Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

CÂY ĐÈN CỦA BỐ



                                                   


CÂY ĐÈN CỦA BỐ

                                                                                                             Trì Tử Kiến

                                                                                                         Vũ Công Hoan dịch

          Khi bố còn sống, năm nào tết đến, tôi cũng có một chiếc đèn.
         
         Đó không phải chiếc đèn tầm thường. Từ bãi tuyết ngoài cửa nhặt về một vỏ chai đồ hộp, sau đó đổ một gáo nước nóng vào chai. Độp một tiếng, đáy chai rơi  đồng đều, chiếc chụp đèn đã ra đời. Sau khi lấy bông bỏ lau sạch, bóng đèn sáng loáng. Đáy đèn làm bằng gỗ, có hoa văn. Đóng thấu một chiếc đinh trên đáy gỗ  để cố định nửa cây nến đỏ. Khi màn đêm buông xuống, châm sáng ngọn nến, khe khẽ hạ chụp đèn.  Xách chiếc đèn này, tôi cảm thấy vui sướng vô cùng.
         
          Cây đèn bố làm cho tôi thường phải bỏ nhiều công phu. Hãy nói đến cái chụp đèn, thông thường phải nhặt về năm sáu cái vỏ chai đồ hộp mới làm được một chiếc. Cho dù như thế,đêm ba mươi tết bố vẫn có thể khiến tôi xách một cây đèn đẹp lòng vừa ý. Đêm giao thừa không có ánh trăng, cây đèn này chính là mặt trăng. Tôi xách đèn, túi bỏ một bao diêm, đi hết nhà này sang nhà kia. Cứ đến mỗi nhà lại phù phù thổi tắt đèn nghe người ta khen vài câu chiếc đèn đẹp quá nhỉ, sau đó vui lòng thỏa ý châm cháy nến đi sang nhà khác. Mỗi khi về đến nhà, cây nến cháy chỉ còn một vũng dầu. Bấy giờ bố tôi sẽ tươi cười hỏi:
-         Chia sẻ hết ánh sáng rồi chứ?
          - Bỏ hết dọc đường rồi bố ạ! - Tôi đáp -  Ánh sáng nhất còn lại con vội xách về đây!
          - Vẫn còn nhớ đến nhà cơ đấy?- Bố góp vui rồi đến nhìn ngọn lửa đang cháy  ngùn ngụt nghiêng ngả trên dầu nến.

         
          Bố đã từng nói: Vui đón tết phải thắp sáng choang khắp trong ngoài nhà. Cho nên không chỉ có cây đèn trong tay tôi, mà ngoài sân cũng phải treo cao chiếc đèn đèn lồng đỏ, tua đèn phải dài dài, gió thổi bay soàn soạt. Chỗ thấp để đèn mờ, đặt trên cái đôn gỗ cửa ra vào. Mặc dù đèn đỏ treo cao hơn nóc nhà, hay đèn mờ đặt chỗ thấp  một cách an nhàn, đều phải làm cho con người cảm thấy ấm cúng. Song mặc dù chúng lôi cuốn hấp dẫn đến mấy, nhưng không đẹp bằng cây đèn bố cho tôi, Bởi vì có tết sẽ cảm nhận cuộc sống có hy vọng. Bởi vì có bố, ăn tết sẽ trở nên say sưa có khí thế. Mà nếu có cây đèn của bố cho thì càng yêu kiều mê hồn.
           
          Tôi lớn khôn theo từng năm tháng. Về sau bố không làm đèn cho tôi nữa.Tôi  đã không còn là cậu bé xách đèn lăng quăng chạy khắp chốn. Tôi bắt đầu muốn tâm sự dưới ngọn đèn. Nhưng cứ mỗi lần đến đêm ba mươi tết, trong sân nhà mình vẫn treo đèn lồng đỏ trên cao và bày đèn mờ ở chỗ thấp.
          Nhưng bố chưa đi đến tuổi già đã qua đời. Năm bố qua đời chúng tôi không đốt đèn. Trong sân các gia đình khác lửa đèn rực rỡ, còn nhà tôi lại tối om. Ngồi chỗ tối tôi suy nghĩ: Khi lên đèn bố vẫn chưa về, xem chừng bố đã lạc lối. Tôi rất muốn xách cây đèn bố tặng ra đường đón bố về. Bố ơi,lối về nhà khó tìm thế hay sao? Từ đó về sau, tuy vẫn ăn tết như thường lệ, nhưng tôi cũng không  bao giờ còn niềm vui xách đèn.

          Hễ sang tháng chạp, gia đình bắt đầu bận rộn tết. Chị gái gửi thư về hỏi bận tết đến đâu rồi. Ví dụ chăn đã tháo xong chưa? Các món thức ăn đã chuẩn bị kha khá chưa? Sau đó giục tôi về nhà ăn tết sơm sớm một chút. Cho nên mặc dù tôi đang ở Cáp Nhĩ Tân, Tây An, hay Bắc Kinh, thường phải  gắng vượt đường xa dặm thẳm về nhà trong giá rét. Đương nhiên, năm nay cũng không ngoại lệ. Tôi về đến nhà hôm hai mươi sáu tháng chạp.Mẹ biết tôi sẽ về ngày này. Bởi vì ngày hai mươi bảy tháng chạp, anh chị em tôi phải mời bố về ăn tết.

          Chúng tôi đã đi thăm bố. Dâng thuốc và rượu cho bố, còn đốt giấy tiền. Các em trai đã thành gia lập nghiệp,khấu đầu thưa với bố:
-         Bố ơi, con đã có gia đình, tết năm nay mời bố về nhà con. Nhà con ở...
Em trai nhắc đi nhắc lại mấy lần số nhà địa chỉ gia đình, sợ bố không nhớ. Tôi lại nói thêm:
-         Cách siêu thị tổng hợp rất gần.
         
          Khi còn sống,bố thích đến siêu thị tổng hợp mua trứng muối nhắm rượu, chỗ ấy chắc hẳn b không quên.
          Trên nhà của bố đang rơi tuyết. Có lúc từ trong rừng sâu thẳm vọng đến vài tiếng chim. Chúng tôi vừa gọi bố về ăn tết, vừa rời khỏi nghĩa địa. Bởi vị mẹ đang ở nhà chị gái, cho nên chúng tôi về cả đấy. Con trai chị Tiểu Hổ vừa tròn tuổi đã biết đi. Vừa bước vào cửa, mẹ đã bế Tiểu Hổ từ trong nhà đi ra, Tôi gõ trán Tiểu Hổ bảo:
-         Dẫn cụ ngoại về ăn tết.
Tiểu Hổ cười.Nó vui mọi người cũng vui.

Nhưng tối hôm ấy Tiểu Hổ cứ khóc hoài. Đã đến giờ ngủ, nó không ngủ. Mẹ tắt đèn giỗ nựng đủ kiểu, nó vẫn khóc the thé. Mãi cho đến khi trời sáng nó mới hơi nín. Anh rể nói:
-         Có thể bố mình đã về đây, trong đêm nhớ mong Tiểu Hổ.
          Nói đến mức cứ y như thật không bằng, chúng tôi ai cũng tin. Khi còn sống bố chưa gặp cháu ngoại bao giờ, mà bố lại rất thích trẻ con. Chúng tôi từ nghĩa địa về, lần lượt đến nhà chị, sao bố biết đi qua cửa nhà con gái lại không vào cơ chứ? Mà bố vừa vào cửa, đã trong thấy Tiểu Hổ, đương nhiên luyến tiếc không muốn đi.
         
          Mẹ quyết định “đưa” bố đến nhà em trai. Sau bữa cơm sáng, mẹ mặc quần áo tử tế, đẩy xe đạp, nói với bố:
-         Cháu cũng đã gặp rồi,  bây giờ theo tôi đến nhà con trai ăn tết!
Mẹ nói như nựng trẻ con:
          - Cứ đi thong thả, trên phố ồn ào lắm, đừng ngó ngó nghiêng nghiêng, lạc lối, tôi không chịu trách nhiệm đâu.
         
          Ngay trong đêm mẹ “đưa”bố đi, quả nhiên Tiểu Hổ ngủ rất yên ổn. Sáng hôm sau thức dậy, nó đi khắp nhà một lượt, cặp mắt sáng long lanh cứ đảo qua đảo lại, nhìn đông nhìn tây, như tìm cái gì. Liệu có phải Tiểu Hổ đang nghĩ :Cụ ngoại đi đâu rồi?
          Sang mồng ba tết, bố cần phải được “đưa” về, Tôi rất mong mãi mãi sẽ không “đưa”bố nhà riêng. Trời lạnh như thế, bố lại mắc bệnh phong thấp. Đi về thui thủi một thân một mình tâm tình sẽ thế nào?

          Đã đến mười rằm tháng giêng, Ngày này bao nhiêu năm về trước, trong một buổi hoàng hôn mưa tuyết, tôi xuống thế làm người. Lúc ấy trời sắp tối, ngoài cửa sổ vẫn chưa treo đèn, bố liền tặng tôi một tên sữa: “Nghênh Đăng”. Nào ngờ tôi đã đón về triệu triệu cây đèn, song cũng không bao giờ đón về được cây đèn bố cho tôi.
         
          Đi trên phố lớn giá lạnh yên tĩnh, tôi đột nhiên phát hiện một người bán đèn gìa nua. Cây đèn làm bằng thủy tinh hình lục giác. Trên kính dán chữ “Phúc”. Tôi nghĩ ngay đến bố, ngày rằm tháng giêng này, sân nhà bố nên có một cây đèn. Tôi đã mua cây đèn ấy. Lúc trời sắp tối, tôi xách đèn ra nghĩa địa. Xoẹt một tiếng, que diêm lóe lên, sắc đêm chung quanh chợt run rẩy, ngôi nhà của bố hiện ra xinh đẹp, sáng láng, gần gũi thân thiết, cuốn hút trong màn đêm.
         
          Đây là cây đèn đầu tiên tôi tặng bố. Cây đèn trông nom bố, tuy tắt mà vẫn cháy.

                                                              Vũ Công Hoan dịch Ngày 6 tháng 7 năm 2013

                                                              (Theo Tiểu tiểu thuyết Trung Quốc năm 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét