Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013



HAI QUẢ HỒNG
   
Hai tay cầm hai quả hồng
Quả chát phần chồng, quả ngọt phần trai
Đêm nằm vuốt bụng thở dài
Thương chồng thì ít, thương trai thì nhiều
Lời bình của Vũ Nho

NGƯỜI GÌ MÀ QUÁI LẠ NHƯ VẬY? CA DAO ĐÃ TỪNG NÓI ĐẾN CHUYỆN CÓ VẺ LẠ LÙNG: "GIÓ SAO GIÓ MÁT SAU LƯNG. DẠ SAO DẠ NHỚ NGƯỜI DƯNG THẾ NÀY?”. HOẶC QÚA HƠN CHÚT NỮA: "LẤY CHỒNG CHẲNG BIẾT MẶT CHỒNG. ĐÊM NẰM TƠ TƯỞNG NGHĨ ÔNG LÁNG GIỀNG”.
Nhưng người đời rồi cũng chấp nhận. Còn người đàn bà này cư xử với chồng như thế thì không thể nào…thương được. Rành rành đây là cách ăn ở của một người và cũng là một loại người thiếu chính chuyên được đem ra chê bai, giễu cợt, làm gương cho khách hồng quần. Bao nhiêu năm nay, người viết vẫn yên tâm với cách hiểu như vậy. Nhưng gần đây ngẫm lại, chợt nhận thấy có lẽ hình như mình khắt khe và thiếu công bằng.
Người con gái này không yêu chồng, hoặc yêu chồng ít hơn yêu trai thì đã hẳn. Nhưng chúng ta đừng vội đem ngay luân lí đạo đức ra mà kết án cô, tội nghiệp. Trên đời này, người phụ nữ nào lại không muốn yêu thương chồng con. Nhưng chẳng may lấy phải người chồng mình chẳng bao giờ yêu mến thì làm sao mà yêu cho được? Cái thời của những câu ca dao là cái thời cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy thì những chuyện trái duyên không phải là hiếm hoi. Có bao nhiêu cảnh cọc cạch chồng thấp vợ cao. Như đôi đũa lệch  so sao cho bằng. Có bao nhiêu trường hợp chồng chỉ là một "ông lão móm” cô gái lấy cho qua lần thì thôi. Hay đây nữa một anh chồng:
        Chồng em vừa xấu vừa đen
Vừa kém con mắt vừa hèn chân đi
Chồng em rỗ sứt rỗ sì
Chân đi chữ bát mắt thì ngưỡng thiên
Người chồng bị ép gả như thế, làm sao cô gái có thể yêu cho được? Ông chồng, đó chỉ là người được ràng buộc vào cuộc đời người con gái bằng tập tục, lễ giáo mà thôi. Chồng của cô gái này chắc cũng là một người như thế. Còn người được gọi là trai kia đối lập với ông chồng ấy là ai? Dĩ nhiên, đó là người không lấy được cô, là người không được thừa nhận trên giấy tờ là chồng. Nhưng có thể anh chính là người bạn biết nhau từ thuở buông thừng. Chính anh là người trai làng mà cô đã hò hẹn, thề nguyền. Chỉ vì tại bác mẹ, tại mối manh, tại bao nhiêu trắc trở mà cô đã không lấy được anh. Nhưng tình xưa vẫn còn nguyên đó. Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng. Làm sao có thể ngăn được lòng cô vẫn hướng về anh? So ra, người bạn của cô còn quyết liệt hơn cô nhiều:

    Ví dù thầy mẹ có đan rọ thả trôi
    Thả trôi thì thả, lòng tôi vẫn thương chàng
Cô không dám cưỡng lại tập tục. Cô đi lấy người chồng mà mình không yêu. Vậy nên cô mới cư xử với trai hậu hơn với chồng, dành phần hơn cho cái người không phải là chồng về danh nghĩa pháp lí nhưng là người chồng trong tình cảm, trong tâm trí của cô.
Một điều đáng nói ở đây là đức hi sinh của cô gái này và sự nhân hậu vốn như là bản tính tự nhiên trong tấm lòng phụ nữ. Anh chồng, cô không yêu, nhưng cô vẫn dành cho anh ta một trái, dù là trái hồng chát. Và dù cô không yêu, nhưng cô vẫn dành cho anh ta một phần tình thương chứ không phải tuyệt đối không có một mảy may tình cảm. Duy chỉ có bản thân mình thì cô chẳng dành cho mình một chút gì hết. Hai quả hồng, cô đem cho cả hai. Tình thương cô cũng dành cho hai người tất cả. Cô chẳng giữ lại một chút gì cho mình. Cô chẳng hề nghĩ về mình. Mặc dù hoàn cảnh của cô, chắc chắn là hết sức đáng ái ngại, đáng thương. Cô đáng được cảm thông và đánh giá bằng cái nhìn độ lượng.
Hà Nội, tháng 4.1989


10 nhận xét:

  1. Hai tay cầm hai quả hồng
    Qủa ngọt phần chồng, quả chát...không phần trai
    Đêm nằm vuốt bụng thở dài
    Thương chồng thì ít, thương trai thì nhiều
    Đó là tâm trạng, lòng nhân hậu của những người phụ nữ ngày này gặp phải cảnh éo le
    Cám ơn trang chủ đã thấu hiểu, cảm thông cho những người phụ nữ mà cuộc sống có nhiều oan trái

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn đã ghé quán và đồng cảm với tác giả VN!

      Xóa
  2. Chồng ở đây chỉ là một người đàn ông đã tham gia vào mối quan hệ hôn nhân với cô gái,"Người chồng bị ép gả" đúng như bác Vũ Nho nói, chứ không phải là người chồng như: "Chồng em áo rách em thương...". Trai ở đây không phải là trai gái mà là người yêu, người tình của em; chàng trai mà em: "Ước gì sông rộng một gang/Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi" và cũng đúng như bác Vũ Nho nói: "tại bao nhiêu trắc trở mà cô đã không lấy được anh"!

    Nhưng bác Vũ Nho bảo:"Hai quả hồng, cô đem cho cả hai. Tình thương cô cũng dành cho hai người tất cả.Cô chẳng giữ lại một chút gì cho mình".Thì, tôi thấy chưa thỏa đáng, vì xin thưa bác, hai quả hồng ấy, một chát một ngọt đấy! Mà nếu quả hồng chát kia lại "chát xin xít như đít bà già" thì anh chồng kia nuốt sao nổi cái tình thương mà cô vợ phần cho anh ta!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn NGƯỜI GIẢN DỊ đã ghé quán và chia sẻ, tranh luận. Tôi chỉ thấy cô ấy đem cho cả hai, không giữ lại cho mình. Cái quả hồng chát kia, người về pháp lí được gọi là CHỒNG ấy có "xài " được không thì tôi chưa nói tới. Nhưng xét cho cùng, còn có một trái hồng chát vẫn hơn là không có gì, và tất nhiên hơn là một trái...lựu đạn!
      Lần đầu tiên tôi nghe lời ví " Chát xít như đít bà già". Quả là ví von độc đáo kiểu "Sát thủ đầu mưng mủ". Tôi không muốn và không thể thuyết phục bạn đổi ý. Chúc bạn vui!

      Xóa
  3. M đọc xong những lời bình của anh Vũ Nho rồi! Hôm nay có tâm sự gì mà lại đi luận những vần thơ dân gian ấy! Mà kể cũng lạ, cuộc đời đầy dẫy những tình huống, mỗi tình huống đều có những nỗi niềm sâu xa của riêng nó, nó xúc tích lại thành những vần thơ lâu dần đi vào lòng người, nghe qua thì kẻ trách, người chê, kẻ ngậm ngùi.. dù sao đi nữa ta đứng ngoài nhìn và luận thế, chứ nếu nói cho công bằng thì cũng khó mà luận cho hết sự đời phải không hở anh Vũ Nho?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn chị Mai đã ghé quán và để lại nhận xét.
      Chả có tâm sự gì đâu. Bài này viết đã lâu. Chẳng qua vì thấy bài ca dao có "vấn đề" thì đem bình thôi. Tôi nhớ nhân ngày 8/3 ở cơ quan khi nói đến bài ca dao ấy, tôi đùa rằng: Phụ nữ ngày xưa "thật thà" như cô gái có hai quả hồng này. Nếu phụ nữa thời nay, họ xử sự khác:
      Hai tay cầm hai quả hồng
      Vừa để phần chồng, vừa để phần trai
      Quả chát, quả ngọt em đều chia hai
      Mỗi anh một nửa, chẳng ai...phàn nàn
      Chị em cười vang và bảo...anh này đến là TẾU...

      Xóa
    2. Là một người rất nhân hậu mới viết ra được những dòng này
      Cảm ơn bác Vũ Nho

      Xóa
    3. Cám ơn bác Bu đã ghé quán, đọc và chia sẻ!

      Xóa
  4. Là một giáo viên dạy Văn tôi đã từng cho các em học sinh bình về bài ca dao này. Đã có những em có cách hiểu, cách cảm đáng trân trọng, có em phát hiện có ý giống bác Nho. Xin cảm ơn Bác Nho.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cô giáo này nói chung chung không ạ. Không thuyết phục nhé Cô

      Xóa