TỪ DỊ BẢN TRUYỆN KIỀU NGHĨ ĐẾN BẢN KIỀU GỐC
VƯƠNG TRỌNG
Tính đến nay, chúng ta đã có trên 100 bản Kiều Nôm và Quốc ngữ khác nhau, bao gồm bản in và bản chép tay. Trong số những bản Kiều đó, không có hai bản nào hoàn toàn giống nhau, có khi sự khác nhau lên tới hàng trăm chỗ, mỗi chỗ khác ít nhất là một chữ, có khi khác cả một đoạn gồm chục câu lục bát.
Bây giờ chúng ta điểm qua những nguyên nhân đưa đến các dị bản, tức là sự khác nhau của các câu, chữ trong các bản đó.
Với chữ quốc ngữ, mỗi chữ viết chỉ có một cách đọc duy nhất, nhưng chữ Nôm không như thế, nghĩa là mỗi chữ có thể có nhiều cách đọc, phụ thuộc vào từng văn cảnh. Bởi vậy, nếu người phiên âm dù sành chữ Nôm nhưng không sành thơ thì cũng rất dễ phiên âm sai, ví như câu 250 có dị bản: Mây Tần khoá kín song the/ Bụi hồng lẽo đẽo đi về chiêm bao. Câu tám có bản phiên âm: Bụi hồng liệu nẻo đi về chiêm bao.Theo giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, hai chữ thứ ba và thứ tư của câu bát có hai cách phiên âm khác nhau, có thể là liệu nẻo, có thể là lẽo đẽo. Nếu người phiên âm có tâm hồn thơ và từng làm thơ, thì nhiều khả năng chọn hai từ lẽo đẽo, tức là bám dai dẳng, không rời...chứ không chọn hai chữ liệu nẻo ít chất thơ, quá trung tính, mà người làm thơ nào cũng muốn tránh.
Như vậy, với Truyện Kiều, muốn hiệu đính những dị bản do phiên âm chữ Nôm, ngoài vấn đề hiểu biết chữ Nôm ra, người phiên âm cần có tâm hồn thơ và hiểu được phong cách sáng tác của Nguyễn Du và đặc trưng ngôn ngữ của Cụ. Thế là cần nhưng chưa đủ, người phiên âm phải luôn luôn bám chắc vào văn cảnh, cốt truyện...và có khi còn phải chú ý một số tiếng địa phương mà tác giả sử dụng.
2 - Dị bản do kỵ huý.
Trải qua gần hai trăm năm, Truyện Kiều được xuất bản nhiều lần trong thời phong kiến, dưới những triều vua khác nhau, nên phải kỵ huý khác nhau.
Dưới thời vua Tự Đức, chỉ vì Nguyễn Phúc Thì là tên khai sinh của nhà vua mà 24 chữ thì trong Truyện Kiều đã bị đổi ra các chữ khác, như thà, là, nguyện, vì, những, liền, ắt, phải, rằng, thôi, lại... Và có khi không chỉ đổi một chữ thì, mà vì vần, vì nghĩa, một số chữ khác trong câu cũng "liên luỵ" mà thay đổi theo. Có khi sự kỵ huý còn ngược về quá khứ, nên tất cả các chữ lan trong Truyện Kiều đều phải đổi ra hương để tránh trùng tên với chúa Nguyễn Phúc Lan... Ngoài hai chữ trên còn bao chữ khác bị đổi đi để tránh huý.
Dị bản này dễ khắc phục, chỉ cần bỏ sự kỵ huý của các triều vua là trả lại từ ngữ vốn có của tác phẩm.
3 - Dị bản do người biên soạn, hiệu đính
Với những câu thơ có nghĩa thông suốt, đúng cốt truyện, hợp với văn cảnh, nói chung các nhà biên soạn không động tới. Khi gặp câu chữ khó hiểu, các nhà biên soạn thường tham khảo những sách đã xuất bản, nếu không thấy có chữ nào hợp ý thì có khi họ đề xuất một chữ, một từ mới mà họ cho là hợp lý nhất. Đó là một lý do làm cho Truyện Kiều sau mỗi lần xuất bản lại có thêm dị bản. Với tôi, những từ, những câu do người biên soạn thêm vào mà không dựa vào một văn bản nào có từ trước thì dù thật hay cũng không đáng tin cậy vì công việc khảo dị của chúng ta là để cố gắng tìm ra chữ của Nguyễn Du chứ không với mục đích khác. Và với những nhà biên soạn có trình độ hạn chế, thì cách hiệu đính như vậy nhiều khi hạ cấp Truyện Kiều, như có nhà biên soạn đã đổi câu "Sầu dài, ngày ngắn đông đà sang xuân" thành "Đêm dài, ngày ngắn đồng đà sang xuân" sau một hồi lý luận rằng Nguyễn Du phải viết như thế! Những dị bản do người biên soạn sinh ra nhiều khi gây phiền hà đáng kể cho hậu thế trong công việc đi tìm nguyên bản Truyện Kiều.
4 - Dị bản do công việc in ấn.
Khi đề cập vấn đề này, giáo sư Nguyễn Tài Cẩn có trích lời nhà Đông phương học Xô Viết, trong cuốn "Cơ cấu tiếng An Nam" xuất bản năm 1936 :" Ở An Nam nghề in rất kém phát triển, hầu như các bản in đều nhờ thợ Trung Quốc khắc in ở Quảng Châu...". Như vậy nhiều bản Kiều cũng như các truyện thơ Nôm khác đã in ở Quảng Châu. Và cụ thể, giáo sư Nguyễn Tài Cẩn còn cho biết, Duy Minh Thị và hai người bạn nữa của ông ta đã thuê mười cơ sở in ở Quảng Đông. Mà ta biết rằng, hầu hết thợ in người Trung Quốc đều không biết chữ Nôm, nên việc in nhầm, in sai...là điều dễ hiểu. May mắn là những dị bản do lỗi in ấn gây ra, phần lớn cũng dễ phát hiện ra và chỉnh lại.
Với một số nhà nghiên cứu, trên đây là những nguyên nhân chính sinh ra dị bản của Truyện Kiều. Tôi suy nghĩ hơi khác: những nguyên nhân trên kia chỉ góp phần sinh thêm dị bản của truyện Kiều, chứ chưa phải là nguyên nhân chính. Nguyên nhân chính sinh ra dị bản Truyện Kiều là bởi tác giả của nó: Đại thi hào Nguyễn Du!
Chúng ta từng chứng kiến rằng, phần lớn các bài thơ quen biết của các nhà thơ đương đại đều có dị bản. Đó là Ta đi tới, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên... của Tố Hữu; Đất Nước của Nguyễn Đình Thi; Màu tím hoa sim của Hữu Loan...Các dị bản này xuất hiện trong khi tác giả còn sống mà tác giả không hề có ý kiến để bênh vực hay loại bỏ một văn bản nào, điều đó chứng tỏ các dị bản kia vốn là sản phẩm của chính tác giả trong những khoảng thời gian khác nhau. Thơ của bản thân tôi cũng nhiều bài có dị bản, ví như Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc, một bài thơ được khắc đá dựng ở nghĩa trang Đồng Lộc, ngay cả đầu đề và một số chữ cũng khác bài thơ đó được in trong tuyển tập thơ Ngoảnh Lại. Nguyên nhân là do người khắc đá bài thơ này đã lấy văn bản đầu tiên của tôi in ở hội văn nghệ Hà Tĩnh, còn bản sau này do tôi sửa chữa thêm. Một bài thơ ngắn còn thế, huống chi Truyện Kiều? Theo nhận định đáng tin cậy của nhiều nhà nghiên cứu, Nguyễn Du viết Truyện Kiều dưới chân núi Hồng Lĩnh trong khoảng thời gian sáu năm từ năm 1796 đến năm 1802. Một bài thơ ngắn mà sau khi viết xong chính tác giả còn chỉnh sửa bao lần, thì một tác phẩm dài hơi như Truyện Kiều công chỉnh sửa càng gấp bội, và điều này mới thật đáng lưu ý ở đây: khi tưởng như tác phẩm đã hoàn chỉnh rồi, đã trao tay bạn bè gần xa rồi, thì sau một thời gian hồi sức, chính tác giả lại thấy có thể sửa chữa được nữa để cho hay thêm. Sửa rồi, rồi lại sửa thêm. Thế là từ chính Nguyễn Du đã đưa ra công chúng (có thể chỉ chép tay thôi) các dị bản của Truyện Kiều. Ta hãy dừng lại ở một vài dị bản.
Đưa tin thúc phụ từ đường
Bơ vơ lữ thấn tha hương đề huề
Liêu Dương cách trở sơn khê
Xuân đường kíp gọi sinh về hộ tang
So sánh với:
Mở xem thủ bút nghiêm đường
Nhắn rằng thúc phụ xa đường mệnh chung
Hãy còn ký táng Liêu Đông
Cố hương khơi diễn nghìn trùng sơn khê
Rày đưa linh thấn về quê
Thế nào con cũng phải về hộ tang.
Và:
Sớm khuya hầu hạ đài doanh
Tiểu thư chạm mặt đè tình hỏi tra
Lựa lời nàng mới thưa qua:
"Phải chi mình lại xót xa nỗi mình"
Tiểu thư hỏi lại Thúc Sinh
"Cậy chàng tra lấy thực tình cho nao"
Sinh đà ruột rát như bào
Nói ra chẳng tiện, trông vào chẳng đang
Những e lại luỵ đến nàng
Đánh liều mới sẽ lựa đàng hỏi tra
Cúi đầu quỳ trước sân hoa
Thân cung nàng mới thảo qua một tờ
Điện tiền trình với tiểu thư
Thoắt xem dường có ngẩn ngơ chút tình.
So sánh với:
Sớm khuya hầu hạ đài doanh
Nét sầu khôn gượng, giọt tình còn hoen
Tiểu thư trông mặt quở liền:
"Sa mày nặng mặt bởi duyên cớ gì"
Bì tiên trao lại tức thì;
"Cậy chàng hỏi nó rằng vì làm sao?"
Sinh đà ruột xót như bào
Nói ra chẳng tiện, trông vào sao đang
Loanh quanh cua lột bò sàng
Sợ đây thương đấy hai đàng không xong
Dưới thềm trên kỷ cùng trông
Một lời chưa mở hai dòng đã sa
Lấy lòng giả cách hỏi tra
Thân cung nàng đã thảo qua một tờ
Đọc rồi đưa lại tiểu thư
Thoắt trông dường cũng ngẩn ngơ chút tình.
Hai cặp dị bản trên không những khác nhau trong từng câu chữ mà số lượng câu cũng khác. Đây là hai trong những chỗ khác nhau lớn nhất trong các dị bản Truyện Kiều. Rõ ràng bốn nguyên nhân sinh ra dị bản ta đã điểm trên kia thì không thể sinh ra loại dị bản như hai cặp này. Từ việc khảo sát các dị bản trong tác phẩm của các nhà thơ đương đại, chúng ta suy ra rằng, ngoài Nguyễn Du ra, không ai ngồi viết lại từng đoạn thơ dài như trên. Cũng có người nói rằng, các truyện thơ Nôm trước đây ngoài tác giả còn có người nhuận sắc. Với tài năng xuất chúng như Nguyễn Du, tôi không tin Truyện Kiều cần đến người nhuận sắc, mà nếu có người nhuận sắc đi nữa thì cũng không thể ngồi viết lại từng đoạn như thế.Trước đây vì không ai coi chính tác giả sinh ra dị bản, nên đứng trước các dị bản, người ta cố tìm cái nào là của Nguyễn Du, rồi chứng minh một văn bản là không phải của Đại thi hào. Tôi nghĩ rằng, đứng trước phần lớn các dị bản không nên làm như thế, mà nên cân nhắc xem văn bản nào có trước và tác giả đã sửa chữa như thế nào. Chúng ta biết rằng, khi sửa một đoạn thơ này thành một đoạn thơ khác, thì không phải câu nào cũng được hay thêm, thậm chí có câu còn dở đi, nhưng nói chung cả đoạn thì hay thêm, hoặc là đã bớt đi một khiếm khuyết nào đó mà bản thân tác giả cho là cần thiết. Quan sát, so sánh các dị bản này có khi chúng ta rút ra những bài học từ lao động sáng tạo của Đại thi hào với mục đích nâng chất lượng thơ trong Truyện Kiều.
Hơn một trăm năm qua, nhiều nhà nghiên cứu, sưu tầm bỏ nhiều công sức để tìm nguyên bản Truyện Kiều, công việc không thành và đi đến kết luận: bản gốc không còn! Dường như các nhà sưu tầm, nghiên cứu đều nghĩ rằng,Truyện Kiều chỉ có một bản gốc duy nhất, nay bị thất lạc mất rồi, và những văn bản hiện đang lưu hành là bản gốc bị biến dạng bởi "tam sao thất bản" cũng như sự sửa chữa tuỳ tiện của người đời sau. Tôi suy nghĩ hơi khác. Nếu như coi Truyện Kiều từ tay Nguyễn Du viết ra là Truyện Kiều gốc, thì nó không chỉ có một, mà nhiều bản Kiều gốc, qua mỗi lần tác giả sửa chữa lại có một bản gốc, và nói chung, những bản xuất hiện sau có giá trị hơn bản xuất hiện trước, và bản cuối cùng từ tay Nguyễn Du đến bạn đọc là có giá trị nhất, ít ra trong sự đánh giá của tác giả. Bởi vậy chúng ta cũng đừng quá mất công để cố tìm bản Kiều mà Nguyễn Du cho ra đời sớm nhất, và khi chưa tìm được nó thì đừng coi chỉ nó mới là của Nguyễn Du. Tôi nghĩ rằng, nếu tìm được bản đó thì có công lớn về mặt sưu tầm, chứ về chất lượng văn học, chắc gì đã hay bằng tác phẩm sau khi được tác giả sửa chữa nhiều lần mà chúng ta đã quen biết.
Đó là điều tôi suy nghĩ về bản Kiều gốc từ các dị bản Truyện Kiều.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét