Thứ Ba, 7 tháng 4, 2015

LỤC BÁT BÊN ĐỜI CỦA LÊ TIẾN VƯỢNG

                                                                          Vũ Nho - chủ trang
LỤC BÁT BÊN ĐỜI CỦA LÊ TIẾN VƯỢNG

                                           Vũ Nho
Ai cũng biết rằng thể thơ Lục bát mang đậm bản sắc và hồn cốt dân tộc ra đời từ rất sớm. Từ những câu ca dao khi  người Việt còn chưa có chữ viết mà chỉ sáng tác và lưu truyền bằng cách truyền miệng. Rồi qua năm tháng, lục bát đã lên ngôi trong Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du. Hơn ba ngàn câu lục bát đầy tài hoa đã đưa tên tuổi Nguyễn Du vào hàng các văn hào của thế giới. Nhưng Lục bát không dừng lại ở đó. Thể thơ dân tộc tiếp tục hành trình cũng với các tên tuổi Tản Đà, Nguyễn Bính, Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Phạm Công Trứ…
          Lục bát dễ làm mà rất khó hay, có thể nói là cực kì khó hay. Bởi vì người viết dễ bị vần của câu thơ kéo tuột đi. Giọng riêng của người viết rất dễ bị nhòa lẫn trong cái khuôn  sáu tám, vừa có vẻ chật hẹp, nhưng lại cũng quá rộng để không có chỗ cho những gì bình thường neo đậu.
          Nói như thế để thấy rằng  in cả một tập thơ  49 bài mà toàn Lục bát như Lê Tiến Vượng đã làm thì  đó là một hành động dũng cảm, rất đáng ghi nhận và biểu dương. Không những thế, qua Facebook còn thấy tác giả đã chuẩn bị xong “Lục bát khóc - cười”, chứng tỏ anh quyết tâm gắn bó với thể thơ này.

           Lê Tiến Vượng gắn bó và anh đã có đóng góp. Một ví dụ. Người mẹ đã vào ca dao từ rất lâu. Các nhà thơ hiện đại làm lục bát tiếp tục góp thêm những hình ảnh mới.
          Nguyễn Duy : Mẹ ta không có yếm đào/ Nón mê thay nón quai thao đội đầu/ Rối ren tay bí tay bầu/ Váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa. ( Ngồi buồn  nhớ mẹ ta xưa)
          Phạm Công Trứ : Thúng cắp nách, nón đội đầu/ Mẹ tôi đi chợ môi trầu đỏ tươi ( Đường làng).
          Hữu Thỉnh :  Mẹ tôi nón lá bước lên/Mạ non đầu hạ trăng liềm cuối thu ( Trông ra bờ ruộng)
          Lê Đình Cánh : Cầu thang chẳng dám bước dài/ Vào khu tập thể gặp ai cũng chào ( Mẹ ra Hà Nội)
          Trần Đăng Khoa : Nắng mưa từ những ngày xưa/ Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan ( Mẹ ốm)
          Lê Tiến Vượng : Mẹ tôi tóc bạc áo nâu/ Nón mê chân đất miếng trầu sớm khuya/ Nửa đời ra phố xa quê/ Quần thâm áo cánh đi về đôi nơi/ Răng đen lấp lánh nụ cười ( Mẹ tôi).
        Bốn mươi chín bài thơ mang tên Lục bát bên đời nhưng thật ra là giữa đời, trong dòng đời. Chỉ có ba bài có nhan đề NGẪM, hai mươi bài tâm sự với các nhân vật văn học, nhưng có thể nói  toàn bộ tập thơ là một sự suy ngẫm, chiêm nghiệm về quê, về phố, về cỏ, về mưa, về người ta, về người thân. Nói tóm lại là về ĐỜI. Là người quê ra phố nên tác giả luôn hướng về quê, hoài niệm về quê. Nhưng câu thơ quê khiến người viết và người đọc cùng nao lòng :
          - Quê giờ gió cũng lặng thinh
          Bê tông nhà ống nóng kinh cả hồn
- Công nông xe máy vèo vèo
Trẻ già đen đủi tong teo mệt nhoài
             Quê xưa
Sự chật chội bức bối, sự vất vả mưu sinh, sự “sấp ngửa” bán mua làm biến dạng làng quê thanh bình, yên ả; làm thay đổi cả đất lề quê thói. Sao không khỏi nghĩ ngợi khi mà :
          - Quê xưa ăn nói lựa lời
          Quê nay gọi cả mười đời nhau ra
          - Quê xưa trên tổ dưới tông
          Quê nay bát nháo gọi ông bằng thằng
                           Quê xưa- quê nay
Có thể nói chùm lục bát về quê, về phố với sự so sánh xưa và nay, dù có thiên về hoài cổ, nhớ xưa, thiên về phê phán những nhố nhăng, xấu xí của thời nay, đã để lại ấn tượng sâu trong lòng bạn đọc. Những ai  là người xa quê, sẽ  tìm được sự sẻ chia trong tâm trạng của tác giả:
          Quê mình chẳng phải quê ta
          Nửa quê nửa tỉnh nửa ta nửa người
          Về quê
          nửa khóc
          nửa cười
                              Quê tôi
Trong tập có đến 20 bài Tâm sự của người viết đối với các nhân vật văn học. Nếu xét kĩ ra, không phải bài nào tác giả cũng trò chuyện, cũng bày tỏ nỗi niềm riêng tư, sâu kín của mình với nhân vật, qua đó  thể hiện cách nhìn, cách nghĩ về thế thái nhân tình. Ở đây, các nhân vật chỉ là cái cớ để tác giả nói những suy ngẫm của mình ( một số bài giống như vịnh nhân vật).  Đó là một thái độ thương cảm, “ xót đời, xót cảnh, xót ta” ( Tâm sự với ông Trương Ba da ông Hàng Thịt). Một số điều suy ngẫm ấy không khỏi khiến cho người đọc giật mình:
          - Thế nhân, nhân thế ngàn thu
          Bao nhiêu nước mắt chẳng ru nổi tình
                             Tâm sự với Thủy Tinh
          - Nghe như trong cõi tang bồng
          Tài năng, ngay thẳng chất chồng tai ương
                             Tâm sự với Tôn Ngộ Không
Viết về các nhân vật văn học thì nhiều người đã viết, nhưng để lại ấn tượng sâu sắc thì không nhiều. Một điều cần chú ý là người viết có thể tưởng tượng theo cách của riêng mình. Nhưng dù sao cũng cần phải phù hợp với tác phẩm. Một số bài (  Nếu mà, Tâm sự với Tấm-Cám, Tâm sự với Mị Nương…) do việc  đảm bảo gieo vần và nguyên nhân khác nên sai lệch với tác phẩm phổ biến là điều cần tránh.
          Có thể nói về cơ bản, tác giả đã thành công với thể thơ lục bát. Lục bát của Lê Tiến Vượng vần luật  nghiêm chỉnh, nhịp nhàng. Một số câu nổi bật, có thể độc lập neo vào trí nhớ bạn đọc như đã dẫn ở trên. Và đây nữa:
-         Phố giờ đua bán chen chân
Người quê ra phố quên dần nhà quê
          Người đi ra phố
- Bán mua mua bán hai vai
Cả làng sấp ngửa đêm dài hơn xưa
                           Quê tôi
- Nếu mà không biết ăn chia
Các quan rã đám ngồi rìa mốc răng
                   Nếu mà
Thành công và cả những điều còn hạn chế trong tập này, chắc chắn  có ích cho tác giả để tập tiếp theo “ Lục bát khóc – cười”, sẽ có thêm những bài, những câu ấn tượng, góp vào kho tàng lục bát phong phú của nền thơ  dân tộc.

                                                          Hà Nội,  25 tháng Ba 2015


2 nhận xét:

  1. Chỉ biết nói là rất hay và sâu sắc thôi ạ........

    Trả lờiXóa