Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

LỌ HOA XANH CỦA GIÁO SƯ



                                      



LỌ HOA XANH CỦA GIÁO SƯ

                                                                                            Trâu Hỏa Diệm

                                                                                          Vũ Công Hoan dịch

          Trước khi giảng bài, giáo sư đến lớp học, nhờ các em học sinh giúp ông bưng bê một số lọ hoa xanh trong nhà ông đến lớp học, ông bảo chờ lát nữa giảng bài sẽ dùng đến những lọ hoa xanh này. Giáo sư nói:
-         Em nào vui lòng giúp thầy chuyển lọ hoa hãy giơ tay!
         
          Kết quả hơn năm mươi học sinh cả lớp đều đồng loạt ầm ầm giơ tay. Giáo sư chọn mười mấy sinh viên tương đối bạo dạn theo giáo sư về nhà.
         
          Trong tủ cất giữ của gia đình giáo sư bày hơn mười lọ hoa xanh xinh đẹp. Một sinh viên hỏi:
          - Thưa giáo sư những lọ hoa này rất quí hiếm, mà lại dễ vỡ, nếu khi chuyển chúng em lỡ tay rơi vỡ liệu có phải đền không?
          Giáo sư đáp:
          - Đừng thấy màu sắc của những lọ sứ này đẹp mắt, thực ra không có giá trị lắm, chỉ hơn năm mươi đồng là mua được một cái. Các em cứ cố gắng, ngộ có đánh vỡ các em cũng có thể bồi thường được, sợ gì!
         
          Nghe nói thế các em hỉ hả vui cười, mỗi em bê một lọ đi đến lớp học, xếp gọn gàng ngay ngắn trên bàn cạnh bục giảng.
         
          Bắt đầu vào học. Giáo sư nói:
          - Các em ạ, các em biết mỗi lọ hoa các em vừa bê đến đáng giá bao nhiêu không?
          Có sinh viên đáp:
-         Vừa nãy thầy đã nói mỗi lọ hơn năm mươi đồng.
Giáo sư cười bảo:
          - Đấy là thầy nói dối các em, lọ sứ hoa xanh loại này, giá thị trường trong nước, mỗi cái hơn hai vạn đồng.
          - Chà...
         
          Các sinh viên trợn tròn mắt, những em lúc nãy ôm bê lọ hoa giật mình đánh thót, bởi vì các em cứ tưởng lọ sứ không đáng giá, suýt nữa đánh rơi vỡ dọc đường.
         
          Bỗng máy điện thoại di động của giáo sư đổ chuông. Giáo sư bấm phím, sinh viên cả lớp đều nghe thấy cuộc đối thoại giữa giáo sư và phu nhân giáo sư. Bà bảo ông ngay lập tức đưa các lọ hoa về nhà. Thật ra khâu này đã được giáo sư thiết kế từ trước.
          Giáo sư nói:
           - Các em , các em đã nghe rõ rồi chứ. Bà xã nhà tôi bảo tôi chuyển ngay các lọ hoa về nhà. Xem ra vẫn phải nhờ các em giúp thầy một tay.


          Ngừng một lát, giáo sư nhìn cả lớp một lượt rồi hỏi:
-         Em nào tình nguyện giúp thầy bê lọ hoa về xin giơ tay.

Cả lớp im phăng phắc, không một sinh viên nào giơ tay.
Giáo sư hỏi:
-         Thế nào không có em nào muốn giúp thầy chuyển về ư? Tại sao?
Một sinh viên trả lời:
-         Thưa thầy không dám, sợ vỡ.
-         Vậy vừa nãy sao các em dám bê?- Giáo sư cười hỏi.
          - Đó là vì chúng em không biết giá trị của nó. Bởi vì chúng em cho rằng, dù có bị rơi vỡ cũng có thể đền nổi...

Giáo sư thôi cười, cầm phấn viết lên bảng một hàng chữ:
          - Kẻ không biết không sợ. Tâm thái rất quan trọng, nó thường có thể quyết định thắng bại.
         
          Các sinh viên nhao nhao gật đầu...
         
          Bài giảng hôm nay rất thành công.
         
          Khi tan học, giáo sư cầm một lọ hoa sứ xanh đập mạnh xuống đất, sau đó nhặt lên một mảnh vụn giáo sư nói:
          - Kỳ thực, những lọ sứ này là hàng thứ phẩm thầy mua về, năm mươi đồng cũng không đáng.
         
          Các học trò cười ha ha. Giáo sư cũng cười hỏi:
-         Có em nào bằng lòng giúp thầy chuyển lọ sứ về nhà không?

Sinh viên cả lớp đều nhao nhao giơ tay.

                                               Vũ Công Hoan dịch ngày 27 tháng 3 năm 2013

                                                (Theo Tiểu tiểu thuyết Trung Quốc năm 2011)





8 nhận xét:

  1. Đúng là thâm như Tàu.

    Nhưng biết mà vẫn không sợ có quyết đinh được thắng bại không.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đồng ý với nhận xét của bác Bu : Truyện của Trung Quốc thường thâm thúy!
      Thường người hiểu biết thì hay sợ sệt, còn người không hiểu biết, hoặc biết ít lại KHÔNG SỢ gì!

      Xóa
  2. Câu chuyện trên đây cho ta biết điều gì, ngoài cái thâm thúy của người Tàu, nó còn nói lên cái "gánh nặng tâm lý" của con người khi làm một việc gì. Kiểu như trong bóng đá, đá mà bị áp lực phải dành chiến thắng, nhiều khi làm cho cầu thủ "cúm cẳng" như "gà mắc tóc", ngược lại không bị áp lực tâm lý, thoải mái lại đá rất hay.

    Biết ít thường không sợ, hihi, ông bà ta nói "điếc không sợ súng".

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Hiệp bình luận chí lí!
      Khi nghe giá rẻ, ai cũng sẵn sàng mang. Vẫn con người ấy, lọ hoa ấy, nhưng nghe giá cao 2 vạn, không một ai dám.
      Tâm lí không sợ và sợ khác hẳn nhau. Giáo sư trong truyện đã cho học sinh của mình trải nghiệm trực tiếp.

      Xóa
  3. Trả lời
    1. Tôi nghĩ rằng nhà văn Việt Nam nên học nhà văn Trung Quốc về ý nghĩa thâm thúy của câu chuyện. Về nhiều phương diện, cần phải học Trung Quốc, nhưng cách học là một vấn đề quan trọng. Ngày xưa các cụ nhà mình viết chữ Hán và chữ Nôm cũng dùng thứ mực "thâm đen" đó thôi!

      Xóa
    2. Anh Vũ Nho đã vào xem bài "Luận về cái tên TTM" của M rồi, nên anh chắc cũng đã biết M có một nửa là mực Tàu đó anh, nửa còn lại kia thì còn nghi ngờ, vì mẹ M mang họ Trương.
      Từ bé cha đã dạy cho M đọc Tam Tự Kinh đó anh. Nhưng bây giờ thì M tiếc nuối cho những cái đã mất đi của người Trung Quốc! Không như người Đài Loan họ còn giữ chữ phồn thể còn thế hệ mới từ 7x, 8x.. sau này của người TQ, đại bộ phận không đọc được văn tự cổ đó anh.

      Xóa
    3. Cám ơn chị Mai!
      Về văn chương, chúng ta chỉ nói chuyện văn chương. Chuyện chính trị dành cho những người làm chính trị. Với tôi, bất kì điều gì hay của dân tộc nào, nước nào trên thế giới đều cần trân trọng và học tập!
      Biết chữ Hán, tiếng Hán như bất kì một ngoại ngữ nào, đều mở cho ta một chân trời!

      Xóa