Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2023

BAO DUNG

 BAO DUNG

             Truyện ngắn của PHẠM KHẮC MÃ

Giọng vị nữ Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa dõng dạc: Bị cáo cho Hội đồng xét xử biết họ và tên?

Đứng trước bục xét xử là nột người đàn ông khắc khổ dáng cao khoảng 1,7 mét, da nhăn nheo, tóc bạc trong trang phục phạm nhân:

-    Thưa quý tòa! bị cáo là Trần Văn Doanh.

-    Ngoài tên Doanh bị có còn có tên gọi nào khác không?

-    Thưa quý tòa! Tên khai sinh của bị cáo là Doanh, vì bỏ trốn nên bị cáo lấy tên là Minh, mọi người gọi là Minh ạ.

-    Khi bị cáo lấy tên là Minh thì họ của bị cáo khai tế nào?

-    Thưa quý tòa! Chẳng có việc gì liên quan để bị cáo khai cả họ và tên ạ. Mọi người chỉ gọi bị cáo là “Minh cao kều” thôi ạ.

-    Ngày tháng năm sinh của bị cáo?

-    Bị cáo sinh ngày mùng hai, tháng tám năm 1963

-    Quê quán của bị cáo

-    Quê của bị cáo: xã Thái Hưng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

-    Hộ khẩu thường trú của bị cáo?

-    Bị cáo thường trú tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh  Cà Mau.

-    Bị cáo can tội gì? Và bị bắt ở đâu?

-    Bại cáo can tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và vị bắt tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh  Cà Mau ạ.

Sau phần khai báo nhân thân của bị cáo, đến phần đại diện Viện khiểm sát đọc bản cáo trạng; Hội trường bỗng có nhiều tiếng xì xào về ba địa danh mà cáo trạng nêu: người phạm tội quê hương tại Thái Bình, phạm tội năm 1993 tại Thái Nguyên, bị bắt tháng 3 năm 2017 (sau 24 năm) tại Cà Mau.

Sau những thủ tục cần thiết tại phiên tòa, giọng vị Thẩm phán chậm rãi và dứt khoát:

-    Bị cáo đã nghe rõ bản cáo trạng mà đại diện Viện kiểm soát đọc trước tòa chưa?

-    Dạ thưa! Rõ rồi ạ.

-    Bản cáo trạng mà vị đại diện Viện kiểm soát đọc trước tòa hôm nay có giống bản cáo trạng mà bị cáo nhận được không?

-    Dạ thưa: Đúng ạ.

-    Bị cáo có ý kiến gì với bản cáo trạng đó không?

-    Thưa quý tòa: Không ạ.

-    Bị cáo cho biết: Tại thời điểm năm 1993 bị cáo đã lừa đảo và chiếm đoạt của người bị hại những tài sản nào, giá trị là bao nhiêu và bao nhiêu tiền?

-    Dạ thưa quý tòa: Lần thứ nhất: năm 1993 bị cáo mua của bà Tình ở Đồng Quang 4,7 tấn gạo tẻ giá trị 9 triệu 165 nghìn đồng, đã trả 1,5 triệu đồng còn lại 7 triệu 665 nghìn đồng ạ. Số gạo đó bị cáo mang bán được 6 triệu đồng, bị cáo tiêu dùng cá nhân hết ạ. Lần thứ hai giả mạo giấy tờ đi nhận tiền cho cơ quan cũ  tại Nhà máy chè Phủ Lỗ, khi lấy được 16 triệu đồng, bị cáo  đã chiếm dụng rồi trốn khỏi cơ quan tìm đường vào Nam để trốn tránh pháp luật ạ.

-    Sau khi tính các khoản lãi suất và các khoản phát sinh khác cộng với số tiền chiếm đoạt năm 1993, tính đến thời điểm này bị cáo bị cơ quan điều tra yêu cầu thanh toán cho người bị hại là bao nhiêu tiền?

-    Thưa quý tòa: Số tiền Viện kiểm soát yêu cầu thi hành án là 112 triệu, bảy trăm nghìn đồng; trong đó trả cho bà Tình 36 triệu, bốn trăm nghìn đồng và Cơ quan cũ của bị cáo 76 triệu đồng và án phí ạ.

-    Bị cáo có đồng ý thi hành án với số tiền đó không?

-    Thưa quý tòa: Bị cáo đồng ý ạ.

-    Bị cáo cho Hội đồng xét xử biết: Bị cáo lấy số tiền đó từ nguồn nào để thi hành án?

-    Thưa quý tòa: Bị cáo chỉ xác nhận số tiền phải thi hành án thôi ạ, còn lấy đâu ra thì bị cáo chưa biết ạ, có lẽ khi mãn hạn tù bị cáo đi làm trả nợ ạ.

-    Người thân của Bị cáo ở quê hương và người thân nơi bị cáo cư trú có giúp gì cho bị cáo không?

-    Thưa quý tòa: Bị cáo là người con bất hiếu, khi phạm tội rồi trốn tránh pháp luật, hơn hai mươi năm bị cáo không về quê, nghe nói bố mẹ bị cáo cũng đã mất, anh em không ai nhìn mặt bị cáo nữa. Còn ở U Minh người mà bị cáo sống như vợ chồng thì cũng nghèo lắm ạ, chỉ có ngôi nhà tranh hai người tự lao động làm trên đất vỡ hoang, ngoài ra không có tài sản gì khác ạ.

-    Bị cáo có biết số tiền 112 triệu, bảy trăm nghìn đồng mà Viện kiểm sát đề nghị đã có người thanh toán thay cho bị cáo rồi không?

-    Dạ! Bị cáo không biết ạ.

Đến đây, vị Thẩm phán hướng về phía cuối hội trường: một người phụ nữ mảnh dẻ, nước da rám nắng, mái tóc xoăn xơ xác, với bộ quần áo bạc màu. Người phụ nữ đó là Liên, người có thời gian hơn 20 năm sống như vợ chồng với Doanh, bắt gặp ánh nhìn của vị Chủ tọa phiên tòa, Liên cúi xuống che dấu những giọt nước mắt đang chảy dài trên gò má khô rát, cũng như không cho những người trong hội trường biết sự có mặt của mình.

 Như có một nỗi cảm thông, sẻ chia, vị Chủ tọa phiên tòa lặng đi nhớ lại người mà mới hôm qua đã tìm đến Tòa án Nhân dân thành phố với tư cách là người có quyền lợi liên quan. Sau khi nhận được từ cơ quan điều tra cáo trạng đối với tội của Doanh, Liên đã quyết định bán căn nhà ở U Minh được 150 triệu đồng và một mình lặn lội gần 2.000 km để tới Tòa án xin thực hiện nghĩa vụ thi hành thay cho Doanh.

Tiếp tục với nhiệm vụ cao nhất trong phiên tòa, vị Thẩm phán hỏi tiếp bị cáo:

-    Thay mặt Hội đồng xét xử, tôi thông báo cho bị cáo biết, hiện nay đã có người nộp khoản tiền vào cơ quan thi hành án thay cho bị cáo, bị cáo có biết người đó là ai không?

-    Thưa quý tòa! Bị cáo không biết ạ.

-    Bị cáo cho hội đồng xét xử biết mối quan hệ với người cùng sống như vợ chồng với bị cáo ở  xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh  Cà Mau?

-    Thưa quý tòa! Chuyện dài lắm ạ!

-    Bị cáo có thể nói vắn tắt!

-    Thưa quý tòa: Cuối năm 1993, vô tình được biết Nhà máy chè Phù Lỗ có nợ cơ quan cũ của bị cáo một khoản tiền, bị cáo đã giả mạo là cán bộ thanh toán công nợ đến nhận tiền tại Nhà máy, nhận được tiền, bị cáo thấy đây là cơ hội làm lại cuộc đời. Có tiền trong tay, ý định càng đi xa, tới nơi hẻo lánh càng tốt, bị cáo nhảy tàu vào Nam, tìm cơ hội lập nghiệp, đồng thời nghĩ rằng số tiền mà bị cáo chiếm đoạt cũng không lớn nên chắc cũng không ai điều tra. Trên đường đi bị cáo sợ mất cắp, vì số tiền 16 triệu đồng đối với bị cáo lúc ấy cũng lớn lắm, để lại một triệu chi tiêu, còn lại bị cáo chia làm ba gói tiền để làm ba vị trí trong người và ba lô. Tới ga Vinh, bị cáo buồn ngủ và ngủ thiếp đi, khi tỉnh dậy kiểm tra thì mất hai gỏi tiền là mười triệu đồng, chỉ còn một gói năm triệu đồng trong người, bị cáo không giám kêu mất, âm thầm chịu đựng.

Khi tới Sài Gòn, bị cáo lân la hỏi thăm những người lái xe đò và bị cáo quyết định đáp xe đò về U Minh rồi đi thuyền tới nơi (sau này bị cáo bới biết tên địa danh ấy là Khánh An). Theo chân những người đi chặt củi, đưa lên đò chở đi những nơi xa rừng bán, bị cáo làm thuê cho họ cầu mong có miếng cơm ăn, còn ở thì ở cùng đò với họ, bị cáo tự đặt tên cho mình tên Minh kể từ đó.

Trong một lần đi chặt củi, bị cáo bắt gặp một cô gái nằm ở bên đường, cạnh cô là một thai nghi đã tắt thở, bị cáo thấy không còn động đậy gì nữa. Trong lúc hoảng loạn, thấy cô gái vẫn thở nhẹ, bị cáo đã bế cô gái chạy ra thuyền kêu mọi người giúp đỡ; may mắn vợ ông chủ thuyền là người đã sinh mấy lần nên đã biết cách xử lý, khi cô gái đã tỉnh lại, bà vợ ông chủ thuyền kêu bị cáo qua lại chỗ thai nghi, đem theo dụng cụ đào hố chôn hài nhi đó. Bị cáo cũng vô tình chằng để ý hài nhi đó là trai hay gái, sau này ở với nhau Liên có hỏi là hài nhi đó là trai hay gái, bị cáo trả lời không biết.

-    Như vậy là sau đó bị cáo ở với cô gái tên Liên mà bị cáo đã cứu à?

-    Dạ vâng! Khi cô gái đó tỉnh lại, được chủ thuyền chăm sóc đã khỏe lại. Được hỏi về gia đình, quê hương, người thân, cô gái đó đều nói không có; khi hỏi cha của hài nhi kia, cố gái nói bị hiếp dâm dẫn đến có thai, xấu hổ nên bỏ nhà ra đi, sau nhiều ngày đói khát, dẫn đến đẻ non. Trong những ngày chăm sóc Liên trên thuyền, chủ Thuyền thương  hoàn cảnh hai đứa nên có ý se duyên rồi cấp tiền dựng căn nhà nhỏ trên bãi đất hoang để hai đứa hằng ngày đi chặt củi cho chủ thuyền.

-    Hai người sống với nhau như vợ chồng trong thời gian dài sao không đăng ký kết hôn?

-    Thưa quý tòa: Bị cáo trốn nhà ra đi không có giấy tờ tùy thân, hơn nữa sống nơi hẻo lánh vậy cũng chẳng ai biết, sau này dân cư đông hơn, bị cáo là người đến trước nên không ai quan tâm đến chuyện riêng của bị cáo ạ.

-    Hai người sống với nhau có con chung không?

-    Thưa quý tòa: Không ạ, bị cáo và Liên rất muốn có con, nhưng không hiểu vì sao không có, hình như sau lần đẻ non, Liên không còn khả năng sinh nở nữa ạ.

-    Thay mặt Hội đồng xét xử, tôi thông báo để bị cáo rõ, người đã mang tiền nộp cho cơ quan thi hành án thay cho bị cáo đó chính là bà Liên. Khi biết bị cáo vi phạm pháp luật, dẫn đến phải hầu tòa, bà Liên đã bán căn nhà ở U Minh lấy tiền để thi hành án thay cho bị cáo, đồng thời về quê hương của bị cáo xin phép gia đình của bị cáo làm thủ tục đăng ký kết hôn với bị cáo sau khi bị cáo thi hành xong bản án.

Như chính lời tuyên án, Doanh gần như khuỵu xuống, bởi lời thông báo của vị Thẩm phán như một bản tuyên của tòa án lương tâm. Hơn hai mươi năm đầu ấp, tay kề với người thương yêu nhưng Doanh đã che dấu những tội lỗi của mình, che dấu cả cái lý lịch, quê hương đối với Liên. Và hôm nay chính Liên là người gánh vác, chở che những tội lỗi là Doanh đã gây nên.

Liên không còn đủ can đảm đứng nghe cuộc chất vấn của Chủ tọa phiên tòa và những câu trả lời của Minh nữa. Liên lách cửa hậu phiên tòa bước ra khỏi phòng xử án. Cơ quan tòa án khá rộng rãi, qua bãi để xe ô tô là một khuôn viên cây xanh rất đẹp mắt, những hàng cây ăn quả được chăm sóc công phu, những hàng rào cây ôrô cắt tỉa đẹp mắt làm lòng bà dịu đi, trong bà những khoảnh khắc vừa giận, vừa thương  đối với người mà bà coi đó là chồng.

     Chiếc xe chở phạm nhân đưa phạm nhân về nơi giam giữ, Liên biết trong xe có Minh. Qua lần trao đổi với vị Thẩm phán để cung cấp thêm những tình tiết liên quan đến vụ án và biện pháp khắc phục đối với Minh, Liên biết ngoài sự khắc phục hậu quả bằng tiền ra thì Minh vẫn phải chịu một hình phạt thích đáng về tội chiếm đoạt tài sản và trốn tránh pháp luật. Liên trách Minh là nếu Minh nói thật với Liên về quá khứ lầm lỗi của mình thì Liên sẽ khuyên Minh ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật, nếu được vậy thì sau khi thi hành án xong, giờ đây Minh và Liên đã có cuộc sống hạnh phúc. Liên thương Minh bởi Minh là một người đàn ông đầu tiên đến với Liên trong hoàn cảnh éo le và đã thương yêu mình, cuộc sống tuy nghèo nhưng tình cảm hai người không thể thiếu nhau.

     Cứ mải mê suy tưởng và cuộc sống của Liên và Minh trước ngày Minh bị bắt lại hiện lên trong tâm trí Liên; Liên và Minh đang có cuộc sống khá hạnh phúc, trong những khoảnh khắc hiếm hoi được nghỉ ngơi Liên nghĩ lại cuộc đời mình và thầm cảm ơn Trời, Phật đã cho mình gặp Minh. Mặc dù chưa hôn thú, song Liên và Minh sống khá hạnh phúc trong cùng một gia đình, ngôi nhà lá đơn sơ do công sức lao động vất vả của hai tấm thân cần dựa vào nhau dựng lên trên mảnh đất vùng U Minh - nơi có mật độ dân số chưa cao.

***

Đầu thập kỷ 90 Liên là cô gái với tuổi trăng tròn, học hết cấp hai song do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha  lâm bệnh nặng và mất sớm, để lại cho mẹ Liên mấy công đất bạc màu. Mẹ Liên tuy không sắc sảo nhưng thuộc diện phụ nữ có duyên, chưa đoạn tang tang chồng thì bà đã có người theo đuổi, bà đón người đàn ông theo đoàn người đi kiếm trầm về ăn ở trong nhà như vợ chồng. Cuộc sống của Liên bắt đầu đảo lộn khi cái tuổi dậy thì đang phơi phới sức xuân lại chứng kiến chuyện tình của người đàn ông xa vợ với người đàn bà chồng chết, căn nhà nhỏ với vách ngăn đơn sơ, những tiếng động lạ, và cơn rên siết của cặp đôi khát tình làm Liên không thể bỏ qua. Chính trong hoàn cảnh éo le ấy và những cử chỉ sự tò mò của Liên không thể qua mắt người đàn ông có bề dầy tình trường, người mà mẹ bắt Liên gọi bằng “dượng”.

 Những buổi làm nương của đôi trai tiều gái bản ấy thường có những khoảng thời gian “dượng” về uống nước hoặc lấy những vật dụng cần thiết là cơ hội để “dượng” chiếm đoạt Liên. Cái gì đến, nó sẽ đến! Mối tình tay ba đã hình thành trong ngôi nhà nhỏ đó; Cặp giữa mẹ Liên và dượng thì công khai, còn giữa dượng và Liên thì lén lút.

Mặc dù tình cảm với người đàn ông mà Liên gọi bằng dượng đó chẳng có tình yêu, cũng chẳng thương, chẳng nhớ …; hoàn cảnh xô đẩy và vùng sơn cước ấy thì Liên làm gì có bạn trai. Cuộc sống cứ trôi theo sự suy tưởng của mỗi người, ba mảnh đời, ba luồng suy nghĩ và kỳ vọng vào dòng suy tưởng của riêng mình. Sự cáo già và vốn sống giả tạo của dượng vẫn che đậy được trong các bữa ăn và sinh hoạt của ba người. Nhưng: cái bụng của Liên nó đã tố cáo hành động của mèo mả, gà đồng. Khi biết được sự thật thì cơn thịnh nộ của người đàn bà khát tình lại dội lên đầu Liên, chẳng những không lên án và xỉ vả kẻ đốn mạt mà mẹ Liên lại nổi những cơn ghen kỳ quái, cho rằng chính Liên là người dụ dỗ để người đàn ông kia không còn yêu thương mình. Những trận đòn ghen cứ ngày nối ngày dội lên đầu Liên, đến một ngày do quá sức chịu đựng, Liên đã cắp nón rời khỏi căn nhà tội lỗi và ra đi trong một đêm không trăng, sao khi cơn gió mùa ập về.

*  *   *

Mọi thủ tục trong phiên tòa đã được tiến hành nghiêm minh, đúng pháp luật. Theo đề nghị của người có quyền lợi liên quan, vị Chủ tọa phiên tòa không thông báo cho bị cáo Doanh nguồn gốc số tiền khắc phục hậu quả mà cơ quan điều tra đã công bố trong cáo trạng. Việc khắc phục hậu quả đã của người thân bị cáo đã được nguyên đơn chấp nhận. Song với hành vi phạm tội chiếm đoạt tài sản và trốn tránh pháp luật quả Doanh vẫn bị thi hành nghiêm khắc.

Với bản luận tội của Viện khiểm sát nhân dân: Ngoài việc thi hành án bằng tiền, Doanh có thể phải phạt tù từ 30 đến 36 tháng tù giam và án phí theo quy định. Xét thấy người bị hại có đơn đề nghị giảm mức án cho bị cáo và một số tình tiết giảm nhẹ; Hội đồng xử án tuyên án phạt Doanh với mức án 24 tháng tù giam và phải nộp án phí theo quy định.

Ngồi trong xe đặc chủng chở phạm nhân về nơi giam giữ, chiếc xe vừa khởi hành với tốc độ chậm qua cửa thoáng Doanh nhìn thấy người đang đi trong khuôn viên tòa án chính là Liên. Mặc dù nhìn từ phía sau, nhưng  hình ánh người đàn bà đã gắn bó với Doanh hơn 20 năm làm sao Doanh quên được, chỉ có điều đột ngột quá, ngạc nhiên quá, với hoàn cảnh kinh tế của Liên thì gần 2 nghìn kilomet làm sao Liên có mặt tại đây và nếu có mặt thì tại sao Liên không có mặt tại phiên tòa v.v và v.v. Việc nghi vấn người nộp tiền khắc phục hậu quả cho Doanh đã có câu trả lời.

Xe chở Doanh về nơi tạm giam lăn đều trên con đường ra ngoại ô thành phố.

Đã 24 năm trôi qua, những tội lỗi của Doanh tưởng chừng đã được chôn vùi theo năm tháng, để Doanh có cuộc sống tuy không giàu có, nhưng đầm ấm trong gia đình tự tạo, Doanh đã từng thỏa mãn với cuộc sống bên Liên nơi xa xứ, Doanh đã từng coi đó là quê hương, là miền đất hứa, ở đó cả Liên và những người xung quanh không biết quá khứ tội lỗi của Doanh mà họ chỉ biết người đàn ông tên Minh hiền lành chất phát. Nhưng rồi vào một ngày đầu xuân, sau buổi lao động vất vả, Doanh đang cùng mấy người lao động nhâm nhi chén trà tại một quán ven đường thì thấy xuất hiện 2 người lạ mặt và quán uống nước; chưa đầy 3 phút thì ba người tiến lại phía Doanh và cất tiếng nói nghiêm khắc “Trần Văn Doanh! Anh đã bị bắt, đề nghị mọi người trật tự cho chúng tôi làm nhiệm vụ”

Như đã hiểu mọi vấn đề, việc sẽ đến, Doanh tự đứng lên tra tay vào còng số 8 và chấp hành mọi đề nghị của nhóm Công an mặc thường phục đang thi hành nhiệm vụ bắt Doanh.

Một người trong quán đứng lên nói với những người thi hành nhiệm vụ: “Các anh có nhầm lẫn không đấy? đây là Minh cao kều, có phải Trần Văn Doanh  đâu”?

Một người trong nhóm (có lẽ là đội trưởng): “Thưa bà con nhân dân, đây là Trần Văn Doanh, can tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, Doanh đã phạm tội cách đây hơn hai mươi năm; Doanh vào đây đổi tên, trốn tránh pháp luật. Cơ quan điều tra đã xác định được sự có mặt của Doanh tại đây và đã có lệnh bắt tội phạm bị truy nã, chúng tôi sẽ trình báo với các cơ quan hành chính có thẩm quyền”.

Như biết không thể tránh được lưới trời của pháp luật, Doanh cúi đầu và nói với mọi người: “Các ông cứ để họ thi hành nhiệm vụ, tôi có tội”.

                                                           Tháng 3 năm 2018



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét