Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2023

LẠI BÀN VỀ TRUYỆN KIỀU

 


ĐÃ ĐẾN LÚC PHẢI NGHIÊN CỨU LẠI

VỀ TRUYỆN KIỀU VÀ...

Tác giả: Nhà thơ Đỗ Trung Lai

I. Ta hãy giả sử, Nguyễn Du chỉ làm thơ chữ Hán!

Thơ chữ Hán của Nguyễn Du cũng được văn nhân đánh giá cao, nhưng dân ta không mấy ai biết tới, vì họ không đọc được! Sau này, thơ chữ Hán ấy dù có được diễn Nôm hay chuyển quốc ngữ, thì căn bản cũng vẫn chỉ được lưu hành trong giới “có học” mà thôi. Và, ngay cả khi đó, thơ chữ Hán của cụ vẫn sẽ còn bị soi xét, so bì với thơ Đường - Tống và với thơ của các nhà thơ chữ Hán khác ở chính nước ta.
Nhưng khi đã “Xem Nôm Thúy Kiều” thì từ các bậc Hán học “danh gia vọng tộc”, các “đại thụ” trong làng thơ Nôm, cho đến dân chúng, đều thích thú, thán phục, ngưỡng mộ, say mê, thậm chí là… “nghiện”!
Không chỉ thế, còn có hẳn một khu vực “Văn hóa Truyện Kiều” ở ta:
- Chốn bác học, đó là những nhà “Kiều học”, là “Từ điển Truyện Kiều”, là “Vịnh- Tập- Lẩy Kiều”.
(Ta đã biết Chu Mạnh Trinh từng cho thi Vịnh Kiều và mời Nguyễn Khuyến làm chủ khảo, để Nguyễn Khuyến “Vịnh” móc rằng: “Thằng bán tơ kia giở giói ra- Làm cho bận đến cụ Viên già!”) v.v...
- Chốn dân gian, đó là “Bói Kiều”, thi đọc Kiều xuôi- ngược v.v...
Trong văn chương Tiếng Việt, không có hiện tượng thứ hai nào như vậy!
Tại sao thế?
Ấy là vì, “với Truyện Kiều, Nguyễn Du là người đầu tiên và duy nhất, đã “lập tức” đưa Tiếng Việt lên đến đỉnh cao của nghệ thuật ngôn từ- nghệ thuật văn chương- và cũng “lập tức” làm cho nó trở thành cổ điển - kinh điển”!
Nguyễn Du với Tiếng Việt như là Pu- xkin với Tiếng Nga, như là Gớt với Tiếng Đức, như là Đăng- tê với Tiếng Ý, như là Xếch- xpia với Tiếng Anh… vậy! Và Nguyễn Du với văn hóa Việt Nam, cũng giống như là Hô- me đối với văn hóa Địa Trung Hải vậy!

II. Chúng ta đã biết rằng:

1. Truyện thơ ở Việt Nam khá phong phú (Hoa Tiên, Tống Trân - Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa, Phương Hoa, Trê Cóc… ), nhưng hầu hết đều được viết “một màu”, theo kiểu “trần thuật - tự sự” đơn giản. Thể loại Lục bát trong thơ ca ta rất phong phú (Trong ca dao, hò vè, quan họ, quan (xoan) ghẹo, hát ru, hát chèo...), nhưng đó vẫn chỉ là những “đoản khúc”, dẫu không thiếu trau chuốt.
2. “Kim Vân Kiều truyện” do Thanh Tâm tài nhân viết ở cuối thế kỷ 17 - đầu thế kỷ 18, là một tiểu thuyết chương hồi (20 hồi), viết về một nàng Vương Thuý Kiều có thật trong lịch sử Trung Hoa. Trước Thanh Tâm tài nhân, chuyện nàng Vương Thuý Kiều ấy đã được nhiều nhà viết sử ký, truyện ký, hý kịch Trung Hoa khai thác hàng trăm năm, tính từ nửa sau thế kỷ 16, vì Vương Thuý Kiều là một trong hai ái cơ - hầu gái - ca kỹ của Từ Hải, một tướng cướp vùng Chiết Giang trong những năm 30 thời Gia Tĩnh (1532-1567) nhà Minh (1364-1644).
Theo nhà nghiên cứu Trung Hoa, Trần Ích Nguyên, thì trước Thanh Tâm tài nhân, ở Trung Hoa đã có “Vương Kiều nhi truyện” của Từ Học Mô (1552-1593) và sau đó, còn có thêm 3 tiểu thuyết - truyện ký cùng 3 hí khúc và nhiều vở truyền kỳ khác về Vương Thuý Kiều. Trần Ích Nguyên viết: “Từ truyền thuyết trong tư liệu lịch sử đến tiểu thuyết, hí khúc, chúng ta thấy việc hình thành nên truyện Vương Thuý Kiều chủ yếu bắt đầu từ truyền thuyết dân gian. Các văn nhân đã dựa vào những truyền thuyết dân gian có thể chứng thực bằng tư liệu lịch sử mà ghi chép lại, đồng thời có cải biên và sáng tạo thêm, thế là sản sinh ra một lượng lớn tác phẩm tiểu thuyết và hí khúc, khiến cho hình tượng nhân vật Vương Thuý Kiều không ngừng được đầy đặn thêm” (Trần Ích Nguyên – “Nghiên cứu câu chuyện Vương Thuý Kiều” - Phạm Tú Châu dịch- NXB Lao động - 2004).Nhà nghiên cứu này cũng nhận định về “Kim Vân Kiều truyện” như sau: “Toàn bộ cuốn truyện, thông qua hai lần vào nhà chứa, ba lần hoàn lương, mười mấy năm khổ hạnh dày vò, đã hết sức tinh tế để cho Vương Thuý Kiều, theo những biến đổi của đời sống hiện thực, mà không ngừng làm phong phú và phát triển tính cách cực kỳ nhẫn nại của mình, hình thành trọn vẹn một hình tượng nữ tính hơn hẳn người cùng lứa, đả phá căn bệnh chung của tiểu thuyết thông tục là loại hình hoá nhân vật… Nghệ thuật miêu tả cao minh nhường ấy, không nghi ngờ gì nữa, là sự đột phá quan trọng trong lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc, vì thế, truyện có ảnh hưởng không nhỏ. Ngoài “Thụ Hổ khẩu”, “Hổ phách chuỷ” đầu đời Thanh ra, truyền kỳ “Song Thuý viên” của Hạ Bỉnh Hoành giữa đời Thanh cũng là được cải biên từ “Kim Vân Kiều truyện”. Thậm chí, một phần nội dung trong “Lục dã tiên tung” của Lý Bách Xuyên, “Hồng lâu mộng” của Tào Tuyết Cần cũng có thể được “Kim Vân Kiều truyện” gợi mở”.
Thế tức là, ở Trung Hoa, vì thấy nó hay nên nhiều người đã “Đoạt thai hoán cốt” nó để sinh ra các tác phẩm khác. Nó không thể tầm thường!
Sau đó, năm 1763, “Kim Vân Kiều truyện” được dịch ra tiếng Nhật (“Thông tục Kim Kiều truyện”) và được cải biên thành tiểu thuyết Nhật (“Phong tục Kim ngư truyện”). Đầu thế kỷ 19, nhà Trung Quốc và Mãn Châu học người Nga A.Vladykin (1761-1811) - một người đương thời với Nguyễn Du - đã dịch “Kim Vân Kiều truyện” từ bản tiếng Mãn Châu sang tiếng Nga nhưng chưa được xuất bản và hiện còn đang được lưu trữ tại Viện Đông Phương học Xanh Petécbua (“Truyện Kiều khảo - chú – bình”. Trần Nho Thìn và Nguyễn Tuấn Cường - NXB Giáo dục - 2007).
Nhìn rộng ra thế để thấy, từ cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19, “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm tài nhân đã được dịch ra tiếng Nhật, tiếng Mãn, tiếng Nga và còn được “cải biên” và vì thế, nó cũng không thể là một tác phẩm tầm thường, kể cả trong những nhìn nhận “ngoại Trung Hoa”.
Sang đến Việt Nam, nhất định “Kim Vân Kiều truyện” cũng phải được tán thưởng và vì thế, nó mới tác động mạnh mẽ lên Nguyễn Du, ít nhất là về phương diện cốt truyện và những tình tiết trong đó. Có thế thì ông mới dồn tâm dồn tài “Đoạt thai hoán cốt” nó, kết hợp nó với khả năng diễn đạt và phổ cập của thể loại Truyện thơ và thơ Lục bát độc đáo ở Việt Nam, tạo nên một kiệt tác là Truyện Kiều, cống hiến cho dân Việt một đỉnh cao nhất về thể loại văn chương, đó là thể loại Truyện - Tiểu thuyết bằng thơ Lục bát Tiếng Việt, độc nhất vô nhị!

III. Bây giờ, xin nói về sự “Đoạt thai hoán cốt”

“Đoạt thai hoán cốt” hay “Hoán cốt đoạt thai”, vốn là một “thuật” trong nhiều “thuật” của Đạo Giáo Trung Hoa. Theo đó, các đạo sĩ cao tay có thể làm cho người ta thoát khỏi “Phàm thai tục cốt” mà thành ra “Thánh thai tiên cốt”!
Theo thời gian, nó chuyển nghĩa (hoặc gồm thêm nghĩa), để trỏ những việc mà người sau, tuy học theo tiền nhân nhưng lại có thêm nhiều sáng tạo mới, khiến “dấu vết” của tiền nhân không còn nữa hoặc nếu còn, thì rất mờ nhạt. Riêng trong văn nghệ, nó trỏ cái việc người sau “Hô biến” tác phẩm của người trước, làm cho “Phàm trần” thành ra “Tiên thánh”, nói gọn là “Thành tiên”!
Nhà nghiên cứu Đào Duy Anh chính là người đầu tiên chọn thành ngữ này để trỏ việc Nguyễn Du đã “Hô biến” “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm tài nhân thành ra “Đoạn trường tân thanh” - “Truyện Kiều” như thế nào. Đào Duy Anh viết: “Nguyễn Du giữ nguyên sự tích của tiểu thuyết Tàu, hầu như không thêm bớt chút gì”, “Song nguyên văn (nguyên tác?) thì tự thuật rườm rà, tỷ mỉ, kết cấu theo một trật tự dễ dàng (dễ dãi?) đơn giản, mà Nguyễn Du thì châm chước và sắp đặt lại thành một tổ chức có giàn giã chặt chịa, có mạch lạc khít khao”, “Nguyên văn (nguyên tác?) thì tự thuật rất tỉ mỉ mà khô khan, chú ý đến những chi tiết không quan hệ và hay tả thực những cảnh tượng dễ kích động tai mắt người ta. Nguyễn Du thì tự sự rất vắn tắt, gọn gàng, chỉ kể những việc quan trọng, mà vừa tự nhiên vừa nghị luận, khiến văn luôn có hứng thú. Phàm những đoạn mô tả duy thực thô bỉ, những đoạn thuyết lý dông dài, ông đều bỏ cả, lại chú ý đặc biệt về sự tả tình và tả cảnh… Về tính tình các nhân vật, thì những người trong “Kim Vân Kiều truyện” vốn là những người gần với sự thực, những người ta có thể tin rằng đã từng sống ở nước Tàu đồng thời với Kim, Vân, Kiều. Nguyễn Du tuy không tả thực, nhưng lại là một tay tâm lý học sành, nên đã biến hoá những người ấy thành những người không riêng gì của nước Tàu bấy giờ mà chung cả mọi đời mọi xứ. Ta có thể nói rằng, Nguyễn Du đã lý tưởng hoá (nghệ thuật hóa?) các nhân vật thành những nhân vật điển hình vậy”.
Trước Đào Duy Anh, Phạm Quỳnh cũng nói: “Cứ thực thì “Truyện Kiều”, dẫu là đầm thấm cái tinh thần của văn hoá Tàu, dẫu là dung hoà những tài liệu của văn chương Tàu, mà có một cái đặc sắc văn chương Tàu không có, cái đặc sắc ấy là sự kết cấu (cấu trúc?)”; “Nhà văn, nhà thơ Tàu, ngoài những bài thơ văn nho nhỏ, ngăn ngắn, phàm làm sách chỉ biết cách biên tập, không sành kết cấu. Biên tập là cóp nhặt mà đặt liền lại; kết cấu (cấu trúc?) là thu xếp mà gây dựng lên, thế nào cho thành một cái toàn bức (toàn bích?), các bộ phận điều hoà thích hợp với nhau, không thêm bớt được chút nào (nữa?). “Truyện Kiều” là một cái toàn bức (toàn bích?) như thế”.
Ở đây, ta có thể không hoàn toàn đồng ý với việc nói rằng, toàn bộ văn chương Tàu đều yếu hoặc không có “Kết cấu” nhưng rõ ràng là, với riêng việc so sánh “Kết cấu” của “Truyện Kiều” với “Kim Vân Kiều truyện”, thì Phạm Quỳnh nói trước Đào Duy Anh.
Sau này, Hoài Thanh nói: “Những con người của Thanh Tâm tài nhân chỉ là những bộ xương. Nguyễn Du đã biến những bộ xương thành những con người thực. Nguyễn Du đã biến thành yêu, ghét, giận, hờn cái điều ở Thanh Tâm tài nhân chỉ là ý yêu, ý ghét, ý giận, ý hờn. Nguyễn Du đã truyền sức sống vào trong bức vẽ?” (Hoài Thanh- “Quyền sống của con người trong Truyện Kiều của Nguyễn Du”).
Ở đây, ta có thể cũng không hoàn toàn đồng ý với sự “gay gắt” của Hoài Thanh, nhưng rõ ràng là Hoài Thanh đã góp thêm tiếng nói, khen việc “Đoạt thai hoán cốt” của Nguyễn Du.
Sau này nữa, Nguyễn Lộc cũng “phụ hoạ”: “Nguyễn Du đã bỏ đi những chi tiết kể lể dài dòng, những đoạn miêu tả có tính chất Tự nhiên chủ nghĩa, nhiều khi thô bỉ, có hại đối với mỹ cảm của người đọc và không nhằm phục vụ cho chủ đề của tác phẩm. Đồng thời nhà thơ thêm vào đó rất nhiều đoạn tả cảnh, tả tình, nhằm nêu rõ tính cách và tâm trạng nhân vật. Ngay cả khi Nguyễn Du giữ lại những tình tiết cũ của Thanh Tâm tài nhân, thì đó cũng không phải là giữ lại nguyên vẹn, không có sáng tạo. Cả trong những trường hợp này, Nguyễn Du đều có cảm lại, nhận thức lại, sắp xếp lại, nghĩa là Nguyễn Du chỉ giữ lại những gì phù hợp với những điều trông thấy, từng trải của mình và thể hiện nó bằng một ngòi bút tràn đầy cảm xúc của một nhà thơ chân chính”.
Nhà nghiên cứu Vũ Đình Trác, trong luận án Tiến sĩ, bảo vệ ở Nhật năm 1984, đã “đếm” được 17 điểm khác biệt có thể chứng minh tư tưởng nhân bản của Nguyễn Du đã khiến thi hào chọn cách xử lý những tình tiết khác đi, so với nguyên tác của Thanh Tâm tài nhân. Rồi Lê Xuân Lít, Phạm Đan Quế cũng đi theo hướng so sánh này. Phạm Đan Quế kết luận: “Các sự kiện trong “Kim Vân Kiều truyện” là sự kiện chắp nối còn trong “Truyện Kiều” là sự kiện hữu cơ”v.v... và v.v…
Thế là thực ra, những nhà nghiên cứu Nguyễn Du và Truyện Kiều sau này cũng chỉ “nhắc lại” lời hoặc ý của Phạm Quỳnh và Đào Duy Anh mà thôi, chứ không có một phát hiện gì mới, cũng không tranh luận gì với hai học giả đàn anh kia, về những “quá đà” hoặc “cố chấp” của họ!
Ngược lại, ở Trung Hoa, nhà nghiên cứu Đổng Văn Thành lại phê phán Nguyễn Du là có lập trường phong kiến chính thống, đã hạ thấp Từ Hải vì đã lược tả uy thế quân sự của Từ Hải vốn được nguyên tác tả tỉ mỉ qua trận đánh giữa Từ Hải với quan quân triều đình, với bút pháp khoa trương! Nhà nghiên cứu này cũng phê phán Nguyễn Du hay khoe kiến thức văn học uyên bác nhưng “mắc sai lầm chồng chất”, vận dụng không đúng, chẳng hạn như khi miêu tả tiếng đàn Kiều gảy cho Kim Trọng nghe trong buổi gặp gỡ đầu tiên, Nguyễn Du đã kể tên bốn khúc nhạc cổ, trong đó không một khúc nào biểu hiện nỗi lòng của người thiếu nữ đang yêu!
Thế là từ đầu thế kỷ 20 cho đến đây, phía các nhà nghiên cứu Việt Nam thì cố chứng minh rằng, Nguyễn Du dù “giữ nguyên sự tích của tiểu thuyết Tàu, hầu như không thêm bớt gì”, nhưng đã sáng tạo nhiều so với nguyên tác, nhất là ở cách xử lý các chi tiết (lược bỏ chỗ rườm rà, dông dài, tự nhiên chủ nghĩa, thậm chí… thô bỉ) và cấu trúc lại để từ chỗ đơn giản, dễ dãi thành ra “chặt chẽ”, “khít khao”; tả cảnh, tả tình, độc thoại, tự sự nhiều và hay hơn nguyên tác…
Còn phía Trung Hoa lại muốn hạ thấp “Truyện Kiều” và Nguyễn Du (như vừa dẫn)!
Có thể là, dù không phải là hoàn toàn không có những việc ấy, nhưng cái sự “tranh đua” để xem “Ai thắng ai?”, “Ai hơn ai?” một thời; cái sự quá đề cao “Tính dân tộc”; “Niềm tự hào dân tộc” một thời; đã dẫn đến tình trạng “gay gắt” một cách quá đáng như thế. Tức là tình trạng, phía một số nhà nghiên cứu Việt Nam, thì nhất định phải coi “Truyện Kiều” là “Quốc hồn quốc tuý” Việt; ảnh hưởng của “Kim Vân Kiều truyện” và Thanh Tâm tài nhân chỉ còn (hoặc căn bản chỉ còn) là “cốt truyện”! Thậm chí có người, để đề cao “Truyện Kiều” và Nguyễn Du, đã cố tình đánh giá thấp “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm tài nhân, cố đẩy nguyên tác xuống dưới giá trị thực của nó - coi đó chỉ là một tiểu thuyết tài tử giai nhân thông tục tầm thường, thiếu tư tưởng; văn chương thì rườm rà, thậm chí … thô bỉ! Ngược lại, phía một số nhà nghiên cứu Trung Hoa, thì lại phê phán “Truyện Kiều” và đề cao “Kim Vân Kiều truyện” để khả dĩ có thể hạ thấp “Truyện Kiều” và Nguyễn Du!
Tình trạng ấy, theo tôi là không hay chút nào và cũng không đúng! Không hay và … không đúng vì mấy lẽ:
- Thứ nhất: Không có “Nguyên tác” thì không bao giờ có “Phóng tác” hay “Chuyển thể”! Không có “Kim Vân Kiều truyện” thì không thể “Đoạt thai hoán cốt” để có “Truyện Kiều” được! Nếu “Nguyên tác” không hay, không được người “Phóng tác”- “Chuyển thể” yêu thích, thì họ chẳng bỏ công ra để làm việc ấy; chưa kể rằng, làm một cách công phu và “vĩ đại” như Nguyễn Du! “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài nhân không thể vốn là “Phàm thai tục cốt” được!
Vả lại, chính Nguyễn Du, mở đầu Truyện Kiều, đã chả viết: “... Cảo thơm lần giở trước đèn/ Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh...” đó sao? “Cảo thơm” và “Sử xanh” kia mà! Ở chỗ này, theo những gì vừa dẫn, thì các nhà lý luận- phê bình “hiện đại” Việt Nam không những đã “thụt lùi”, đã “lạc hậu” về tư tưởng so với Nguyễn Du và thời đại của ông, mà càng “thụt lùi” và “lạc hậu” về tư tưởng so với cả Trung Hoa nói chung và thời Minh- Thanh nói riêng nữa! Bởi vì:
- Nguyễn Du và thời đại của ông đã chấp nhận dòng Truyện Phong tình Tàu và đã yêu riêng “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài nhân đến mức đã gọi nó là “Cảo thơm” để có thể “truyền sử xanh” và dựa vào nó mà viết nên “Truyện Kiều” bất hủ của mình; còn các nhà văn hóa, nhà lý luận- phê bình Việt Nam “hiện đại” thì lại mắng nó là “lỏng lẻo, rườm rà, tự nhiên chủ nghĩa...”, thậm chí là “thô bỉ”!
- Trung Hoa xưa không những đã chấp nhận mà còn bảo nhau tạo ra cả một dòng văn chương là dòng Truyện Phong tình to và bền vững với “Thôi Oanh Oanh đãi nguyệt Tây sương ký”, “Kim Bình Mai”, “Kim Vân Kiều truyện”... (và một phần “Hồng Lâu mộng” nữa)! Ta thì phê chúng như đã nói! Thế là về Nữ quyền, về Giải phóng tình dục, về Bình đẳng giới...; về cả Chủ nghĩa hiện thực và Chủ nghĩa lãng mạn, họ đều đi trước các nhà văn hóa, nhà lý luận- phê bình “hiện đại” Việt Nam cả mấy thế kỷ! Thế thì ta “Phong kiến” lâu hơn hay Tàu “Phong kiến” lâu hơn? Ta “Giáo điều” hơn hay Tàu “Giáo điều” hơn?.
- Thứ hai: Khi “Phóng tác”, đặc biệt là khi “Chuyển thể” nguyên tác sang một thể loại mới, việc sáng tạo thêm hay cắt bỏ những chỗ “rườm rà” của nguyên tác để phù hợp với yêu cầu cấu trúc của thể loại mới, luôn là yêu cầu tất yếu, tự nhiên. Chỉ có điều, vì Nguyễn Du là một thiên tài, nên việc “cắt bỏ” hay “sáng tạo” thêm của ông là “vô đối” mà thôi. “Công” Nguyễn Du tuy đã nhiều, nhưng “Tài” Nguyễn Du mới là “đệ nhất”. Không có “Kim Vân Kiều truyện”, không có “Truyện Kiều”. Nhưng không có “Truyện Kiều”, “Kim Vân Kiều truyện” không thể vinh dự thêm (ít nhất là ở Việt Nam) như thế được!
Thanh Tâm tài nhân và Nguyễn Du là tri kỷ! Không tri kỷ, không ai “duyên nợ” (theo hướng công- thiện- mỹ) như vậy!
Chỗ này, ở một mức độ nào đó, giống như Đoàn Thị Điểm, tuy bảo là dịch, nhưng với tài năng siêu việt của mình, đã “Chuyển thể - Phóng tác” “Chinh phụ ngâm khúc” của Đặng Trần Côn từ thể Cổ phong Tàu sang Song thất lục bát Việt để hai người tri kỷ ấy như là “Đồng tác giả” vậy! Cũng giống như Phan Huy Thực (Phan Huy Vịnh?) thành tri kỷ của Bạch Cư Dị qua “Tỳ bà hành”. Thế thôi, nhưng kỳ diệu làm sao! Các bậc kỳ tài, không bao giờ bị “mắc kẹt” ở thể loại, cấu trúc hay chi tiết! Vấn đề là phải “Đoạt thai hoán cốt” thế nào cho giỏi.
Nhân đây, nhất định phải nói thêm về việc “Đoạt thai hoán cốt” ấy. Trước hết, hãy lấy thêm vài ví dụ gần:
+ Trong bài “Hoàng Hạc Lâu”, Thôi Hiệu viết: “… Nhật mộ hương quan hà xứ thị - Yên ba giang thượng sử nhân sầu”, thì khi Tản Đà dịch là: “Quê hương khuất bóng hoàng hôn - Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”, ông đã “Đoạt thai hoán cốt” một lần. Sau, thơ Huy Cận in: “Làng quê dờn dợn vời con nước- Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” là lại “Đoạt thai hoán cốt” lần thứ hai. Hình cũ thì đã mờ đi, nhưng tâm trạng thì y hệt!
+ Trong bài “Phong Kiều dạ bạc”, Trương Kế viết: “Cô Tô thành ngoại Hàn San tự- Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”, Tản Đà đã “Đoạt thai hoán cốt” lần một, để có: “Thuyền ai đậu bến Cô Tô- Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San” bằng Lục bát Việt. Sau, nhà thơ Hồ Chí Minh lại viết: “Yên ba thâm xứ đàm quân sự- Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền” (“Giữa dòng bàn bạc việc quân- Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”) thì bản sáng tác của Bác và bản dịch hai câu thơ này của Xuân Thủy, lại kế tiếp nhau, “Đoạt thai hoán cốt” “Phong Kiều dạ bạc” một cách tài giỏi để hợp cảnh, hợp tình với khi ấy v.v... và v.v...
+ Các nhạc sĩ, khi phổ nhạc cho thơ, tức là “Chuyển thể”, tha hồ “Đoạt thai hoán cốt” đối với bài thơ “gốc”. Không loại bỏ, cắt bớt những chỗ mà với âm nhạc là “rườm rà”, “dài dòng”, làm sao âm nhạc của họ “chặt chẽ”, “khít khao” về cấu trúc được? Làm sao tác phẩm của họ có thể bộc lộ được cái “Lý tưởng xã hội” hay là “Tư tưởng” của tác giả thơ và của nhạc sĩ được?
Bây giờ, bàn ra mấy ví dụ xa:
+ Không có những người đi kể thần thoại Hy La khắp các thành bang Địa Trung Hải xưa, lấy gì cho Hô- me “Đoạt thai hoán cốt” để có “I-li-át” và “Ô-đi-xê”?
+ Không có những người đi kể chuyện Tam quốc rong ở Trung Hoa bao đời, sao La Quán Trung có thể “Đoạt thai hoán cốt” chúng mà có “Tam quốc diễn nghĩa”?
+ Chính Xếch- xpia đã “Đoạt thai hoán cốt” chuyện chàng Rô-mê-ô và nàng Ju-li-ét của nước Ý để tạo nên vở kịch Anh “kinh điển”, “cổ điển” của mình.
+ Không có “Kinh thánh”, lấy đâu ra việc Lê-ô-na đờ Vanh-xi, Mi-ken-lăng-giơ, Ra-pha-en đờ Xăng-ti…“Đoạt thai hoán cốt” để có các bức hoạ trứ danh theo các đề tài trong Kinh thánh? v.v… và v.v…
Thế thì, việc “Đoạt thai hoán cốt” trong văn chương- nghệ thuật xưa nay, vốn là việc thông thường. Những người giỏi thì “Thành tiên”, những kẻ kém thì “Thành tục”, thậm chí thành kẻ “đạo văn”! Chả có gì lạ! Thì mọi “mỹ tục” chả do lòng tốt và tài năng nối đời nhau làm nên là gì?
Trở lại với “Truyện Kiều” và “Kim Vân Kiều truyện”!
Ta phải đánh giá cao tiểu thuyết Tàu kia của Thanh Tâm tài nhân, vì Nguyễn Du đã yêu nó, thích nó, “Đoạt thai hoán cốt” nó! Chỉ cần nói rõ thêm, Nguyễn Du là một “Đạo sĩ” cao tay nhất Việt Nam trong việc “Đoạt thai hoán cốt” văn chương là được. Từ sau ông, không có ai làm được cho Truyện- Tiểu thuyết bằng Thơ Lục bát Tiếng Việt hay hơn được nữa!
Nếu ta đã gọi Hồ Xuân Hương là “Bà chúa thơ Nôm”, thì danh hiệu “Ông hoàng thơ Nôm” lại quá bé so với Nguyễn Du. Không! Ông là một thiên tài vô đối trong văn chương Tiếng Việt cổ kim!
Cao Bá Quát, một nhà thơ kiệt xuất, cả Hán lẫn Nôm; người chỉ “nhường” cho thiên hạ 1 bồ trong 4 bồ chữ có trên đời; người chả coi Tự Đức, ông vua hay chữ nhất triều Nguyễn, ra gì; nói rất ngắn: “Hoa Tiên” răn người, “Truyện Kiều” hiểu người”.”Răn người” là giáo huấn và phổ biến kinh nghiệm sống, “Hiểu người” mới là tri kỷ, mới là thấu hiểu mọi ái, ố, nộ, hỷ, ai, lạc của kiếp người; cả cộng đồng lẫn từng cá thể.Đành rằng, phải hiểu đời thì mới có thể “răn người”, nhưng từ “hiểu đời - răn người” đến chỗ “hiểu người-tri kỷ “như Nguyễn Du viết và Cao Bá Quát phải bỏ cả cao ngạo mà nói thực như thế, là cả một bước tiến rất dài về phía hiện đại! Nó bỏ lại sau lưng mọi hệ tư tưởng chính thống- giáo điều vốn có.
Có lẽ , lý luận- phê bình ta nên bắt đầu lại từ chỗ “Hiểu người”, chứ không thể cứ mãi bắt đầu từ “Chủ nghĩa” , từ “Tùy thời”, từ “Thày mình”, từ vài luận thuyết giáo điều cũ- mới ngẫu nhiên đọc được, như thế nữa!
Nguyễn Du dạy ta rằng, Tiếng Việt và Lục bát Tiếng Việt của chúng ta có thể làm được rất nhiều . Chúng ta hạnh phúc và tự hào vì điều đó! 
c
14
Thích
Bình luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét