BÚT KÍ NGUYỄN HÒA BÌNH
VỀ LANG CHÁNH
Về nơi có thứ rượu ngon
“Em mới làm trưởng bản mà. Bà con tín nhiệm quá, cứ giới thiệu rồi hô nhau mà bỏ phiếu, thế là em phải làm thôi. Mỗi khóa hai năm rưỡi, mà làm hết lòng là cũng lắm việc lắm bác ạ”. Anh Hà Văn Cảnh-Trưởng bản Năng Cát, xã Trí Năng, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa mở đầu câu chuyện với tôi như thế.
Trước khi gặp anh, tôi đã nghe mấy người dân ở bản giới thiệu vui rằng: “Bác cứ thấy anh nào người bóp vừa nắm tay, đấy chính là anh trưởng bản của chúng em đấy”.
Của đáng tội, Cảnh cũng giống tôi, vào loại “thấp bé nhẹ cân”, nên cứ nhìn dáng anh tôi ước chừng anh cũng chỉ cao khoảng 1m6 trở xuống, còn cân nặng chắc cũng không qua nổi năm chục ký. Bù lại, anh nhanh nhẹn mà nói chuyện lại rất dễ nghe. Cái chân chất của người Thái, lại là người đàn ông biết gánh vác công việc gia đình, khiến tiếng nói của anh với bà con luôn có trọng lượng là phải. Nhà anh có hai cô con gái, thì cháu lớn đang học đại học năm thứ hai tại thành phố Thanh Hóa, còn cháu nhỏ cũng đã học lớp 11 rồi.
Gia đình anh có 1ha luồng, 11ha keo tai tượng đã gần 3 năm tuổi, lại kèm thêm một đàn trâu tới 14-15 con đang độ bật sừng, rồi gà, rồi lợn...vì thế nói như Ngân Văn Thuận-Bí thư chi bộ bản, thì “cán bộ chúng em tuy chỉ 35-40 tuổi thôi, nhưng không biết làm kinh tế giỏi, ai tín nhiệm”.
Tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy Thuận còn trẻ lắm, thế mà anh cũng mới được bầu làm bí thư chi bộ bản, một chi bộ có tới 42 đảng viên từng kinh qua nhiều vị trí công tác trong xã hội. Tôi khoái anh ở cái ý anh bảo: “Mình muốn bảo bà con phải thế này, phải thế kia, mà bản thân mình và gia đình mình sống không gương mẫu, rồi thóc chẳng đầy rương, trâu bò chẳng đầy chuồng, một héc ta rừng chả có, thì nói liệu ai nghe”.
Bản Năng Cát, nơi mà tôi đã tìm về ấy, thực sự đã khiến tôi phải giật mình về cái đẹp bình dị khi từ mỗi nếp nhà luôn phảng phất cái cốt hồn người Thái. Người Thái Thanh Hóa vốn quen sống trong nếp nhà sàn đã bao đời. Họ gắn bó với núi rừng, sông suối; bởi từ rừng, từ suối, họ có ruộng nương, có nhà cửa. Cũng bởi thế, từ bao đời nay, người Thái đã biết quý rừng, biết chỉ được lấy đi của rừng những gì và phải trả lại cho rừng những gì.
Năng Cát hôm nay đã có tới 128 hộ với 567 nhân khẩu, nhưng mỗi nếp nhà sàn bằng gỗ ở đây vẫn được làm theo kiểu cổ với 4 gian 2 chái, mái lợp lá cọ, nom cao ráo và thoáng đãng. Nhà sàn gỗ, nhưng công trình vệ sinh, nơi chăn nuôi gia súc, gia cầm được tách riêng nên vừa giữ được nét truyền thống lâu đời, lại vừa đáp ứng các tiêu chí văn minh, hiện đại.
Anh Cảnh, rồi Thuận đều bảo với tôi rằng, ruộng ở đây không nhiều nên lúa cũng chỉ đủ ăn, chưa dư dôi nhiều. Được cái bù lại, nhà nào ở Năng Cát cũng có dăm héc ta rừng, không luồng thì keo; rồi còn trâu bò, gà, lợn. Đặc biệt hơn cả, Năng Cát còn có tổ nấu rượu siêu men lá, do 24 hộ trong bản tự nguyện tập hợp nhau lại thành lập Câu lạc bộ, dưới sự bảo trợ của chi hội phụ nữ bản. Và, tôi đã theo chân anh Cảnh cùng với Thuận, tìm đến tận nơi làm ra thứ rượu đặc biệt ấy. Cái căn nhà dùng làm nơi nấu rượu, nơi có câu lạc bộ do chị em phụ nữ thành lập, nằm ngay gần khu trung tâm bản, nên nếu có khách ghé thăm Năng Cát, muốn thưởng thức thứ rượu quý này, chỉ cần đi bộ chừng vài trăm mét đã có mặt tại “xưởng sản xuất” rồi.
Tôi đã từng có dịp lên Bắc Hà, Lào Cai, ngồi bên bếp lửa của người Tày mà thử thứ rượu ngô Bắc Hà nổi tiếng. Rồi, tôi cũng không ít lần được về nhiều vùng quê nấu rượu của đồng bằng Bắc bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên, để không chỉ là xem mà để thưởng thức cái thứ được coi là tinh túy của ngô lúa này. Vậy mà, bước chân vào cái “xưởng rượu siêu men lá bản Năng Cát” hôm ấy, tôi không tin nổi sao nó lại có mùi thơm kỳ lạ thế? Tôi có cảm giác, đấy là mùi của vị thuốc gì đã vừa man mác thơm, nhưng trong ngay cái hương ấy đã bật ra cái vị rồi.
Hỏi người phụ nữ có cái tên Ngân Thị Quyến-Tổ trưởng tổ nấu rượu này, tôi lại thêm một lần bất ngờ bởi chị chính là phu nhân của anh trưởng bản Hà Văn Cảnh đang đứng cạnh tôi. Chị cười ngường ngượng khi được giới thiệu là vợ anh trưởng bản nên hình như cứ cố mà nép vào mấy chị bạn cùng tổ, nhưng cũng không giấu được cái nét khá duyên của chiếc răng khểnh mà chị cố che đi. Chị bảo: “em biết nấu thứ rượu này từ lúc 13-14 tuổi. Trước là giúp bà, giúp mẹ nấu cho ông, sau là nấu cho bố, rồi lấy chồng lại nấu cho chồng”.
Chị kể rằng, để làm ra được loại rượu này, phải kỳ công lắm. Phải vào sâu trong dãy Pù Rinh (còn gọi là Chí Linh) để hái một số loại lá rừng, mà theo chị đó vốn là những lá thuốc quý của người Thái. Rồi, các thứ lá ấy lại được nghiền với bột gạo để tạo thành các quả men. Men ấy được phơi khô, sau được gác lên gác bếp. Và, cứ theo quy trình nấu gạo, trộn men, đãi trấu, ngâm ủ, chưng cất...mới ra được thứ rượu quý này. Chị còn bảo, gạo, trấu ở đây, khi nấu, khi đãi phải có nước của núi Pù Rinh thì cơm rượu mới ngon, khi ủ với trấu cho vào “hông gỗ” mà đồ, mới ra được thứ hơi đặc biệt mà tụ thành từng giọt rượu siêu.
Tôi nghe chị kể, rồi cứ cố mà hình dung ra từng công đoạn đã làm nên thứ rượu khá đặc biệt này, khi chính tôi đã chứng kiến loại rượu siêu men lá của Năng Cát đúng là không dễ kiếm, nó chỉ được dùng đãi khách quý về thăm Thanh Hóa; bởi một năm người Năng cát cũng mới chỉ làm được 1.200 lít rượu này. Và, quả thực bây giờ, nếu ai đã về Thanh Hóa, lại là người biết thưởng rượu, nhưng chưa được thưởng thức thứ rượu siêu này, quả cũng là điều “hơi bị tiếc”.
Thức dậy Pù Rinh
Nhưng, Về Năng Cát, cái mảnh đất dựa lưng vào dãy Pù Rinh, nơi mà người Thái ở đây đã từ đất rừng mà đi lên, nếu không đến thác Ma Hao, bạn sẽ thêm một lần nuối tiếc.
Đất Trí Nang, đất Lang Chánh, nói như chị Lê Thị Tâm- Trưởng phòng Văn hóa huyện, thì: “Những địa danh nổi tiếng của đất này, hình như chính là những nơi ghi lại mọi ân tình mà người Thái, người Mường Lang Chánh luôn và mãi dành cho những con vật gắn bó với họ bao đời”.
Người Năng Cát, Trí Nang, Lang Chánh, thậm chí những người như nguyễn Thị Hiền, Nguyễn Thị Liễu-những cán bộ của văn phòng xã Trí Nang, dẫu cũng gốc Thanh Hóa, nhưng từ các huyện dưới xuôi lên lập nghiệp, cũng sẵn sàng kể cho không chỉ là tôi mà bất kỳ ai đến với đất này, những câu chuyện mang dấu ấn lịch sử sâu sắc gắn liền với vùng đất nơi đây.
Người Thanh Hóa tự hào về vị anh hùng dân tộc Lê Lợi, nên dường như không ít tên đất, tên làng mà hôm qua đã in dấu chân ông, gắn với cuộc đời và sự nghiệp của ông, luôn được mọi người nhắc đến trong một niềm tôn kính. Những vùng đất nơi đây, nơi mà bàn chân vị anh hùng dân tộc lướt qua “Vừa khi cờ nghĩa dấy lên” hay “khi Linh Sơn lương hết mấy tuần” (Bình Ngô đại cáo)...chính là dấu ấn để hôm nay ta có một bản Năng Cát- cái tên có được từ câu chuyện nồi cơm đầy cát được nấu bên suối trong một lần Ngài và nghĩa quân tạm lui lánh giặc.
Rồi, cũng ở dãy Pù Rinh này, cuộc vượt thác trong một lần chạm giặc và câu chuyện ứa nước mắt của những người lính theo ông, khi phải bỏ lại chú chó thân yêu trong trạng thái đã kiệt sức, đứng trên bờ mà dõi theo đoàn quân. Và, trước khi lao mình xuống dòng nước xoáy, nó còn kịp sống mái một trận với lũ cẩu phệ kia. Để, khi quân giặc rút đi, Ngài quyết cho quân sĩ trở lại sông Cảy, trở lại cái thác nước ấy mà tìm bằng được xác con vật thủy chung, rồi cho làm lễ chôn cất nó một cách tử tế. Và, cũng từ ngày ấy, cái thác được người Thái nơi đây gọi tên là Ma Háo (có nghĩa là Chó ngáp. Sau đọc chệch đi là Ma Hao) như một sự tri ân con vật đã gắn bó với nghĩa quân những ngày gian khó.
Về với Ma Hao hôm nay, tôi đã gặp Lê Văn Dậu cùng cô vợ là Phạm Thị Nhung, những người Thái Lang Chánh đã quyết bám lấy rừng, lấy thác mà lập nghiêp. Căn nhà sàn khá khang trang của anh chị được dựng cách chân thác không xa, giờ là nơi nghỉ chân, gửi xe cộ, thậm chí kể cả ăn uống, cho những ai say khám phá và luôn mê đắm với thiên nhiên.
Về thác Ma Hao hôm nay, không chỉ đường từ ngoài bản, ngoài xã đã dễ đi hơn, mà con đường xuyên rừng đến thác đã được đổ bê tông, khiến bước chân người về với thác như nhanh hơn, nhẹ nhàng hơn. Tôi đã bắt gặp trong thác khá nhiều đôi bạn trẻ, thậm chí cả không ít gia đình đưa con cái lên với Pù Rinh, để được đắm mình trong mát rượi dòng nước sông Cảy.
Tôi đã cùng trưởng bản Hà Văn Cảnh bám theo vách đá mà leo lên tới gần đỉnh thác, để ngước mặt về phía trước mà nhận ra rằng: từ trên quá lưng chừng thác nơi chúng tôi đang đứng, nếu lên đến đỉnh, xoàng cũng phải bò lên hơn chục thước là thường. Còn, cũng từ nơi chúng tôi đang đứng, nếu xuống được cái vũng tắm dưới kia, thác còn băng qua 2 bậc đá nữa, mà xem ra mỗi bậc ít cũng cao dăm bẩy thước.
Trong cái mát lạnh của bọt nước bắn tung từ các vách, các bậc đá, cộng thêm cái rười rượi của đại ngàn, ta sẽ như được trở về với bản năng gốc của phần “con” luôn được giấu kín bao năm, để muốn được hòa vào thiên nhiên mà sống những giây phút thăng hoa nhất.
Và, khi ngả lưng trên phiến đá giưã lưng chừng thác, trong tiếng rì rầm của rừng, tiếng ầm ào của thác, cái câu chuyện ngái xa nghe như huyền tích mà người Năng Cát, người Trí Nang hôm qua dành cho nghĩa quân Lam Sơn, hình như vẫn vang vọng đâu đây. Những be rượu ngon được nấu từ lá rừng, gạo nương, đã ngậm nước từ thác con sông Cảy này, đã từng được người dân nơi đây mang đãi nghĩa quân, đãi những người đã “đánh một trận sạch không kình ngạc, đánh hai trận tan tác chim muông”; để ngày họ trở lại đất này, ai cũng nhớ không quên cái vị ngon của thứ rượu mà ngày ra trận họ đã từng “hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”; cho họ được gọi tên nó là: Ma Hao tửu.
Về với Pù Ring, đến với Ma Hao -Năng Cát, để ta hiểu hơn cái ý chí vươn lên của người Trí Nang, người Lang Chánh, khi ta thêm một lần may mắn được thưởng thức món cá tầm nơi đây- thứ cá được nuôi bằng mạch nước vắt ra từ lòng đá Pù Rinh.
Tôi đã cố gắng thuyết phục để Thuận, để Cảnh đưa chúng tôi đến thăm trại nuôi cá của cái công ty mang tên Hà Dương nằm khá sâu trong lòng dãy Pù Rinh kia, để mong biết thêm một câu chuyện về đất, về người Lang Chánh. Ông chủ của cái trại ấy là một người Thái, có tên là Hà Khắc Sâm, nhà vốn ở thị trấn huyện. Sâm cũng từng bôn ba sang Liên Xô trước đây, làm công nhân lao động. Về nước, biết mảnh đất Trí Nang- Năng Cát, nơi có dãy Pù Rinh này, có thể đủ điều kiện về tự nhiên, khí hậu để phát triển việc nuôi cá tầm, cá hồi theo mô hình sản xuất hàng hóa, anh đã mạnh dạn đầu tư công sức, tiền bạc, để đến hôm nay, cái trại nuôi cá ấy đã không phụ công anh.
Tôi đã gặp Ngân Văn Bình, người bản Năng Cát, cũng là một trong ba anh em đang đảm đương công việc trong khu nuôi cá này, để gợi mãi anh mới hé cho một chút về cái trại cá này. Thì ra, cái trại này tồn tại và phát triển trên mảnh đất Năng Cát cũng đã cả chục năm có dư. Bây giờ, ngày nào Bình cùng với Hà Văn Tuấn, Vi Văn Đức cũng phải thay nhau mà đưa hàng về xã, về huyện, thậm chí gửi cả về thành phố theo yêu cầu của khách; vậy mà, một năm đã có tới 22 tấn cá được xuất bán nhưng vẫn không đáp ứng đủ yêu cầu của khách hàng.
Hôm nay, ai về với Ma Hao- Năng Cát, muốn được thưởng thức món cá hồi, cá tầm ăn với lá cây Sa lăng (cái thứ cây chỉ có trên đỉnh Pù Rinh và không thể sống khi mang ra nơi khác), chắc chắn bạn sẽ thêm một lần ngạc nhiên trong sự hài lòng
Về chuyện này, tôi đã lên Sa Pa, đã được ăn món cá hồi ngay tại khu trại nuôi trên đỉnh núi, thậm chí tôi cũng đã từng thưởng thức cả loại cá hồi được mang từ Nga về theo đường hàng không, nhưng quả thực chỉ một lần được ăn món cá này với lá Sa lăng, không chỉ tôi mà bất kỳ ai cũng không dễ dàng quên… Vì thế, nếu bạn là người ưa khám phá, có điều kiện về với Lang Chánh, với Năng Cát- Ma Hao, tôi tin dù chỉ thoáng nghe, bạn thế nào không tìm đến?
Tôi muốn nói thêm về Sa lăng, cái thứ lá đặc biệt chỉ có ở đất Lang Chánh này. Lá Sa lăng thoáng nhìn gần giống lá xoài nhưng màu lá thẫm hơn và mình lá khá dày. Sa lăng có vị thơm mà lại bùi bùi nên khi được cuốn với cá hồi, cá tầm, dù là xào, nướng hay gỏi, đều tạo nên một cảm giác khá dễ chịu, nếu không muốn nói là rất kích thích vị giác. Chính vì thế, xem ra trên mỗi mâm, món cá tầm cuốn với lá Sa lăng bao giờ cũng được ăn sạch sẽ.
Nhưng, dù sao, không chỉ là tôi, là bạn, mà tôi tin nếu ai đã phải lòng Năng Cát, Trí Nang, để phải lòng Lang Chánh, thì đã về Thanh Hóa hôm nay, đâu chỉ có Sầm Sơn, Lam Kinh...? Bởi, với tôi, cái ý chí vượt lên của người Lang Chánh, chính là điều khiến tôi luôn cảm phục.
Hôm ở Ma Hao, tôi đã nghe tin tập đoàn FLC đang khảo sát, lập dự án để đầu tư khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Ma Hao. Người Trí Nang, người Năng Cát cũng mong các nhà đầu tư có về với Ma Hao, xin hãy giữ đẹp lòng dân, để vừa bảo tồn được các giá trị văn hóa truyền thống của nơi đây, nhưng vừa đánh thức được tiềm năng của một vùng đất giàu truyền thuyết lịch sử.
Âm vang trong tiếng chuông chùa
Chưa có phúc duyên để theo được nghiệp tu, nhưng hình như cái nhân duyên với người Thanh Hóa luôn tạo cơ hội cho tôi được đến với không ít Đình, Chùa, Đền , Miếu trên xứ Thanh này.
Về Thanh Hóa, nhớ câu ca “nhất Hương, nhì Hà, ba Chu”, tôi lại may mắn được người Lang Chánh kể trong tự hào về Chùa Chu xưa- ngôi Chùa do công chúa nhà Trần có tên là Chu Huyền đã cùng nhà Lang Mường Chếnh xây dựng. Chùa có tả Thanh Long là dãy núi Pù Bằng, hữu Bạch Hổ là dãy núi Pù Rinh, còn mặt trước Chùa lại có sông Âm chảy vắt ngang.
Chùa giờ được mang tên dân dã là Chùa Mèo (hay còn gọi là Đỉnh Miêu thiền tự ), cũng xuất phát từ chính dấu ấn của người anh hùng dân tộc- Lê Lợi, khi những ngày đầu khởi nghĩa ( năm 1418), cùng nghĩa quan lánh nạn, ông đã qua đây để khi biết trong Chùa còn sót lại chú mèo, ông đã cho quân mang chú theo cùng. Ngày thắng lợi, ông cho quân trở lại nơi đây tu sửa Chùa, rồi cho đổi tên thành Chùa Mèo.
Bây giờ, Chùa đang được đầu tư lớn để không chỉ tu bổ mà là nâng cấp cho xứng với vị thế mà lịch sử đã trao cho Chùa Chu ngày trước.
Hôm chúng tôi đến Chùa, Đại đứcThích Nguyên Hải- Sư trụ trì Chùa đi vắng, Sư thầy Thích Quảng Tuyên nghe tin có đoàn nhà văn thăm Chùa, ra đón và đưa chúng tôi tới các gian thờ tổ, thờ mẫu, ngôi Tam bảo, để chúng tôi được thắp nén nhang, cầu cho quốc thái dân an, cho anh em trong đoàn ai cũng mạnh khỏe, vạn sự hanh thông, vô lượng cát tường
Quỳ trước ngôi Tam bảo, theo tấm giấy in sẵn ghi rõ “Văn khấn trong chùa”, tôi lẩm nhẩm khấn: Nam mô thập phương thường trụ Tam Bảo. Con kính lạy Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giáo chủ cõi sa bà, Đức Phật A Di giáo chủ cõi cực lạc phương tây, Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai giáo chủ phương đông, Bồ Tát Mẹ Hiền Quan Thế Âm, Chư Đại Bồ Tát, Thiên Long, Bát Bộ, Hộ Pháp, Long Thần, Thổ Địa, Chư vị Thiện Thần... để thêm một lần tự nhắc mình phải luôn gắng mà biết “nhập gia tùy tục”.
Trong cái nắng đầu chiều của miền Tây Thanh Hóa, đi bên Sư thầy, nhận từ Thầy những lời chúc tốt lành, chúng tôi như cảm thấy dịu đi giữa cái rực rỡ của sắc nắng cuối hè. Chén nước mát mà chú tiểu có pháp danh Thích Quảng Đăng mang tới, cùng đĩa bánh được làm từ rau má- thứ rau đặc sản của xứ Thanh, khiến cho câu chuyện giữa những người làm văn, làm thơ như chúng tôi với nhà chùa, không chỉ trở nên gần gũi, mà xem ra có gì như đã cảm được nhau.
Sư Thầy cũng nói rằng, phía sau ngôi Tam bảo hiện giờ, không xa nữa sẽ được dựng lên một ngôi Tam bảo mới khang trang hơn, bề thế hơn; để Chùa Mèo hôm nay không chỉ xứng với những trang sử oanh liệt hôm qua, mà còn là nơi cháu con dân Việt được về chiêm bái các vị Phật, vị tổ của Chùa, cũng như có dịp tưởng nhớ đến công lao của các bậc tiên liệt đã làm nên bao huyền tích cho xứ Thanh này.
Chia tay Sư Thầy và nhà Chùa, trong âm vang tiếng chuông Chùa, tôi lại nhớ đến lời tâm sự của Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh- Lữ Đức Chung, khi anh cứ nhắc đi nhắc lại rằng, anh cảm thấy rất áy nay khi không thể dành thêm cho chúng tôi nhiều thời gian hơn, qua đó giúp chúng tôi biết thêm về đất và người Lang Chánh.
Với tôi, dường như cái áy náy của những người lãnh đạo Lang Chánh, đó cũng chính là điều khiến tôi và anh em cùng đi, hiểu để trân trọng hơn cái tình của người Lang Chánh muốn dành cho những ai đã đến và mến yêu mảnh đất này.
Người gửi / điện thoại
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét