VŨ NHO TRONG BÁO DÂN TRÍ Sửa
Nhà phê bình: "Bắt nạt có phải biến thể của Covid-19 đâu mà dễ lây?"
(Dân trí) - PGS.TS Vũ Nho chỉ ra những bất hợp lý trong bài thơ "Bắt nạt". Ông bất ngờ khi nhân vật "tớ" tưởng có phép màu gì, hóa ra chỉ là anh chàng cam chịu vì bị bắt nạt quen rồi.
Bài thơ "Bắt nạt" một lần nữa lại gây xôn xao dư luận về sự khác biệt khi được đưa vào sách giáo khoa ngữ văn lớp 6. Là nhà phê bình văn học, dịch giả, nhà thơ, nhà văn, công tác lâu năm trong ngành giáo dục, PGS.TS Vũ Nho đánh giá như thế nào về sự phù hợp của bài thơ khi được đưa vào sách giáo khoa?
- Thật ra, năm 2021, khi sách ngữ văn 6, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống được công bố có in bài thơ này, dư luận đã xôn xao. Tôi đã có bài viết phân tích về nội dung bài thơ này.
Khi ấy, một số thầy cô giáo dành lời khen bài thơ nói trúng vấn đề bắt nạt - vấn đề khá phổ biến trong nhà trường. Từ bắt nạt, chuyện nhỏ dễ bùng phát thành bạo lực học đường.
Một vấn đề đau đầu các thầy cô giáo, các vị phụ huynh và toàn xã hội được đề cập thành thơ. Có lẽ, chính vì nhìn qua, thấy bài phù hợp vấn đề giáo dục, nên người ta mới chọn bài này đưa vào chương trình.
Ở góc ngược lại, một số thầy cô cho rằng bài thơ không có chất thơ, diễn đạt lủng củng, luẩn quẩn. Dù thiện ý của tác giả rất đáng ghi nhận, nhưng bài thơ dở quá. Thành ra, mục đích tốt đẹp kia trở nên xa vời.
Tôi cho rằng một bài thơ dở mà buộc học sinh phải học, giáo viên phải dạy đều làm khổ cho cả hai. Và tất nhiên, nếu học sinh nhờ bố mẹ dạy cho cái hay, cái tốt của bài thơ cũng làm khổ luôn các vị phụ huynh.
Nhiều nhà giáo và nhà thơ khả kính như thầy Hoàng Dân, nhà thơ Đỗ Trung Lai đã có nhận xét bài thơ Bắt nạt. Tôi cũng cho rằng một bài thơ không hay, thậm chí là quá dở, không thể làm tài liệu dạy học cho học sinh.
Xin nói rằng, tiêu chí để lựa chọn tác phẩm đưa vào sách giáo khoa không phải chỉ có một. Phải phù hợp lứa tuổi, phải phù hợp với mạch của chương trình... và phải hay, nhưng không nhất thiết là hay nhất.
Có những bài thơ hay hơn, truyện ngắn hay hơn, nhưng không phù hợp lứa tuổi, không phù hợp với chương trình nên không được chọn. Vì vậy, các tác giả có tác phẩm được chọn cũng đừng tự phụ, tự mãn mà cho rằng mình hay nhất, hoặc mình hay hơn mọi đồng nghiệp.
Cá nhân ông cho rằng bài thơ này dở ở điểm nào?
- Hành động bắt nạt dù với bất cứ hình thức nào, lý do gì, trong cộng đồng đều nhất trí coi là hành động xấu, đáng phê phán, đáng lên án. Do đó, nhắc nhở các em rằng hành động bắt nạt là xấu, là hôi, là không cần thiết, không nên bắt nạt. Thay vì bắt nạt, các em hãy làm những chuyện tốt đẹp, vui vẻ, bổ ích khác chẳng tốt hơn, hay hơn như hát, nhảy híp-hóp…
Đó là những ý tưởng rất tốt. Chê hành vi bắt nạt là cần, là có tính giáo dục. Tuy vậy, việc triển khai ý tưởng này thành bài thơ như tác giả thì không thành công.
Thứ nhất, nó là một bài vè có vần, có nhịp, nhưng mọi thứ đã nói trắng phớ cả ra rồi. Như là lời kêu gọi, lời hô hào. Chả có hình ảnh nào trong những câu này:
Bắt nạt là xấu lắm
Đừng bắt nạt, bạn ơi
Bất cứ ai trên đời
Đều không cần bắt nạt
Thứ hai, cách diễn đạt chuyện bắt nạt với thử thách ăn mù tạt, trêu mù tạt là không phù hợp, thậm chí có thể nói thật quá tùy tiện theo kiểu đồng dao dở!
Hãy xem:
Đừng bắt nạt người lớn
Đừng bắt nạt trẻ con
Đừng bắt nạt nước khác
Trên khắp trái đất tròn
Đừng bắt nạt mèo, chó
Đừng bắt nạt cái cây
Đừng bắt nạt ai cả
Vì bắt nạt dễ lây
Trẻ con làm sao mà bắt nạt người lớn được? Tác giả đang khuyên người lớn hay khuyên trẻ con? Rồi lại khuyên trẻ con (và có thể cả người lớn) không bắt nạt mèo, chó, cái cây và cả con người!
Lối trình bày quá tùy tiện, lộn xộn. Cái lý cho lời khuyên cũng thật ngô nghê, kỳ quặc: "Vì bắt nạt dễ lây"! Chả lẽ vì "dễ lây" mà người ta phải ngừng, dừng, đừng, thôi, chấm dứt bắt nạt sao? Bắt nạt có phải là biến thể Delta của Covid-19 đâu!
Đến đoạn cuối, tưởng là nhân vật "tớ" có phép màu gì, hóa ra chỉ là anh chàng chịu bắt nạt nhiều rồi, bị bắt nạt quen rồi. Có tính tếu táo nhưng đây không phải là lúc "tếu". Gặp anh ta làm gì? Ngỡ là được giải cứu, được bênh vực, được trừng phạt kẻ bắt nạt. Nhưng không phải. Té ra:
Cứ đến bắt nạt tớ
Bị bắt nạt quen rồi
Hóa ra anh chàng cũng chả có cách nào, chả có "võ" gì, chỉ là hứng chịu bắt nạt thay cho bạn, bởi anh ta quen bị bắt nạt!
Vẫn không thích bắt nạt
Vì bắt nạt rất hôi!
Thế đấy! Vòng vo một hồi thì chả thêm được điều gì mới. Mở đầu đã bảo "Bắt nạt là xấu lắm". Kết thúc thì "bắt nạt rất hôi".
Tóm lại, đây là một bài vè còn vụng dù ý định là tốt, là đáng hoan nghênh!
Có ý kiến cho rằng nên bỏ bài thơ gây tranh cãi này khỏi sách giáo khoa, lựa chọn những bài thơ phù hợp hơn để giảng dạy cho học sinh. Quan điểm của ông thế nào?
- Dĩ nhiên, một bài thơ dở, bài thơ gây tranh cãi mà đa số những chuyên gia và nhiều nhà giáo viên, phụ huynh, xã hội... đều coi là dở thì không nên để trong sách giáo khoa.
Tôi, dĩ nhiên không có lý do gì để không ủng hộ ý kiến này. Nhưng không phải vì thế mà bỏ đi những cuốn sách đã in.
Trong trường hợp chưa chỉnh lý nội dung sách, cơ quan chỉ đạo chuyên môn của Bộ GD&ĐT có thể có công văn hướng dẫn nhà trường nào chọn bộ sách này không dạy bài "Bắt nạt" mà thay bằng bài thơ khác, hoặc chỉ coi như một bài đọc thêm.
Như thế, sẽ không có tình trạng "một lần nữa gây xôn xao dư luận". Sau khi kết thúc thay sách, nhất định phải chỉnh lý và nhất định phải đưa bài thơ này ra khỏi sách.
Có ý kiến cho rằng chính tác giả của "Bắt nạt" lại đang bị bắt nạt bởi cộng đồng mạng. Ông thấy sao?
Tôi cho rằng cũng không nên trách tác giả bởi mỗi người có một quan điểm theo kiểu "văn mình, vợ người". Sẽ không ai thấy "đứa con tinh thần" của mình là dở cả.
Bàn bạc về một bài thơ sẽ có người khen, người chê là chuyện thường. Ngay cả người tuyển chọn bài thơ để đưa vào sách giáo khoa chưa hẳn là nhà thơ, có khi chỉ thấy mục đích giáo dục phù hợp. Mà ngay các nhà thơ khi chọn bài trao giải thưởng vẫn bị chê đó thôi.
Điều quan trọng là cần lắng nghe nhau để tìm ra cái đúng. Xã hội vẫn có thể tranh luận nhưng nên thể hiện quan điểm trên tinh thần tôn trọng.
Bản thân tác giả, nhà biên soạn, nhà xuất bản cũng nên thẳng thắn nhìn nhận lý do bài thơ bị phản ứng mạnh như vậy.
Thời gian qua, những ngữ liệu được đưa vào sách giáo khoa, đặc biệt là ở môn ngữ văn đã nhận được không ít phản ứng từ dư luận. Ông có đề xuất gì để không còn thấy những hạt "sạn" trong sách giáo khoa?
- Trước đây, chúng ta chỉ làm một bộ sách giáo khoa, tất cả các chuyên gia giỏi nhất đều tập trung vào đó. Đội ngũ thẩm định cũng là những người giỏi nhất trong các chuyên gia và giáo viên. Làm rất kỹ lưỡng. Tuy nhiên vẫn không tránh khỏi những sai sót. Đó là những sai sót nhỏ, dễ khắc phục.
Bây giờ có ba nhóm tác giả, lực lượng mỏng. Người tuyển chọn trình độ khác nhau. Người viết cũng không đồng đều. Do đó, không thể tránh khỏi sai sót. Song, những sai sót này khá nghiêm trọng.
Ví như cho học sinh lớp 1, còn đang đọc chưa vỡ chữ học truyện ngụ ngôn. Các cháu làm sao có thể có khả năng hiểu được ý nghĩa của câu chuyện bóng gió "nói ở đây (Hà Nội) chết cây Đà Nẵng"?
Lại hài hơn là truyện Ve và Kiến của Laphongten, vì học sinh chưa học vần iên, nên câu chuyện được đổi thành Ve và Gà. Hay như chuyện cắt gọt bài Tôi đi học của Thanh Tịnh, được dùng cho học sinh lớp 8, đưa xuống cấp tiểu học. Hoặc chọn đưa bài Bắt nạt vào sách cũng là ví dụ.
Khó mà tránh khỏi "sạn", có khi là cả một cục sạn hay hòn sỏi trong sách. Tôi cho rằng vấn đề là cần tuyển chọn ngữ liệu, văn liệu một cách kỹ lưỡng hơn. Biên soạn cẩn thận hơn. Thẩm định kỹ càng hơn ngay từ khâu tuyển chọn. Khi phát hiện ra "sạn", phải kiên quyết loại nó ra!
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét