GẦN NGUYÊN TIÊU NHỚ NGUYÊN TIÊU
Tản văn của Phạm NgọcTâm Dung
Anh à!
Hôm nay là ngày mười một tháng Giêng. Thế là gần đến ngày Nguyên Tiêu rồi nhỉ! Mà sao em cứ thấy buồn buồn...
Em còn nhớ, ngày đầu tiên mình được đến Văn Miếu Quốc Tử Giám, được chiêm bái một khu di tích lịch sử linh thiêng; một trường Đại học đầu tiên của Đại Việt đặt ở Thủ Đô ngàn năm văn hiến; Một danh lam thắng cảnh cổ kính và tuyệt đẹp của chốn kinh kỳ và còn rất nhiều danh hiệu nữa mà người ta đặt cho "Trái tim" của nền văn hóa Việt này, chúng mình đã xúc động đến mức... lâng lâng run rẩy!
Em dè dặt chậm bước theo dòng người. Em kính cẩn ngắm nhìn các bậc cao niên, áo dài đen, quần trắng, đầu mang khăn xếp, thư thái đi bên bậc nữ nhân áo the nâu, khăn mỏ quạ, môi trầm nền nã, đẹp như những người đàn bà trong hình ảnh "Vinh quy bái tổ " nơi tiểu thuyết "Lễu Chõng" của Nhà văn Ngô Tất Tố. Em kính nể ngắm nhìn những bậc trí thức vận com lê cà vạt giận giày Tây đen bóng, tay long trọng cuộn một cuộn giấy màu điều, thư thái đi bên các bậc phu nhân áo dài thướt tha, mặt thoa nhẹ chút phấn, điểm đôi giọt hồng trên má, tươi đẹp như liễu, như hoa. Bên họ còn ríu rít vài cô bé, cậu bé dáng học trò, thậm chí là ấu nhi, còn bồng trên tay, mắt tròn xoe, trong veo và ngơ ngác. Rồi em lại thấy, có những người đàn ông đơn lẻ, ông bước đi chậm rãi, trầm tư, ông như đang đếm từng dấu giày của mình bên Hồ Văn, mắt lơ đãng mà ánh nhìn thật thẳm sâu... Hình như người ấy đang có nhiều tâm sự khi bước chân vào chốn này!
Ngày ấy chúng mình còn trẻ, anh nhỉ! Và chúng mình cứ thích mê tơi những "thần tượng" là các anh chị trí thức hay sinh viên lớp trên. Các nam thanh nữ tú đất Hà Thành, từng đôi, từng tốp áo quần thanh lịch, duyên dáng và nhẹ nhàng. Họ chuyện trò và cả pha trò cũng vô cùng tinh tế, đáng yêu. Trong số họ, có cả những người từ xa trở về, đón xuân cùng gia đình vào dịp Tết, tranh thủ hưởng không khí ấm áp của Nguyên Tiêu quê hương, rồi ngày mai lại ra đi, lại lao vào bao gió bụi đường đời. Có người, không may mắn được sinh ra từ Hà Nội, nhưng vào ngày lính thiêng này, cũng bắt xe bằng được về đây để hưởng không khí văn hoá ngàn xưa...
Chúng mình hòa vào dòng người đông đúc mà không hề ồn ào; nhiều lứa tuổi, nhiều tầng lớp, nhiều đẳng cấp, trình độ mà không hề thấy có chút gì là sự kênh kiệu, xa cách, phân biệt...
Chúng ta cứ nhìn người ta làm mà học theo. Anh nhớ không, lúc em chắp tay vái bia đá ghi tên các bậc đại trí thức ở Văn Bia, dù em chẳng biết chữ Hán, nhưng hình như em cũng cảm nhận được một luồng năng lượng từ các dòng chữ cao sang kia, từ đôi mắt lim dim, nhân từ của các Cụ Rùa đá, nhẫn nại, lấy thân mình, nghìn đời gánh vác việc nghĩa nhân. Rồi mình dắt tay nhau, trèo cây cầu thang bằng gỗ lim, lên thắp hương Nhà Tổ. Mùi hương trầm kéo ta về với quá khứ thâm sâu.
Anh kéo em ra lan can, anh chỉ cho em những đồng tiền cổ, không biết từ khi nào, không biết từ đời nào, ai đó đã gieo trên mái ngói sẫm nâu rêu phủ. Những đồng xu nhiều kiểu dáng, nhiều kích cỡ do nhiều bàn tay...
Anh chỉ cho em hai đồng tiền xinh nhất, nằm sát cạnh nhau và ghé tai em thật khẽ: Đó là biểu tượng tình yêu của chúng mình em ạ!
Em rưng rưng nhoà lệ vì hạnh phúc tràn đầy!
Ơi tháng năm! Thời gian, mưa nắng, bão giông, không nỡ làm cho những đồng tiền chinh bào mòn, hoen gỉ, bay theo gió ngàn, về cát bụi! Nó vẫn còn đây, minh chứng cho dấu ấn cho sự vĩnh hằng của đức tin, của văn hóa dân gian...
Em còn nhớ, hai đứa mình cùng xoa tay lên chiếc chuông đồng đen khổng lồ. Tay anh chạm vào tay em. Em cứ để yên trong lòng tay nóng ấm của anh, bốn mắt nhìn nhau đắm đuối. Em thích thú và sung sướng nghĩ đến bài thơ "Hò hẹn ngày Xuân" của hai đứa ngày nào.
Vui nhất là lúc chúng mình sa vào biển người tại sân khấu lớn và sân khấu nhỏ.
Ôi chao! Bao nhiêu gương mặt tươi hồng là bấy nhiêu là nụ cười, là nét duyên, là sự thanh lịch. Các văn nhân, thi sĩ điệu nghệ đọc thơ, nói chuyện thơ. Những thần tượng, thường ngày chỉ được nghe danh, giờ đã được vinh hạnh kiến diện. Người ta nghe như nuốt lấy từng lời. Người ta gật gù tán dương. Người ta bàn luận. Người ta tra sách và người ta lần lượt xin lưu bút, chữ ký và mua sách quý.
Em cũng mua được vài cuốn thơ của Nhà thơ Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính và cuốn tùy bút của ai đó, hình như của Vũ Bằng thì phải.
Lúc về, mình cùng lũ bạn tạt qua Hồ Văn xin chữ và gieo quẻ, anh nhỉ!
Hai đứa mình chọn một Cụ Đồ phúc hậu, trong số rất nhiều cụ ở đây.
Chúng ta đã lấy chiếc ghế con, ngồi hầu chuyện cụ hàng giờ và xin cụ cho chữ.
Đã bao năm rồi, em cứ thắc mắc, sao quẻ thẻ phán dạy là chúng ta không hoà hợp khó đẹp duyên... mà có sao đâu! Mình vẫn hạnh phúc, phải không anh!
Bao năm rồi, trong hằng hà sa số những người chờ đợi ngày Nguyên tiêu tại Văn miếu Quốc tử giám, với nhiều mục đích, cũng như nhiều chia sẻ vui buồn khác nhau, trong số đó có em.
Năm nay, người ta không tổ chức Nguyên Tiêu ở Văn Miếu nữa. Nguyên Tiêu sẽ đ ược tổ chức ở khu Hoàng Thành Thăng Long. Lại được tổ chức vào buổi tối. Không hiểu sao em thấy tiếc! Em tiếc nơi giàu kỉ niệm của chúng mình chăng? Em tiếc nơi ghi dấu bao phong tục đẹp chăng? Em tiếc một nơi đã thành địa điểm hẹn hò, chơi xuân của các trai thanh gái lịch chăng? Có phải vì thế mà em buồn chăng? Anh đừng cười em hoài cổ nha! Các cụ nói rằng phi cổ bất thành kim! Không hoài nhớ sao được? Cái ông nhà thơ Đaghet xtan nói rằng: Nếu bắn súng lục vào quá khứ thì tương lai sẽ đáp trả bằng Đại bác đấy.
Vẫn biết rằng mọi thứ không ngừng chuyển động, không ngừng đổi mới. Thì Nguyên Tiêu cũng cần đổi mới.
Em hẹn anh, chúng ta cùng đi dự Nguyên Tiêu năm nay. Biết đâu, chúng ta sẽ khám phá thêm những điều mới lạ. Rồi chúng ta vẫn có thể về lại Văn Miếu thiêng liêng của mình và của mọi người mà anh!
Hà Nội 12 tháng Giêng năm Quý Mão
T.D.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét