HỒ THỦY
GIANG
CÂY TRỨNG
GÀ BẤT TỬ
Truyện ngắn
Gia đình tôi có ba người. Mẹ, em Bình và
tôi. Bố đã mất từ ngày em Bình còn trong nôi. Chúng tôi gắn bó yêu thương nhau
đến nỗi nhiều người đã biết tôi chỉ là con nuôi nhưng đến giờ thì dường như họ
không muốn tin vào điều ấy nữa.
Vâng! Tôi đúng là con gái nuôi của mẹ.
Tôi được nghe kể lại tôi là một đứa trẻ bị bỏ rơi ở nhà hộ sinh đã được mẹ ẵm
về nuôi dưỡng cho đến tận bây giờ.
Ngôi nhà cũ kĩ của chúng tôi nằm ở một
góc phố nhỏ. Phía sau nhà có một mảnh vườn hẹp. Khi lớn lên, tôi đã thấy trong
vườn có cây trứng gà xanh tốt. Hằng năm, cứ chớm đông, hoa trứng gà nở rộ và
sau đó trĩu trịt những chùm quả vàng rộm. Cây ra hoa kết trái vào mùa đông
nhưng sắc màu lại tươi như nắng hạ. Trong cái rét căm căm của tiết đông, tâm
hồn của ba mẹ con tôi luôn được sưởi ấm bởi mầu vàng tươi tắn ấy. Đối với tôi,
cây trứng gà còn giống như một chứng nhân trong cuộc sống của gia đình và của
cả cái khối phố nhỏ bé này nữa.
Khi đến cái tuổi có thể theo mẹ ra vườn
thu hoạch quả trứng gà, tôi sốt sắng nói với mẹ:
- Để con mang bán cũng được ối tiền đấy
mẹ ạ!
Mẹ tôi khẽ khàng:
- Thôi con ạ. Con lấy rổ nhặt ra những quả
to nhất mang sang biếu bác Toàn. Hồi còn là chủ ngôi nhà này, chính tay bác
Toàn đã trồng những cây trứng gà này đấy. Con cũng chọn lấy chín quả đặt lên
bàn thờ bố. Còn lại đem chia đều cho cả xóm.
Tôi làm theo lời mẹ, lòng rưng rưng cảm
động. Mẹ tôi là thế. Bao giờ mẹ cũng nghĩ đến việc chia cho người khác. Mẹ
thường nói vui với chúng tôi: “Trong bốn phép tính mà mẹ dạy cho học sinh, phép
tính nào cũng cần thiết cả, nhưng phép tính chia là khó nhất. Trong những học
trò cũ của mẹ, hồi đi học có người rất giỏi toán nhưng lớn lên họ lại không làm
nổi phép tính chia thông thường”. Mẹ thường nhẹ nhàng và đầy ẩn ý dạy dỗ chúng
tôi những bài học làm người.
Chính tôi chứ không phải ai khác, nếu
không có phép tính chia của mẹ: chia đau khổ, chia bất hạnh, chia miếng cơm manh
áo, chia cả sự cảm thông với người đã sinh ra tôi, thì tôi đâu có được như ngày
hôm nay. Mẹ đã dạy tôi và em Bình phép tính chia từ cây trứng gà như thế.
Năm nào cũng vậy, cứ mỗi mùa trứng gà
vàng rộm, tôi và em Bình lại hò nhau ra vườn hái quả, rồi chia ra làm ba phần:
phần biếu bác Toàn, phần đặt bàn thờ bố và phần chia cho cả xóm.
Mẹ nói đúng quá, chỉ là những quả trứng
gà nhỏ bé, bình thường vậy thôi mà hình như cái ngõ của chúng tôi gắn bó với
nhau hơn. Đặc biệt là lũ trẻ, suốt ngày í ơi gọi “chị Thanh, anh Bình ơi”.
Chúng tôi nghèo nhưng sống thật vui. Cả
nhà chỉ trông vào đồng lương giáo viên cấp một của mẹ. Khi lĩnh lương mẹ thường
chia ra nhiều phần: mua gạo, mua thức ăn hàng ngày, tiền điện nước, tiền đóng
học phí và các chi phí lặt vặt khác. Mẹ bảo làm như vậy không phải là chi li
tính toán mà giúp cho mình biết chi tiêu trong phạm vi mình có. Nếu không, sự
thiếu hụt sẽ dẫn đến mất danh dự và tình cảm. Tôi thấu hiểu những điều mẹ nói.
Bởi tôi đã từng chứng kiến bao kẻ chỉ vì không biết hoặc không muốn làm phép
tính chia đơn giản như mẹ mà đã phải chịu cảnh tù tội, tan đàn xẻ nghé.
Trong các khoản phân chia đồng lương ít
ỏi của mẹ, có một khoản đã làm cho tôi vô cùng xúc động. Đó là số tiền mẹ dành ra
để làm quà biếu khá thường xuyên người thầy giáo từ hồi học cấp một của mẹ.
Thầy giáo giờ đã già, lại không con cái. Thầy rất ít nhận những món quà vật
chất nhưng mẹ lại luôn biết cách làm thầy cảm động trước tấm lòng chân thành
của mẹ. Trong những lần viếng thăm thầy, tôi để ý thấy ngày mồng hai tháng mười
hai là một ngày không rơi vào kỉ niệm, lễ tết hoặc sinh nhật, nhưng năm nào
cũng vậy, cứ đến ngày ấy mẹ không bao giờ quên mang hoa và quà đến tặng thầy.
Rồi có lần mẹ kể với chúng tôi: năm mẹ học lớp ba trường làng, hôm đó trời rét
lắm nhưng mẹ chỉ mặc hai chiếc áo cánh vá. Nhà ông bà ngoại cũng rất nghèo,
không lo cho mẹ hơn được. Ngồi học trong lớp mà hai hàm răng của mẹ cứ đánh vào
nhau cầm cập. Hôm sau, thầy mang tới lớp một chiếc áo bông mới, lặng lẽ khoác
lên người mẹ. Thầy chỉ nói một câu duy nhất: “Em mặc vào cho khỏi lạnh”. Lúc ấy
mẹ đã bật khóc. Mãi về sau mẹ mới biết thầy đã phải bỏ cả tháng lương để mua
chiếc áo bông cho mẹ. Ngày ấy là ngày mồng hai tháng mười hai, một ngày bình
thường như những ngày khác nhưng đối với mẹ nó trở thành ngày lễ hiến chương
các nhà giáo của riêng mình. Chính thầy là người đã dạy cho mẹ phép tính chia
đầu tiên.
Cuộc đời của gia đình tôi cứ trôi qua
một cách êm ả như vậy. Nhưng nào ngờ, đến cuối năm ấy mẹ mắc một căn bệnh hiểm
nghèo. Chỉ sau nửa tháng nằm liệt giường mẹ đã vĩnh viễn ra đi. Phút lâm chung
mẹ cứ nắm chặt tay của hai chị em tôi không muốn rời. Hình như mẹ không nỡ nhắm
mắt khi nhìn thấy hai chị em tôi chưa kịp trưởng thành. Khi ấy tôi mới vào năm
thứ nhất trường đại học sư phạm, còn em Bình đang học lớp mười một. Lúc ấy, tôi
phải gắng gượng nén đau đớn để hứa với mẹ bằng bất cứ giá nào tôi và em Bình
cũng phải học xong đại học để thực hiện nguyện ước của mẹ. Mẹ ngấn nước mắt bảo
rằng ở nơi suối vàng mẹ vẫn luôn chia sẻ buồn vui với chị em tôi.
Đám tang mẹ dài hàng cây số. Không ít
người nức nở. Quả như một nhà toán học đã nói: “Chính phép tính chia chứ không
phải phép tính cộng hoặc phép tính nhân đã làm cho con người trở nên vĩ đại”.
Ngày giỗ mẹ, tôi thắp hương khấn xin mẹ
cho bán ngôi nhà mà gia đình chúng tôi đã từng sống trong những ngày tươi đẹp
nhất. Tôi đã đau thắt ruột khi buộc phải thực hiện việc này. Nhưng trong hoàn
cảnh hiện giờ, chúng tôi không có cách nào khác. Dẫu sao đó cũng là gia tài mẹ
để lại, giúp chúng tôi bước tiếp trong cuộc đời.
Sau khi bớt ra một phần ba số tiền để
mua một ngôi nhà nhỏ lui vào trong xóm, số còn lại tôi gửi cả vào ngân hàng lấy
tiền lãi cho việc học hành, sinh sống của hai chị em.
Sau khi bán nhà được ít lâu, một lần đi
qua cái chợ xép ở đầu phố, tôi thấy một cô bé chừng mười lăm, mười sáu tuổi
ngồi bán trái cây trứng gà. Không hiểu bằng linh cảm nào mà tôi nhận ra ngay đó
chính là trái cây trứng gà trong vườn của chúng tôi hồi trước. Tôi lại gần hỏi
mới biết đó là cô bé giúp việc của bà chủ mới của ngôi nhà chị em tôi vừa bán.
Cô bé đon đả mời tôi mua và kể lại:
- Chị ạ! Bà chủ làm nghề kinh doanh cầm đồ và
cho vay nặng lãi nên tính toán kĩ lắm. Bà ấy giao cho em chăm sóc cây trứng gà,
đến vụ thì đem bán và bảo đó là suất lương một tháng của em. Nếu cây trứng gà
chết hoặc không bán được thì tháng đó em không có lương.
Cả ngày hôm ấy tôi cứ buồn mãi vì cái
chuyện nhỏ ấy. Người buôn bán chỉ biết làm một phép tính cộng như vậy hay sao?
Nhưng có lẽ thời buổi kinh tế thị trường này cũng không thể trách họ được. Tôi
chỉ buồn vì trong ngôi nhà xưa của chúng tôi phép tính chia của mẹ không còn
thực hiện nữa. Cây trứng gà chắc cũng sẽ buồn như tôi.
Hôm sau, tôi quyết định trở lại chợ xép
mua hết chỗ trứng gà và dặn cô bé hàng năm đến vụ thu hoạch cứ mang ra để tôi
mua tất cả.
Chị em tôi đem rổ trứng gà về và lại
được làm một phép tính chia như ngày trước: biếu bác Toàn, đặt lên bàn thờ bố
và chia cho cả xóm. Làm được như vậy dẫu sao tâm hồn chúng tôi cũng thấy yên
tĩnh phần nào. Ở suối vàng hẳn mẹ cũng vui.
Năm sau, em Bình đoạt giải thi toán quốc
gia và được đi du học ở Mĩ. Hôm tiễn em ra sân bay, tôi chỉ dặn em mấy câu ngắn
gọn: “Dù sau này em có trở thành tiến sĩ toán học đi nữa thì em cũng không bao
giờ được quên phép tính chia của mẹ. Phép tính chia giản đơn vậy thôi, nhưng mẹ
phải suy ngẫm cả đời mới có được”.
Đã thành thói quen, hằng năm cứ tới thời
vụ trứng gà là tôi lại ra chợ xép đón mua hết số trái cây trứng gà cho cô bé
giúp việc nhà chủ hiệu cầm đồ. Vậy mà năm nay, tôi gặp cô bé đứng trơ ở góc
chợ, không thấy một quả trứng gà nào cả. Nhìn thấy tôi, cô bé giọng hốt hoảng:
- Chị ơi! Sợ quá! Con trai bà chủ nghiện ma túy,
ban đêm lẻn về nhà đâm chết mẹ lấy hết tiền rồi bỏ trốn rồi. Ông chủ thì bồ
bịch, rất hiếm khi về nhà. Hôm nay em về quê chị ạ. Em ra đây để chào chị.
Tôi rùng mình hỏi cô bé:
- Thế trứng gà đâu cả rồi?
Cô bé ngậm ngùi như có lỗi:
- Cây trứng gà chết rồi chị ạ. Em chăm bón nó
cẩn thận lắm nhưng không hiểu sao nó vẫn chết.
Tôi choáng người, ngồi thụp xuống đất.
Cây trứng gà chỉ là loại thảo mộc nhưng những năm tháng qua nó như đã trở thành
một sinh linh, một thành viên yêu dấu trong cái gia đình bé nhỏ của chúng tôi.
Đối với chúng tôi, nó cũng thân thương và luyến nhớ như một con người. Tôi hiểu
rằng cây trứng gà đã chết không phải do thiếu sự chăm bón mà chết vì buồn và
ngột ngạt.
Cô bé nọ nhìn những giọt nước mắt lăn
trên má tôi, không khỏi ngạc nhiên.
Đêm hôm ấy, tôi viết cho em Bình một lá
thư. Khi thông báo cho em tin buồn về cây trứng gà, tôi tâm sự: “Bình ơi, cây
trứng gà của gia đình mình không còn nữa. Nhưng không phải nó chết đâu mà nó đã
theo mẹ về trời đấy em ạ. Chị muốn nói với em, ở nơi xứ người, em phải luôn nhớ
một điều, trong tâm linh của mỗi chúng ta vẫn vĩnh viễn tồn sinh một cây trứng
gà tươi tốt, cứ tới mùa đông lại vượt lên giá rét để ra hoa kết trái. Nó là cây
trứng gà bất tử”.
§Þa chØ : Hå Thuû Giang
Héi V¨n häc NghÖ thuËt
tØnh Th¸i Nguyªn
D§: 0986044868
Email: hothuygiang@gmail.com
Phét chia thật đơn giản mà tuyệt vời, nhưng rất khó ngay cả với nhiều người có trình độ học vấn cao. Chính vì không biết làm TÍNH CHIA ĐƠN GIẢN nên nhiều người có học vấn cao đã tham nhũng, liền tiền của những người nông dân nghèo ăn chơi xa xỉ. Những loại người như thế chắc chắn không dám đọc chuyện này vì quá xấu hổ với lương tâm. Cám ơn tác giả, cám ơn chủ trang rất nhiều. Hy vọng bạn đọc sẽ tiếp tục được đọc nhiều chuyện hay nữa
Trả lờiXóaĐúng vậy! Họ bị thần tiền làm mê mẩn, lú lẫn, nên không biết làm PHÉP CHIA!
XóaCám ơn bạn đã chia sẻ!
Tôi yêu truyện ngắn này từ những ngày còn đi học, giờ đọc lại vẫn còn nguyên nỗi xúc động...Cảm ơn tác giả, cảm ơn thầy Vũ Nho!
Trả lờiXóaCám ơn Thanh Mai đã đọc và chia sẻ!
Xóa