Thứ Năm, 10 tháng 3, 2022

Xuân Đức trong dòng chảy văn học Việt Nam đương đại

 


Xuân Đức trong dòng chảy văn học Việt Nam đương đại

 

                        TS. BÙI NHƯ HẢI

Xuân Đức tên thật là Nguyễn Xuân Đức - một tiểu thuyết gia, kịch tác gia nổi tiếng của nền văn học Việt Nam đương đại, có nhiều tác phẩm văn học còn mãi với thời gian. Ông sinh ngày 04 tháng 01 năm 1947, tại xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Thuở nhỏ Xuân Đức sống cùng gia đình ở quê mẹ, tại bờ Bắc sông Bến Hải - Hiền Lương. Năm 1965, tốt nghiệp phổ thông tại Trường cấp ba Vĩnh Linh, Xuân Đức thoát ly gia đình, rồi tham gia tiểu đoàn 47 quân địa phương Vĩnh Linh chiến đấu tại vùng núi Quảng Trị, phía Nam bờ Hiền Lương. Với vốn kiến thức văn hóa sâu rộng, Xuân Đức đã tham gia viết bài cho báo Quân đội của Khu đội Vĩnh Linh, rồi Quân khu 4. Năm 1976, Xuân Đức được cử tham gia trại sáng tác của Tổng cục Chính trị. Năm 1979, Xuân Đức theo học tại Trường Viết văn Nguyễn Du, khóa 1. Sau khi tốt nghiệp, Xuân Đức được phân công công tác tại Đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị và đã được kết nạp

vào hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1982. Xuân Đức công tác tại đây cho đến khi chuyển ngành với quân hàm Trung tá vào năm 1990. Sau khi trở về Quảng Trị, Xuân Đức sống tại thị xã Đông Hà, Quảng Trị và chuyển ngành công tác tại Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Quảng Trị, giữ chức vụ Phó giám đốc Sở. Từ năm 1995 đến 2006, Xuân Đức là Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin, Tổng thư ký Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Trị. Tháng 7 năm 2006, Xuân Đức nghỉ hưu. Vào lúc 21 giờ, ngày 20 tháng 06 năm 2020, nhà văn Xuân Đức đã trở về với đất mẹ tại nhà riêng Cửa Việt, Quảng Trị sau một tai nạn bất ngờ, hưởng thọ 74. Sự ra đi đột ngột của nhà văn Xuân Đức - một người con Quảng Trị tài danh đã khiến gia đình, người thân, bạn bè văn giới, độc giả bàng hoàng, thương sót và tiếc thương vô cùng.

  1. Nhìn vào hành trình sáng tác, nhà văn Xuân Đức có một gia tài đồ sộ, rất đa dạng và phong phú, với hàng trăm kịch bản sân khấu, kịch bản phim, tiểu thuyết, truyện ngắn, tạp văn và trường ca, thơ, ghi chép, phóng sự,... Ở địa hạt nào Xuân Đức cũng gặt hái được nhiều thành công, đặc biệt kịch bản sân khấu và tiểu thuyết. Xuân Đức sinh ra và lớn lên tại miền “cửa gió” Vĩnh Linh - tuyến lửa Quảng Trị anh hùng trong đánh giặc ngoại xâm, cần cù trong lao động, giàu nặng nghĩa tình trong đời sống sinh hoạt,... Cả cuộc đời gắn bó máu thịt với Vĩnh Linh - Quảng Trị, vì thế địa danh này đã trở thành nguồn sữa ngọt ngào dưỡng nuôi, hun đúc tâm hồn, tạo nên nguồn cảm hứng dạt dào, vô tận trong sáng tác của Xuân Đức. Trong Mảnh làng trong tôi, nhà văn Xuân Đức đã kể lại rằng: Có một bạn văn đã hỏi: “Tại sao anh cứ bám mãi vào cái làng xưa của anh thế? Có gì chỗ đó mà viết mãi?”. Tôi trả lời: “Có thể trả lời bạn thật dài dòng, cũng có thể trả lời ngắn gọn. Dài dòng là những chuyện trên dưới nghìn trang, ngắn gọn là: chỗ đó có tôi”([1]). Có một điều là, những con sông quê như Cánh Hòm, Hiếu Giang, Thạch Hãn, đặc biệt con sông Bến Hải - Hiền Lương đã trở thành một biểu tượng nghệ thuật độc đáo, xuất hiện dày đặc, tạo nên nét riêng trong văn của Xuân Đức: “Đọc hàng trăm tác phẩm lớn nhỏ từ thơ ca đến kịch, đến tiểu thuyết,… của nhà văn trong gần 40 năm nặng nợ với văn chương, người ta đều thấy phảng phất bóng dáng của con sông này với ngai ngái phù sa nước bạc, với nằng nặng mồ hôi cực nhọc của người dân Quảng Trị, kể cả máu tanh của một thời đôi miền chia cắt, lửa khói”([2]). Cả đời và sự nghiệp của Xuân Đức gắn bó với quê hương Bến Hải. Tác phẩm của Xuân Đức hơn 80% đều lấy chất liệu từ đời sống con người Vĩnh Linh, Quảng Trị: “Dường như anh phải quay quắt với mảnh đất này mới sáng tác được như thế. Quảng Trị mang ơn anh Xuân Đức, bởi nhờ những sáng tác của anh mà mảnh đất và con người Quảng Trị được biết đến cặn kẽ, chân thực như thế” [Dẫn theo Nguyên Khánh]([3]). Xuân Đức chính thức bước vào làng văn với tiểu thuyết đầu tay Cửa gió, gồm 2 tập (tập 1, 1980; tập 2, 1982). Cuốn tiểu thuyết này, nhà văn Xuân Đức đã dành cả khối óc, trái tim, tình cảm nhất để viết dành tặng đất mẹ lũy thép, lũy hoa Vĩnh Linh - mảnh đất và con người một thời đã từng dưỡng nuôi, chở che trong những năm tháng Xuân Đức tham gia chiến đấu. Nhà văn Xuân Đức đã hơn một lần bộc lộ tình cảm chân thành ấy rằng: “Tôi vô cùng biết ơn mảnh đất và con người cùng tất cả những năm tháng ấy của quê hương Vĩnh Linh - Bến Hải, nơi nuôi tôi bằng dòng sữa ngọt ngào và cả những dòng máu mặn xót,… Những gì tôi ghi lại được trong câu chuyện này là những điều không bao giờ phai nhạt trong ký ức tôi”([4]). Có một điều đặc biệt, từ trước đến nay chưa có trong tiền lệ trao giải thưởng khi tác phẩm mới chỉ có một tập. Vậy nhưng, cuốn tiểu thuyết Cửa gió của Xuân Đức vừa mới ra mắt độc giả tập 1 đã trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1982. Thiết nghĩ, tác phẩm có sự đặc biệt ấy bởi vì tác giả viết hay đến từng con chữ, mới mẽ trong việc khắc họa tính cách nhân vật, độc đáo ở tính đối thoại, miêu tả,... Đúng như Tôn Phương Lan nhận xét, đánh giá tác phẩm rất cao về sự chiếm lĩnh, phản ánh hiện thực chiến tranh và người lính, trong cách xây dựng hệ thống nhân vật, tình tiết, ngôn ngữ,...: “Cửa gió đem đến người đọc một bức tranh khái quát sâu rộng qua đặc trưng của thể loại, để cùng với những sáng tác trước đó làm sống lại hiện thực độc đáo của chiến tranh cách mạng ở nơi đối đầu với lịch sử”([5]). Trên đà thành công đó, năm 1983 Xuân Đức trình làng cuốn tiểu thuyết hình sự Người không mang họ. Ngay khi mới xuất bản, tác phẩm đã tạo nên một cơn sốt, với con số xuất bản kỷ lục lần đầu là ba vạn bản, rồi mười vạn bản. Cuốn tiểu thuyết sau đó được đạo diễn nổi tiếng Long Vân chuyển thể, dựng thành bộ phim nhựa cùng tên năm 1990, và chỉ đạo diễn viên Lý Hùng thủ vai tướng cướp Trương Sỏi. Người không mang họ đã/đang khiến người đọc, khán giả ngưỡng mộ, mê mẫn, tò mò, “truy xét” gần bốn mươi năm nay về số phận thực hư của các nhân vật trong tác phẩm, đặc biệt là nhân vật Khánh Hòa - nữ chiến sĩ An ninh Công an Đông Hà sắc sảo, giàu nội tâm và nhân vật Trương Sỏi - một cái tên ấn tượng, đầy bí ẩn. Nhà văn Xuân Đức cũng đã có lần nói rằng: “Tiểu thuyết là hư cấu nhưng nhân vật chính có một phần từ nguyên mẫu khiến nhiều người vẫn lầm tưởng cuộc đời của Trương Sỏi là thực. Ban đầu chỉ lấy câu chuyện phá án làm cái cớ, còn hạt nhân vẫn nói đến Trương Sỏi, một thân phận, tâm thế day dứt, khắc khoải đặt vào hoàn cảnh trớ trêu trong một giai đoạn lịch sử khiến nhân vật mang “tầm” khác hẳn”([6]). Người không mang họ xứng đáng đoạt được Giải thưởng Văn học viết về An ninh Tổ quốc của Hội Nhà văn - Bộ nội vụ. Tâm nguyện của Xuân Đức, cuốn tiểu thuyết Người không mang họ được dịch để đến được với các bạn đọc trên thế giới. Tâm nguyện này kéo dài mãi đến tháng 6 năm 2020, khi vừa mới dịch xong và đang trong giai đoạn được biên tập, chưa kịp xuất bản ở nước ngoài, thì nhà văn Xuân Đức ra đi vĩnh viễn. Giải thưởng không chỉ là sự ghi nhận tài năng sáng tạo, tinh thần trách nhiệm, trái tim nhân ái của tác giả, mà còn là sự kích lệ, động viên nhà văn Xuân Đức tiếp tục cày ải trên cách đồng ruộng chữ, để rồi tiếp tục ra mắt độc giả một số tiểu thuyết như Những mảnh làng (1983) Tượng đồng đen một chân (1984) Hồ sơ một con người (1986), Bến đò xưa lặng lẽ (2004), Kẻ song sinh (2009),... Đặc biệt trong các tác phẩm này, cuốn tiểu thuyết Bến đò xưa lặng lẽ đã đoạt giải A cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam 2002 - 2004. Tác phẩm đã được chuyển thể thành bộ phim truyền hình cùng tên do chính nhà văn Xuân Đức viết kịch bản và đạo diễn Trần Vịnh thực hiện trong hai năm và được phát sóng trên kênh HTV9 từ ngày 1 tháng 12 năm 2009. Tác phẩm vừa mới ra đời đã gây chú ý, quan tâm của độc giả, giới nghiên cứu văn học. Có những ý kiến, đánh giá khác nhau, tạo nên làn sóng trong đời sống văn học lúc bấy giờ. Ngày 05 tháng 08 năm 2008, Hội Nhà văn và lớp Lý luận - Phê bình Văn học khóa 2 đã tổ chức Hội thảo tiểu thuyết Bến đò xưa lặng lẽ tại Trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam nhằm đặt ra, giải quyết, làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến nội dung và nghệ thuật của tác phẩm như vấn đề phản ánh, cách nhìn của tác giả về hiện thực chiến tranh; về phẩm chất, đạo đức của con người trong và sau cuộc chiến; về phương thức biểu hiện nghệ thuật của tác phẩm,... Nhìn chung, các bài tiểu luận tham gia hội thảo cũng như một số tiểu luận khác của một số nhà nghiên cứu đều đánh giá cao về nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Lê Thanh Nghị đã nhận định rất chính xác, khi cho rằng: Bến đò xưa lặng lẽ là “cuốn sách thành công nhất trong số nhiều tác phẩm viết về chiến tranh của Xuân Đức, cũng là tác phẩm xuất sắc viết một cách xúc động, đậm tính nhân văn của văn học thời hậu chiến”([7]). Đáng ghi nhận nữa là, lối xây dựng nhân vật khác trước, đa diện, không còn một chiều thường thấy trong các tác phẩm viết về chiến tranh trước đây; cách tiếp cận, phản ánh hiện thực đa chiều, sâu sắc, phức tạp, thể hiện được “cái gân guốc khỏe khoắn và không đơn giản của cõi nhân gian mà mỗi con người đang dấn thân”([8]). Đỗ Thu Thủy cũng rất tinh tế với nhận xét: “Ở Bến đò xưa lặng lẽ, Xuân Đức nhìn sâu nhìn kĩ vào từng số phận để đi vào cái thế giới tận cùng thẳm sâu của con người tưởng như hoàn toàn bị tiêu diệt bởi cái dữ dội khốc liệt đầy nghiệt ngã của bối cảnh chiến tranh”([9]). Nguyễn Chí Hoan đánh giá cao về hình thức kể chuyện của tác phẩm được nhà văn xây dựng rất công phu, lớp lang, điển hình, mỗi nhân vật có mỗi tích cách khác nhau nên khó trộn lẫn. Đặc biệt là, nhân vật “hồn ma” dù cách dẫn dắt không mới, nhưng vì đặt trong vị thế của cuốn tiểu thuyết này lại mang tính biểu tượng, tạo được hiệu ứng thẩm mỹ cao. Thế giới tâm linh vì thế được tác giả vận dụng một cách có hiệu quả, trở thành sợi dây nối kết giữa hiện tại và quá khứ, đan cài bởi sự bị thương nhưng lại không bi lụy. Đây chính là một cách nhìn khác về chiến tranh của tác giả. Bởi “chiến tranh làm thay đổi con người ta, có người sẽ cứng cáp trưởng thành, có người bị tha hoá,... Tác phẩm nói về chiến tranh, không có bom đạn mà vẫn thấy chiến tranh” [Dẫn theo Hiền Nguyền]([10]). Một sự đặc biệt đáng lưu tâm, một điều kỳ diệu duy chỉ có nhà văn Xuân Đức, đó là cùng một đề tài, cùng một mảnh đất, cùng một thời điểm lịch sử, cùng một đơn vị, cùng với các sự kiện chính,... đã được khai thác, đã được thành công ở Cửa gió. Nay trở lại trong Bến đò xưa lặng lẽ vẫn đem lại cho độc giả một “hương vị” mới, vẫn chứng tỏ được ngòi bút tiểu thuyết đầy kinh nghiệm, vẫn sung mãn với vốn sống, vốn hiểu biết, vẫn dày dạn trong “trường văn trận bút”. Như vậy bộ ba Cửa gió, Người không mang họ, Bến đò xưa lặng lẽ cùng với các tiểu thuyết khác, nhà văn Xuân Đức đã tạo nên ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả, khẳng định được tài năng, phong cách riêng của mình.

Xuân Đức không chỉ gặt hái những vụ mùa tiểu thuyết lớn, mà còn đạt được nhiều thành tựu, để lại dấu ấn sâu đậm trong trái tim của bạn đọc, người xem, giới sâu khấu qua các kịch bản sân khấu được dàn dựng, công diễn trong Nam ngoài Bắc, trong nước ngoài nước. Xuân Đức đánh dấu ngay tên tuổi trong làng kịch nước nhà với vở kịch đầu tay Tổ quốc (1985) viết chung với nhà viết kịch Đào Hồng Cẩm. Tác phẩm được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Với sự từng trải, vốn sống già dặn, phong phú đã tạo nên nguồn cảm hứng dạt dào, vô tận để Xuân Đức tiếp tục sáng tác hàng chục kịch bản sân khấu, vở diễn hay, có giá trị lớn, đoạt được những giải thưởng cao, danh giá. Những vở kịch đoạt giải “đúp” như Người mất tích - Giải A Bộ Quốc Phòng 1990 về đề tài chiến tranh cách mạng; Đợi đến bao giờ (hay Chuyện đời thường vớ vẩn) đoạt Giải thưởng kịch bản sân khấu nhỏ Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Huy chương vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1990; Cái chết chẳng dễ dàng gì - Giải thưởng cuộc vận động viết về chiến tranh Cách mạng và người chiến sĩ năm 1994, Giải thưởng Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Huy chương vàng Hội diễn sân khấu toàn quốc cho kịch bản 1995; Cuộc chơi - Huy chương vàng Giải thưởng Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam năm 1995; Chuyện dài thế kỷ - Giải thưởng Hội Nghệ sĩ sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, Huy chương bạc Hội diễn sâu khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1999; Ám ảnh - Huy chương vàng Hội diễn sân khấu toàn quốc 2000, Giải thưởng kịch bản Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam; Chuyến tàu tốc hành trong đêm đoạt giải B (không có giải A) Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam 2007; Chim tapar hót giữa rừng ngàn đoạt giải A cuộc vận động sáng tác về tư tưởng Hồ Chí Minh năm 2010; Nhiệm vụ hoàn thành đoạt Huy chương bạc Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc 2014, giải B Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật và báo chí 5 năm Bộ quốc phòng,... Và hai kịch bạn mới nhất vừa được đưa lên sàn diễn Người con gái sông Bồ (Nhà hát kịch nói Quân đội) và Những đứa con thời loạn (Nhà hát nghệ thuật Ca kịch Huế) cũng chính là lúc trái tim của kịch gia nổi tiếng Xuân Đức ngừng đập.

Ngoài số lượng tiểu thuyết và kịch bản sân khấu đồ sộ, có tiếng vang lớn, tạo nên tên tuổi, trở thành tiểu thuyết gia, nhà viết kịch, biên kịch lừng danh, Xuân Đức còn sáng tác cả trường ca, thơ và tản văn. Vốn dĩ Xuân Đức tạo dựng cơ nghiệp văn chương bắt đầu từ thơ ca. Năm 1980, Xuân Đức sáng tác tập trường ca Trăng Cồn Cỏ được độc giả chú ý, tạo nên “hiện tượng lạ” trên thi đàn lúc bấy giờ. Đặc biệt, tác phẩm được nhà thơ lớn Chế Lan Viên ngợi ca, biểu dương và được báo Quân đội nhân dân dành trọn vẹn in cả một trang báo. Nhà văn Xuân Đức đã bộc bạch niềm vui ấy trong ký sự Trăng Cồn Cỏ thuở ấy, nắng Cồn Cỏ bây chừ rằng: “Thật lạ là bài thơ dài tới 332 câu, tôi chỉ viết liên tục trong một ngày một đêm. Viết xong gửi gấp ra cho Báo Quân đội nhân dân. Cũng chỉ mấy ngày sau, bài thơ được đăng tràn hết cả trang 3 của báo. Lại chỉ thời gian ngắn sau đó, tôi nhận được lời khen của một nhân vật mà lúc đó lớp viết trẻ chúng tôi coi như bậc thánh văn chương: Nhà thơ Chế Lan Viên! (sau này nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng đã nhiều lần nhắc lại sự kiện ấy),... Bất giác tôi nhớ tới lá thư của chị Lệ, một cô gái Quảng Bình, vợ anh Trần Đăng Khoa thời đó là Chính trị viên phó của đảo. Trong lá thư gửi chồng có một đoạn đại ý: “Anh đừng nhớ em,… chỉ để riêng em nhớ anh thôi, anh phải tập trung mà bắn máy bay Mỹ,…”. Bây giờ mà đọc mấy câu như thế chắc nhiều người sẽ thốt  lên “sến” quá. Nhưng thời đó, đấy là những câu hết sức chân thực, đọc lên không cầm được nước mắt. Trong Trăng Cồn Cỏ, tôi đã kể về lá thư ấy: “…Năm ngoái thư em có lời cặn kẽ/Anh để riêng em nhớ/Anh hãy tạm quên/Chỉ nhớ mần răng mà bắn cho tinh/Em dặn thế, thực lòng anh cũng thế/Bận bắn máy bay thời gian đâu mà nghĩ/Đêm nay một phút đảo yên/Xốn xang bến động nhớ thuyền/Giận lá thư nhà không cánh,...”([11]). Đến năm 2008, Xuân Đức mới tập hợp những bài thơ đã đăng rải rác trên tạp chí, báo rồi in thành tập thơ đầu tay, có tên Một nửa và sau đó lần lượt trình làng thêm các tập thơ như Xuân cảm, Khúc ru tình già,... Xuân Đức tâm sự rằng, tôi viết thơ chủ yếu cốt để chỉ dành tặng riêng cho mình, vui buồn, nghiệm suy về đời, về chính mình. Ở mảng tản văn, Xuân Đức cũng đã để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc qua các tác phẩm bút ký như Vì sao có tên Trúc Sơn Trang (2008), Mảnh làng trong tôi (2008), Thủ thỉ bên gốc liễu đầu xuân (2009), Cửa Việt - đối diện với trùng khơi (2011), Hùng vĩ Việt Nam (2011), Thấy hiu hiu gió (2013), Nửa ngày trong ngôi nhà 30 Hoàng Diệu (2013), Cồn Cỏ của Vĩnh Linh ngày ấy (2014),… Các tác phẩm này được Xuân Đức sáng tác chủ yếu sau khi đã nghỉ hưu. Đó là những khám phá, cảm nhận, xúc cảm của tác giả về quê hương, về đất nước, về biển đảo, các địa danh nổi tiếng đã ghé đến, về ký ức của tuổi thơ, về các lãnh tụ, danh nhân văn hóa,... Ngoài ra, Xuân Đức còn là tác giả chính của hàng trăm tác phẩm kịch ngắn, tiểu phẩm ngắn, các chương trình văn nghệ quần chúng cơ sở tham gia dự thi và đã đoạt giải cao như Quê hương, Hoa lim, Trận địa, Đường biển, Đường vòng tròn, Tiếng hát sông Hiền, Sen hồng Thành cổ, Dòng sông hoa đỏ,... Thai nghén, dàn dựng cùng đồng nghiệp về các chương trình lễ hội được trực tiếp từ Quảng Trị trên sóng truyền hình Việt Nam Huyền thoại trường Sơn, Nhịp cầu xuyên Á, Liên hoan đường Chín xanh, Lễ hội thống nhất non sông,...  rất thiết thực, có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng, trở thành “thương hiệu tâm linh” về văn hóa của Quảng Trị. Một biệt tài của Xuân Đức ít người biết đến nữa, đó là “nghề” viết văn bia. Xuân Đức viết khá nhiều văn bia ở các di tích lịch sử đặc biệt trong cả nước. Nội dung văn bia sâu sắc, giàu tính nhân văn, cấu tứ chặt chẽ, ngôn từ hàm xúc,... Mỗi tác phẩm của Xuân Đức chính là sự khám phát, tìm tòi, phát hiện mới, độc đáo về nội dụng và hình thức nghệ thuật. Tác phẩm của Xuân Đức luôn nóng hổi hơi thở của thời thời đại,  của cuộc đời, vì thế đã đến và neo đậu được nơi trái tim của độc giả, giới nghiên cứu văn học, sâu khấu điện ảnh,...

Hơn năm mươi năm lao động “chữ” của nhà văn Xuân Đức là một sự nỗ lực miệt mài, bền bỉ, không mỏi mệt, nghiêm túc của một bút lực sung mãn, của một sức sáng tạo dồi dào đã sáng tác một khối lượng tác phẩm đồ sộ, có giá trị ở tất cả các thể loại. Có những đóng góp lớn, góp phần làm thay đổi tiến trình phát triển, diện mạo văn học cũng như văn xuôi Việt Nam đương đại nói riêng bề thế hơn, phong phú hơn, hiện đại hơn. Những thành quả Xuân Đức có được, đã khẳng định tài năng của một cây bút tài hoa, rất xứng đáng được đứng vào tốp các nhà văn tiêu biểu Việt Nam sau 1975, cũng như rất xứng tầm khi nhận được Giải thưởng Nhà nước chuyên ngành Văn học năm 2007.

                                      Maine, tháng 7/2020        


(1) Xuân Đức (1985), “Mảnh làng trong tôi”, Tạp chí Sông Hương, số 12.

(1) Đinh Như Hoan (2005), “Xuân Đức, nhà văn của miền cửa gió”, Nguồn: nhandan.com.vn, (5/10).

(2) Nguyên Khánh (2020), “Hồn về với Cửa gió”, Nguồn: tienphong.vn, (20/06).

(1) Xuân Đức (2009), “Văn học nghệ thuật Việt Nam - sự lựa chọn nào cho tương lai?”, Tạp chí Cửa Việt, số 189.

(2) Tôn Phương Lan (1983), “Đọc Cửa gió của Xuân Đức”, Tạp chí Văn học, (số 2), tr.162.

(1) Bảo Hà (2020), “Tác giả tiểu thuyết Người không mang họ  đột ngột qua đời”, Nguồn: baomoi.com, (22/06).

(1) Lê Thanh Nghị (2011), “Trở lại Bến đò xưa lặng lẽ”, Nguồn: http:// www. xuanduc.vn.

(2) Lê Thanh Nghị (2011), “Trở lại Bến đò xưa lặng lẽ”,...

(3) Đỗ Thu Thủy (2008), “Nhân vật người kể chuyện trong tiểu thuyết Bến đò xưa lặng lẽ của nhà văn Xuân Đức”, Nguồn: http:// www.xuanduc.vn.

(1) Hiền Nguyền (2008), “Có thể viết cuốn tiểu thuyết này bằng cách khác hay hơn được không?”, Nguồn: toquoc.vn. (5/8).

(1) Xuân Đức (2019), Trăng Cồn Cỏ thuở ấy, nắng Cồn Cỏ bây chừ, Nguồn: https://ct.qdnd.vn, (8/4).

hoa-tuoi-go-vap_hoa-mai

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét