Thứ Tư, 15 tháng 2, 2023

MẸ CỦA ANH

 

MẸ CỦA ANH Sửa

XUÂN QUỲNH

 


 

 

MẸ CỦA ANH

(Đăng tuần san Hạnh phúc gia đình ngày 06/4/2018)

 

 

Phải đâu mẹ của riêng anh

Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi

Mẹ tuy không đẻ không nuôi

Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong

Ngày xưa má mẹ cũng hồng

Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau

Bây giờ tóc mẹ trắng phau

Để cho mái tóc trên đầu anh đen

Đâu con dốc nắng đường quen

Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần

Thương anh thương cả bước chân

Bàn chân giống mẹ tảo tần năm nao

Lời ru mẹ hát thuở nào

Chuyện xưa mẹ kể lẫn vào thơ anh

Nào là hoa bưởi hoa chanh

Nào câu quan họ mái đình cây đa


Xin đừng bắt chước câu ca

Đi về dối mẹ để mà yêu nhau

Mẹ không ghét bỏ em đâu

Yêu anh em đã là dâu trong nhà

Em xin hát tiếp lời ca

Ru anh sau những âu lo nhọc nhằn

Hát tình yêu của chúng mình

Nhỏ nhoi giữa một trời xanh khôn cùng

Giữa ngàn hoa cỏ núi sông

Giữa lòng thương mẹ mênh mông không bờ

Chắt chiu từ những ngày xưa

Mẹ sinh anh để bây giờ cho em.

 

LỜI BÌNH CỦA NGUYỄN THỊ THIỆN

 

“MẸ SINH ANH ĐỂ BÂY GIỜ CHO EM”

 

Đọc thi phẩm của các nhà thơ nữ thời hiện đại, tôi thích nhất thơ Xuân Quỳnh, đơn giản là vì hồn thơ ấy giàu nữ tính, dung dị mà sâu sắc song lại có nhiều sáng tạo mới mẻ. Bên cạnh những bài thơ đãđược đưa vào giảng dạy trong nhà trường (Truyện cổ tích về loài người, Sóng …), những thi phẩm được phổ nhạc và trở thành nhạc phẩm nổi tiếng (Thuyền và biển), bài thơ Mẹ của anh là một trong những sáng tác tôi rất thích.

Nét mới trước hết của bài thơ là đề tài. Tình mẹ vốn là tình cảm thiêng liêng trong sâu thẳm trái tim mỗi người, nhưng đó thường là tình cảm  hướng tới người mẹ ruột đã mang nặng đẻ đau,  sinh dưỡng ta nên người. Còn ở đây, đối tượng tác giả hướng tới lại là mẹ chồng, người mà theo quan niệm dân gian là “khác máu tanh lòng” với mình Ca dao Việt Nam từng có câu “Thật thà cũng thể lái trâu / Thương nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng” để nói về mâu thuẫn khó có thể dung hoà giữa hai thế hệ: mẹ chồng - nàng dâu. Vậy mà với Xuân Quỳnh hoàn toàn ngược lại. Chị đã yêu thương trân trọng và biết ơn sâu sắc với “ Mẹ của anh”. Thi phẩm ra đời vào năm 1973, trước khi Xuân Quỳnh kết hôn với Lưu Quang Vũ. Với tình yêu và tấm lòng chân thật Xuân Quỳnh đã chinh phục được trái tim của mẹ chồng, cho dù ban đầu bà không đồng ý cuộc hôn nhân này. Bài thơ như những lời tâm tình nhỏ nhẹ đã tái hiện sống động chân dung người mẹ chồng bằng thái độ ngợi ca, tự hào và biết ơn :“Phải đâu mẹ của riêng anh / Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi / Mẹ tuy không đẻ không nuôi/ Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong”. Hẳn người mẹ vô cùng xúc động khi đọc những dòng thơ thấm đượm nghĩa  tình này. Có ai sống trong bóng đêm mới thấy hết giá trị của ánh sáng ban ngày. Các mẹ các bà ngày xưa phải làm dâu trăm họ với biết bao quy định khắt khe của lễ giáo cũ, “gái có chồng như gông đeo cổ”, mới thấu hiểu  nỗi lòng bậc bề trên. Xuân Quỳnh  đã thấu hiểu nỗi lòng của người mẹ và công lao dưỡng dục sinh thành: “Ngày xưa má mẹ cũng hồng / Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau / Bây giờ tóc mẹ trắng phau / Để cho mái tóc trên đầu anh đen”. Câu thơ tuyệt bút có sự đăng đối hài hòa giữa già và trẻ, tóc trắng phau của mẹ và tóc đen của người con, làm tỏa sáng sự hy sinh âm thầm của mẹ. Cùng với việc cho anh hình hài dáng vóc, mẹ còn cho anh nguồn sữa tâm hồn là những chuyện xưa mẹ kể cùng với lời ru ngọt ngào. Những hình ảnh trong từng câu hát của mẹ năm xưa  giờ trở thành chất liệu ngôn  từ trong thơ anh hôm nay “Lời ru mẹ hát thuở nào / Chuyện xưa mẹ kể lẫn vào thơ anh / Nào là hoa bưởi, hoa chanh / Nào câu quan họ mái đình cây đa / Xin đừng bắt chước câu ca / Qua cầu dối mẹ để mà yêu nhau”. Sự sáng tạo tiếp nối của Xuân Quỳnh là vận dụng đắt giá những ca từ, ý thơ dân gian để biểu đạt tình cảm chân thật của mình. Ẩn chứa đằng sau câu  chữ, Xuân Quỳnh như nhắn nhủ nhẹ nhàng tới các nhà thơ và bạn trẻ: thơ cũng như tình yêu không chấp nhận sự giả dối. Tấm lòng bao dung của mẹ và tình yêu của anh đã khiến Xuân Quỳnh trở thành “dâu trong nhà”. Kính trọng và biết ơn mẹ, Xuân Quỳnh đã tự nguyện và khát khao “Em xin hát tiếp bài ca / Ru anh sau những âu lo nhọc nhằn”. Đã từng trải một lần con đò tình duyên tan vỡ, trước “tình yêu của chúng mình / nhỏ nhoi giữa một trời xanh khôn cùng”, Xuân Quỳnh nguyện trân trọng nâng niu. Mẹ sẽ là điểm tựa tin cậy để chị tạo dựng cuộc sống tương lai. Bài thơ khép lại với những liên tưởng bất ngờ, mới lạ: “Chắt chiu từ những ngày xưa / Mẹ sinh anh để bây giờ cho em.


Bằng thể thơ lục bát, mạch thơ tự sự kết hợp với trữ tình nhuần nhị, đầy nữ tính đã khắc họa rõ chân dung người mẹ tảo tần, bao dung và giàu đức hy sinh. Mẹ của anh và cũng là “mẹ của chúng mình”. Tấm òng hiếu thảo chân tình của người con dâu như Xuân Quỳnh thật đẹp và trân quý biết bao.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét