Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2023

ĐỌC TUYỂN TẬP THƠ CỦA MỘT SĨ PHU BẮC HÀ

 



 ĐỌC TUYỂN TẬP THƠ CỦA MỘT SĨ PHU BẮC HÀ (bài đầy đủ)

 Sau khi đọc hết Tuyển tập thơ Trần Mạnh Hảo, tôi chợt nhớ đến cụm từ đã lâu rồi vắng bóng trên văn đàn. Nay nó bỗng lại hiện ra như một nối kết lịch sử vừa có cái ngẫu nhiên, vừa có cái tất nhiên. Trước khi có đôi lời bàn luận về thơ Trần Mạnh Hảo, cảm xúc trong tôi về anh là cảm xúc nghĩ về một “người hùng”, một trí thức, một văn nhân luôn đau đáu nỗi niềm của một kẻ sĩ với từng bước đi gian nan của dân tộc, của đất nước mà suốt đời anh yêu đến như muốn “băng hoại cả đời mình”.

ĐỌC TUYỂN TẬP THƠ CỦA MỘT SĨ PHU BẮC HÀ  (bài đầy đủ)

                                   Hữu Đạt

          Sau khi đọc hết Tuyển tập thơ Trần Mạnh Hảo, tôi chợt nhớ đến cụm từ đã lâu rồi vắng bóng trên văn đàn. Nay nó bỗng lại hiện ra như một nối kết lịch sử vừa có cái ngẫu nhiên, vừa có cái tất nhiên. Trước khi có đôi lời bàn luận về thơ Trần Mạnh Hảo, cảm xúc trong tôi về anh là cảm xúc nghĩ về một “người hùng”, một trí thức, một văn nhân luôn đau đáu nỗi niềm của một kẻ sĩ với từng bước đi gian nan của dân tộc, của đất nước mà suốt đời anh yêu đến như muốn “băng hoại cả đời mình”.




           Cách đây khoảng hai mươi lăm, hai sáu năm, hai sáu năm về trước, tôi là người đầu tiên viết bài về trường ca Đất nước hình tia chớp của Trần Mạnh Hảo (do Nxb QĐND ấn hành). Khi đó Trần Mạnh Hảo chưa thật nổi danh. Bài viết này nhà văn Dương Duy Ngữ rất thích nên đã gửi cho báo Văn nghệ. Khi báo đăng, có người nói, bài viết hay nhưng hơi “bốc thơm” Trần Mạnh Hảo. Ý kiến đó muốn phản biện nhận xét của tôi “Thơ Trần Mạnh Hảo giàu chất triết luận” và “có phong cách riêng”. Họ bảo: “làm gì đã đạt tới triết luận?”. Nhưng tôi vẫn bảo lưu ý kiến đó. Năm 2021, khi xuất bản cuốn Phê bình phong cách học có tên “Từ văn học kháng chiến đến văn học Đổi mới” tôi vẫn xếp bài này ở cuối phần “Văn học kháng chiến” theo tiêu chí riêng mà tôi quen gọi là: từ góc nhìn phong cách học. Đó là môn học tôi từng gắn bó cả đời mình và đã viết một số giáo trình giảng dạy ở bậc đại học. Lúc bản thảo mới hoàn thành, cũng có ý kiến không đồng tình đưa bài này vào tập sách (vì một lý do nào đó?), nhưng tôi nói tôi chỉ rút bài này ra khi có văn bản chính thức nói rằng, bài này cần phải loại. Nhì nhằng rồi cuối cùng khi sách ra, bài viết về Đất nước hình tia chớp vẫn nghiễm nhiên là bài nối kết của hai giai đoạn văn học sử. Tất nhiên, đó là theo hệ thống của chúng tôi, còn theo hệ thống khác thì có thể vị trí đó lại là của tác giả khác (đó là  hệ thống lập luận riêng của mỗi nhà nghiên cứu!).

Có một kỷ niệm tôi nhớ mãi. Sau khi báo Văn nghệ in bài viết của tôi, nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã gửi cho tôi một bức thư (tôi vẫn đang lưu giữ) nói rằng, người bạn đời của anh đã ép lên trang đầu cuốn an bum của gia đình bài viết ấy. Cho đến hôm nay, khi cầm bút viết những dòng này, tôi vẫn khẳng định, thơ Trần Mạnh Hảo là một phong cách thơ độc đáo, có những đặc trưng rất riêng biệt. Trong đó, nổi trội hơn cả là sự uyên bác về tri thức kết hợp với tài năng của một nhà nghệ sĩ ngôn từ. Đọc thơ Trần Mạnh Hảo nhiều khi phải sững sờ trước những sáng tạo rất bất thường. Bất thường mà không khó hiểu, mà lại dễ đi vào lòng người, bởi cái chất suy tưởng của anh nó là sự trải nghiệm sâu sắc của một đời người đầy biến động và sóng gió. Cái hồn thơ trong Trần Mạnh Hảo, mọc mầm bắt rễ từ thứ cỏ gà ven đê, đến con gió thổi phóng khoáng từ phía sông Hồng. Cái tình yêu sâu thẳm toát lên từ mỗi bài thơ anh viết được trộn từ bùn đất quê hương thành Nam, nơi có nhiều văn nhân nổi tiếng. Chất thơ của Trần Mạnh Hảo có cái Ngông của Tú Xương, lại có cái thâm trầm, sâu lắng của Nguyễn Khuyến. Có lúc rất ngạo nghễ, nhưng lại có lúc buồn đến hiu hắt của nỗi cô đơn tột cùng. Nói khái quát, Tuyển tập thơ Trần mạnh Hảo giống như bản giao hưởng đa tầng, trong đó có những khúc du dương, trầm lắng, có khúc như bão tố cuồn cuộn nổi lên. Trời đang trong xanh, chợt lại thấy mây đen vẫn vũ, gió giật đùng đùng. Thế cho nên, từ tiếng ếch nhái hồn nhiên của tuổi thơ, đến tiếng ếch nhái của phong ba bão táp trong những năm tháng “phiêu dạt” của đời anh là một chặng đường trải nghiệm gồ ghề, khúc khuỷu về đời, về đạo, đã tạo nên một phong cách thơ Trần Mạnh Hảo, không thể trộn lẫn với bất cứ ai.

Trở lại bàn về tính triết luận. Ngay đầu tuyển tập, đọc bài Mặt trời và hạt sương ta đã thấy một tư tưởng kiểu hiền triết nói về sự đối lập giữa cái tiểu và cái đại, giữa cái cái vĩ mô và vi mô. Nó vừa đối lập, lại vừa là tiền đề của nhau: 

“Mặt trời không mang nổi

Dù một hạt sương rơi

Nhưng trong hạt sương ấy

Có bao nhiêu mặt trời”

Tôi có cảm tưởng, thơ như là một thứ thiên phú mà Trời ban cho Trần Mạnh Hảo. Không phải là anh mượn bút của Trời như một vài người hay khen bạn mình, mà Trời đã ban cho anh một khả năng nhạy cảm hiếm thấy. Vì thế, bất cứ sự kiện hay sự vật nào, qua quan sát của anh, nó đều trở thành những tứ thơ hay hoặc câu thơ hay. Lý Bạch từng trộn thơ với trăng, với rượu làm nên phong cách của thi nhân họ Lý, còn Trần Mạnh Hảo trộn thơ với bùn đất, có cây, sông nước làm nên vẻ đẹp của phong cách thơ họ Trần. Nói vậy tôi không hề so sánh tầm vóc của hai nhà thơ này mà chỉ muốn nhấn mạnh đến cái chất riêng, cái cội nguồn tạo ra những đặc trưng và phẩm chất riêng của mỗi nhà nghệ sĩ, cái mà ta vẫn gọi là phong cách tác giả.

Tôi thích thơ Trần Mạnh Hảo vì thơ anh rất giàu hình tượng, bao hàm nhiều chủ đề, được diễn tả bằng nhiều cung bậc cảm xúc và nhiều hình tượng khác nhau. Đây là một mảng vơi thiếu trong thơ Việt Nam đương đại. Nhiều nhà thơ thiên về miêu tả, câu chữ quá nhiều mà thơ lại không có hoặc thiếu vắng hình tượng. Thơ nặng về kể giống như văn xuôi mà thiếu đi cái sự chắt chiu của ngôn từ. Còn với Trần Mạnh Hảo, mỗi trang thơ lại ẩn chứa những hình tượng, đôi khi ám ảnh, day dứt. Viết về Bạch Cư Dị, Khuất Nguyên hay Đỗ Phủ, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… mỗi câu thơ của anh đều chứa chất những tâm sự sâu thẳm về cõi đời, cõi người:

                             “ Ta ăn tuyết cả tuần không thấy buốt

                                Trời sao sa như vãi tấm cho gà

                                Ừ Trời chỉ còn sao thôi

  Vì trăng Lý Bạch bế đi rồi

   Mắt ta chợt nảy nghìn đom đóm

    Đâu biết là sao hay đóm rơi?”

                                   ( Đỗ Phủ)

          Ở đây tôi muốn nói đến một phương diện khác. Đó là ngoài chất Thiên phú, cái làm nên một chân dung Trần Mạnh Hảo còn là một quá trình nỗ lực phi thường, tự học, tự tìm tòi để vươn lên và tự khẳng định mình. Anh giống như đại văn hào Gooc ki, “Những trường đại học của tôi” chính là thực tế, là môi trường mà Trần Mạnh Hảo đã sống và trải nghiệm suốt từ lúc mới chào đời cho đến tuổi ngoài thất thập. Giáo dục thời nay rất chú trọng đến trải nghiệm chính là muốn cho lớp trẻ thoát khỏi cái sự học kinh viện làm cho con người nhiều khi kiến thức đầy mình mà hóa ra lại sơ cứng, chẳng vận vào được thực tế nào cả. Còn cái sự tự học, tự dùi mài kinh sử chính là học thật mà Trần Mạnh Hảo đã tự rèn luyện mình. Ở Đại học Tổng hợp trước đây, các thế hệ vẫn truyền tụng một câu nổi tiếng của vị đại sư thầy định nghĩa về đại học. Ông nói: Đại học là gì? – là tự học. Ngắn gọn và dễ hiểu quá. Tôi đánh giá rất cao, thậm chí rất thán phục Trần Mạnh Hảo bởi trên thực tế, có mấy ai được đào tạo từ trường này qua lớp khác lại có thể viết được nhiều thể loại như anh? Từ thơ đến phê bình, từ truyện ngắn đến tiểu thuyết, rồi lại từ tản văn đến luận bàn sử, triết. Chỗ nào anh cũng chấm bút mực vào, khiến cho một số người đôi khi sốt ruột, bực tức phải thốt lên “Trần Mạnh Hảo biết quái gì về triết mà cũng bàn, cũng luận?”; hoặc có khi thả ra một câu lơ lửng “ Quí hồ tinh hơn quí hồ đa. Viết nhiều đâu phải là tốt!”. Tôi nghĩ, cách phê phán như thế rất thiếu cơ sở. thậm chí có phần bao biện cho sự lười biếng. Quả là Trần Mạnh Hảo viết rất nhiều, rất phóng túng trong nhiều lĩnh vực, nhưng cái “đa” trong các sản phẩm của anh đều có hàm lượng thông tin và sự sáng tạo khó phủ nhận (cả về sáng tác, lẫn phê bình, nghiên cứu). Mặc dù, trong sáng tác hay phê bình, đôi khi anh cũng thái quá, lại có khi đanh đá, pha chút chua ngoa kiểu mẹ Đốp, chả ngán gì khi bốc cả váy ném vào mặt các giáo sư. Nên, người thích anh rất nhiều mà người ghét anh cũng không ít. Có lúc đọc anh, tôi cứ ngỡ mình đang ngồi bên sân khấu chèo. Những dòng chữ lướt đi, màn sân khấu chợt mở, bóng thi nhân TMH và Mẹ Đốp như nhòa vào một. Lời nói chua chát của xã trưởng: “Con mẹ Đốp, sao mày bốc mồm tao bỏ vào váy mày hở?”. Rồi vênh váo trước cụ: “Bà mà chưa ra thì các cụ chửa được ngồi…”.  Ôi chao! May là mình ngồi ở hàng ghế sau, nếu ngồi ở hàng ghế đầu  thì box váy chắc gì không văng vào mặt? Kiểu viết của TMH là thế!

Nhắc đến thơ Trần Mạnh Hảo, tôi lại nhớ đến mấy ngày qua, tình cờ mà được chứng kiến một sự kiện rất hi hữu trong đời sống sáng tác văn học. Như trên facebook Trần Mạnh Hảo đã thông báo, vì tình bằng hữu, tôi đã nhận lời phát hành giúp một phần cuốn Tuyển tập thơ của anh. Chỉ sau đôi ngày anh đăng tin, tôi nhận được rất nhiều cú điện thoại. Người thì xưng là học trò, người nói là đã tốt nghiệp Đại học Bách khoa, lại có cả người làm nghề gì đó mà tôi hỏi thì ngại ngùng nói rằng “em chỉ là người bình dân thôi, nhưng muốn có một cuốn thơ Trần Mạnh Hảo”. Ngạc nhiên hơn nữa lại có người nói rằng, tôi nay đã 94, vẫn theo dõi Trần Mạnh Hảo, nên thích có một tập thơ của anh ấy. Không cần phải phân tích, chỉ ngần ấy thông tin cũng đủ cho ta thấy, thơ Trần Mạnh Hảo đã đáp ứng cho nhiều đối tượng bạn đọc rất khác nhau. Có được điều ấy vì Trần Mạnh Hảo đã tạo ra một tiếng nói riêng trong thơ, ở đó, tiếng lòng của anh đã gặp gỡ được tiếng lòng của rất nhiều người nhờ sự biến hóa tài tình của một ngòi bút từng trải. Thứ ngôn ngữ mà Trần Mạnh Hảo dùng trong thơ cũng như trong phê bình, nghiên cứu đều có sức cuốn hút rất đặc biệt, làm cho thiên hạ cuốn vào vòng mê say, đôi khi trở thành thứ hiệu ứng Trần Mạnh Hảo. Nói như vậy, không có nghĩa là tôi nhận định, chỗ nào Trần Mạnh Hảo viết cũng đúng, cũng hay cả. Nếu thế, Trần Mạnh Hảo đã thành ông Thánh mất rồi! Thánh còn có khi nhầm… ông Nam Tào Bắc Đẩu trong kịch Lưu Quang Vũ đã từng gạch nhầm kẻ chết thành sống, kẻ được sống phải chết đó thôi. Tôi là người đã từng đưa ra khá nhiều ý kiến phản biện với Trần Mạnh Hảo. Phản biện không có nghĩa là phê phán anh, mà muốn nhắc rằng, có những nhận định của anh còn chưa tới hoặc thái quá, cần có sự bình tĩnh để xem xét lại. Chẳng hạn, khi Trần Mạnh Hảo phê bình PGS Nguyễn Lộc, tôi thấy các phân tích của anh đều có lý, nhưng khi anh đưa nhận định: trong mấy câu viết ra mà có từ lặp đến mấy lần là không biết viết văn thì tôi lại không tán thành. Bởi có hai kiểu lặp. Kiểu lặp do không am hiểu hay thiếu vốn từ là kiểu lặp như Trần Mạnh Hảo nói. Còn kiểu lặp có dụng ý, có ý thức mà người viết muốn tạo ra, lại mang nét đặc trưng của phong cách mà ta vẫn gọi là “thủ pháp”. Chẳng hạn, khi tả tâm trạng của Thúy Kiều, Nguyễn Du viết 6 câu thơ, trong đó có nhiều từ và cả cấu trúc (tổ hợp từ) được lặp đi lặp lại nhiều lần: “Buồn trông cửa bể chiều hôm / Thuyền ai thấp thoáng cánh buồn xa xa. Buồn trông… Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”. Trong thơ Nguyễn Bính cũng có những sự lặp từ, lặp cụm từ rất độc đáo: Anh đi đấy anh về đâu/ Cánh buồm nâu, cánh buồn nâu ánh buồm… Lặp như vậy là sự sáng tạo trong quá trình sử dụng ngôn ngữ nhằm chuyển hóa các tín hiệu thông thường thành các tín hiệu thẩm mỹ mang tính nghệ thuật.

Trong lĩnh vực triết học, Trần Mạnh Hảo có những bài rất mạnh dạn, thậm chí táo bạo, “ngông nghênh” kiểu Tú Xương, khi bàn về Chủ nghĩa Mác. Bàn luận là quyền của nhà nghiên cứu hay phê bình, không nên dùng áp chế để ngăn cấm, nhưng đúng – sai lại là điều cần phải được thảo luận. Ở phương diện này, cần ghi nhận những đóng góp của Trần Mạnh Hảo khi anh dám xới ra vấn đề, dám lật ngược một số định đề đã trở thành công thức sơ cứng bấy lâu nay. Chẳng hạn, ở các bài viết gần đây nhất, anh có bàn về chủ nghĩa nhân đạo và CNDV biện chứng mà Các Mác tiếp thu của Hegel và các nhà triết học đi trước. Các phân tích của anh đã tuân thủ theo các bước của một nhà nghiên cứu khoa học “nói có sách, mách có chứng” mà trong các LATS khoa học vẫn gọi là có dẫn “xuất xứ” hay “nguồn” một cách trung thực, chứ không phải là nói bừa, hay “không biết gì mà cứ nói” như một vài người vội vã nhận định về anh. Bởi, đã không biết thì khó mà nói được, lại càng không viết được! Viết một bài phê bình hay nghiên cứu là cả một sự công phu, nhọc nhằn đâu có dễ gì? Mà viết cho cuốn hút theo phong cách TMH lại càng không dễ. Tuy nhiên, chính tại đây, tôi lại có những suy nghĩ khác anh TMH. Theo tôi, phép tư duy biện chứng thì không phải đến Hegel mới có mà trong tư duy triết học phương Đông đã có từ lâu rồi. Tôi còn nhớ, khi còn bé, trong lúc hầu trà các cụ, tôi vẫn nghe cha tôi và bác tôi thường giảng về Y lý phương Đông: Trong âm có dương, trong dương có âm. Bổ con đả mẹ, bổ mẹ đả con. Cùng tắc biến, biến tắc thông…Y lý phương Đông chú ý đến vận hành của khí và huyết và huyết để chữa bệnh, trong đó khí là dương, huyết là âm. Tóm lại, trong thuyết Âm dương ngũ hành đã có đủ qui luật về luật mâu thuẫn, đấu tranh của các mặt đối lập, động lực phát triển hay gọi là thuyết vận động… Chính nhờ vận dụng các kiến thức mà chỉ học mót được từ các cụ, tôi đã chữa thành công nhiều ca bệnh phức tạp ở một số bạn bè, đồng nghiệp. Có trường hợp, bệnh nhân từng chữa trị nhiều năm ở các bệnh viện mà không khỏi, nhưng giải quyết theo tương tác của đối lập giữa âm và dương trong cơ thể lại thành công. Xin nêu một dẫn liệu cụ thể: Gần đây nhất,  nhà Từ điển học – GS.TS Nguyễn Như Ý bị bệnh đã 5 năm, đã đi chữa nhiều bệnh viện mà không khắc phục được. Ngày nào cũng đi tiểu đêm 5-6 lần và chỉ ngủ được 1,2 tiếng, tinh thần luôn mệt mỏi, nặng nề, ngày nào cũng phải uống thuốc an thần theo liệu trình của bác sĩ. Thế nhưng, khi gặp tôi vào năm 2021, tôi đưa lên chùa, chỉ mượn “thần khí” để chữa theo thuyết Âm - Dương mà trong 5-6 ngày đã khắc phục được hoàn toàn căn bệnh, đến nỗi, khi sức khỏe phục hồi, GS.TS Nguyễn Như Ý phải thốt lên: “Đúng là siêu nhận thức”. Trong lĩnh vực nghiên cứu Ngôn ngữ học, tôi cũng đã vận dụng học thuyết Âm dương ngũ hành để phân tích về các dạng cấu tạo từ ghép trong tiếng Việt. Bài viết được công bố trong Hội thảo KH Quốc tế năm 2012, đến năm 2022, được đăng lại trong cuốn Tuyển tập các bài nghiên cứu về tiếng Việt của tôi (Nxb Thế giới). 

Tôi muốn đưa ra một vài dẫn liệu hoàn toàn xác thực như vậy để khẳng định một điều, tôi hoàn toàn tán thành cách nhận định của anh TMH: Không phải Mác là người đầu tiên phát hiện ra tư duy biện chứng. Cũng không phải ông là người đầu tiên nói về luật mâu thuẫn và đấu tranh của các mặt đối lập. Đây chỉ là vấn đề rượu cũ, bình mới. Thế mà chúng ta thật dễ tính, cái của mình bằng thật mà lại cứ tôn sung, cho đó là của phương Tây. Nói cho đúng, Mác chỉ thành công khi vận dụng học thuyết đấu tranh giữa các mặt đối lập để giai quyết mâu thuẫn xã hội trong giai đoạn chủ nghĩa tư bản lũng đoạn và độc quyền. Khi bước sang giai đoạn của tư bản phát triển (giai đoạn 4.0) thì nhiều vấn đề đã khác đi lắm rồi. Học thuyết của ông rất cần phải xem xét lại. Thế nhưng, nhiều thầy dạy triết vẫn sôi nổi nhồi nhét vào óc học sinh rằng, CN Mác là khoa học nhất trong mọi KH; Mác là người đầu tiên đưa vào triết học thứ tư duy của DVBC… Dạy như vậy chẳng phải là chúng ta rất phi KH và phi lịch sử đó hay sao? Tôi cũng đã có vài lần nói với các thầy dạy triết, cứ dạy như thế thì ở ta không bao giờ có các nhà triết học thực sự chứ chưa nói đến các nhà triết học lớn. Dạy và hiểu triết học kiểu như vậy, là chỉ thấy cái ngọn mà cắt bỏ hẳn cái gốc.

Nếu như từ góc độ nghiên cứu, các vấn đề triết học mà Trần Mạnh Hảo đưa ra vẫn còn phải có nhiều điều phải bàn cãi, thì trong sáng tác thi ca, Trần Mạnh Hảo lại rất thành công khi tạo ra những câu thơ, bài thơ mang đậm tính triết học. Chính nhờ có rèn luyện tư duy triết học mà thơ của anh là những lý giải sâu sắc về cuộc sống, về qui luật sinh tồn, về sông, về biển và sự tồn tại của muôn loài. Có lẽ chăng, vì sinh ra bên dải đất sông Hồng nên ngay từ nhỏ, sông nước đã trở thành yếu tố trong máu thịt trong thơ anh. Những bài thơ Trần Mạnh Hảo viết về các dòng sông, về quan hệ giữa sông và biển là những bài thơ hay, thậm chí có những câu rất hay, đọc lên cứ thấy nao lòng. Chẳng cứ sông Hồng, con sông chảy qua quê anh, mà ngay cả những con sông anh đi qua trong cuộc đời, chẳng hạn như sông Lam xứ Nghệ, khi đi vào trong thơ anh nó giống như là một món đặc sản: 

“Sông bổ đôi Nghệ Tĩnh

Sông nằm hóa lục bát Nguyễn Du

Sông đứng thành Hồng Lĩnh

Sông đi thành ví dặm trời xanh

Sông vắt kiệt lòng mình nuôi đất cát

Thương đất nghèo sông xanh rớt mồng tơi.

Sông ẩn hồn trong vại cà, vại nhút.

Một củ khoai cũng lấp ló mây trời”

                                   (Sông Lam)

          Rồi từ đó, nhà thơ liên tưởng để đi đến khái quát:

                             “Con cò mặc áo tơi đi học.

Cá sông Lam còi cọc toát mồ hôi.

Gió hào kiệt thổi xơ Nghệ Tĩnh.

Cá gỗ nuôi lớn những thiên tài.

Trời hào phóng mây trắng.

Đất tằn tiện ngô khoai.

Đến cỏ dại cũng mọc thành chữ nghĩa”

          Viết về một dòng sông mà viết như thế chỉ có Trần Mạnh Hảo. Qua những câu thơ viết về sông, bạn đọc có thể hình dung ra cả một vùng văn hóa đầy những trầm tích chỉ đợi đến một thời khắc nào đó là nó sẽ thăng hoa.

          Đến đây, tôi muốn nói thêm một ý khác. Thơ của Trần Mạnh Hảo không chỉ giàu tính triết luận mà còn hàm chứa nhưng kiến thức sâu rộng để làm nên vẻ đẹp uyên bác của thi ca. Đây chính là điểm mạnh trong nhiều sáng tác của Trần Mạnh Hảo gây nên sự chú ý của giới nghiên cứu và các bạn đọc từng trải sự đời. Có được điểm mạnh ấy, chính là Trần Mạnh Hảo đã tự tu và khổ hạnh (theo cách nói của GS toán học Ngô Bảo Châu) để đạt tới một cảnh giới khác so với thế tục. Dường như, cuộc sống của Trần Mạnh Hảo chỉ dồn vào mấy chữ: đọc, học, yêu và viết. Thơ của Trần Mạnh Hảo không chỉ là yêu của tình yêu lứa đôi mà đó là yêu đất nước, yêu con người, yêu nền văn hóa của quê hương và của nhân loại. Nhờ có tình yêu ấy mà Trần Mạnh Hảo đã dành nhiều tâm huyết để viết về các bậc tiền nhân với niềm chia sẻ cảm thông, nhưng đồng thời bộc lộ những tâm sự u uất từ trái tim mình. Đọc kỹ, thơ Trần Mạnh Hảo luôn đau đáu nỗi buồn. Trong đó, nỗi buồn của cá nhân chỉ là cái vẻ bên ngoài, còn sâu thẳm là cái nỗi buồn thế sự, được ẩn kín từ các lớp ngôn từ đa nghĩa. Trong mỗi khoảnh khắc, Trần Mạnh Hảo luôn vượt qua nỗi đau buồn cá nhân để nói lên tiếng nói chung của nhiều số phận. Sự quả cảm và tố chất “sĩ phu” ở anh có được cũng nhờ một phần ở phẩm chất người lính được rèn luyện qua những năm chiến tranh. Cho nên: 

                             Nửa đêm chợt thức mơ đâu mất?

                             Tỉnh ra chỉ thấy ướt mi thôi

                             Cả đời khi thức không hề khóc

                             Nằm ngủ say rồi lệ mới rơi!

                                                                (Khóc)

 Đó là những câu thơ mang nỗi đau đời, đau đến rớm máu mắt của thi nhân. Giống như tâm trạng của thi hào Nguyễn Công Trứ. Ông là vị quan Dinh điền có công trấn thủy trị điền mở mang sản xuất được nhân dân cả vùng dưới xuôi thành Nam hạ là Thái Bình tôn vinh, lập đền thờ. Ông cũng là người có nhiều công lớn với triều đình. Ấy vậy mà có đến ba lần ông bị nghi ngờ là kẻ có tâm làm phản hoặc tiếp tay cho các nhóm bạo loạn. Sau này, nhà thơ Tú Sót cảm về nỗi đau ấy nên viết một câu đố bằng ca dao để đố trẻ em mà nhiều người nhầm cho là của dân gian. Nhưng tôi thì không quên được. Đó là vào những năm sau tám mươi của thế kỷ trước. Lúc đó tôi còn trẻ nhưng có một nhà thơ, bút danh là Tú Sót (tên thật: Chu Thành) là người bạn văn vong niên hay ghé qua chơi, lúc tửu lúc trà, ông bèn xoa đầu hai cháu nhỏ con tôi nói:

- Bác đố các cháu, câu sau đây nói về vật gì:

          Giơ lưng cho thế gian ngồi

          Ngồi rồi trở lại, chê người bất lương?

Các con tôi ngẩn ra. Nhà thơ lại bảo:- Hàng ngày cháu nằm ngủ ở đâu?

Con gái tôi nói ngay: - Chúng cháu ngủ ở giường.

Con trai tôi nói thêm: - Về quê chúng cháu còn được ngủ trên cái phản.

Nhà thơ cười ngất: Đó chính là nó đấy các cháu ạ.

 Rồi ông giảng về Nguyễn Công Trứ cho các con tôi nghe.

(sau này, có nhiều biến thể: Ngả lưng cho thế gian ngồi/ Rồi ra mang tiếng là người bất trung …)

Có lẽ trải qua những hoàn cảnh đau đớn ấy, Nguyễn Công Trứ mới phải thốt lên một câu thơ thoát xác, muốn trốn khỏi cõi bụi trần một cách vừa ngạo nghễ, vừa bi ai:

Kiếp sau xin chớ làm người

   Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.

Trong thơ Trần Mạnh Hảo, ta cũng gặp bóng cây tùng, cây thông rất cảnh ngộ, có cái gì na ná như cuộc đời các tiền nhân. Nhưng cây tùng, cây thông ấy, không thoái thác, trốn xa cuộc đời mà sẵn sàng chấp nhận cái sự đớn đau để yêu đến tận cùng:

                    Không đi dù bão táp

Tùng đứng mãi nơi này

Anh chôn chân xuống đất

Yêu nước mình đắng cay 

            (Với cây tùng đứng mãi bên cửa sổ)

          Với Trần Mạnh Hảo, áo dài khăn lượt chẳng là gì. Nếu thích thì anh đã yên thân làm một phóng viên sống với đời nghề báo. Cuối đời chắc chắn anh sẽ có vài tấm huân huy chương, vài phần thưởng hay danh hiệu nào đó. Điều này là chắc chắn vì khi còn trẻ anh đã là cây bút tả xung, hữu đột, viết mạnh mẽ như triều cường. Nhưng anh đã chọn làm một sĩ phu, gánh trách nhiệm trên vai của mình với đất nước “Đất nước hưng vong, thất phu hữu trách” để lại đi tiếp chặng đường của người lính năm xưa. Chiến đấu, chiến đấu và luôn luôn chiến đấu để tìm cái thật, để chống cái giả, tìm cái thiện, chống cái ác …Từ thơ ca đến các trang viết phê bình, khảo luận, ngọn bút Trần Mạnh Hảo luôn cháy lên rừng rực một niềm khát vọng để thực sự được làm người, đúng với nghĩa nhân bản của nó. Cái chất sĩ phu trong con người Trần Mạnh Hảo lại được cộng thêm tố chất của Anh Hai Nam bộ khi nửa phần đời sau anh sống trên mảnh đất này. Anh thực sự là người con của hai miền tổ quốc. Chỉ cần đọc những bài thơ anh viết về những dòng sông từ Nam chí Bắc cũng có thể nhận ra đó là phần máu thịt rất quan trọng trong thơ ca và cuộc đời của anh. Những bài thơ viết về dòng sông của TMH không chỉ hay về ý tứ mà còn đậm đà tình nghĩa quê hương, da diết bao nỗi niềm không chỉ của một cá nhân, mà của cả một vùng núi sông của cộng đồng:

“Con mới hiểu vì sao khát nước

Triệu năm còn ừng ực uống dòng sông

Vì sao Lạc Long Quân lấy sông Hồng làm đuốc

Soi nước Văn Lang từng bước Tiên Rồng

Con mới hiểu vì sao hạt thóc

Lại mang hình con mắt mỏn mòi trông”

                                    (Sông Hồng)

“Những dòng sông như những người chạy bộ

Cứ đuổi theo bóng dáng chân trời

Sông khỏe quá chạy hoài thành châu thổ

Chạy qua rồi sông để lại lúa khoai

Để lại lâu đài ruộng nương nhà cửa

Chỉ mang trời nhập với biển khơi”

                          (Những dòng sông)

Những bài thơ giàu chất triết học như thế, rất khó tìm thấy ở các nhà thơ đương đại. 

Nhưng nếu chỉ nói đến chất sĩ phu trong thơ Trần Mạnh Hảo thì bạn đọc sẽ quên chất đắm đuối trong thơ anh. Bởi thế, trước khi kết thúc, tôi muốn có ít dòng để nói về tố chất này. Nó cũng là cái làm nên hồn cốt của thơ Trần Mạnh Hảo. 

Nếu đọc kỹ, có thể thấy, sau cái dáng trầm ngâm của một vị hiền triết, cái dáng ngang tàng của một sĩ phu và anh Hai Nam Bộ, là một Trần Mạnh Hảo đa cảm, đắm đuối và si tình. Tố chất này hiện ra trong các bài viết về mẹ, về tuổi thơ, về người yêu, về các nhân vật như Thị Nở, Vương Thúy Kiều… Lần giở mỗi trang thơ của Tuyển tập này, không khó nhận ra, khi viết những vần thơ về mẹ, Trần Mạnh Hảo dũng mãnh đã tan biến, chỉ còn hiện ra như chú bé con, đáng thương, tội nghiệp bên người mẹ hiền tảo tần, vất vả. Đó là lúc con người đa cảm trong Trần Mạnh Hảo vút lên đầu ngọn bút:

“Riêu cua nổi như mây trời phiêu bạt

 Tép rang thường muối hạt à ơi

 Mẹ thương con giã cối vừng mặn nhạt

 Cà phảo xưa trắng bạt chân trời”

                         ( Ẩm thực mẹ)

“Chới với hai tay lúc lọt lòng

Xin chào trần thế dẫu long đong

Quờ chân tìm đất mà chưa tới

Neo vào vú mẹ để tồn vong…”

                         (Neo vào vú mẹ để tồn vong)

          Ở tuổi xế chiều, Trần Mạnh Hảo vẫn ám ảnh nỗi buồn nhớ mẹ. Những lúc ấy anh giống như đứa trẻ bơ vơ lạc giữa dòng đời tìm về những kỷ niệm lam lũ, nhưng thanh khiết vô cùng:

Hến còn ngoài bãi bơ vơ

Để mùng tơi nhớ sững sờ bát canh

Mẹ mò hến tận trời xanh

Tuổi thơ yêu hến đến thành tương tư

                               (Hến ơi)

          Đúng là Trần Mạnh Hảo! Ai có nhiều vốn sống nhà quê thì mới thấy hết được cái tài đặc biệt của TMH. Từ cua đến cò, từ ốc đến hến…đến con chó vàng, mỗi khi nó xuất hiện trong thơ TMH là đều đem đến cho người ta một cảm giác rưng rưng rất lạ lùng. Thơ TMH có cái hồn quê của Nguyễn Bính, có cái bảng lảng của Nguyễn nhược Pháp, lại có cái hương vị tinh túy của ca dao. Đọc thơ anh, ta có cảm giác như ngửi thấy, sờ thấy quê hương mình.

          Đã có nhiều lần tôi hỏi các bạn biên tập SGK: “Sao ông Trần Mạnh Hảo có những bài thơ hay như thế không đưa vào sách mà lại chọn những bài thế này?”. Các bạn biên tập nhìn tôi (!...). Việc chọn ngữ liệu cho SGK là cả câu chuyện dài, không thể gói gọn, nay xin nói tiếp tố chất trong thơ TMH: từ đa cảm đến đắm say. 

Nhà thơ không đa cảm thì khó rung động, mà không rung động thì lấy đâu có thơ hay? Chính vì đa cảm nên khi yêu các anh chàng đa cảm này càng trở nên đắm đuối. Trần Mạnh Hảo cũng như vậy. Lúc yêu, anh cũng đắm say khướt mướt, cũng mộng mị và không phải không có lúc ỡm ờ, thoáng chút Hồ Xuân Hương:

Cây vào thu cháy hết mình

Anh vào em phóng hết tình cuồng phong

Chim vào thu bướm hết lòng

Lộc vừng em lửa động phòng tình thu

                                        (Lộc vừng vào thu)

Yêu khát cháy như thế, đôi khi không giấu được thói tham lam của một gã si tình:

“Tình yêu như bị đánh đòn

Tưởng lên tới đỉnh vẫn còn vực sâu”

                         (Trời yêu)

          Có thể nói thêm nhiều về mảng thơ Trần Mạnh Hảo viết về mẹ, về cha, về thầy, về bạn bè đồng đội cũ. Bài nào cũng đằm thắm tình người, tình đời. Đó chính là những người có sức mạnh truyền cảm hứng cho ngọn lửa sáng tác cháy lên trong đời anh. Cách đây hơn hai chục năm, tôi chỉ gọi thơ anh là thơ “triết luận”, nay xin thêm bốn chữ để thành chữ LỘC tặng anh lúc tuổi già: Triết luận – uyên bác – đắm say. Đó chính là hồn cốt thơ Trần Mạnh Hảo.

                                                                        Hà Nội mùa mưa

                                                                    Đêm 19/8/ 2022
Chép lại từ " Viện ngôn ngữ và văn hóa Phương Đông"

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét