Với nhà thơ Nguyễn Thị Mai, trên hành trình văn chương của mình, “Bao giờ tươi mới giêng hai nõn” là tác phẩm thứ 17 (2 tập truyện, 15 tập thơ). Tôi tin rằng con số ấy chưa dừng lại ở đó. Thơ là câu chuyện của đường dài, của đường xa nhìn lại, của những lối nhỏ lặng thầm hòa vào dòng chảy, để gặp chính mình giữa muôn màu đại lộ của thi ca.
Trên hành trình gian nan thử thách ấy, càng viết và đọc càng thấy thăm thẳm bóng chữ bóng người… Có thể nói, với nhiều bạn đọc gần xa, Nguyễn Thị Mai là tác giả quen thuộc, một nhà thơ có lối nói riêng, mang bản sắc thiên tính nữ, bản sắc văn hóa sông Hồng. Nhắc đến thơ chị là nhắc đến “Chợ đêm Long Biên”, “Nhà không có bố”…, là nhắc đến nhà thơ của lục bát, trong đó nhiều cặp 6/8 đã để lại dấu ấn với thời gian.
Thi tập mới gồm 69 bài. Phải chăng với tác giả, đó cũng là 69 mùa xuân của tuổi mình. Tập thơ chia thành 3 phần. Nhưng ranh giới ấy chỉ là tương đối. Bản ngã và tha nhân, quê hương và dân tộc, gia đình và bằng hữu… là những mối quan hệ không thể tách rời.
Viết về tình yêu, tình bạn, viết về thế sự là hai mảng nội dung chính, là hai dòng chảy song hành trong thơ chị. Với thi tập mới này, tôi tự giới hạn sức mình trong một góc nhìn: Tình thế của trữ tình trong thơ Nguyễn thị Mai.
Đây là những câu thơ được dùng làm đề từ mở đầu cho phần I:
“Dấu chân nhiều nhất trên đời?
Không!
Nhiều nhất gầm trời là nỗi khổ đau”
Để khẳng định, cặp lục bát trên như bị bẻ gãy bởi một phủ định quyết liệt từ nghiệm sinh. Đối thoại hay độc thoại, câu thơ như một đường link của kiếp người. Trong đêm, khi đọc đoạn thi thoại trên, tôi chợt nhớ câu thơ của thi nhân, dịch giả Dương Tường: “Ở đây tất cả đều tủn mủn/ Chỉ riêng khổ đau là hoành tráng”. Nhưng khổ đau cũng muôn hình vạn trạng. Thơ là tấm gương vừa phản chiếu, vừa khúc xạ gương mặt tâm hồn và những phức cảm từ đời sống tinh thần. Nhà lý luận văn học Trương Đăng Dung có một nhận xét mang tính phổ quát: “Tình thế con người và tình thế của thơ”.
Tiếp nối nguồn mạch trữ tình từ những tập thơ trước, “Bao giờ tươi mới giêng hai nõn” thuộc hệ hình truyền thống. Trong một lần trả lời phỏng vấn của phóng viên “Hà Nội mới”, chị đã tâm sự bộc bạch cách nhìn của mình về thơ hôm nay: “Tôi là người không có gan cách tân, vì sợ mình không còn là mình. Nhưng tôi rất chú ý tìm tòi phát hiện cái mới cho nội dung thơ. Theo tôi, đổi mới nội dung thơ mới là khó”. Về cơ bản, thơ Nguyễn Thị Mai trước sau nhất quán một giọng. Tạng thơ là bởi tạng người. Mỗi thế hệ, mỗi hệ hình thơ có vẻ đẹp riêng, ưu thế riêng. Không nên đối lập truyền thống với cách tân, đổi mới. Chỉ có điều, ai mở rộng được con đường thơ của một thời mà mình đã lựa chọn. Ngoài kia, thi lộ chập chờn như đang tắc đâu đây…
Trở về đối diện với chính mình, ý thức về cá nhân là một trong những yếu tính của thơ hôm nay. Với thơ nữ, điều ấy thật quý. “Tựa vào ta” là bài thơ mở đầu: “Tựa vào cánh cửa/ Bản lề bật tung/ Tựa vào căn nhà/ Nhà không có cột/ Tựa vào lòng tốt/ Chênh vênh nghi ngờ/ Tựa vào trang thơ/ Lửng lơ hoa lá/… Biết tựa vào đâu/ Bốn bề trống trải/ Bốn bề lạ xa/ Thôi tựa vào ta/…”. Có cái gì cô đơn, bất an, trống vắng. Có cái gì không được gọi thành tên… Không phải ngẫu nhiên bài thơ trên lại được chọn mở đầu cho diễn ngôn của thi tập mới. Phải chăng đó là từ khóa của tình thế trữ tình trong thơ Nguyễn Thị Mai. Tiếp cận thơ là tiếp cận kinh nghiệm sống, kinh nghiệm ứng xử trước tình thế con người. Là “nữ nhi” nhưng hoàn cảnh sống đã dạy cho chị nhiều điều. Vừa là “bản lề” vừa là “cánh cửa”, vừa là ‘cột nhà” vừa là “hoa lá”, trong sự phân thân, tứ tán ấy, có khi nào người thơ chậm lại với mình, nói như Thanh Tâm Tuyền “tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ”. Vừa hướng nội lại vừa hướng ngoại, giữa nụ cười và nước mắt, giữa cô đơn và khát vọng, giữa Cái Thiêng và Cái Phàm…, thơ được viết từ bóng ngày ẩn ức, từ vang vọng của chuông nhà thờ. Hiện thực ấy vừa là nhị nguyên vốn có của đời sống, của thân phận, vừa là đặc điểm trữ tình trong thơ Nguyễn Thị Mai.
Phải chăng vì thế, viết về tình yêu nơi “lòng sông còn thấp thỏm”, thơ chị vừa sóng sánh vừa làm chủ mái chèo giữa hai bờ hư thực. Dường như lòng lành và căn tính của nghề dạy học, dường như những năm tháng làm công tác phụ nữ khiến chữ nghĩa không đi quá xa tình tự thuần Việt. Một nét hạnh trong thơ tình Nguyễn Thị Mai. Cũng có lúc bông đùa giữa mong manh giễu nhại, chỉ còn lại gió và hạt sương trong nắng: “Anh thì trẻ, em thì xinh/ Giả vờ một chút cho mình có đôi/ Một mai Việt Hải xa rồi/ Bếp hồng vẫn chỉ em ngồi cời than/ Phía anh vui thú ngập tràn/ Nhà lầu, anh cũng chỉ toàn… anh thôi”, “Anh yêu em đã lăn lóc trăng tròn/ Gió nghe lỏm đã mấy lần thề ước/ Nhưng chưa dám đính kèm em với cuộc đời anh phía trước/ Thì chúng mình như nắng đính kèm sương”. Còn đây là “Lời thầm cho cát” hay là lời tự hát trước đại dương. Hạt cát mong manh nơi bến bờ sóng vỗ. Có hạt cát nào trở thành nhân lõi ngọc trai để biển cả sáng lòng, để “Cát dám buông mình rời bến/ Mê cuồng theo sóng trùng khơi”. Cũng có lúc giọng thơ tưởng chừng như nổi loạn: “Thật lòng thì hãy có gan/ Sắn tay nhóm lửa bếp than một lần”. Dẫu đó là lời của “Phép thử”, nhưng tôi có linh cảm nhà thơ như thách đố chính mình. Đâu là bóng, đâu là hình, chả lẽ nào “Chỉ là na ná tình yêu”, chả lẽ nào cứ rối bời nhịp bước: “Cùng nhau vào chốn Đền Thiêng/ Bước chung ngần ngại, niềm riêng phập phồng”. Lúc quả quyết, lúc dùng dằng, đó là tình thế của lời yêu, là biện chứng của tâm hồn. Cũng bởi lẽ đó, tôi trân trọng phút giây này ở người thơ mà tôi trân quý: “Em lặng người…/ Khi gặp lại anh/ Nhưng không phải anh đứng ở chân mây cùng gió/ Anh đứng trước em / Trước chùm vải đỏ/ Dẫu cuối mùa quả vẫn ngọt chờ nhau”. Trong mạch trữ tình của thơ Nguyễn Thị Mai, những phút giây ấy thật hiếm. Nó hiện lên bất chợt giữa đời thường, giản dị mà hồn hậu sáng trong.
Sau khoảnh khắc ấy, thơ chị lại trở về đối diện với mùa người chộn rộn. Có khi giữa ngày hội, lạc nhau chỉ vì sự vô ý vô tình. Giữa đám đông mà cô đơn. Ngày đi hội Thổ Hà bỗng thành tình thế của thơ: “Thế là mỗi đứa một nơi/ Máy reo cứ réo chẳng lời ai thưa/…Quanh quanh chỉ một Thổ Hà/ Mà như lạc giữa bao la địa cầu”. Câu chuyện nhỏ mà thấm thía. Bên ô cửa tháng mười, ngày đang lắng trong đêm, tôi đọc lại những vần thơ chị viết. Mơ hồ cuộc tranh luận giữa lý trí và cảm xúc. Đời người, “thân phận tình yêu” như trò chơi “Trốn tìm”: “Trò chơi từ thuở thơ ngây/ Bây giờ vẫn trốn…chân mây góc trời/ Em thua rồi/ Người “òa” thôi/ Ra đây mà sống cuộc đời thật ta”. Câu thơ như thốt lên từ ẩn ức giữa nhân gian ú òa. Không chỉ là thơ tình, đó còn là diễn ngôn của nữ quyền, của khát vọng dám sống với chính mình. Với nụ cười uymua, người thơ nữ duyên dáng ấy như đi về phía đường biên, giữa thực và ảo của tục lụy đời thường: “Này anh, ta cứ yêu hiền/ Mơ chay, mộng mặn… là quyền gái trai”. Phải chăng, tình thế con người đã hiện lên tình thế nước đôi trong thơ chị. Khi sắp bước vào “tuổi xưa nay hiếm”, “Bao giờ tươi mới giêng hai nõn” vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ trong tình thế của trữ tình thơ Nguyễn Thị Mai.
Là người theo công giáo, thơ viết “Trước mộ Hàn thi sĩ” thật đẹp, thật thánh thiện. Với nhà thơ Nguyễn Thị Mai, thi ca và đức tin trở thành nơi an trú của tâm hồn: “Em đứng cầu kinh giữa cỏ hoa/ Trước vòng tay mẹ Maria/ Xin cho sự sáng linh hồn ấy/ Thơ dẫu ngàn năm vẫn chói lòa”. Nhà thơ Octavio Paz, giải Nobel văn học 1990 đã nói: “Nếu con người quên thơ, họ sẽ quên chính mình”.
Trong tập thơ, câu hay nhiều hơn bài hay, đôi khi tự sự lấn át trữ tình. Có lẽ một trong những lý do cơ bản để thơ tham dự vào đời sống: Thơ là tiếng nói của những ngày ta đang sống.
Có nhiều bài thơ ra đời từ những chuyến đi, nhưng “Vẽ tôi ở đất Lâm Bình” không sa vào sự đơn điệu của cảm tác, ngâm vịnh. Vừa là cảm ơn người họa sĩ đã vẽ mình, vừa là trò chuyện với thời gian, đối thoại với sắc màu: “Vẽ tôi, Người vẽ thế nào?/…Màu nào nói được bao la nỗi niềm/ Toát lên lo lắng muộn phiền/ Toát lên vất vả truân chuyên cuộc đời?/ Tất bật buồn, tất bật vui/ Những đêm nước mắt ngậm ngùi lặng đau/ Làm sao pha trộn sắc màu/ Thành chân dung ấy mai sau biết mình”.
Ngày cứ chìm sâu vào đêm, chỉ còn lại giấc mơ.
Đêm nói gì khi hạt sương im lặng…
Khương Trung, Đêm Tháng Mười 2023
LÊ ANH PHONG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét