HỒ THỦY GIANG - CÂY TRUYỆN NGẮN
Vũ Nho
Ở
mảnh đất Thái Nguyên mà tôi một thời gắn bó, từ trước đến tận bây giờ, những
cây bút gạo cội có thể kể là nhà giáo, nhà văn Vi Hồng, nhà thơ Ma Trường
Nguyên, nhà văn Hà Đức Toàn và cây truyện ngắn Hồ Thủy Giang. Hồ Thủy Giang xuất
hiện sớm, được giải cao trong khi những cây bút khác cùng lứa như Trịnh Thanh
Sơn, Hoàng Minh Tường, Võ Nhu, Chu Hồng Hải, sau này là Nguyễn Đức Thiện…mới
lác đác có vài truyện ngắn in trên tờ Văn Nghệ Việt Bắc, tờ tạp chí của Khu tự
trị gồm sáu tỉnh Cao Bắc Lạng Hà Tuyên Thái.
Nếu
ai hay theo dõi các giải thưởng thì sẽ có một sự kinh ngạc khác : Hồ Thủy Giang
là người luôn luôn có duyên với giải thưởng. Hầu như “tuần chay” giải thưởng nào anh cũng có “nước mắt”. Mà lại nhiều giải
cao. Công bố 27 tác phẩm gồm truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, kịch bản
phim truyền hình, thơ, bình thơ trong đó có
12 tập truyện ngắn, Hồ Thủy Giang ẵm tất cả 20 giải thưởng của Báo Văn
Nghệ, Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, Báo Tuổi trẻ, Hội nhà văn thành phố Hồ Chí
Minh, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội văn
học nghệ thuật Việt Nam…Truyện ngắn của anh được làm luận văn thạc sĩ, được chọn
vào sách giáo khoa tiểu học, sách giáo khoa văn học địa phương…
Tôi
ấn tượng mãi khi cùng Hoàng Minh Tường đến Cát Nê để thăm nhà văn Hà Đức Toàn.
Lúc đó anh Toàn cần phải mượn thêm một xe đạp nữa cho hai văn sĩ từ Hà Nội lên.
Anh nói chuyện với bà cụ chủ nhà và giới thiệu Hoàng Minh Tường với tôi là “nhà
văn” từ Hà Nội muốn đi thực tế Cát Nê. Bà cụ chủ nhà mau mắn nói: “- À, tôi biết
rồi, các ông đây là nhà văn như ông Hồ Thủy Giang chứ gì!”.
Nổi
tiếng sớm và vang danh ở đất Thái Nguyên như thế, nhưng Hồ Thủy Giang lại vào Hội
nhà Văn Việt Nam khí hơi muộn so với bạn bè cùng lứa. Có lẽ cũng là một bí ẩn số
phận văn chương chi đó chăng. Cũng giống như chuyện anh là cây truyện ngắn Thái
Nguyên, nhưng nhiều khi lại bị khuất lấp sau cái anh làm thơ tay ngang, hay viết
kịch bản phim truyền hình, thậm chí là tay bình thơ tài tử của chính mình…
Tập
truyện ngắn thứ 12 của Hồ Thủy Giang có cái tên rất “hiện thực” – Không
phải là ảo ảnh. Nghe có vẻ như muốn đối thoại, tranh luận với bạn đọc.
Mà lại cũng có vẻ như tác giả muốn tranh cãi với chính mình, thay đổi cách nhìn
hiện thực của mình. Bởi năm 1997, tác giả in tập truyện ngắn có nhan đề “ Ảo ảnh”.
Thú
thật, tôi là người đọc Hồ Thủy Giang rất sớm vì cùng trang lứa, cùng được giải truyện ngắn của Tạp chí Văn Nghệ Việt Bắc. Vẫn
nhớ mãi những truyện được giải của anh như “ Cô bánh xích”, “Những trang bản thảo”,
“ Bông hoa cô đơn”, cả những truyện bình
thường không có giải như “Ông Lừng Vang”,
“Có một cô gái trong đời”, “ Lúc ấy biển
hoàng hôn”…
Với
tập truyện mới “ KHÔNG PHẢI LÀ ẢO ẢNH”-
Nhà xuất bản văn học năm 2013, gồm 38 truyện ngắn, Hồ Thủy Giang chứng tỏ một
sức bút mạnh mẽ, một tình yêu mãnh liệt, bền bỉ với thể loại mà anh thành danh
đầu tiên.
Ba
mươi tám truyện, từ chuyện trẻ con ( Kim)
đến chuyện người lớn ( Lão
căn ke); từ chuyện anh ăn cắp vặt đến chuyện của đại gia (Tên
trộm, Nửa giờ với một tỉ phú); từ chuyện văn sĩ ( Quyền được nói to) họa sĩ
( Danh
họa) sang chuyện nhà thơ, chuyện nhạc sĩ ( Nhạc sĩ)…; từ chuyện
góc phố nghèo ( Người kéo xe ba gác), đến chốn ăn chơi ( Sàn nhảy); từ chuyện tòa
án ( Có
một phiên tòa), đến chuyện Chia
tài sản; từ chuyện Vàng, Báu vật, đến chuyện cái Đệm điện , chuyện Chiếc
nhẫn… Có cảm giác chỗ nào ở cái mảnh đất Thái Nguyên này, từ phố thị cho đến xóm núi mờ sương … ông nhà
văn cũng có mặt và nhặt ra chuyện . Đủ loại. Từ chuyện to đến chuyện nhỏ, chuyện buồn đến
chuyện vui, chuyện thương tâm đến chuyện bức xúc; chuyện ngành này, nghề nọ,...Nhặt
ra, đưa lên để cùng bạn đọc suy ngẫm về nhiều phương diện của thời cuộc, về lẽ
đời… Chẳng hạn, sao cái khoảng cách hơn một mét mà một trong hai người không thể
vượt để gặp nhau? ( Khoảng cách) Rồi cái giá của niềm tin ở cuộc đời này là bao
nhiêu? ( Giá của niềm tin). Ứng xử của chị em sau phiên tòa là thế nào?
( Có
một phiên tòa). Tỉ phú mà cũng
khổ. Nỗi thống khổ của tỉ phú là gì? ( Nửa giờ với một tỉ phú). Vì sao ông
ta lại không thể làm một người bình thường? (Một người không thể trở thành…người
bình thường). Báu vật của hai vợ chồng nhà nọ là gì? ( Báu vật)…Tác
giả sẽ cùng bạn đọc giải đáp các câu hỏi và cùng chiêm nghiệm.
Có
thể thấy rất rõ một điều. Trước đây Hồ
Thủy Giang say sưa với những nét đẹp của cuộc sống mới, nhiều điều lãng mạn,
nhiều điều tốt đẹp dù hiện thực đời sống không thiếu những khó khăn, gian khổ.
Giờ đây, anh điềm tĩnh hơn khi tiếp cận với hiện thực nhiều điều buồn, nhiều
chuyện đau lòng, nhiều thứ trớ trêu…Cái
giọng kể vui tươi, hóm hỉnh, tràn đầy niềm yêu đời, lạc quan giờ được thay bằng
giọng điềm đạm, kìm nén, ẩn chứa nhiều băn khoăn, day dứt.
Trước
đây truyện ngắn của Hồ Thủy Giang thường khá dài. Anh thích kể, thích tả, thích
trữ tình ngoại đề. Bây giờ, sau khi đã thành công với thử nghiệm truyện ngắn mi
ni ( Được giải thưởng, rồi in tập Tuần hoàn của đất, 2003), Hồ Thủy
Giang thích viết cô đọng. Mỗi truyện quân bình trên dưới 7 trang in. Có truyện
còn ngắn hơn như Khoảng cách, Đệm điện, Nhạc sĩ,
Danh họa, Sáu chữ, Vàng… Việc tiết chế này là một xu hướng tốt. Cứ xem
những truyện ngắn Trung Quốc qua bản dịch của nhà văn Vũ Công Hoan thì rõ. Các
nhà văn không tả cành tả cảnh mà thường bập ngay vào tình huống truyện, bỏ qua
tất cả các khâu dẫn dắt, làm quen. Nhịp điệu truyện bao giờ cũng nhanh, gấp
gáp. Bây giờ bạn đọc có quá nhiều thứ cần đọc và mời đọc. Họ không có nhiều thời
gian. Hồ Thủy Giang đã đi rất đúng hướng của truyện ngắn hiện đại: truyện ngắn
cần phải ngắn, càng ngắn càng tốt.
Có
thể nói Hồ Thủy Giang có duyên kể chuyện. Chuyện chẳng có gì, nhưng nhờ cái
duyên đó mà nhà văn giữ được người đọc, người nghe. Rồi dần dà cuốn hút họ vào
mạch truyện.
Ví
như truyện “ Đệm điện” trong tập truyện ngắn này. Cu Quân nói với ông nhà
thơ rằng ai nằm đệm điện thì cãi nhau và bỏ nhau. Ông nhà thơ kinh ngạc không
tin. Cu Quân lại rất tin tưởng, vì thấy bố mẹ thằng Hoàng bỏ nhau ; bố mẹ nó
thì cãi nhau và đã làm đơn li dị… Thế là người đọc phải theo đến hết để xem cái
đệm điện kia vì sao lại có tác dụng như thế. Cũng như vậy, người đọc không thể
không theo dõi đến cuối phiên tòa để xem kết quả tòa xử cho bên nguyên là Khuất
Thị Đanh và bên bị là cô Hoài Mơ bị tố cáo cướp chồng ra sao ( Có một
phiên tòa). Trường hợp “sáu chữ” là sáu chữ gì trong truyện ngắn “ Sáu
chữ” cũng thế. Phải thừa nhận là Hồ Thủy Giang kể chuyện có nghề, đáng
xếp vào hàng cao thủ.
Có
thể gặp nhiều “duyên kể” của Hồ Thủy Giang trong tập truyện này. Cái duyên ấy,
cái duyên thầm ấy như là nhan sắc trời cho ở người đàn bà. Có người mới ba chục
tuổi đã toan về già; có người thì ngoại năm mươi vẫn còn xuân sắc. Hồ Thủy
Giang giữ được cái duyên kể ấy thật bền qua mười một tập truyện ngắn đã in.
Cũng
cần phải nói rằng Hồ Thủy Giang không mấy thay đổi về bút pháp. Vẫn cách dựng
chuyện giản dị; vẫn sự quan sát tinh tế, chi tiết; vẫn lối kể có duyên thầm, Hồ
Thủy Giang ít dùng các thủ pháp lạ hóa, huyễn tưởng, huyền ảo … Có phải thế này
chăng, một khi đã đủ bản lĩnh tự tin vào vấn đề đặt ra, tự tin vào cách dựng
truyện, có lẽ cũng không cần phải mất công viện đến các thủ pháp khác lạ nữa?
Nói vậy, không có nghĩa là Hồ Thủy Giang không biết đến những thứ đó. Chẳng những
biết, mà anh dùng cũng thành thục chẳng kém ai trong các truyện : Trinh nữ, Đối thủ. Phải chăng chỉ là anh không thích mà thôi.
Truyện
ngắn là một thể loại khó. Không ít các
cây bút ẵm giải cao trong các cuộc thi rồi sau đó lặn một hơi, mất hút. Một số
nhà văn chỉ coi nó như là bước tập dượt để rồi khi đủ lực, sẽ toàn tâm thử sức với những truyện vừa và tiểu
thuyết. Một số người viết thì song song cả truyện ngắn với tiểu thuyết. Hồ Thủy
Giang có viết tiểu thuyết ( được in lại hẳn hoi) và nhiều thể loại khác. Nhưng
rút cuộc thì truyện ngắn mới là sở trường, mới là gia tài của anh. Gọi Hồ Thủy
Giang là cây truyện ngắn thiết nghĩ hoàn toàn xứng đáng với những đóng góp của một
nhà văn sống trên mảnh đất Thái Nguyên miệt mài lao động âm thầm, bền bỉ.
Hà Nội, tháng 8/2013
In trên báo Văn Nghệ của Hội nhà văn VN, số 38 tháng 9/2013
Đây là bản đầy đủ
Sao không kiếm chân dung của cây viết này đăng lên blog luôn ạ
Trả lờiXóaBác có ảnh chân dung bốn người chụp ở Nha Trang. Lại có ảnh bìa tập sách " Không phải là ảo ảnh" ( bìa này in trên báo Văn Nghệ), nhưng đưa lên mãi không được. Cứ gần hoàn tất thì nó lại trở về "vạch xuất phát". Bực mình đăng cái ảnh cô gái hoa sen. Nếu nhà mạng còn "chơi khăm" thì quyết đăng không ảnh. Nhưng hình như nhà mạng cũng thích thiếu nữ nên chấp nhận ngay. Thế đấy TNX ạ!
XóaLâu lắm bu không có dịp đọc truyện ngắn, đâm lạc hậu với thời cuộc. Lạ!! Nhắc đến truyện ngắn thì bu cứ bị mấy ông Tây ông Tàu ám ảnh…những Alphonse Daudet…Guyde Maupassant, rồi Puskin, Pautôpski, Sêkhôp, Aimatôp…Lỗ Tấn nhà văn Việtt bu khoái Thạch Lam, Tô Hoài (chỉ Dế Mèn thôi) sau này có Nguyễn Minh Châu, Nguyên Ngọc, Hoàng Phủ Ngọc Tường….Nghe bác giới thiệu cây chuyện ngắn Hồ Thủy Giang bu tui cứ như thầy tu cầm lược. Bác tìm chuyện nào xuất sắc của Cây truyện ngắn này giới thiệu cho chúng sanh thưởng thức được không ạ.
XóaMột dạo bu mê ông nhà văn người Áo (gốc Do Thái) Stefan zweig với truyện ngắn Bức thư người đàn bà không quen biết
XóaNhưng phục nhất nhớ lâu nhất vẫn là Aimatôp với: Gia mi lia, cây phong non trùm khăn đỏ, Người thầy đầu tiên, Vĩnh biệt Gun Xa rư ( phảng phất phiên chợ Giát của nguyễn Minh Châu)
-
Cám ơn bác Bu đã ghé và để lại nhận xét.
XóaQuả là có nhiều tài danh trong lĩnh vực truyện ngắn trên thế giới và ở Việt Nam. Mỗi người sẽ có những thần tượng riêng của mình.
Về nhà văn Hồ Thủy Giang, anh được nhiều giải thưởng cao của báo Văn Nghệ, Tạp chí Văn Nghệ quân đội, báo Tuổi trẻ... Tôi chỉ có các truyện ngắn của nhà xuất bản đã in. Sẽ liên hệ với tác giả để đưa lên vài truyện.
Bu tui đang chờ bác post lên đây...
XóaCám ơn bác Bu!
XóaTôi đã gửi email cho tác giả. Hi vọng sớm nhận được hồi âm!