Thứ Bảy, 7 tháng 10, 2023

ĐI TÌM THỜI GIAN ĐÃ MẤT

 ĐI TÌM THỜI GIAN ĐÃ MẤT

(Ấn tượng về Khói đỏtiểu thuyết của Cầm Sơn,

Nxb Thanh niên, 2019)

 bui-viet-thang 

 NHÀ VĂN BÙI VIỆT THẮNG

 

1.Trong bản thảo lần đầu sau chuyến đi thực tế Bình Phước tháng 7-2018, tiểu thuyết có nhan đề Khoảng trời Nghĩa Đức. Nhà văn Cầm Sơn có nhờ các bạn văn (trong đó có tôi) đọc góp ý. Cẩn thận hơn, ông còn tổ chức một chuyến về Hưng Yên (quê gốc), gặp gỡ các văn nghệ sỹ ở Hội VHNT tỉnh nhà, với thiện ý bản thảo được chính những người ở quê hương “bảo hành”. Là người có thể nói theo sát quá trình viết Khói đỏ, tôi muốn có đôi lời chia sẻ với đông đảo bạn đọc về cuốn tiểu thuyết thứ hai của nhà văn Cầm Sơn. Nhan đề mới này khúc chiết hơn, đa nghĩa hơn và gợi liên tưởng nhiều hơn dẫu cho chúng ta đã đọc đến dòng cuối tác phẩm. Cũng cần nói thêm một ý, khi ra mắt bạn đọc, cấu trúc của Khói đỏ đã thay đổi nhiều so với bản thảo lần một. Tác giả đã viết thêm chừng 50 trang tạo nên sự đầy đặn của tiểu thuyết, quan trọng hơn thay đổi kết cấu tuyến tính thành dạng thức xen kẽ quá khứ và hiện tại trong câu chuyện được kể.

nh_cm_sn

NHÀ VĂN CẦM SƠN

Đề từ: “Khói đỏ” là tác phẩm thay nén tâm nhang của tác giả - trân quý, thành kính tri ân các anh hùng liệt sỹ qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc chống Pháp và chống Mỹ trên mảnh đất quê hương Hưng Yên yêu dấu!” (Cầm Sơn). Ai biết nhân thân thì mới hiểu được chân tơ kẽ tóc lời Đề từ này của Khói đỏ, cuốn tiểu thuyết thứ hai của nhà văn Cầm Sơn. Trong chuyến đi thực tế Bình Phước năm 2018 của đoàn nhà văn Việt Nam, tôi có mặt và được nghe câu chuyện nhà văn Cầm Sơn đi tìm cha có thật mười mươi, xúc động và là “bột”, là “cốt” để tác giả cấu trúc tác phẩm. Khói đỏ, nếu có thể nói, được viết nương tựa vào sự thật, nguyên mẫu người cha mà Cầm Sơn nếu có hồi ức lại thì cũng đôi khi không thật rõ ràng đường nét, dung nhan, thần thái, cá tính, vì ông mất sớm, lại nơi xứ người, trong thời tao loạn của chiến tranh, giặc giã. Nhưng nếu nhà văn chỉ ỷ lại, tựa vào sự thật mười mươi thì nghĩa của hai chữ tiểu thuyết sẽ giảm thiểu rất nhiều (tôi vẫn thích cách định nghĩa “tiểu thuyết là một câu chuyện bịa y như thật”). Bình thường người ta hay nói đến khói đen của đám cháy, hay khói trắng của các ống khói nhà máy. Khói đỏ là một biểu tượng kép. Đỏ biểu trưng cho cách mạng, máu đổ, hy sinh, màu cờ chiến thắng, cay đắng và ngọt ngào, vinh quang và khổ nạn. Khói đỏ là một tập hợp biểu tượng, trộn lẫn bi/ hùng, được/ mất, hủy diệt/ sinh thành.

  1. Cốt truyện và tình huốngMột cốt truyện đậm chất “trinh thám” với những tình huống giàu kịch tính là biệt sắc của Khói đỏ, nhờ đó gia tăng tính hấp dẫn của tiểu thuyết, đặc biệt “vẽ” nhân vật nổi hình, nổi khối. Đọc kỹ sẽ thấy tác giả “cài bẫy” tạo nên những “bước hụt” (tỷ như đang đi trên đường bằng bỗng dưng sa chân), dẫn dắt bạn đọc vào những sự kiện, biến cố bất ngờ. Lấy một vài ví dụ. Ký Khải (Bí danh là Lê Đông, tên thật là Nguyễn Xuân Khải) đã chơi “ván bài lật ngửa” với đối phương, khi tự khai mình là đảng viên, từng giữ chức Chủ tịch UBHCKC huyện, tỉnh Hưng Hà, Bắc Bộ, vào Nam lập nghiệp vì lý do: “Tôi không có ý đồ phản lại Đảng của mình nhưng do sơ xuất bị kỷ luật. Bây giờ họ lại khép tôi vào tội phản Đảng. Một là tôi không còn con đường nào để quay lại, hai là tôi cũng chẳng thiết tha gì nữa” (tr.17). Vì nhiệm vụ bí mật, Ký Khải đã phải bỏ lại vợ con, mang tiếng xấu để tạo vỏ bọc hợp lý hoạt động tình báo. Người chiến sỹ tình báo thường phải đứng giữa hai làn đạn, vinh quang và cay đắng đủ cả hai đường. Vào Nam hoạt động, Ký Khải lại phải lấy vợ để cho yên ổn, cũng là tạo vỏ bọc mới để hoạt động. Đây là tình huống thường khi người chiến sỹ tình báo phải trải qua. Cô Nam, vợ thứ hai của Ký Khải đã từng lăn tăn về chuyện Ký Khải không tỏ rõ là đàn ông. Nhưng đó là những sang chấn tâm lý đặc biệt của nhân vật này, người ngoài ít biết. Đó cũng là một tình huống thú vị (lý do là vì bà Nam không có cái mùi hoa sữa giống như cô Tư Bích, tức Thúy ở ngoài quê Bắc). Tiểu thuyết Khói đỏ nếu hấp dẫn bạn đọc, tôi nghĩ, chính là câu chuyện về tình cảm của Ký Khải với cô Thúy. Cô sinh ra trong một gia đình có tông (ông ngoại từng làm chánh tổng, bố - ông lang Hanh - làm nghề bốc thuốc Đông dược, có cửa hàng lớn ở phố Lãn Ông, Hà Nội). Thúy được đưa lên Hà Nội học ở trường Trung học Nữ sinh Đồng khánh. Ký Khải là người có họ xa bên ngoại với Thúy. Đôi trai tài gái sắc này sớm đầu mày cuối mắt. Nhưng “đùng một cái” Ký Khải cưới vợ để tạo vỏ bọc hoạt động theo yêu cầu của tổ chức (chị vợ tên là Hải). Lại một tình huống thú vị nữa trong câu chuyện của các nhân vật chính. Buồn vì thất tình, lại đạn bom lu bù nên Thúy rời Hà Nội về quê, mới biết rõ tâm trạng và hoàn cảnh éo le của người mình yêu. Rồi rất tự nhiên do hoàn cảnh đưa đẩy, Thúy cũng tham gia hoạt động cách mạng, được kết nạp Đảng và trở thành liên lạc viên của huyện ủy Mỹ Giang (Bí danh là Tư Bích). Tình huống chất đống tình huống khi chị Hải lấy Ký Khải mấy năm cũng chỉ được một mụn con gái. Chị chủ động “hàn gắn” chồng mình với Thúy để hòng có người nối dõi (!?). Cảnh Ký Khải và Tư Bích như Thúy Kiều và Kim Trọng ngày xưa gặp lại nhau, tình cũ không rủ cũng đến (tr. 210-213) cũng là một tình huống thú vị của tiểu thuyết. Tôi nghĩ, ở đây tác giả có ý thức (hoặc không) muốn tô đậm về chất “con người trong con người”. Lê Đông (Ký Khải) sau đó được tổ chức điều vào Nam hoạt động tình báo. Còn Tư Bích (Thúy) sau khi được ra tù mang tiếng là chỉ điểm của Sở mật thám Pháp, chị phải ra Hà Nội lánh nạn, tá túc trong ngôi nhà do chị Hải (vợ chính thức của Lê Đông) và sinh hạ một cháu trai (kết quả cuộc gặp gỡ với Lê Đông trước đó).

Bạn đọc theo dõi câu chuyện được kể không chỉ biết thêm nhiều “chuyện” hay (có cả sự gây cấn, ly kỳ, hồi hộp của các cảnh như chuyện trinh thám), nhưng đằng sau các sự kiện là con người, là số phận, là kiếp người không ai giống ai. Cho nên không ngẫu nhiên mà phần III tiểu thuyết có tựa là “Phận người”. Những ngày hạnh phúc nhất của Thúy là được sống bên Ký Khải và họ có đứa con trai tên Nguyễn Xuân Hoàn. Nhưng rồi Ký Khải đột ngột mất tích (!?), khi con trai chưa đầy một tuổi. Thúy và con trai cùng mẹ con chị Hải sau hòa bình 1954 kéo nhau về quê. Tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dứa, lại gặp Lê Khanh, tên có máu nhóm 4. Thúy lại phải tìm cách né tránh, bảo vệ mình, sau khi con trai đi bộ đội thì chị lên Sơn Tây sống mai danh ẩn tích. Nguyễn Xuân Hoàn vào chiến trường, chiến đấu và hi sinh anh dũng.

Tiểu thuyết Khói đỏ kết thúc bằng cảnh bà Thúy gặp gỡ mẹ con dì Nam Khải (người vợ chính thức thứ hai của Ký Khải, tức lê Đông). Tâm nguyện cả đời bà Thúy được đền đáp, thủ tục cho người yêu/ người chồng không hôn thú của mình đã hoàn thành: “Danh tính của Ký Khải hay còn gọi là Lê Đông đã được xác định. Đó là Liệt sỹ, Đại tá tình báo Quân đội Nhân dân Việt Nam Nguyễn Xuân Khải, sinh năm 1922, nguyên quán thôn Nghĩa Đức, Xã Cựu Ước, huyện Mỹ Giang, tỉnh Hưng Hà. Ông còn được Nhà nước truy tặng Huân chương Quân công và Huân chương Kháng chiến hạng Nhất” (tr. 291).

  1. Vĩ thanh của vĩ thanh: Những dòng cuối tiểu thuyết Khói đỏ: “Tôi tâm nguyện cố gắng đóng góp thêm một chút gì đó của mình để giữ được những linh hồn người thân của bà Thúy mãi mãi quấn quýt bên bà “. Có linh hồn không? Tôi nghĩ là có. Đó chính là đời sống tâm linh của con người. Nếu tác giả khai thác sâu hơn phương diện này, tôi nghĩ, tiểu thuyết sẽ gia tăng tính hấp dẫn hơn những gì nó đã có.

                                             Hà Nội, tháng tri ân, 7-2019

TRONG CUỐN "BẠN VĂN LÁNG HẠ" NXB DÂN TRÍ 2023

tay-bac7

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét