Thứ Năm, 31 tháng 3, 2022

NGÀY ĐẦU TIÊN ĐẾN LỚP

 



NGÀY ĐẦU TIÊN ĐẾN LỚP

 

                    Truyện ngắn của Phạm Tâm Dung

 tm_dung

                   Có lẽ chẳng ai có cái kỷ niệm "Ngày đầu tiên đến lớp" giống như nó. Đến lớp, không được học mà bị “đuổi” về…

               Nó là một con bé năm tuổi, mẹ suốt ngày chạy chợ mùa nào thức ấy. Khi thì củ nâu, con cá, lúc lại thúng gạo mớ rau...bán mua từ tận chơ Mèn miền biển đến Chợ Nang, Chợ Lụ, chơ Rãng... Cha nó rời quân ngũ là về với con thuyền, với mảng bè xuôi ngược. Thi thoảng mới cùng các cậu bên ngoại, ghé về Bến Đáy, trút la liệt lớn bé nào củ nâu, nào bè gỗ, tre nứa ...rồi lại gom muối, đồ khô của vùng biển mà hối hả ngược dòng lên tận mạn Tuyên Quang, Yên Bái...chẳng mấy khi nhìn thấy mặt con cái.

           Hằng ngày, nó thức dậy khi bà nó cất tiếng trầm trầm ơi à ru em bé đang ngái ngủ, làu bàu đòi mẹ. Rồi bao nhiêu âm thanh quen thuộc dội vào tai nó.

Này là tiếng gáy ồ ồ cùng tiếng đập cánh bồm bộp của bác tướng gà sống nhà chú Dần. Tiếng cành cạch be bé mà đanh quánh ra trò cùng tiếng gáy ke ke chưa vỡ tiếng của chú trống choai hoa mơ.

Trời còn tối om, mẹ nó đã bỏ chị em nó lại với bà, đi chợ Mèn từ bao giờ. Chờ cho em bé thiu thiu ngủ, bà nó nhẹ nhàng dắt lại cánh màn và xuống bếp nấu nồi cám cho con lợn sề mới ở cữ tám con. Nó cũng lồm cồm bò dậy theo bà. Chân đất, nó nhon nhón  xuống bếp ngồi cạnh bà. Bếp lửa rực hồng, nhảy nhót. Bóng bà nội to lớn in trên vách, làm nó liên tưởng đến câu chuyện người khổng lồ anh Hùng kể hồi chiều. Mà trong ý nghĩ của nó, bà nội nó là người tài giỏi nhất thế gian. Bà làm được đủ mọi việc, bà biết đủ thứ chuyện, hát cũng hay và rất yêu thương chị em nó...

         Nồi cám lợn được nấu bằng mớ khoai dãi đứt, gãy đang sôi sùng sục. Bao giờ bà nó cũng chọn một củ ngon, gói lá dong, nướng vào chỗ "than lậu" cho nó.

Chỉ một chốc, củ khoai vàng ươm, thơm phúc được lấy ra, bà cẩn thận lấy dao cắt khúc giành cho bữa sáng của nó. Vị ngọt bùi, béo ngậy thơm tho của khoai nướng vừa tới làm cho nó thấy mình thật hạnh phúc.

Đoạn, nó ra bể nước mưa trong veo, có vài hạt hoa cau trắng muốt rơi la đà trên mặt, lấy cái gáo dừa khoả nước, "oánh" một chầu nước mưa mát lạnh, cảm giác ngọt và thơm hơn cả...kem Tràng Tiền nó được ăn sau đó cả mấy chục năm.

Hôm nay trời đẹp và mát mẻ quá, nó la đà quanh sân, khi thì kiểm tra xem cái lỗ của chị công cống  nó đã đánh dấu ban chiều, đêm qua  có anh chàng cống đực nào vào tranh nhà, tranh cửa của chị ấy hay không; khi thì xem cây cà tím hôm qua nhú ba nụ, nay đã thêm nụ nào chưa, để còn lấy gáo nước gạo chua mà thưởng cho nó...  Khi lại say sưa chuyện trò với con dế, bác cóc hay con chim chào mào và tự mơ ước mình rành được...tiếng nói của loài chim hay biết bao... Rồi có khi, nó lại khóc và thương bọn lá cải bị sâu ăn trụi lá...

Thế giới của nó là một kho bí mật. Nó hay xấu hổ và cũng không muốn cho ai biết, kể cả người nó tin yêu là bà nội.

         Mặt trời đã lên cao. Ngoài ngõ, đã thấy bóng dáng cô Tâm, bà Thanh... í ới gọi nhau đi học bình dân học vụ. Bà  sai nó ngồi đưa võng cho em bé để bà đi hái rau.

         Miệng nó cũng à ơi ru em nhưng tâm trí  thì để hoàn toàn vào lớp học.

Lớp học xóm Bảy của nó, đặt tại gian nhà thờ của bà Lâm. Chú Hoa người trắng trẻo, cao gầy là thầy dạy chữ cho bà con xóm láng. Học viên thường có dăm bảy người cả thảy, phần lớn là các bà, các cô. Lớp không có bàn ghế gì hết, người học ngồi la liệt trong nhà, ngoài hiên, vở kê vào đầu gối.  Một cái nia to vàng sậm bồ hóng được sử dụng làm "bảng đen".

Thầy giáo cũng chỉ trình độ học hết... lớp ba. Sách "giáo khoa" là do giáo viên tự chọn. Chú Hoa kiếm được một bài thơ chống tệ nạn cờ bạc lấy từ một tờ báo cũ để dạy cho các khoá.

Mỗi ngày, thầy giáo chỉ lấy nội dung bài thơ và dạy cho học viên đúng... năm chữ.

Cứ bao giờ thuộc lòng cả bài thơ, biết mặt chữ cái, ký được tên mình đánh vần mấy chữ, đọc được chữ số từ một đến mười thế là... "tốt nghiệp" khoá học và các khoá khác lại cứ thế mà tiếp theo.

             Thời kỳ ấy, khi các bạn cùng lứa với nó mải mê cùng vô vàn trò chơi khác, thì nó lẳng lặng... theo học.

Có ai cho nó sách bút, mà cũng có ai thèm để ý đến nó! Nó thường ngồi dưới xó sân hay tận cửa bếp, lắng nghe, lấy... gai  tre viết vào... lá chuối. Có khi tiện thì lấy que viết xuống sân đất.

Hầu như ngày nào nó cũng đi, " khoá" nào nó cũng học.

Nó biết đánh vần, biết đọc chữ, biết đếm và biết đọc thông thạo cả  bản  cửu chương từ lúc nào không hay.

Hôm nào bà vắng nhà, chỉ có nó với em bé, nó cũng sắm vai "thầy giáo" mà giảng giải cho cái sinh linh mới đang tập bò kia bài thơ mà mấy chục năm nay, nó vẫn... thuộc lòng và cũng chưa hiểu mấy:

"Thiếp như con én lạc đàn

Phải cung rồi vẫn sợ làn cây cong

Chuyện xưa anh nhớ hay không

Chỉ vì cờ bạc vợ chồng xa nhau

Anh bán hết vườn cau ao cá

Bán ruộng nương bán cả trâu bò

Bán nhà cửa, bán đồ thờ

Bán quần, bán áo xác xơ sạnh sành

Còn đến chiếc chiếu lành cũng bán

Nợ công rồi vay mượn ai cho

Đêm nằm nhịn đói nằm co

Vợ chồng bồng bế đi dò xin ăn

Nay nhờ đảng có cơm có áo

Ơn Cụ  Hồ dư gạo dư tiền

Gia đình ta lại ấm êm

Đàn con ríu rít vui bên bếp hồng

Nhà ta nay thoát vòng bần bạc

Món đỏ đen xin cạch đến già

Bảo nhau tiết kiệm tăng gia

Rỗi giờ đọc sách ấy là lên tiên."

Nhiều khi, nó có những thắc mắc về bài thơ. Ví như "làn cây cong", " món đỏ đen"...

Nó khao khát được ai đó nói cho nghe...

               

            Rồi khi nó lên sáu tuổi, đến tuổi đi học. Bố sắm sách vở cho nó đến trường.  Được đi học trường lớp đàng hoàng, nói vui lắm. Buổi học hôm ấy, Cô giáo Ngọc cầm tay cho từng đứa tập tô. Đến lượt nó, cô ngạc nhiên thấy nó tự viết. Cô hỏi:

- Con biết chữ à. Nó không dám nói gì. Nó xấu hổ. Nó thấy mình chẳng... giống ai!

Cô giáo lấy cuốn  sách vỡ lòng, ép nó đọc. Nó sợ quá, cắm mặt xuống, run run và bắt đầu lí nhí đọc. Đọc làu làu, đọc không vấp váp.

Ngay buổi trưa hôm đó, cô Ngọc vào nhà nó và... trả lại nó cho bố mẹ, với lời trách:

- Con anh chị đã đọc thông viết thạo, sao xin vào lớp vỡ lòng của tôi!

Nói rồi cô quay quả bỏ về.

Bố mẹ nó không tin, đưa sách, bắt nó đọc lại. Bắt mấy nó cũng không đọc nữa. Nó...khóc! Bố nó giận và bỏ đi xuống thuyền.

Tối nó bỏ cơm. Nó sốt!

Đêm ấy nó ngủ cùng bà nội.

           Trong cơn nóng sốt hầm hập, khi thì nó mơ thấy nó làm cô giáo. Lớp học của nó có bàn ghế, bảng đen và viên phấn trắng tinh như hệt lớp cô Ngọc mà nó bị đuổi. Chỉ có khác là học trò của nó toàn là các loại cây cối mà nó yêu và cả mấy con vật mà nó thích. Nó đang đọc thơ  cho "học trò" nghe thì ngửi thấy mùi hương trầm. Nó chợt tỉnh giấc vì chiếc roi dâu vụt ba cái thật đau vào mông. Chưa kịp hiểu sao thì nó nghe bà nội vừa run vừa khấn:

- Lạy thần linh thổ địa, lạy ông bà ông vải, lạy các vong hồn tha phương cầu thực... phù hộ độ trì cho cháu nội của con là...

Cháu mới sáu tuổi, cháu có trót dại có làm điều gì uế tạp, động đến vong linh các vị về hưởng thụ hương hoa và lời sám hối mà  tha cho cháu... Đây là roi dâu tẩm nước tiểu, xin tiễn trừ...!

             (Mãi sau này lớn lên, nó mới hiểu: bà tưởng nó... bị ma làm mà... "ngộ chữ" như anh Quân trên làng, suốt ngày ra rả đọc thơ và nói ... tiếng Tây!)

Nó đau điếng người nhưng giả bộ nằm im, không dám khóc, bởi mặc nhiên nó nghĩ là mình...có lỗi!

                                                   Hà Nội, tháng 3 năm 2022

 hoa_gao

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét