lo cái ăn, mẹ còn cần cù may vá, lo cái mặc cho cả
nhà: "Mẹ ngồi vá áo trước sân/ Vá bao mong ước tay sần mũi kim". Ngôn
ngữ thơ tinh tế chứng tỏ người con đã thấu hiểu nỗi đau thể chất và cả
khát khao của lòng mẹ: mong các con được ấm áo no cơm, riêng mẹ chẳng nề
hà, dù bản thân vất vả đến đâu. Mỗi bữa ăn giấc ngủ, bao giờ mẹ cũng
nhường nhịn cho con: “Bát canh đắng lá chân chim/ Lẫn vài con tép mẹ tìm dành con/ Co ro một mảnh chăn mòn/ Tàn đêm giấc ngủ vẫn còn ngoài chăn”. Còn trong bài thơ “Mẹ” của
nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, ta gặp người mẹ trong một hoàn cảnh thương
tâm và nể phục khác. Nhân vật trữ tình đã tâm sự với bạn đọc về hoàn
cảnh: "Lớn lên cha đã không còn/ Chỉ riêng mình mẹ sớm hôm tảo tần".
Tuy thiếu đi bờ vai trụ cột, người bạn đời của mẹ không may đã về cõi
vĩnh hằng, chỉ mình mẹ gánh nặng trên vai cả một gia đình đông đúc nhưng
mẹ chẳng lo nghĩ hạnh phúc cho riêng minh, dành cả tuổi xuân còn lại
chăm lo cho các con. Tuy vừa làm mẹ vừa làm cha, bao nhiêu khó nhọc
chồng chất nhưng mẹ chẳng chút phàn nàn. Mẹ làm lụng đến chai sạn tay
chân "bàn tay mẹ đủ nếp nhăn" chỉ để chăm lo cho các con đủ ăn, đủ mặc, những mong các con mẹ từng ngày “dần dần lớn khôn”. Niềm mong ước ấy trari bao tháng năm đã thành hiện thực, giờ đây con mẹ đã “đôi lứa vuông tròn”, dù đánh đổi “Bao nhiêu năm mẹ héo hon một mình”.
Hình hài mẹ tuy khô héo vì sương gió cuộc đời nhưng lòng mẹ rạng ngời
hạnh phúc. Nhà thơ đã rất sáng tạo khi dùng hình ảnh so sánh đắt giá:“Mẹ như mặt đất sâu xa/ Lặng im nuôi dưỡng lúa hoa ngàn đời”.
Câu thơ có chiều sâu khái quát và cô đọng như một chân lý. Mặt đất rộng
lớn, tận dâng tận hiến cho người và muôn vật tất thảy, riêng đất chỉ
một màu nâu giản dị như sắc áo quen thuộc của các bà mẹ thường mặc. Nhờ
có đất mẹ nuôi dưỡng mà các con nên người hữu ích và lúa - hoa, biểu trưng cho các giá trị vật chất - tinh thần được tồn tại, phát triển và ngàn đời bất diệt. Đến với bài thơ “Mẹ” của Trần Quốc Minh, người đọc đến với không gian yên tĩnh, nóng bức của buổi trưa hè. Nhờ lời ru của mẹ cùng với “Kẽo cà tiếng võng” đưa êm và bàn tay mẹ quạt không ngừng nghỉ mà cháu bé có giấc ngủ say nồng. Lãng mạn và hay nhất trong thi phẩm là những câu:“Lời
ru có gió mùa thu / Bàn tay mẹ quạt mẹ đưa gió về / Những ngôi sao thức
ngoài kia / Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con / Đêm nay con ngủ giấc
tròn / Mẹ là ngọn gió của con suốt đời”. Vạn vật chìm trong yên
nghỉ, duy chỉ có lời ru của mẹ vẫn thức. Người mẹ trong bài không chỉ
quan tâm, chăm sóc con thơ về thể chất mà còn chăm lo nuôi dưỡng tâm hồn
con trẻ bằng lời ru ngọt ngào – suối nguồn của tình thương “Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn”
(Nguyễn Duy). Cho dù đi hết cuộc đời, mỗi người chúng ta cũng không đi
trọn, không thấu hiểu hết những triết lý nhân sinh hàng ngàn đời được
kết tinh trong lời hát ru của mẹ. Những kỷ niệm đẹp về mẹ và tình thương
mẹ dành cho các con như một miền ký ức lung linh càng làm ngời sáng vẻ
đẹp của người phụ nữ Việt Nam. “Biết hy sinh nên chẳng nhiều lời” Khác
với nhiều đồng nghiệp, cảm hứng về mẹ trào lên thành thơ thường là mẹ
đẻ, người trực tiếp sinh dưỡng mình nên người, nhà thơ tài danh Bằng
Việt lại viết về người mẹ ở vùng hậu cứ giàu lòng yêu nước, yêu thương
chiến sĩ như con đẻ của mình. Trong bài, tác giả hóa thân vào người lính
chiến đấu bị thương nơi tuyến lửa, được người mẹ hậu cứ đưa về “ân cần, lặng lẽ” chăm sóc. Dẫu cuộc sống của mẹ không ít khó khăn vì người chồng của mẹ “mất lâu rồi”, mẹ có ba người con đều đã lên đường ra trận và hiện tại đang “chiến đấu nơi xa”, bao nhiêu tình cảm nhung nhớ các con đẻ “mẹ dồn con hết cả”. Cảm động biết bao khi người lính bị sốt cao, trong cơn mê sảng“Con nói mớ những núi rừng xa lạ/ Tỉnh ra rồi, có mẹ hóa thành quê”.
Câu thơ có sức khái quát rất lớn bởi mẹ đâu chỉ là một cá nhân nữa, tấm
lòng mẹ chính là tình cảm của bao bà mẹ Việt Nam khác, mẹ là hiện thân
của quê hương yêu dấu. Mẹ thương lo cho chiến sĩ khi yếu mệt, mẹ vui
mừng rạng rỡ thấy vết thương ấy dần đỡ và“hể hả ngắm con hồng sắc mặt”.
Mẹ rất muốn có con ở bên cho ấm cửa vui nhà nhưng vì nước còn giặc phải
đánh đuổi chúng đi nên khi biết người lính muốn trở về đơn vị:“Mẹ cười xòa nước mắt ứa hàng mi / Đi đánh Mỹ khi nào tau có giữ”.
Mẹ đã vui lòng tiễn con trở lại mặt trận tiếp tục chiến đấu. Chúng ta
thật sự biết ơn tấm lòng yêu thương, sự hy sinh và dâng hiến của mẹ vì
các con bộ đội, vì đất nước nói chung. Trở lại với bài thơ “Mẹ”
của Nguyễn Ngọc Oánh, người đọc cảm kích trước tấm lòng của mẹ. Cho dù
gia cảnh mẹ nghèo túng, ăn mặc chưa đủ no ấm, rất cần người lao động
xốc vác nhưng chưa bao giờ mẹ thiếu đức hy sinh. Khi đất nước cần đến,
“Tất cả cho tiền tuyến tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, mẹ sẵn
lòng tiễn đưa đứa con trai yêu quý của mình lên đường đánh giặc cứu
nước. Để con mình yên tâm lúc đi xa, mẹ cố nén nỗi đau xa cách:“Tiễn
con ra chốn chiến trường / Gạt thầm nước mắt mong đường con khô / Hai
tay hết sẻ lại cho / Còn phần mẹ một thân cò qua sông”. Bài thơ
khiến chúng ta không chỉ thương yêu cảm mến mà còn vô cùng kính phục
những người mẹ vị tha, dâng hiến những đứa con ruột thịt – tài sản vô
giá của mình – cho Tổ quốc. Tấm lòng hy sinh lặng lẽ, âm thầm của những
người phụ nữ cao cả biết bao. Trong cả chùm thơ cùng nhan đề Mẹ,
riêng thi phẩm của Đoàn Thị Ngọc Thu ra đời năm 1988 là viết theo thể
thơ tự do, rất hợp với sự đa dạng, phóng khoáng của cảm xúc. Đoạn mở đầu
như một thước phim sống động kể về hoàn cảnh của mẹ giống như hàng vạn
phụ nữ Việt Nam khác: “Cả cuộc đời cha đi bộ đội/ Quà về
cho mẹ là mái tóc pha sương/ Và trên ngực là những vết thương/ Cứ trở
gió lại đau nhức nhối/ Chiếc ba lô gió sương đã gội/ Gia tài cha tặng
mẹ... chỉ thế thôi”. Cha của chủ thể trữ tình - ra trận chiến đấu,
người mẹ ở lại gánh vác hết thảy: chăm lo nuôi dạy các con và làm đủ mọi
công việc của gia đình, xã hội và hậu phương kháng chiến. Giặc tan rồi,
người cha trở lại quê nhà, "quà về cho mẹ" là mái tóc đã bạc vì gian lao, cả những vết thương trên mình "nhức nhối" cùng chiếc ba lô "gió sương đã gội" bạc màu, sờn rách. Song với mẹ và người thân, sự trở về của cha đúng là món quà vô giá nhất. Hưởng niềm vui hội ngộ mẹ chỉ "lặng lẽ", "mắt rạng ngời" hạnh phúc nhưng xót đau không nhỏ vì tuổi xuân của mẹ đã vuột qua: "Hai mươi năm ngày cưới / Đến hôm nay đời chồng vợ bắt đầu".
Đọc đoạn thơ, ai cũng rưng rưng xúc động vì thương xót và cảm phục mẹ
cùng những lứa đôi khác trên đất nước thân yêu của chúng ta "Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau" (Nguyễn Mỹ). Thương và phục mẹ hơn nữa bởi "Hai mươi năm lấy nhau / Mẹ đẻ con và nuôi con một mình". "Hai mươi năm" là hơn bảy ngàn ngày, "một mình" mẹ vật lộn mưu sinh, "một mình" mẹ vượt cạn sinh nở, "một mình"
mẹ nuôi con lớn khôn. Để làm nên điều ấy là cả núi của non công, biết
bao mồ hôi và nước mắt đã đổ xuống... Chính nhờ những người như mẹ, Tổ
quốc mới có được lớp lớp đứa con lớn "ra đi / ra đi" cứu nước, tiếp bước ông cha để có được ngày“Toàn thắng về ta”, thống nhất đất nước, cuộc sống hòa bình và no ấm như ngày nay. Nhân
ngày 8/3/ 2021, ngày Quốc tế phụ nữ - ngày hội của một nửa nhân loại
trên khắp hành tinh, đọc lại những bài thơ cùng có nhan đề “Mẹ” lại càng thêm ý nghĩa. Chùm thơ đã hợp nên bức chân dung tổng hòa đẹp đẽ về người phụ nữ Việt Nam: giàu lòng yêu nước, nhân ái, bao dung khiêm nhường, hy sinh cao cả vì gia đình, vì đất nước Chúng ta càng thêm trân quý, tri ân, ngưỡng mộ và tự hào về phụ nữ Việt Nam. NGUYỄN THỊ THIỆN – ĐC: Số 2 ngõ 19/20 Trần Quang Diệu, Ô Chợ Dừa Đống Đa, Hà Nội
| |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét