Chủ Nhật, 15 tháng 10, 2023

TRẦN THỊ TRÂM - NGƯỜI NẶNG LÒNG...

 TRẦN THỊ TRÂM - NGƯỜI NẶNG LÒNG VỚI VĂN HỌC DÂN GIAN ĐƯƠNG ĐẠI VIỆT NAM

Nguyễn Thị Huệ (Trà Lý)

 20230719_1324095

Sau nhiều chục năm giảng dạy & nghiên cứu tại Học viện Báo chí & Tuyên truyền, PGS-TS Trần Thị Trâm đã liên tục trình làng nhiều công trình nghiên cứu, phê bình văn học có giá trị. Năm 2022- sau 20 năm ấp ủ, thai nghén, chị lại tiếp tục cho ra đời chuyên luận: VĂN HỌC DÂN GIAN VIỆT NAM SAU NĂM 1986- NXB Văn học, H.2022. Có thể nói rằng công trình này là nhát cuốc khai vỡ đầu tiên trên một vùng đất hoàn toàn mới: Vùng đất văn học dân gian Việt Nam đương đại. Chuyên luận bao gồm hai phần. Phần một: Văn học dân gian Việt Nam sau năm 1986 (chuyên luận) & Phần hai: Một số tác phẩm văn học dân gian Việt Nam chọn lọc từ sau năm 1986 (sưu tầm tuyển chọn).

Đọc cuốn sách, chúng tôi không chỉ khâm phục sự dày công sưu tầm, gom góp, tuyển chọn hàng trăm câu thành ngữ, tục ngữ, hàng trăm câu ca dao cùng hàng trăm truyện cười, …giữa cái mênh mông, bát ngát của đại dương văn học dân gian bao la ở dạng truyền miệng hoặc là văn bản ảo trên mạng mà còn thực sự tâm đắc phần chuyên luận với những nhận định đánh giá khá toàn diện về sự vận động và phát triển của văn học dân gian Việt Nam sau năm 1986. Người đọc đặc biệt thú vị trước những phát hiện khá sắc sảo, tinh tế về sự hóa thân của văn học dân gian trong các hình thức văn hóa hiện đại.

Thông thường, khi tiếp cận bất cứ một đối tượng nghiên cứu phê bình nào vẫn cần có một độ lùi cần thiết về thời gian bởi vì khoảng cách thời gian càng xa thì tầm bao quát càng rộng lớn. Thời gian bao giờ cũng là vị quan tòa phán xử thông minh nhất đối với mọi giá trị văn chương. Song ở đây PGS-TS Trần Thị Trâm lại không có  được sự viện trợ ấy của thời gian. Chuyên luận của chị đã áp sát đời sống văn học dân gian đương đại trong sự vận động với một sự quan sát trực diện, một cách nhìn cận cảnh. Vượt lên trên những khó khăn đó, bằng các thao tác sưu tầm, tập hợp tư liệu, xác minh văn bản, quan sát, khảo sát, phân tích, tổng hợp, lý giải, biện luận,…cùng với tư duy lý luận sắc sảo, bước đầu  chị đã khái quát được khá đầy đủ những đặc điểm cơ bản của văn học dân gian Việt Nam sau năm 1986, chương II ở phần một, sự hóa thân của văn học dân gian trong các hình thức văn hóa dân tộc là những phát hiện độc đáo, bất ngờ, đầy thú vị. Do đặc thù của hoạt động giảng dạy và nghiên cứu là hướng tới sinh viên của Học viện Báo chí & Tuyên truyền, kiên trì theo đuổi một hướng nghiên cứu văn dụng học, nghiên cứu việc vận dụng những ưu thế của văn học dân gian trong hoạt động báo chí và truyền thông, chuyên luận đã phát hiện ra những ảnh hưởng tích cực của văn học dân gian tới các hoạt động báo chí truyền thông. Bên cạnh đó, chuyên luận cũng  đã đề cập khá sâu tới sự hóa thân của văn học dân gian vào văn học viết, vào các loại hình văn hóa khác như âm nhạc, hội họa, điêu khắc, sân khấu, điện ảnh, dù mới chỉ là những phác thảo sơ lược ban đầu. Điều đáng nói là những trang viết của chị có sự đan xen hòa quyện rất nhuần nhuyễn giữa phương pháp phê bình nghệ sỹ với phương pháp khảo sát khoa học rất công phu. Những nhận định của chị đều xuất phát từ văn bản được giám định, phân tích một cách nghiêm túc; Chẳng hạn phân tích sự hóa thân của văn học dân gian vào văn học viết, chị đã khảo sát rất kỹ lưỡng:“ Khảo sát cuốn tiểu thuyết dài hơn bốn trăm trang này (Mảnh đất lắm người nhiều ma- NTH nhấn mạnh) chúng ta thấy ngoài cái tên hay nhờ sử dụng đắc địa thành ngữ, tác giả đã sử dụng cả thảy 500 thành ngữ, tục ngữ. Thậm chí có nhiều trang số thành ngữ tục ngữ đã lên tới hàng chục đơn vị” (tr 148). Hoặc phân tích sự hóa thân của văn học dân gian vào tác phẩm báo chí, chị đã chọn hàng ngàn số báo từ hàng trăm tờ báo tiêu biểu (chủ yếu trong các năm 2005, 2006, 2007) thuộc tất cả các loại hình báo in, báo phát thanh, báo hình, báo ảnh, báo điện tử với những con số cụ thể  như sau:“Trong số 1.465 bài báo có sử dụng chất liệu văn hóa dân tộc thì 816 lần sử dụng để đặt tên cho tác phẩm báo chí trong đó văn học dân gian là 612 chiếm tỷ lệ 75% (tít chính là 502 lần, tít phụ là 110 lần)- Sử dụng tri thức văn học ở sapô 132 lần, sử dụng tri thức văn học dân gian trong nội dung bài báo 567 lần (185 lần mở đầu bài báo, 284 lần viện dẫn trong bài, 98 lần kết thúc bài báo)” [Tr.167-168]. Bên cạnh đó vẫn có những trang viết theo cảm hứng theo lối tùy bút nghệ thuật, giàu chất văn chương thẩm mỹ, có tính ấn tượng trực cảm mạnh xuất phát từ sự rung động rất sâu sắc của một trái tim nghệ sỹ. Chẳng hạn phân tích sự hóa thân tuyệt vời của văn học dân gian vào văn học viết qua “khổ thơ đặc trưng cho phong cách Nguyễn Duy, một tên tuổi đã tạo nên nhiều dấu ấn trong thơ ca Việt Nam hiện đại: Con cò sung chát đào chua- Câu thơ mẹ hát gió đưa về trời- Ta đi trọn kiếp con người- Vẫn không đi hết những lời mẹ ru (Nguyễn Duy- Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa). Sau khi phân tích sự dung nạp cùng một lúc nhiều trầm tích văn học dân gian, chị đã đi đến kết luận:“Những chất liệu dân gian đồng loạt phát sáng làm nên sức nặng và ý nghĩa kép cho đoạn thơ. Qua khúc hát về tình mẫu tử giản dị mà sâu lắng, tác giả đã thể hiện được tấm lòng của những người con trước tình mẹ lớn lao và lòng biết ơn sâu nặng của mỗi người nghệ sỹ  trước biển lớn văn hóa dân gian vô tận. Dẫu đi qua suốt cuộc đời- Cũng không đi hết những lời mẹ ru”(tr147-148).Đó là những trang viết rất mềm mại, đằm thắm, giàu chất trữ tình. Hoặc chị phân tích sự hóa thân của văn học dân gian vào âm nhạc:“…Chưa kể còn biết bao mảnh vụn từ lời ru của mẹ đã lặn sâu vào từng con chữ tạo nên trong lòng người những nỗi niềm giăng mắc khôn nguôi. Bởi đó là khúc hát ru của tình mẫu tử, là dòng sữa mẹ thứ hai nuôi dưỡng tâm hồn bé thơ khôn lớn nên người là sợi dây thiêng liêng gắn kết mỗi chúng ta với quê hương xứ sở. Hoặc khi phân tích lời ca của một bài hát ru thời hiện đại (Lời ru, nhạc Lê Minh, lời Hoàng Hạnh), tác giả đã viết:“Trên cái nền hát ru mênh mang sâu lắng, da diết buồn là tình mẫu tử thiêng liêng là hình ảnh thân cò lặn lội, là cánh diều tuổi thơ, là nỗi niềm của người con gái lấy chồng xa nhớ mẹ, là nghĩa tình chồng vợ thủy chung, là hình ảnh dòng sông bến nước con đò,...Tất cả những trầm tích văn hóa từ một chuỗi bài ca dao đồng loạt phát sáng tạo nên hiệu ứng lớn bất ngờ đã nối kết trái tim bao thế hệ…”[Tr. 214-215]. Đó là những trang viết đầy ắp hình ảnh, tràn trề cảm xúc; những cảm xúc đã bùng nổ đạt tới độ thăng hoa. Có thể nói những trang viết này không chỉ đưa người đọc đến những bến bờ xa xôi của lý trí mà còn làm tổ trong trái tim người đọc.Với sự tương giao cộng cảm của người nghệ sỹ, tâm hồn chị cơ hồ như cũng đang rung lên theo sự rung động trong trái tim của Nhạc sỹ Lê Minh và thi sỹ Hoàng Hạnh. Quả thực văn bản mới này của chị thật sự hấp dẫn và nên thơ. Có thể nói đó là sự hóa thân lần thứ hai của tác phẩm văn chương nhờ vào khả năng cảm thụ cái đẹp và phô diễn cái đẹp của nhà phê bình. Rõ ràng ngòi bút chị đã thể hiện năng lực dồi dào trong cảm thụ cái đẹp của văn chương nghệ thuật- một trong những yêu cầu quan trọng đối với người làm phê bình văn học. Biêlinki nói:“ Thẩm mỹ không phải là đại số (…) ngoài trí thông minh và học vấn còn đòi hỏi cảm xúc về cái đẹp”. Ông lại nói:“… trong lĩnh vực của cái đẹp, phán đoán chỉ đúng khi nào lý trí và tình cảm hài hòa với nhau”. Ở chừng mực nào đó có thể nói những trang viết của chị đã đạt đến cái đúng và cái hay hoặc nói theo cách nói của lý luận văn học là đã đạt tới tính khoa học và tính nghệ thuật. Nhìn một cách tổng thể, cuốn sách vừa mang tính chất tổng kết đánh giá một giai đoạn vận động, phát triển của văn học dân gian Việt Nam đương đại vừa thể hiện khả năng sưu tầm, tuyển chọn, hệ thống hóa các tư liệu về văn học dân gian Việt Nam đương đại một cách khoa học. Cuốn sách là một công trình nghiên cứu phê bình có vóc dáng một thành tựu học thuật sau nhiều năm tác giả đã nung nấu. Âm hưởng chính tạo thành dòng mạch chủ đạo xuyên suốt chuyên luận Văn học dân gian Việt Nam sau năm 1986 là thái độ khẳng định biểu dương, cổ vũ nhiệt thành những nhân tố tích cực, những tin hiệu nghệ thuật mới có giá trị, những đóng góp sáng tạo mới mẻ của văn học dân gian Việt Nam sau năm 1986 đối với sự phát triển văn hóa mới theo đúng định hướng vừa tiên tiến hiện đại vừa đậm đà bản sắc dân tộc.

Trong cuộc đời viết nghiên cứu phê bình, PGS.TS. Trần Thị Trâm quan tâm đến nhiều vấn đề của văn học nhưng có lẽ mối duyên nợ theo suốt chặng đường học thuật của chị vẫn là những trang viết về văn học dân gian, nghiêng hẳn về văn học dân gian. Ngòi bút của chị đã dành cho văn học dân gian một sự ưu ái đặc biệt. Tình yêu đối với văn học dân gian của chị không chỉ thể hiện trên trang viết mà còn cả trong sinh hoạt thường nhật. Chất văn học dân gian như đã thấm sâu trở thành máu thịt trong con người chị thể hiện qua cách cảm, cách nghĩ, qua lời ăn tiếng nói hàng ngày. Như một kẻ đã “phải lòng” với văn học dân gian, chị đắm đuối với làn điệu hát ru ngọt ngào, chị say mê với những baì ca dao trữ tình sâu lắng, chị nâng niu những cân tục ngữ, thành ngữ hàm súc sinh động; Chị trân trọng những câu chuyện cổ dân gian nhẹ nhàng mà sâu sắc. Gần gũi chị, tôi có cảm giác chị là người rất say mê trong mọi hoạt động, không chỉ say trên trang viết mà còn rất say trong giảng dạy và cả những lúc trò chuyện trong cuộc sống thường nhật. Tiếp xúc với chị thật khó mà dứt ra khỏi những câu chuyện của chị. Có thể nói cái may mắn của sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền là không chỉ được nghe cô Trâm nhiệt tình tâm huyết trong truyền thụ kiến thức mà còn được thưởng thức giọng hát dân ca mềm mại, ngọt ngào, ấm áp của cô trong phần minh họa. Chính chất say mê trong con người chị ở mọi lúc mọi nơi trong mọi hoạt động đã như chất xúc tác tạo nên sức cuốn hút đối với người đọc người nghe.

Không  chỉ say mê yêu mến văn học dân gian, chị còn trăn trở lo lắng khi suy nghĩ về tương lai phát triển của nền văn học dân gian nước nhà. Khi thì chị dè dặt đề xuất kiến nghị:“ Thực tế đang đòi hỏi ngành folklore học phải sớm chiếm lĩnh và có được các giải pháp hữu hiệu nhằm phát huy tối đa những giá trị tích cực, hạn chế những tác động tiêu cực của văn học dân gian đối với đời sống xã hội, trên cơ sở đó quản lý tốt hơn sân chơi văn hóa độc đáo, đặc sắc, bổ ích và dân chủ này”(tr5-6). Có lúc chị lại khắc khoải lo âu:“Quả thực nếu không kịp thời bảo lưu thì những tác phẩm văn học dân gian quý báu đó sẽ bị mai một trong sự bộn bề của cuộc sống”(tr6). 

Nhìn lại cả một chặng đường học thuật kể từ bước khởi đầu con đường khoa học bằng những tiểu luận, phê bình, chuyên luận, chuyên khảo, Giáo trình văn học Việt Nam, PGS-TS Trần Thị Trâm vẫn thủy chung trước sau như một dành tất cả tâm huyết, tình yêu mến, niềm say mê mãnh liệt cho văn học dân gian đương đại Việt Nam. Có thể nói, chị là một ngòi bút nặng lòng với văn học dân gian đương đại Việt Nam.

 

                            Hà Nội - Thái Bình những ngàytháng 7 năm 2023.

                                   NTH(TL)

 sinh__hot___thng_ba__2019_320

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét