Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

TRI ÂM



                                                                 


                                                                      Nhà văn Vũ Công Hoan

 TRI ÂM

                                                                                                    Dư Hiển Bân

                                                                                               Vũ Công Hoan dịch

          Mưa tuyết cực lớn. Đêm hết sức yên tĩnh. Đằng sau nhà ông tự dưng bốc cháy, trong phút chốc, ngọn lửa đã liếm cả ngôi nhà tranh. Ông chạy ra, mang theo một cái nhị.
          Ông không quay đầu, mà có nhìn lại cũng không thấy gì. Bởi vì ông mù hai mắt.Gió ùa đến,lạnh thấu xương. Ông dò từng bước trong gío. Cuối cùng ông biến thành một chấm đen, mất hút ở chân trời.
         
          Từ đó ông phiêu bạt nơi đất khách quê người.
         
          Đi theo ông là một cây nhị cũ kỹ. Ông đi hết thị trấn nhỏ này đến thôn bản khác, dọc đường chỉ có ông và cây nhị.Tiếng nhị réo rắt, vang lên ở những nơi ông đi qua.Tiếng nhị, nhỏ nhẹ mỏng manh như sợi tơ nhện.

          Đêm đến ông ngủ trong miếu dột, sau đống rơm,ông ngồi yên lặng, hai mắt đui mù không động đậy, nhìn vào cõi hư vô. Ngón tay ông run rẩy. Ánh trăng màu nước rót trên dây nhị, gợn lên vân sóng ngân nga vang xa.
         
          Những nơi đi qua, ông xin một chút cơm nguội, hoặc một hai cái bánh bao.
          Thông thường ông chỉ ăn một nửa, nửa còn lại ông để ở nơi ngủ, cạnh đống rơm, hoặc trong miếu dột. Hôm sau ra đi ông để tại chỗ.
         
          Mọi người ai cũng bảo,ông mù này nghèo, mà ăn uống cầu kỳ, thức ăn để cách đêm ông không ăn.
         
          Ông không bảo sao, chỉ lắc đầu thở dài. Khi ăn xin, ông vẫn xin thêm, đem về chỗ ngủ. Thức ăn còn lại, ông để tại chỗ. Có khi xin được ít, ông không ăn, cứ để nguyên một chỗ.
         
          Hôm nay trời mưa tuyết, đầu choáng mắt hoa, ông ngả người nằm xuống, Khi thức dậy,tiếng một cô bé cất lên dòn tan:
          - Tỉnh lại rồi, cuối cùng ông đã tỉnh lại rồi.
         
          Ông gật gật đầu, từ từ ngồi dạy, rất xúc động, không có thứ gì cảm ơn, ông cầm cây nhị, nhắm mắt, ngón tay run run, khúc nhạc vang lên ngọt ngào lay động.

         
          Khúc nhạc chấm dứt. Tất cả trở lại yên tĩnh.
          Lâu lắm, cô bé chợt bừng tỉnh, khen ông
          - Ông kéo nhị hay quá, cháu sẽ đi nói với sư phụ, ông đi theo gánh xiếc của chúng cháu được không?
         
          Nói xong, y như một cơn gió, cô bé chạy như bay như biến.
         
          Một lúc sau cô quay lại, ngồi cạnh ông.
          Ông cười hỏi:
-         Không nhận phaỉ không? Phải, một gánh xiếc cần gì kẻ kéo nhị cà tèng?
Cô bé nói:
-         Ông đừng sốt ruột, để cháu lại cầu khẩn sư nương xem.

          Ông cười. Sau khi cô bé đi, ông cũng lặng lẽ đi, cứ từng bước từng bước, lang thang đến nơi xa. Tiếng nhị như nước chảy bám theo ông. Thời gian cũng trôi đi trong tiếng nhị.
Trong lang thang xin ăn, ông cũng già dần đi.

          Hôm ấy trong một ngôi miếu dột, ông sờ thấy một người nằm tại chỗ đang thoi thóp. Rõ ràng là đói lả. Ông vội lấy chiếc bánh bao xin được bón vào mồm người đó. Ăn hai chiếc bánh bao nguội, người ấy đã có tinh khí thần và ngồi dậy.Đêm ấy không có ai khác, chỉ có hai người. Ông ngồi trước bàn thờ, khẽ lưa ngón tay, những giọt âm thanh vang lên,lóe sáng. Sau đó tiếng nhị du dương réo rắt trong đêm yên tĩnh, lúc như làn hoa thơm phả vào lòng người, khi như cơn gió thoảng,nhởn nhơ bay như tơ lụa.
Người ấy lặng lặng nghe, nghe xong, giọng khản đặc than một tiếng dài:
-         Có phải “Tiếng chim đêm trăng” không nhỉ? Thật là nhất tuyệt dân gian!
Ông cười chớp chớp hai mắt mù lòa, để cả áo nằm xuống, giục:
-         Ngủ đi!Ngày mai còn phải đi xin ăn.
Người ấy cũng nằm xuống.

          Sau đó, ông kéo nhị, kiếm chút tiền nuôi hai người. Bời vì người ấy cũng mù lòa. Đêm đến ngồi trong miếu dột, ông kéo nhị, người ấy nghe. Trong bôn ba, từng ngày từng ngày, ông đi đến tận cùng của số phận. Hôm ấy ông nôn ra mấy bãi máu, tựa vào bên đống rơm, ông nói với người ấy, chẳng phải anh muốn nghe bài “Tùng phong lưu thủy”? Hôm nay tôi kéo cho anh nghe.
-         Sao ông biết? Người ấy ngạc nhiên hỏi.
          - Cậu là kẻ mù lòa, ngón trỏ tay phải cậu có vết dây do kéo nhị, trên đời này chỉ có hai người có thể thưởng thức nhị của ta,một là một cô bé, còn một là đệ tử của ta.
Ông nói nét mặt có phần dịu ngọt.
-         Ôi Sư phụ!
Người ấy quì sụp xuống, giọng không còn khản đặc nữa, mà nức lên.
Ông gật đầu,tủm tỉm cười:
          -Đã nhiều lần cậu xin ta bản nhạc “Tùng phong lưu thủy”,lại còn len lén đốt căn nhà tranh của ta, chẳng phải định ép ta đem bản nhạc chạy trốn để cậu lấy trộm giữa đường phải không? Ôi, Bản nhạc hay nhất thế gian không ở trên giấy mà ở trong lòng.Mấy năm nay cậu bám theo sau, ta biết, không nói toạc ra, muốn để cậu đi theo chịu khổ,một thời gian dài cậu sẽ lĩnh hội lời ta ngày nào.
          Người ấy nức nở hỏi:
- Cơm rau sư phụ để lại, cũng là để giành phần em phaỉ không? .
 Nét mặt ông vẫn thản nhiên:
- Da mặt cậu mỏng, không chịu xin ăn sẽ chết đói.
         
          Nói xong tiếng nhị lại cất lên. Ban đầu vo ve như tiếng muỗi, tiếp theo như nước chảy, cuối cùng như cả một cánh đồng rực rỡ nắng xuân.
Tiếng nhạc mỗi lúc một chìm đi, chìm xuống đất và mất hẳn.
Cái nhị rơi. Ông cũng đổ.
-         Sư phụ biết là em, sao sư phụ không hận em? Người ấy gào khóc.
-         Cậu là đệ tử của ta.  Tri -  âm của ta.
Ông nói, mỉm cười rồi tắt thở.

          Người ấy quì xuống, cung kính khấu đầu. Sau đó cầm cây nhị. Giữa đêm trăng, sáng, tiếng nhị như nước, lấp la lấp loáng,tỏa khắp cánh đồng.
                                           
                                              Vũ Công Hoan dịch ngày 9 tháng 1 năm 2013
                                           
                                           (Theo Vi hình tiểu thuyết Trung Quốc năm 2010)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét