Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

VỀ SÁCH GIÁO KHOA NGỮ VĂN SAU 2015




MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ SÁCH GIÁO KHOA NGỮ VĂN SAU 2015
                                  
                                       PGS.TS Vũ Nho, Viện KHGD Việt Nam
           

          Nhớ một kỉ niệm khi tôi mới ở Nga về đến liên hệ công tác với nhà xuất bản Giáo Dục năm 1985. Một người bạn cùng trường đại học  Sư phm Việt Bắc với tôi sau khi làm Tiến sĩ ở Đức, được phân công làm phó trưởng Ban đối ngoại của nhà xuất bản và phụ trách các vấn đề lí luận về sách giáo khoa. Anh bảo tôi : “ Sách thì chúng ta đã viết, đã in mãi rồi. Nhưng lí luận về sách thì hình như chỉ được tham khảo của nước ngoài rồi làm trực tiếp, gia giảm cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam. Từ nay, công việc nghiên cứu lí luận mới thực sự bắt đầu”.
          Cho đến bây giờ, sự giao lưu rộng rãi Đông Tây đã cho chúng ta rất nhiều thông tin mới. Lí luận về sách giáo khoa, chúng ta  đó cú nghiên cứu và chắc chắn sẽ không bê thẳng của nước ngoài vào. Lần đổi mới chương trình và sách giáo khoa sau 2015 này là một cơ hội để chúng ta thống nhất một số vấn đề cơ bản của sách giáo khoa cho học sinh Việt Nam, do người Việt Nam làm ra sau nhiều năm tìm hiểu về lí thuyết và nhất là trên cơ sở tổng kết  kinh nghiệm biên soạn trực tiếp.
          Môn Ngữ văn, do đặc thù của nó và do ảnh hưởng mạnh mẽ của truyền thống,  sách chúng ta có khác với sách  của một số nước ngoài. Một phần Ngữ ( tiếng Việt), một phần Văn, Tập làm văn là phần có vẻ độc lập, nhưng kì thực nó là phần thực hành tạo lập ngôn bản ( nói) và văn bản( viết) của phần tiếng Việt là chính. Bây giờ, một quan niệm gần như đã thống nhất. Đối với tiểu học thì chủ yếu là học Tiếng, đối với THCS thì Tiếng và Văn tương đương, đối với THPT thì nghiêng về Văn, những kĩ năng về Tiếng được ôn lại và củng cố, nâng cao là chính. Điều này là một cơ sở cực kì quan trọng để xây dựng cấu trúc, xác định nội dung, và cả phương pháp đối với sách giáo khoa Ngữ văn.
          Sách giáo khoa ngữ văn trước đây chỉ chú trọng cung cấp kiến thức cho học trò.  Nó là sách “ Trích giảng văn học”. Học sinh về cơ bản chỉ có thể tiếp cận với tác phẩm trong sách giáo khoa. Nó là nguồn duy nhất cung cấp tác phẩm và tri thức về tác phẩm.  Ngày nay,   học sinh phát huy vai trò chủ động, sáng tạo thì việc cung cấp kiến thức thuần tuý là không đủ. Mặt khác, học sinh bây giờ có rất nhiều nguồn cung cấp tri thức khác nhau. Bởi vậy để mang đậm tính chất nhà trường,  ngoài chức năng cung cấp tri thức, sách giáo khoa còn là nơi cung cấp phương tiện, phương pháp học. Chính vì thế mà hệ thống câu hỏi gợi ý để học sinh tự học, tự chiếm lĩnh tác phẩm trở thành một phần quan trọng của sách. Đây chính là phần đòi hỏi đầu tư nhiều công sức nhất.

          Thời nào cũng vậy, việc xác định lượng kiến thức cơ bản nhất để đưa vào sách luôn luôn là một vấn đề nan giải đối với các nhà sư phạm. Một thời, khi nghiên cứu  tiếng Việt còn nghèo nàn về thành tựu, sách giáo khoa chủ yếu là để học Văn, như tên gọi cũ của môn học. Nhưng khi thành tựu nghiên cứu đạt được nhiều, thì  ni dung sách giáo khoa về tiếng Việt lại có phần giống như giáo trình đại học thu nhỏ. Điều đó vừa không phù hợp về tâm lí, sinh lí, vừa gây ra sự nặng nề và lãng phí không cần thiết. Cho đến bây giờ, học sinh các cấp cần học những gì là cơ bản nhất, tối thiểu nhất của từ vựng, ngữ pháp, ngữ pháp văn bản... vẫn chưa được xác định một cách thật cụ thể. Bởi vậy vẫn có sự trùng lặp    các cấp học, bậc học.
          Với phân môn Văn, tình hình cũng thế. Vẫn là bấy nhiêu tác giả, tác phẩm. Khi chưa thay sách thì học ông này, tác phẩm này. Khi thay sách vẫn là ông ấy, thay bằng tác phẩm khác. Nhưng tại sao lại thay tác phẩm này bằng tác phẩm khác thì câu trả lời có nhiều khi chưa thuyết phục. Không ít trường hợp tác phẩm cũ bị thay đi lại là  tác phẩm tiêu biểu nhất về nhiều phương diện. Trong trường hợp ấy, theo câu nói quen thuộc của chúng ta là cải mà không tiến, phú quý giật lùi.
          Xác định lượng kiến thức tiêu biểu, ti thiu, các kĩ năng cần hình thành và củng cố, phát triển cho mỗi lớp học, cấp học vẫn là một thách thức lâu dài cho chúng ta.
          Tính chất tối thiểu, phổ quát, thiết dụng của kiến thức được cung cấp trong sách giáo khoa, từ đó tạo vốn cho học sinh để các em tiếp tục con đường nâng cao học vấn suốt đời là điều không thể không cân nhắc mỗi khi xây dựng một chương trình và sách giáo khoa mới.
          Tất nhiên, sách giáo khoa không thể là nơi thí điểm đưa vào những vấn đề còn đang tranh cãi. Những gì đã ổn định một cách tương đối, được đa số thừa nhận sẽ được đưa vào sách. Những gì còn tranh cãi, chưa ngã ngũ thì cứ để tranh luận thảo luận. Vấn đề đặt ra là  có cần cho giáo viên và học sinh biết đến hay không? biết đến đâu là vừa? Để nhà trường không quay lưng lại cuộc sống nhất thiết là phải giới thiệu, chí ít là với các giáo viên biết về điều đó.
          Dẫu sao, sự ổn định một cách tương đối sẽ góp phần làm cho giáo viên yên tâm để thâm canh  trên sách giáo khoa. Bới vậy những phần cứng, những điều đã được thử thách, nếu không có lí do xác đáng, nhất thiết phải được giữ lại, dù cho chương trình và cách biên soạn có thể thay đổi.
          Trong những lần cải cách chương trình và sách giáo khoa trước đây, đối với tiếng Việt, chúng ta đã chú ý tới bốn kĩ năng nghe, nói, đọc, viết. Nhưng lần này ngoài bốn kĩ năng trên, kĩ năng thứ năm là kĩ năng sáng tạo, tổng hợp bốn kĩ năng kia sẽ phải là một kĩ năng được đặc biệt nhấn mạnh, nhất là trong các bài tập thực hành.
          Thời đại hiện nay là thời đại của intơnét, thời đại mà học sinh có thể vào mạng để tìm các thông tin, tri thức. Vì vậy sách giáo khoa cũng cần phải có những thay đổi. Không nhất thiết mọi thứ đều phải đưa vào sách khiến cho nội dung rậm rạp, hình thức cồng kềnh. Sách có thể chỉ dẫn nguồn thông tin, học sinh sẽ truy cập để lấy xuống. Một số các câu hỏi, bài tập cũng có thể cung cấp qua mạng. Tôi được biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đó có chủ trương xây dựng ngân hàng câu hỏi. Thiết nghĩ, một số câu hỏi sẽ được chỉ dẫn để học sinh và giáo viên lấy từ ngân hàng câu hỏi đó. Một số văn bản đọc thêm cũng không cần đưa vào sách, mà đưa lên trang của cơ quan quản lí và chỉ đạo. Giáo viên và học sinh sẽ cập nhật khi học tập.
          Điều  bức xúc thường gặp  là người ta vẫn kêu sách giáo khoa Ngữ văn lạc hậu so với đời sống văn học, không bám sát thời sự văn học. Đây là một điều thực tế. Không thể thay đổi chương trình và sách hàng năm. Tuy vậy, vẫn có một cách khắc phục mà trước đây đã làm rất tốt. Đó là trong chương trình nhất thiết phải có thời lượng thích hợp cho Thời sự Văn học. Mỗi năm, phần này sẽ  được cơ quan có thẩm quyền  biên soạn Phụ lục để bổ sung. Có thể là một hiện tượng văn học, có thể là giới thiệu tác phẩm được giải thưởng trong nước, có thể là giới thiệu tác giả văn học nước ngoài được giải Nôben.
          Cuối cùng, phải có một đội ngũ chuyên gia được đào tạo bài bản, nắm vững lí luận, có kinh nghiệm thực tiễn làm sách giáo khoa. Chỉ có như vậy  sách giáo khoa cho người Việt Nam, trong điều kiện của Việt Nam mới có thể đạt được chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập của đất nước.
                                                          Tháng 8 năm 2013
                                                                V.Nh.
Bài đăng trên Tạp chí Giáo dục số 320 kì 2 tháng 10 năm 2013. Đây là bản đầy đủ.

         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét