RƯNG RƯNG NHỚ TẾT
TẢN VĂN CỦA VŨ THIỆN KHÁI
NHÀ VĂN VŨ THIỆN KHÁI
Tôi tuổi Nhâm Ngọ, được ăn cái Tết Quí Tỵ này đã lên bẩy mươi hai rồi. Xa quê gần hết đời người, chính thức làm dân Tây Ninh đã hơn ba chục năm liên tục. Trước đó do công việc, vài ba năm sống ở một nơi, ăn vài ba cái Tết rồi lại chuyển đi nơi khác. Mỗi nơi biết thêm một phong tục Tết đặc sắc. Riêng ở miền Nam, do chỉ ở loanh quanh phố phường, ba ngày Tết thường dắt díu nhau đi du lịch, nhà nào thân tình lắm mới đến chúc tụng cho phải lệ, nên phong tục Tết trong này chỉ biết sơ sơ gọi là. Nhưng những cái Tết ở quê hương ngoài Bắc, dầu đã xa lắc xa lơ, ký ức tôi vẫn đầy ắp bao nhiêu kỷ niệm đậm sắc tươi mầu. Càng có tuổi càng rưng rưng nhớ thương đến nao lòng. Những đêm ba mươi, những sáng mồng Tết mỗi năm, tay run run đốt ba nén hương trầm, kính cẩn rì rầm khấn vái trước bàn thờ Tiên Tổ, mà lòng lơ lửng đâu đâu tận quê nhà tít tắp.
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh. Là người Việt Nam ai không nhớ nằm lòng cặp câu đối này. Cái không gian Tết cổ truyền đầy đủ cả hình ảnh, mầu sắc, âm thanh, mùi vị đều gói gọn trong mười bốn con chữ kỳ diệu ấy. Tết ngày xưa quả đúng y như vậy, náo nức y như vậy. Còn bây giờ, bánh chưng xanh thì nhà nào giữ gìn phong tục Tết nghiêm lắm, chiều ba mươi mới hí húi ngồi gói chừng chục chiếc. Tối đến nổi lửa luộc bánh, cũng chỉ ông bà lúi húi ngồi canh, bọn trẻ chẳng mấy đứa nôn nóng chờ đồng bánh cóc như bọn tôi ngày trước. Pháo giao thừa chưa nổ, chưa cúng gia tiên, chỉ nghĩ đến lúc được bóc tấm bánh con con còn bốc khói, miệng đã thèm chảy dãi. Thịt mỡ, dưa hành, thậm chí giò mỡ giờ cũng chỉ làm ra cho đủ lệ, cho có mùi vị Tết. Khách đến nhà đem mời, nể nhau đụng một đũa xong rồi lại cất đi.
Ngày xưa, nói xưa cho có vẻ cổ điển, chứ cách nay cũng chỉ dăm chục năm là cùng, phiên chợ làng cuối năm vẫn còn một vài ông đồ khăn đóng áo the đen sờn rách trải chiếu ngồi buồn buồn góc chợ. Đằng sau các ông treo mấy hàng câu đối viết sẵn trên giấy hồng điều. Ai muốn câu hợp với gia cảnh nhà mình, thì xin các ông cho chữ. Lúc ấy với vẻ mặt kính cẩn, ông đồ tay này hua hua cây bút nho chấm chấm lòng nghiên mực, tay kia vuốt phẳng tờ giấy đỏ, rồi thảo những con chữ đen óng ánh, nét mềm mại như phượng múa, nét khoáng đạt cứng cáp tựa rồng bay. Bây giờ chợ Tết chỉ bày la liệt những câu đối bằng quốc ngữ in sẵn vô hồn sáo rỗng. Những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ. Bây giờ đứng giữa phiên chợ cuối năm, thầm đọc hai câu thơ của Vũ Đình Liên, lòng ai không vương vấn ngậm ngùi. Lại nhớ cụ Tú Xương xưa tài hoa vịnh Tết Đì đạch ngoài sân tràng pháo chuột. Om sòm trên vách bức tranh gà. Mười mấy năm nay pháo cấm triệt để rồi, không nghiêm lệnh vậy thì mỗi Tết còn cháy nhà, mù mắt vì pháo. Thảm hại mất vui. Cấm là hợp lòng dân lắm. Phong tục nào trở thành tệ tục thì bãi bỏ đi. Đời nào chẳng vậy. Nói đến cây nêu, có lẽ hầu hết trẻ con bây giờ chỉ nhìn thấy trên mấy tờ tranh Tết dân gian. Nhà nào hoài cổ lắm mới mua về dán lên tường dăm ngày Tết. Còn lứa tuổi chúng tôi, vui nhất, háo hức nhất vẫn là ngày dựng cây nêu giữa sân nhà. Trong khi cánh đàn bà con gái, tíu tít chuẩn bị bao nhiêu là thức ăn đồ uống Tết, thì cánh đàn ông chỉ chăm chắm lo tìm vật liệu dựng nêu. Trẻ con ngày ấy có ý so đọ nêu nhà thằng nào cao nhất rồi chí chóe cãi nhau vui như Tết. Thường thân cây nêu phải chọn cây luồng nào thẳng tắp và dài nhất. Chóp nóc nêu phải kiếm cho bằng được ba phiến lá vạn tuế xanh biếc, để cắm lên nậm rượu kết bằng những sợi rơm vàng óng. Có nhà còn treo trên đấy một tấm vải điều nhỏ bằng cỡ lá cờ đuôi nheo. Ba ngày Tết, gió đưa phe phảy in bóng lên da trời xanh lơ, trông sinh động như bàn tay gia chủ vẫy gọi may mắn về với nhà mình. Dưới gốc cây nêu vẽ một vòng vôi trắng, vẽ thêm cây cung với mũi tên có ý trừ tà. Tục này ở làng tôi sau Tết 1956 thì mất hẳn. Tết ấy chính quyền xã phát cho mỗi nhà một tấm thiệp in thơ chúc Tết của Bác Hồ:
Thân ái mấy lời chúc Tết
Toàn dân đoàn kết một lòng
Miền Bắc thi đua xây dựng
Miền Nam giữ vững thành đồng
Quyết chí bền gan phấn đấu
Hòa bình, thống nhất thành công.
Tấm thiệp ấy mầu hồng, in quốc huy, in chữ ký Hồ Chí Minh cùng dòng chữ Xuân Bính Thân 1956 được tôn trọng như ngự bút vua ban. Nhà nào cũng thành kính trưng lên giữa bàn thờ gia tiên. Ngày ấy cụ Đồ Uất còn sống. Cụ bảo có chữ cụ Hồ trong nhà là chữ Thánh rồi, chẳng ma quỉ nào dám bén mảng đâu. Vây là cả làng nghe lời cụ Đồ từ những năm sau không ai vẽ cung tên trước cổng, trong sân nhà mình nữa. Thay vào đó, cứ mỗi chiều ba mươi Tết, mỗi nhà cử một người lớn lên Ủy ban xã, nghe đọc thơ chúc Tết của Bác Hồ và lĩnh tấm thiệp thơ Tết của người về thờ. Từ đó tập tục rất đẹp này của làng tôi phát sinh rồi lan rộng khắp một vùng rộng lớn. Mấy năm sau, xã có loa phát thanh kéo về tận xóm, lại có thêm mỹ tục, mỗi giao thừa, cả xóm từ con nít đến cụ già tụ tập quanh gốc loa, chờ nghe giọng Bác Hồ đọc thơ chúc Tết. Để rồi suốt những ngày Tết vui vẻ câu chuyện quanh mâm cỗ, chỉ râm ran những lời tin tưởng phấn khởi vận nước năm nay thắng lớn thế nào. Bác Hồ đi xa đã mấy chục Tết rồi. Mỗi giao thừa bây giờ không được nghe giọng Người đầm ấm chúc Tết quốc dân, là người Việt Nam dù mãi tận chân trời góc bể hay giữa thủ đô, ai cũng như ai, không nói ra nhưng làm sao tận đáy lòng, không dấy lên nỗi buồn man mác nhớ thương Người.
Lại một Tết nữa đang cận kề trước ngõ.
Nửa đêm trở giấc, nằm im dưới tấm mền mong mỏng. Lắng nghe không gian lan man rì rào mơ hồ chuyển động. Dường như là gió. Gió heo may. Dù là rất khẽ, nhưng cũng nhận ra từng giọt sương khuya gieo lộp bộp ngoài vườn. Con đường trước cửa còi xe im ắng. Tắt lặng cả tiếng cười nói rời rạc của những người nhậu nhẹt chơi bời khuya khoắt. Lắng tai chỉ còn một chủ âm đều đều ràn rạt mặt đường, nghe khô rang. Đoán chừng tiếng những phiến lá quăn queo lăn tròn theo gió.
Sớm mai mở cửa, trước mắt một màn sương mỏng tang trăng trắng giăng giăng dọc con phố dài vừa tắt đèn đêm. Còn tranh tối tranh sáng nhưng vẫn nhận ra mầu sắc, những chiếc xe máy chở đằng sau từng bó cúc loang loáng vàng vùn vụt trong làn sương bảng lảng. Tất cả đều hướng về phía chợ Tân Châu.
Dăm hôm nữa đã là ba mươi Tết. Tết này tôi lên lão bẩy mươi hai. Mà sao lòng tôi vẫn rưng rưng nhớ Tết quê xưa, như trẻ thơ xa nhà thiết tha nhớ mẹ. Dịu dàng, da diết mà đầm ấm lạ kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét