Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

DẪU GIỌT SƯƠNG RƠI...





TRẦN MAI HẠNH

Dẫu giọt sương rơi…



Sinh nhật lần thứ 26 đến trong bom rơi, đạn nổ, trong không khí khét lẹt mùi thuốc súng và trong sự rình rập của tử thần. Cả tuần nay, từ mờ sáng, mấy chiếc tàu rà (máy bay trinh sát hai thân OV10) đã xuất hiện, quần rất ngặt trên bầu trời xã Điện Thái. Chắc do trung đoàn chủ lực E36 đang đóng quân tại đây. Phần tôi, sau khi thoát khỏi vòng vây của 7.000 quân Mỹ, ngụy và chư hầu trong một trận càn ác liệt dài ngày, tới công tác tại Quận đội quận 2 - Đà Nẵng cũng đứng chân tại xã Điện Thái gần tuần nay. Nằm ngay mép nước sông Thu Bồn, Điện Thái giờ tan hoang, điêu tàn sau hàng chục cuộc càn, sau bom dội và pháo bầy. Cả xã không còn một bụi tre, một cái hầm, một ngôi nhà nào nguyên vẹn. Những con đường mòn tôi đã qua lại hàng chục lần, giờ không còn nhận ra được nữa. Dân đã chạy gần hết. Xóm thôn trở thành các làng bộ đội và cán bộ. Thảng hoặc mới gặp một quán hàng vặt bày bán vài gói đậu phụng, lon thịt, gói thuốc; tất cả để trong cái hòm đạn đại liên, đụng càn là xách chạy ngay. Chấp chóa tối là phải rúc xuống hầm chìm vì pháo cối nã cầm canh, có hồi tập kích cả bầy. Đi công tác từ đơn vị này tới đơn vị khác đều diễn ra trong đêm, vừa đi vừa chạy vừa nghe ngóng tiếng rít của đạn pháo để kịp nằm xuống tránh mảnh. Sáng dậy từ 5 giờ, ăn sáng thật nhanh rồi mỗi người lĩnh một vắt cơm trưa. Xong bộ phận nào về bộ phận ấy, ngụy trang cho kỹ, báo động thì rúc xuống hầm mặc cho tàu rà quần lượn, soi quét trên đầu. Kỷ luật của Ban chỉ huy là nếu hầm bị phát hiện cũng cứ ngồi đội bom đến cùng, vì nếu tuôn chạy sẽ lộ chỗ trú quân, chạy tới đâu bom bi, bom xăng và pháo bầy sẽ dập theo tới đấy.

Chiều tối qua, anh Trình Xuân Hy cùng trong tổ phóng viên Việt Nam Thông tấn xã tại Quảng Đà được cử đi với bộ phận tiền phương của Ban tuyên huấn tỉnh ủy cũng đang đứng chân ở Điện Thái, tìm thăm tôi. Hai anh em ôm nhau mừng rỡ. Anh và cả tổ ngỡ tôi đã hy sinh trong vòng vây rồi. Anh báo tôi một tin rụng rời: Anh Trần Văn Anh, ủy viên Ban Tuyên huấn tỉnh ủy, Tổng biên tập báo Giải phóng Quảng Đà vừa hy sinh một ngày trước đó. Tối đó, trong căn hầm tránh pháo, anh Hải Học và các anh ở Báo Quảng Đà đã kể lại cho tôi và anh Hy nghe những giây phút cuối cùng của anh Trần Văn Anh. Được lệnh của Thường vụ Tỉnh ủy, từ căn cứ các anh Trần Văn Anh, Hải Học, Hồ Duy Lệ, Vũ Thành Lê, Hoài Hà trở lại vành đai Đà Nẵng làm nhiệm vụ. Ngày 29/12/1968, vừa từ Gò Nổi vượt sông Thu Bồn đặt chân lên đất Điện Thái thì một máy bay trinh sát thình lình xuất hiện. Các anh vội chui vào một hầm tránh pháo dưới một bụi tre gẫy gục. Chiếc trinh sát quần mấy vòng thì có tiếng ầm ì của máy bay phản lực, và sau đó một chiếc F105 quần đảo trên bầu trời quanh khu vực. Chiếc trinh sát lao xuống phóng quả rốc- két chỉ điểm chỉ cách miệng hầm mấy mét, khói sặc sụa cả căn hầm. Vừa lao lên chạy được mấy mét thì chiếc F105 đã lao xuống cắt bom. Sau loạt bom, các anh định chạy tiếp thì nghe tiếng kêu:

- Mình bị thương rồi các cậu ơi!


Mọi người đổ xô lại thì thấy anh Trần Văn Anh đang gượng ngồi bệt trên mặt đất, đưa tay đỡ chiếc đùi dập nát của mình. Anh nói:

- Các cậu coi, bi ri còn mần ăn chi được nữa!.

Đưa anh vào bờ tre rậm ven một làng trắng, các anh Hải Học, Duy Lệ, Thành Lê và Hoài Hà tìm mọi cách cầm máu cho anh nhưng vô hiệu. Vết thương quá nặng, một chiếc đùi bị phá nát hoàn toàn, chỉ còn dính hờ với cơ thể bằng một mảnh da mỏng sau mông… Anh Anh đưa tay ôm từng người, nói:

- Chắc mình không qua được. Các cậu ở lại đùm bọc nhau để làm nhiệm vụ cho tốt, mình mừng. Có đi công tác Hòa Vang nhớ ghé ngang nhà, nói mình gửi lời thăm chị (bà chị ruột duy nhất còn lại của anh) thăm tất cả.

Vừa dứt câu cũng vừa lúc anh trút hơi thở cuối cùng. Năm ấy anh Anh mới 35 tuổi…

Tôi gặp anh Anh lần đầu và cũng là duy nhất vào ngày 14/7/1968 tại Duy Xuyên khi cùng nhà báo - nhà thơ liệt sĩ Nguyễn Trọng Định xuống mặt trận tiền phương dưới đồng bằng.

Hôm nay là ngày sinh nhật, cũng là ngày đầu của một năm mới ở chiến trường. Từ đêm qua, sau khi thăm anh Hải Học ở Báo Quảng Đà về, biết tin hai hôm nữa có người ra Bắc, ý nghĩ viết lách thôi thúc tôi. Vừa cần chép lại truyện ngắn Anh Đấu mới hoàn thành để gửi ra Hà Nội đăng báo, vừa viết thư về gia đình. Vì vậy, ăn sáng và nhận vắt cơm trưa xong, thay vì vào hầm tránh pháo tôi quyết định rúc vào bụi điền thanh giữa cánh đồng trước mặt, bên cạnh một bầu nước mà chiều qua tôi đã quan sát kỹ. Tôi mang theo ít cành lá cắm thêm để nghi trang, đồng thời thay bộ đồ bà ba màu rêu cho hòa vào màu xanh cây lá. Vậy là ba bốn chiếc tàu rà thay nhau quần đảo trên trời, giám sát chặt chẽ xã Điện Thái, vừa thoáng bóng người chúng bổ nhào xuống bắn pháo hiệu chỉ điểm cho phản lực phóng rốc- két, dội bom, tôi vẫn bình yên trong bụi điền thanh giữa cánh đồng. Tôi ngồi bệt xuống đất, lấy chiếc gùi làm bàn viết. Vừa ra khỏi vòng vây, trong gùi chỉ có một bộ quần áo, vài vật dụng sinh hoạt thiết yếu, cuốn nhật ký "Trên những nẻo đường chiến tranh". Truyện ngắn Anh Đấu gửi Báo Văn Nghệ tôi đã chép xong. (Như một cơ duyên, truyện ngắn đầu tay này tôi gửi từ chiến trường ra được Báo Văn Nghệ chọn đăng và quyết định trao tặng thưởng đặc biệt trong cuộc thi truyện ngắn 1970-1971). Thư gửi về gia đình tôi cũng đã viết xong. Tiếng rít của động cơ máy bay, tiếng rốc- két, tiếng bom và đạn pháo dội xuống xóm làng Điện Thái theo chỉ điểm của tàu rà làm tôi sực tỉnh. Mặt trời đã lên cao. Sa mù dầy đặc - dấu hiệu của những ngày nắng đã tan. Những giọt sương sớm cuối cùng trong vắt đọng trên cây lá điền thanh rơi xuống cổ áo tôi, rơi xuống trang thư tôi viết. Tôi bỗng thấy sợ cái chết. Là bởi vì, trên cánh đồng chết chóc của chiến tranh chỉ còn mình tôi thu lu trong bụi điền thanh cô độc. Tôi không thể chạy về làng để vào hầm tránh pháo được nữa. Kỷ luật không cho phép, và cũng vì nếu tôi xuất hiện và di chuyển trên cánh đồng trống hoang trống hoác này sẽ lập tức bị phát hiện, và mấy chiếc tàu rà lao xuống săn đuổi sẽ không sao thoát được. Nghe tiếng động cơ trực thăng vũ trang HU1A ở vùng trời khá xa, tôi bỗng lạnh người. Nếu như trực thăng quần thấp săn người trên cánh đồng Điện Thái, nhiều khi chúng hạ hẳn xuống bắt người như đã từng xảy ra thì làm sao tôi sống sót. Thật may, mới tuần trước 2 chiếc HU1A sà xuống định bắt người và bắn trâu trên cánh đồng Điện Thái đã bị bộ đội trung đoàn E36 bắn tan xác nên bữa nay chúng không dám bén mảng. Như gạo đã thành cơm, tôi đành chờ tới chiều tối mới ra khỏi bụi điền thanh. Để giết thời gian và khỏi phập phồng vì cái chết rình rập, tôi lục tất cả những thứ trong gùi ra xem. Trong không khí khét lẹt mùi thuốc súng, giữa cô đơn trên cánh đồng chết chóc, kỷ niệm mối tình đầu sống dậy trong tôi với những suy nghĩ rất khác lạ. Có cả sự nuối tiếc và sự tự trách mình. Bị gia đình có phần quyền quý của người yêu gạt đi vì hành trang chẳng có gì của một chàng trai nghèo tỉnh lẻ, rồi người yêu cũng ngả nghiêng dao động nói lời chia tay, vậy mà thật đáng nguyền rủa làm sao, lúc ấy tôi vẫn cứ cố biện bạch cho người mình yêu. Tôi có thói quen chép lại tất cả những bức thư tình vào nhật ký trước khi gửi đi. Ngồi thu lu trong bụi điền thanh, tôi đọc lại bức thư cuối cùng gửi Thúy Hoa tôi đã chép lại trong tập "Những bức thư lưu" ngày ấy. Bức thư đó tôi viết đêm cuối cùng ở ký túc xá Mễ Trì, khi đột ngột nhận quyết định ra trường sớm một năm, không được học năm thứ tư đồng nghĩa với việc không lên Khoa Xã hội trường Đại học Tổng hợp đang sơ tán ở Đại Từ - Thái Nguyên để gặp lại Thúy Hoa nữa. Những lời lẽ chua cay được tư duy văn học của tôi hình tượng hóa lên ngày ấy, thật chẳng khác gì những giọt cường toan nhỏ xuống trái tim của Hoa khi đó mới hai mươi tuổi. Làm sao Hoa chịu nổi. Làm sao mối tình đầu còn khả năng cứu vãn.



                                                                                              Ký túc xá Mễ Trì 30/9/1965

                                                               Hoa em!



Đêm đã rất khuya. Đèn ký túc xá đã tắt hết. Mọi người say trong giấc ngủ, còn thức có chăng chỉ mình anh. Trên trời cũng chỉ còn những vì sao quá thì, nhạt nhẽo.

Thư gửi về từ nơi sơ tán, em viết: "Mọi việc rồi sẽ trôi qua hết thôi, theo ngày giờ và năm tháng, phải không anh?". Mọi người đều nói như vậy. Nhưng anh nghĩ, trong lòng thằng con trai phải còn lại một cái gì chứ? Một người thiếu nữ có thể cất tiếng hát trước mối tình đầu tan vỡ, còn người con trai thì khác hẳn. Ở anh, anh đã buồn đi với cả tấm lòng mình. Nhưng có ai dại gì chết đuối trong những kỷ niệm, dù là kỷ niệm đẹp của mối tình đầu đâu em.

Anh đã tự trách mình rất nhiều, trách tác phong hiếu thắng, sĩ diện, ngông cuồng, bất cần trước tình yêu khi lòng tự trọng bị tổn thương. Gia đình em kiên quyết phản đối anh, không chấp nhận anh, vì sao thì em đã biết. Nhưng cái chính là em. Với lá thư viết từ nơi sơ tán, anh hiểu em đã gửi lời khước từ và cắm một tấm biển chắn đường trước mặt anh. Một chàng trai nghèo tỉnh lẻ, hành trang chỉ có trái tim mơ mộng và sự thông minh chán vạn người có trong học hành, làm sao mà bước vào làm rể trong gia đình quyền quý em đang sống được. Ngoài bì thư gửi anh vừa rồi em đề: Văn 4 - Đại học Tổng hợp Mễ Trì, Hà Nội là gửi đến một địa chỉ lẽ ra phải như thế nhưng tương lai không chọn lựa Hoa ạ.

Chiều ấy nhìn Hoa ra ga lòng anh buồn vô hạn. Hoa lên khu sơ tán trên Thái Nguyên để học tiếp. Tình yêu cũng khoác áo lên tầu với giá vé hạng bét trong một buổi chiều nắng vàng rười rượi. Người ta đối xử với nó thế ư? Nắng chiều nay sao nhạt mầu thế? Sao những tia nắng cuối ngày lại được ẩn nấp dưới tà áo của em? Một luồng ánh sáng yếu ớt nối nơi anh đến nơi em. Một con chim nhỏ bay qua giải đất chúng ta ở. Nó bay về đâu, có nghiêng đôi cánh lại không, ai biết? Chiều ấy mấy chị cùng lớp Hoa qua rủ anh ra ga tiễn  nhưng anh từ chối. Hoa im lặng, hành động như thế và tình yêu ở chính tự lòng anh đã tắt. Bây giờ thì mọi sự cũng lỡ làng cả rồi, phải không Hoa? Nguyễn Du nói "gương cũ", "bình tan" là vì vậy. Dĩ vãng xa xưa đã tan đi như một lớp sương mờ, "cây đa", "bến cũ", "con đò"... tất cả, tất cả bị bao phủ bởi một tấm màn đen đầy đặc của quá khứ. Một con số không to, tròn như cái vòng càn khôn của quỷ sứ phủ kín lấy lá số tử vi của những ngày đã qua. Còn lại cái gì thì đó chỉ là những kinh nghiệm về lòng người, càng quý giá vì giá mua rất đắt. Trên đời này, cái gì vui sướng thì người ta hay quên, cái gì khổ đau thì nhớ mãi, ở anh khoảng cách đó có thể là suốt đời.

Hoa em,

Với anh, thời gian đã chẳng thể là phương thuốc mầu nhiệm chữa lành mọi vết thương lòng. Mối tình đầu tan vỡ để lại trong anh những nỗi chua xót. Dĩ vãng nhiều đêm thức dậy trong anh hằn nét như cuốn sách mở sẵn trên bàn ở trang "65" nào đó. Trước mắt anh bỗng hiện ra cảnh đổ vỡ, tan hoang khủng khiếp. Con thuyền yêu đương đã chìm mất tăm trên mặt biển của hy vọng mênh mông. Anh đã cố gắng hết sức nhưng tình yêu đã khoác áo ra đi ngay bên cạnh những lời thề thốt. Cánh cửa lòng anh đã mở cho tới những hy vọng cuối cùng sau đó mới vĩnh viễn đóng lại. Anh thấy mình nghèo quá, và cuộc đời này anh thấy nó cũng nghèo quá. Hạnh phúc ra đi ngay chính tự lòng mình. Hạnh phúc là gì, đòi hỏi cái gì, anh cũng không biết nữa nhưng anh nghe trong đó có cả buồn. Anh thật quả không dám nghĩ đến những ngày hạnh phúc đã qua, nghĩ đến anh thấy như dập nát những điều đang tấy lên sưng mọng trong lòng mình.

Vĩnh biệt mối tình đầu, vĩnh biệt đời sinh viên, khoác ba lô lên đường anh thấy quãng đường mình đi dài quá, trống trải qúa. Phải chăng vì đã mất em?

Anh nói hết rồi đấy. Đêm đã rất khuya rồi. Ai đi qua đây sao chẳng nói to lên một tiếng. Ở mãi tận xa xôi không gì thân thiết, một ngôi sao vụt tắt. Sao đèn ở đâu còn sáng thế. Có ai tắt dùm ai ngọn đèn không?

Ngày cuối của đời sinh viên.                                                                                                                                         

                                                   

Đọc lại bức thư cuối cùng gửi Hoa ngày ấy, tôi bỗng nhớ đời sinh viên, nhớ kỷ niệm mối tình đầu. Trong tiếng rít của động cơ máy bay, của đạn pháo và cái chết rình rập trên cánh đồng chết chóc hoang vắng đến lạnh người của chiến tranh, giờ này còn nhưng lát nữa chưa biết sống chết thế nào, tự dưng tôi muốn viết ít chữ cho Hoa. Trọng Định chết, mộ chôn trên Gò Bà Dưa ở cuối cánh đồng này. Anh Trần Văn Anh cách đây hai ngày cũng nằm lại trong lòng đất Điện Thái. Còn tôi chắc gì đã an toàn trong bụi điền thanh này. Chỉ cần ngứa mắt phóng vào bụi điền thanh một quả rốc- két thì tên lính Mỹ lấc láo đang lái chiếc OV10 quần đảo rất thấp kia sẽ cho tôi sang thế giới khác. Tôi ra đi có gì gửi lại? Thư gửi gia đình đã viết. Tôi nghĩ nên viết ít chữ gửi Hoa. Thế rồi cầm đến bút tôi như bị “ma ám”, chìm đắm trong suy tư của mình. Lá thư gửi Hoa tôi viết một mạch, viết xong bồi hồi đọc lại rồi cho vào phong bì để mai có người về Hà Nội sẽ mang tận Bưu điện Bờ Hồ gửi cho chắc và cho nhanh. Mới bốn giờ chiều, tàu rà còn quần lượn trên đầu. Tôi mở chiếc radio bán dẫn, tình cờ đúng buổi phát thanh ca nhạc nước ngoài của Đài Tíếng nói Việt Nam. Buổi phát thanh thường lệ chiều chủ nhật hằng tuần, nhưng hôm nay vẫn phát vì là ngày nghỉ đầu năm mới. Những dòng suối âm thanh thánh thót tuôn trào mới thanh bình và khát khao làm sao, nó đối lập với cánh đồng chết chóc của chiến tranh mà tôi đang phập phồng lo sợ. Bỗng khúc “Tiếng hát nàng Solvey” vang lên: “Mùa đông dù trôi qua / Mang bóng dáng đông qua xuân về / Mang nỗi nhớ anh đi chưa về… ”. Tôi như bị điện giật. Bài này tôi đã nghe Hoa hát trong đêm văn nghệ ngày nào. Thế nhưng tiếng piano thánh thót đã phá hỏng tất cả. Nó làm tôi điên tiết. Trong tâm trí không thấy bóng dáng kỷ niệm đẹp của mối tình đầu hiện lên, mà thay vào đó là cảnh bẽ bàng tôi đến thăm Hoa tại nhà riêng vào đêm cuối cùng ở Hà Nội trước lúc lên đường vào chiến trường. Hoa đón tôi lạnh nhạt, xin lỗi tôi vì đang tập dở bản đàn. Tôi ngồi như xác ướp trong căn phòng mầu ô liu chan hoà ánh điện, đôi dép cao su được phát vào chiến trường tôi mang trên chân tương phản với sàn gỗ bóng loáng và chiếc đàn piano đen nhánh sang trọng cùng những âm thanh đáng ghét vang lên dưới các ngón tay của Hoa trong sự đỏm dáng trí thức của anh chàng dạy đàn cho Hoa. Thế là tiêu tan ý định gửi thư. Bức thư đã viết tôi giữ lại, chưa một ai đọc. Bốn mươi nhăm năm đã qua, giờ công bố cũng chẳng phải dành cho riêng ai, và cũng chẳng để làm gì, có chăng chỉ là góp thêm một bức thư tình vào một thời bom đạn đã xa…



                                                                         Bắc Thu Bồn 1/1/1969

                                             Hoa em!

Thế là một năm lại qua đi, qua đi trong quan hệ “không kèn không trống” giữa chúng ta, qua đi trong những tháng ngày đầy thử thách gian nan của anh trên cái chiến trường Quảng Đà ác liệt này. Chiến tranh tàn khốc khiến người ta, vì sự sinh tồn trong từng giờ từng phút của mình, mà rất ít có điều kiện để nghĩ tới những kỷ niệm quá khứ, nhưng đã nghĩ thì nghĩ dội lên - nghĩ đến nhức nhối, đau buốt. Ví như hôm nay…

Hôm nay sinh nhật anh và cũng là ngày đầu năm mới trên chiến trường, và hơn thế nữa là một trong những ngày anh mới thoát khỏi vòng vây của một trận càn ác liệt dài ngày. Mọi người nghĩ rằng anh đã chết. Nhưng như bao lần đã qua anh lại thoát và giờ đây đang ngồi thu lu trong bụi điền thanh trên cánh đồng chết chóc của chiến tranh để viết cho em. Kỷ niệm những ngày ở Láng, ở Mễ Trì đầy mơ mộng, trong sáng của đời sinh viên, của mối tình đầu lại sống dậy mãnh liệt trong anh. Em ạ, dẫu giọt sương rơi còn ướt áo, huống gì những năm tháng xa xôi trĩu nặng trong lòng. Chiến tranh hơn lúc nào hết làm con người ta thấy quý và thấy hết giá trị những ngày đã sống. Ở anh thì có cả những xót xa, ân hận vì những lỗi lầm đã mắc phải…, dầu cho tất cả chỉ tại thói ấu trĩ, ngông cuồng và những lầm lạc thật đáng nguyền rủa của tuổi trẻ.

Suốt 21 ngày đêm trong vòng vây của 7.000 quân Mỹ, ngụy và chư hầu, như một người lính thực thụ, anh hành quân và chiến đấu với các chiến sĩ. Cả tiểu đoàn đã hy sinh gần hết, trong số rất ít cán bộ, chiến sĩ thoát khỏi vòng vây có anh. Anh đã bao lần thoát khỏi cái chết tưởng đã cầm chắc. Ở vòng vây ra, đồ đạc, quần áo anh mất sạch, chỉ còn duy nhất chiếc gùi trong đó có quyển sổ ghi chép “Trên những nẻo đường chiến tranh” và tập thư của em và anh viết  trong những tháng ngày yêu nhau. Thế mà đêm trước ngày vào chiến trường anh đến thăm, em đã tiếp anh thật lạnh nhạt. Anh ngồi trong phòng như một chiếc xác ướp, trước mặt là em, bên trái là chiếc đàn piano đen bóng… Và thế là anh đứng dậy lặng lẽ ra đi. Em không thèm tiễn anh lấy một bước. Lúc ấy anh nghĩ đến một câu nói của Ban Zắc:“Phụ nữ một khi lòng tự trọng của họ bị tổn thương dường như họ muốn dùng một chiếc khăn mùi xoa lau đi hết thẩy”. Thế là tạm biệt Hà Nội, tạm biệt em, tạm biệt tất cả những năm tháng đầy thơ mộng của tuổi trẻ dịu dàng êm ái. Mặt trận và những trận chiến đấu khốc liệt đã đón anh ngay từ những ngày đầu. Anh đi chiến dịch, lăn lộn với các chiến sĩ, lấy tài liệu, suy nghĩ, viết lách được rất nhiều và trong lòng lúc nào cũng cháy bỏng những khát vọng về cuộc sống, sự nghiệp và cả những con đường đi. Anh thấy mình trưởng thành lên rất nhiều. Một cuộc sống thật nghiêm khắc, rèn rũa con người chẳng khác gì một cuộc lột xác. Thuở ấu thơ và cả những tháng ngày sinh viên nữa, đọc truyện ngắn của Tô Hoài, anh từng ao ước được như Phượng - nhân vật chính của chuyện lên đường tìm đến một chân trời chín mọng sự sống, ở đó có những trận bão và mưa rào cực lớn cuốn phăng đi tất cả những rác rưởi của cuộc sống tù túng, mốc lên… Ngày hôm nay, cái chân trời không phải là chín mọng mà là đỏ lửa ấy đã đến với anh, và anh đã đi, đã dốc hết sức mình trên con đường ấy. Anh đi với những suy nghĩ đã cất dậy một tầm mới, đâu còn phảng phất cái nét lãng mạn của những ngày thơ ấu xa xưa…

Hoa em! Thế là em chưa và anh có linh cảm rằng em sẽ chẳng bao giờ về Hải Dương quê anh và chẳng bao giờ gặp mẹ. Em là người con gái đầu tiên mà anh nói với mẹ, mẹ rất muốn gặp em (hồi đó là để xem mặt con dâu tương lai). Hoa ạ, đã bao lâu rồi xa quê mẹ, nhưng có bao giờ đâu anh quên được những dãy phố nghèo mà mình đã sống. Tiếng nôi đưa và tiếng ru hời của mẹ. Tiếng trống trường mùa thu gọi đó, mai kia lại mùa phượng đỏ ngợp trời… Anh nhớ đến Láng, đến đêm đầu đi nói chuyện với nhau và ngỏ lời. Anh nhớ đến hội trường mà lần đầu giáp mặt, mở lời làm quen mà ngượng chín cả người. Anh nhớ đến trận bóng bàn giao hữu với đội tuyển Hà Nội, lần đầu anh xuất hiện làm ngỡ ngàng em và ngỡ ngàng cả trường vì sao một chàng trai tỉnh lẻ lại có thể chơi bóng bàn hay đến thế. Anh nhớ nhà thờ Mễ Trì đêm nào hai đứa vào cầu chúa ban phước lành cho tình yêu. Anh nhớ đến tiếng cười, giọng nói và cả tiếng guốc vội vã của em như ríu lại trên bãi sỏi ký túc xá trước phòng anh... Những âm thanh đã từng làm thức dậy trong anh biết bao suy nghĩ, khát khao đối với cuộc sống này...

Hoa em, anh nhắc nhiều đến những kỷ niệm quá chăng. Những kỷ niệm đã gắn với mối tình trong sáng, ngại ngùng chưa một lần đi xem, chưa một buổi tiễn đưa, chưa một lần đi dạo giữa chúng ta. Những kỷ niệm ấy đã gắn chặt với đời sống tâm hồn anh, đã theo anh trên khắp các nẻo đường chiến tranh mà anh từng đặt bước. Hoa ạ, anh nghĩ mình ra đi làm tròn nghĩa vụ thiêng liêng của một người dân, chiến đấu cho độc lập, tự do của tổ quốc, để cho những kỷ niệm khỏi bị chà đạp, dầy xéo và nếu có không may ngã xuống thì cũng là ngã xuống cho những lứa đôi sau này vĩnh viễn không phải chia ly, cho người phụ nữ không phải sống đằng đẵng trong những tháng năm đợi chờ dài như cả một kiếp người. Anh đã từng đi bộ hàng tháng trời trên những đỉnh núi cao nhất của dãy Trường Sơn, từng sống với mảnh rừng chiến khu xao động, với đồng bằng đỏ lửa, từng hành quân trên bãi cát trắng xóa ven sông Thu Bồn bốn mùa thẳm xanh màu nước. Anh đã từng tham dự những trận đánh ác liệt, chiến đấu như một người lính thực thụ, từng cùng với các chiến sĩ mở đường máu thoát vây, từng ngủ hầm bí mật, nhịn đói nhịn khát, từng đội bom B52 và pháo bầy ê ẩm... Gian khổ, ác liệt nhiều lắm Hoa ạ, nhưng thực ra chưa thấm gì với những hy sinh vô bờ bến của đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Nhiều gia đình đã hy sinh tới người cuối cùng. Nhiều vùng rộng lớn bị B52, chất độc hóa học và xe ủi biến thành vùng trắng. Không còn một cái nhà, một tấm tranh nào không bị đốt cháy. Tất cả mọi sinh hoạt ăn ở, nấu nướng, hội họp, yêu nhau đều ở dưới hầm. Một cuộc sống đi sâu vào lòng đất, từ lòng đất và lúc nào cũng sôi nổi đến mức mãnh liệt, phi thường. Những thôn xóm anh đi qua, những làng mạc anh đã sống, những vùng đất anh đã chiến đấu... đâu đâu cũng ngời ngợi một sức sống mới, đâu đâu cũng xanh lên, vang lên tiếng gọi thật thiết tha đối với cuộc sống của tổ quốc chúng ta...

Một ngày mai đây khi hòa bình trở lại, chiến tranh chấm dứt, và nếu như em chưa xây dựng gia đình và sẵn lòng tha thứ cho những lỗi lầm ấu trĩ trong tình yêu của anh, thì anh sẽ đón em về Hải Dương thăm mẹ, xin phép mẹ và chúng ta sẽ sống với nhau. Ngày anh rời quê hương lên đường vào chiến trường mẹ có dặn anh rằng: "Con đi mẹ không dám cấm đoán. Con đi bao năm cũng được, nhưng còn sống thì nhất định phải trở ra ngoài này xây dựng gia đình, mà người con gái đó phải do mẹ chọn". Lời mẹ trước lúc lên đường thật thiêng liêng và anh nghĩ rằng anh không bao giờ được làm trái ý mẹ. Mẹ đã già rồi, đã chịu nhiều đau khổ trong những năm tháng chiến tranh mà anh xa vắng. Anh đi, trên tất cả những chặng đường chông gai, những tháng ngày gian khổ chiến đấu với kẻ thù, với đói khát, bệnh tật lúc nào cũng nặng sâu bóng mẹ già, trong tim lúc nào cũng ấm lời mẹ dặn...

Hoa em, ẩn mình trong bụi điền thanh trên cánh đồng chết chóc của chiến tranh - nơi mà cái chết có thể đến với anh bất cứ lúc nào, anh viết vội những dòng này cho em. Anh đã và sẽ vẫn giữ - giữ mãi mãi trong cuộc đời này những ấn tượng tốt đẹp nhất về em. Từ mặt trận đang ầm vang tiếng súng, anh gửi đến em những lời cầu chúc tốt đẹp nhất - lời cầu chúc về mùa xuân và lời cầu chúc cho hạnh phúc của em.

Anh đón ngày sinh nhật của mình, đón chào năm mới với trái tim của một người lính và niềm tin trước ngưỡng cửa của chiến thắng cuối cùng.

Nhớ viết cho anh.

Sẽ sớm gặp lại







Đêm ấy, trong căn hầm chìm tránh pháo dưới gốc một bụi tre đực ngay mép sông Thu Bồn, tôi cẩn thận gói ghém bản thảo, thư từ nhờ anh Hy chuyển tới người của Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy được lệnh sáng mai theo đường giao liên trở ra Hà Nội. Thật bất ngờ, lúc tạt qua lấy thư anh Hy đưa tôi lon sữa, bao thuốc lá Ruby quân tiếp vụ và mấy gói cà phê bột. "Hạnh sinh nhật vui vẻ nhé!" - Anh nói rồi vội vã đi ngay. Ngoài trời, thôn xóm sáng trưng dưới ánh đèn dù và tiếng nổ cầm canh của đạn pháo từ các căn cứ lính Mỹ bắn tới. Đêm đó, các anh ở Ban chính trị Quận đội quận 2 mừng sinh nhật cùng tôi trong thơm lừng khói thuốc và mùi cà phê gợi nhớ hương vị Hà Nội. Thật ý nghĩa, buổi phát thanh Quân đội Nhân dân của Đài Tiếng nói Việt Nam 9 giờ đêm hôm ấy lại trang trọng đọc tiếp loạt bài tôi viết về tiểu đoàn 3 anh hùng trong cuộc phá vây, phản kích đập tan cuộc bình định cấp tốc của 7.000 quân Mỹ, ngụy và chư hầu ở huyện Điện Bàn - mảnh đất mà chúng tôi đang đứng chân. Đêm ấy chỉ có tiếng pháo bắn cầm canh. Đó là một trong những đêm yên tĩnh hiếm hoi ở chiến trường. Nhưng tôi không sao chợp mắt. Suốt một ngày cặm cụi hoàn thành bản thảo, viết thư về gia đình, viết thư cho người yêu rồi điên tiết không gửi, tôi bị xao động mạnh. Thời gian lạnh lùng chụp chiếc mũ mầu tím lên những kỷ niệm trước sự nuối tiếc của con người trong vô vọng của muộn mằn. Đúng ngày này năm trước - 1/1/1968, tôi đón sinh nhật lần thứ 25 của mình ở Hải Phòng giữa những ngày giặc Mỹ dội bóm, đánh phá thành phố cảng ác liệt nhất. Phân xã VNTTX Hải Phòng lúc đó đóng ở Bảo tàng Hải Phòng, ngay mặt đường Điện Biên Phủ, một trong những con đường chính của thành phố đêm đêm rầm rập những đoàn xe kéo pháo, kéo tên lửa di chuyển trận địa hành quân qua. Đêm tận cùng của năm cũ, đang cặm cụi viết bài ngay cạnh cửa sổ phòng làm việc của phân xã, tôi chợt nghe hình như có tiếng gọi tên mình. Bước ra sân, tôi giật mình thấy ngoài đường một thiếu nữ dáng người rất thanh tú đang rướn lên bám tay vào hàng rào sắt nhà bảo tàng gọi tên tôi. Thì ra đấy là Thùy Linh, bạn học sau tôi một lớp, hoa khôi của Hải Dương ngày ấy. Linh nói có việc xuống Hải Phòng, tối nay trên đường về Hải Dương, tới đúng cửa phân xã thì xe bị dồn ứ vì tắc đường nên nhảy xuống gọi thăm tôi. Tôi nói Linh ở lại chơi, tôi lo xe cho Linh về Hải Dương sau. Linh ngần ngừ một lúc rồi rồi chạy lại nói với người phụ nữ đang chờ trong chiếc xe con ở vệ đường:

- Chị về trước, em có việc ở lại về sau!

- Linh, một tuần nữa cưới, áo dài chưa may còn ở lại làm gì?

Nghe vậy, tôi ngã ngửa người, vội giục Linh theo xe về luôn nhưng Linh đã quyết ở lại. Thì ra Linh muốn gặp tôi lần cuối trước khi bước sang con đường khác. Sáng 1/1/1968, ngày sinh nhật của mình, tôi đưa Linh đi mua vải (sau mới biết là vải may áo cưới) rồi cuối giờ chiều đưa Linh ra tầu về Hải Dương. Ngày đầu năm mới ngừng bắn, đường phố đông vui, nhộn nhịp khác gì những ngày thanh bình Mỹ chưa dội bom, bắn phá miền Bắc. Những bản nhạc cổ điển, trữ tình trong chương trình âm nhạc nước ngoài của Đài Tiếng nói Việt Nam vang từ loa phát thanh công cộng trên đường phố. Những nét nhạc réo rắt, nhảy múa như những tia nắng. Buổi chiều cuối đông khô hanh và hửng nắng ấy khắc sâu trong tâm trí tôi. Tôi khoác tay Linh dạo trên những đường phố nườm nượp dòng người xuôi ngược. Lá của những cây bàng cổ kính, cây me già, cây phượng vĩ trút xuống như mưa vàng hoe các ngả đường. Trên sân ga, phút chia tay đột nhiên Linh khóc, mắt đỏ hoe: “Sao Hạnh tàn nhẫn thế, Hạnh thật không hiểu vì sao Linh ở lại, không hiểu Linh nghĩ gì à? Trên đời này chẳng có cái gì muộn và cũng chẳng có cái gì sớm cả. Những thước gấm Linh vừa mua để may áo cưới cũng có thể chỉ may vỏ lót chiếc áo bông bình thường, tuỳ Hạnh. Linh có thể là người phụ nữ rất ngoan nhưng có thể cũng sẽ rất hư?”. Rồi còi tầu vang lên. Chiều như sụp xuống sân ga, và tôi có cảm giác một cái gì quý giá đến vô ngần lại đã ra đi. Tôi lặng người trên sân ga, dõi theo đoàn tầu xa dần. Tiễn đưa Linh mà tôi có cảm giác như tiễn đưa tuổi trẻ của mình…

“Tình yêu như chiếc cốc vỡ tan / Mỗi mảnh nhỏ nhoi đau lòng cô gái”. Và tôi thiếp đi trong chợt hiện của những câu thơ tình rất hay từ thời sinh viên tôi thích:

“… Trong tình yêu có cả bùn lầy và tuyết trắng

Vì phải sống bên nhau suốt cả cuộc đời

Tình yêu là một bài ca tuyệt diệu

Mà một bài ca đâu phải dễ làm… ”

Tôi nghe trong đó tiếng thở dài và cả lời trách cứ của cuộc đời.

Nhưng dẫu sao cũng biết ơn những giây phút thanh bình hiếm hoi mà đấng tối cao đã dành cho tôi trong sinh nhật đầu tiên trên chiến trường. Chỉ sớm mai thôi, gương mặt gớm ghiếc của chiến tranh với chết chóc đã lại chực chờ tôi ./.

Trần Mai Hạnh


6 nhận xét:

  1. Theo chân anh NHP vào thăm bác Vũ Nho, kính chúc bá sức khỏe và thường an. HN xin dìa!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Hồng Ngọc đã ghé trang và để lại nhận xét.
      Chủ trang cũng chúc bạn an lành, hạnh phúc!

      Xóa
  2. Tôi đã đọc '' một phần NHẬT KÝ CHIẾN TRƯỜNG '' của Trần Mai Hạnh trong tâm trạng xúc động mạnh. với những giọt nước mắt không thể lăn ra ngoài. Một thời chiến tranh, cảnh đi sơ tán, cảnh cả trường tự động bỏ học để đi tiễn bạn lên đường nhập ngũ, cho dù thầy hiệu trưởng kêu gọi quay lại học cũng không học sinh nào chịu nghe lời...Rất rất nhiều ký ức THỜI ẤY không thể quên. Cám ơn nhà báo - nhà văn Trần Mai Hạnh, cám ơn trang chủ VN rất nhiều

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn đã có nhận xét chân tình, thẳng thắn!
      Bài này do nhà thơ Bùi Kim Anh, vợ của nhà báo Trần Mai Hạnh gửi cho chủ trang.

      Xóa
  3. cảm ơn bác Vú Nho nhiều
    mong trang của bác lắm điều hay hay

    Trả lờiXóa
  4. Cám ơn BKA đã ghé thăm và để lại nhận xét!

    Trả lờiXóa