NGƯỜI TRÈM
(Tản
văn)
ĐƯỜNG VĂN
Vốn có ý tưởng viết một bài tản văn với
chủ đề Con Người làng Trèm quê tôi đã lâu, nhưng mãi vẫn chưa động bút
được. Bởi, sau nhiều ngày băn khoăn nghĩ ngợi, loay hoay dàn dựng, ngay cái đề cương như ý cũng vẫn chưa thành hình!
Mặt khác, cứ lấn cấn về chuyện có nên viết về những khuyết điểm, nhược điểm đã
và đang tồn tại trong tính cách người quê mình hay không? Viết thì khó tránh
khỏi đụng chạm với người này, người kia, thậm chí với dư luận của đa số dân làng
vốn giàu lòng tự hào, tự ái, tự tôn về cái làng cổ văn hiến bậc nhất dải sông
Nhĩ này của mình; chắc tôi không khỏi chuốc lấy nhiều sự, nhiễu sự lôi thôi,
phiền toái, rầy rà. Tự dưng mua lấy sự hiểu lầm, bực bội, phản bác, thậm chí
công kích hoặc chế giễu thì có nên chăng? Trong những tháng năm nhàn tản cuối
đời này, tôi chỉ cần sự bình an và mong mình được yên tĩnh, thảnh thơi. Nhưng
không viết thì cũng rất áy náy. Vì đó là sự thật hiển nhiên và là hiện tượng
khá phổ biến, một trong những đặc điểm của con người nông dân đồng bằng Bắc Bộ
hiện diện và bảo tồn từ lâu chứ không phải cá biệt, nhất thời, nên không thể và
không nên né tránh hay bỏ qua, lờ đi, mà được! Nhưng nếu chỉ viết thuần ưu
điểm, tốt đẹp, trong sáng thì lại phạm vào điều đại kị khác của văn chương, là 1
chiều phò đời, nịnh dân, khoe làng. Điều mà tôi không bao giờ thích thú và chấp
nhận. Vả lại, có viết kiểu ấy, người làng khác đọc sẽ không khỏi cười vào mũi
kẻ viết: rằng thế này thì khác gì bốc thơm, bốc phét, mẹ hát con khen hay, khó
nghe, khó lọt tai lắm! Vậy viết thế nào đây để người Trèm có thể tạm chấp nhận mà
không thể phản bác hoặc hiểu sai dụng ý, mục đích trong sáng nơi người viết?
Tôi cứ lăn tăn nghĩ ngợi. Và trong khoảng thời gian phân vân đó, tôi cũng đã
kịp làm xong 1 tập thơ chuyên đề, cũng tự cho là khá thú vị (Vịnh Tam Quốc thi tập, 9 – 2013). Xong
thơ rồi, bản thảo dở dang tập tản văn Hồn
Trèm lại cồn cào nhắc nhở. Các bài, các mặt khác, các phương diện khác của
hồn quê làng tôi, tuồng như đã khảo cứu sơ bộ thành hơn 20 bài viết tàm hòm
hòm... Nhưng hồn Trèm vẫn bơ vơ,
không kết tụ được vì thiếu các bài đinh lõi Nghề
Trèm và nhất là Người Trèm. Không,
không thể chần chừ, lừng khừng mãi được, tôi tự nhủ mình, cứ liều viết thử rồi
đưa mấy vị cao niên, ông nhà Trèm học,
các bạn bè đọc, xin ý kiến góp ý, sau sẽ tiếp tục sửa chữa, bổ sung dần.
Sao cho đến mùa đông năm nay, tập Hồn
Trèm phải được ra mắt thì mới cam lòng. Đành cứ lại tựa vào ký ức và ngẫm
suy nông cạn mà đưa đẩy ngòi bút, đến đâu hay đấy vậy.
Những
dòng dưới dây hoàn toàn chỉ là những nhận xét, phân tích, khái quát, liên hệ, liên
tưởng của riêng cá nhân tôi, mang tính chất chủ quan và tương đối nhất quán,
hẳn là còn những điểm chưa vững chắc hoặc sai lầm, hoặc cực đoan, chưa chuẩn.
Rất mong được bạn đọc gần xa chỉ giáo, phủ chính và lượng thứ cho tấm lòng của
một cây viết chỉ nhằm mục tiêu duy nhất: giúp người quê làng hiểu rõ bản thân
mình hơn, làng mình hơn, để sống nhân ái, tử tế và trung thực và làm việc có
hiệu quả hơn trong thời buổi kinh tế tri thức, hội nhập toàn cầu đầy triển vọng
nhưng cũng đầy phức tạp, nhiễu nhương và thách thức này.
1.
ĐOÀN KẾT, THƯỢNG VÕ, ANH HÙNG
Tôi
cho rằng đây là một trong những đặc tính và truyền thống sáng ngời, tốt đẹp đầu
tiên, nổi bật từ khi lập làng cho đến nay, trải hàng ngàn năm dựng và giữ làng.
Chuyển trung tâm làng từ khu Đồng Thúy -
Cầu Gạo lên dải đất ven chân đê hữu Hồng từ Cầu Sông cho tới hết dốc Bến
Ngự, người làng Trèm đã tự nguyện chấp nhận cuộc sống của mình vươn tới những
khát vọng lớn, rộng mở nơi đầu sông bãi bến, giao thương với bốn phương qua
đường thủy, đường bộ, vừa chống chọi với
thiên nhiên khắc nghiệt: bão lụt, vỡ đê, úng, hạn, vừa mở mang, học hỏi các
nghề khác: đánh cá, buôn bán vừa vẫn cố giữ gìn và phát triển nghề nông gia bản
của tổ tiên mình, đồng thời cũng sẵn sàng đón, vượt những khó khắn, thử thách
mới về thiên tai, địch họa.
Nhân
vật anh hùng cái thế, tượng trưng cho tinh hoa văn hóa văn hiến của làng Trèm,
và không chỉ làng Trèm, mà còn tỏa rộng
ra cả vùng Trèm – Vẽ, ra ba làng,
ba dân Trèm, Hoàng – Mạc chính là
Đức Thượng đẳng Thiên Vương, con rể hoàng đế Trung Hoa Tần Thủy Hoàng, Đức
Thánh Lý Ông Trọng (húy Thân). Người dân
Trèm vĩ đại đầu tiên trong lịch
sử làng sinh ra và lớn lên vào đời Hùng Duệ Vương (thứ 18), trưởng thành thời ThụcAn
Dương Vương. Bằng những chiến công hiển hách: tát cạn khúc sông Hồng, giết giải quái cứu dân, trả thù cho mẹ; giúp
Hùng Vương, An Dương Vương đánh tan vài chục vạn quân tướng Đồ Thư xâm lược Âu
Lạc; giúp Tần Đế đuổi quân Hung Nô xâm lược…dạy dân làng trồng trọt, chăn nuôi…
Lý Ông Trọng trở thành vị anh hùng lưỡng
quốc, nhà ngoại giao đầu tiên trong lịch sử bang giao Hoa – Việt. Cuộc đời
và sự nghiệp của Lý Thánh Ông trở thành bài ca hào hùng, ngời chói về tình thần
đoàn kết dân làng, tinh thần thượng võ anh hùng của người dân Trèm thời cổ đại.
Đền (Đình) Trèm cổ kính, uy nghi, được khởi dựng từ thời Triệu Xương, cách đây
cả ngàn năm, tọa lạc ngay trên dải đất bờ Nam sông Hồng, sau Gảnh Đình, (tương truyền là trên chính
mảnh đất gia đình Đức Thánh đã từng cư ngụ), với Lễ hội Đình Trèm truyền thống mở vào 3 ngày giữa tháng 5 hằng năm
là một trong những biểu tượng tổ hợp văn hóa vật thể và phi vật thể đầu tiên nhằm
tôn vinh truyền thống thượng võ - anh hùng của người dân Trèm từ thời viễn cổ
xa mờ gắn liền với biết bao thần tích, huyền thoại hùng tráng, thiêng liêng.
Tinh
thần thượng võ can trường, dũng cảm của dân Trèm còn được biểu hiện trong những lần dân các xóm, cả làng tập trung đánh đuổi bọn kẻ cướp để giữ gìn sự an
ninh của làng, bảo vệ bà con làm ăn, sinh sống lương thiện. Đó là 3 lần bọn cướp hung tợn, có trang bị
cả vũ khí nóng, lạnh, tổ chức cướp nhà cụ Phó Uyên, cướp xóm Đông Chi (Đại
Đồng). Chúng đều thất bại nhanh chóng, nhục nhã trước mưu trí, sức mạnh và tinh
thần cảnh giác, đoàn kết của nhóm tuần đinh, du kích và nhân dân xóm Ngõ Đồng,
Đông Chi kiên cường và khôn khéo.*
Truyền
thống đoàn kết toàn dân, thượng võ anh hùng của dân làng khởi phát từ xa xưa
như thế, được hun đúc, đắp bồi và phát triển trải bao thế kỷ cùng toàn dân
Thăng Long, Hà Nội nói riêng, nhân dân cả nước nói chung, suốt các triều đại
Đinh - Lê - Lý -Trần – Lê - Tây Sơn - Nguyễn, đến thời Pháp thuộc lại càng bùng
lên mạnh mẽ. Cuối những năm 30 đầu 40, lớp thanh niên yêu nước đâù tiên của
làng Trèm tích cực, hăng hái tham gia cách mạng, trở thành những quần chúng tin
cậy như gia đình cụ Nguyễn Đăng Tung với Trại trồng bông (thuộc thôn Tân Phong,
gần cánh đồng xã Cổ Nhuế ngày nay) từng là chốn đi về của các đồng chí cán bộ
Đảng thời tiền khỏi nghĩa: Nguyễn Lương
Bằng, Xuân Thủy, Bạch Thành Phong…; quán
cơm ông cả Thuận (gần vị trí bến phà Trèm ngày nay) trở thành tụ điểm vừa
công khai vừa bí mật, nơi hội họp chớp nhoáng, nơi các đồng chí lãnh tụ cách
mạng: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng… đi về hoạt động. Các anh Lý Ông Cầu, Nguyễn Văn
Lẻo, Nguyễn Văn Rớm… trở thành những đội viên Xích vệ, Thanh niên Cứu quốc đầu
tiên của làng tham gia giành chính quyền ở Hà Nội trong Cách mạng tháng Tám năm
1945.
Mùa
đông năm 1945, đội du kích làng Trèm đã bất ngờ tập kích đánh chìm 1 chiếc
thuyền của Quốc dân Đảng, quân của Lư Hán – Tiêu Văn đang ở miền Bắc, Hà Nội.
Vì sự kiện này, 7 đồng chí đảng viên cộng sản, 7 chiến sỹ anh
hùng của làng Trèm đã vì dân, vì làng, vì nước hi sinh anh dũng ngay tại Gảnh Đình.*
Năm
1950, thời kháng chiến chống Pháp, trong 1 trận càn, quyết không chịu rơi vào
tay giặc, dù bị lộ, 3 đồng chí cán bộ, công an, du kích: Lê Văn Chu, Lê Văn Hỗ và Nguyễn Hoài Bắc đã đốt hết tài liệu,
tung lựu đạn, bật nắp hầm, xông lên quyết tử với bọn lính Pháp và lính bảo chính
đoàn, trở thành những liệt sỹ oạnh liệt đầu tiên của làng Trèm thời chín năm
kháng chiến.
Thời
chống Mỹ và chống bọn bành trướng Trung Quốc, bọn Pôn Pốt diệt chủng, thật gian
lao, haò hùng. Lớp lớp thanh niên làng Trèm đã nô nức xung phong nhập ngũ,
chiến đấu ở các chiến trường B, C, D, biên giới Tây Nam và phía Bắc. Hơn 40
đống chí đã mãi mãi không trở về, vài chục đồng chí thành thương, bệnh binh tàn những
không phế. Cuối mùa đông năm 1972, sau chiến dịch Điện Biên phủ trên không trên bầu trời Hà Nội, người dân Trèm vô
cùng vinh hạnh và tự hào được vinh danh người phi công trẻ bắn rơi 6 máy bay phản lực Hoa Kỳ, người đầu tiên và
duy nhất của làng Trèm - xã Thụy Phương: Trung úy anh
hùng Lê Thanh Đạo, người thôn Đông Sen.
Như
vậy, rõ ràng truyền thống thượng võ, anh
hùng, đoàn kết chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược chẳng phải là 1
trong những truyền thống và tính cách nổi bật đầu tiên của người Trèm đó sao?!
Trong cuộc sống thường nhật, đức tính đó thường bị mờ chìm bởi vô vàn sự việc
muôn mặt đời thường. Nhưng đến khi hữu sự, khi có biến, khi làng bị phạm đến an
nguy thì những lá gan anh hùng ấy lại xuất hiện và ra sức lập công, sắn sàng chiến đấu, hi sinh vì làng, vì nước.
(Còn tiếp 2 kì)
cháu thích đọc tản văn của bác Đường Văn
Trả lờiXóaNhận xét này đã bị tác giả xóa.
XóaHoan nghênh! Chắc là sẽ học được mấy mẹo để viết tản văn của mình!
Xóa