Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2015

VĂN XƯA TRONG ĐỜI MỚI - (Bình bài Văn tế các cụ Cây của Trần Chung)


VĂN XƯA  TRONG  ĐỜI MỚI

(Bình bài Văn tế các cụ Cây của Trần Chung)

ĐƯỜNG VĂN

          1. Văn tế (điếu văn – văn khóc) là một thể loại thuộc văn học nghi lễ - trữ tình. Văn tế được viết ra, đọc trong buổi truy điệu người mới từ trần để tỏ lòng xót thương, tưởng nhớ của người sống đối với vong hồn người vừa sang thế giới bên kia. Văn tế Việt Nam trung đại có nguồn gốc từ văn tế trung đại Trung Hoa. Nổi tiếng còn lưu truyền như các bài: Văn tế chị (Nguyễn Hữu Chỉnh), Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ, Văn chiêu hồn (Nguyễn Du), Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc (Nguyễn Đình Chiểu), Văn tế Hăngri Rivie (Nguyễn Khuyến), Văn tế Phan Châu Trinh (Phan Bội Châu)…Thời hiện đại, có giá trị hơn cả là bài Điếu văn Hồ Chủ tịch của BCHTW Đảng CS Việt Nam do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất BCHTWĐ đọc tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, mùa thu năm 1969, (văn xuôi). Văn tế trung đại thường được viết theo thể phú hoặc phú Đường luật gieo 1 vận (Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc) hoặc đa vận (vần) hoặc thơ song thất lục bát (Văn chiêu hồn) hoặc lục bát, 4 tiếng, 6, 8 tiếng xen kẽ (Văn tế Rivie).
          Cấu trúc chung của bài văn tế - phú cổ - trung đại thường gồm 4 phần:
          1. Lung khởi (mở đầu; thường băt đầu bằng ngữ: Hỡi ôi! Từng nghe).
          2. Thích thực: Tưởng nhớ sự nghiệp, công lao của người đã khuất (thường bắt đầu bằng cụm từ: Nhớ linh xưa…(trọng tâm).
          3. Ai vãn: bày tỏ lòng thương xót, nhớ tiếc, ngợi ca của người đang sống với hồn linh người mới qua đời (Thường bắt đầu bằng cụm từ: Than ôi! Hoặc: ôi thôi thôi! (trọng điểm).
          4. Kết: Lời từ biệt, tiễn biệt (thường bắt đầu bằng cụm từ ô hô! Và kết bằng cụm từ: Phục duy thượng hưởng!).
          Tình cảm, cảm xúc, giọng điệu trong văn tế thường là đau đớn, xót xa, thương tiếc khôn nguôi; nhưng cũng có khi trở nên khúc bi hùng ca của một giai đoạn lịch sử (Văn tế Nghĩa sỹ Cần Giuộc) của một dân tộc, đất nước và thời đại  (Điếu văn Hồ Chủ tịch) hoặc là tiếng khóc chung đậm tính nhân văn - nhân ái hướng tới mọi kiếp người bất hạnh (Văn chiêu hồn)… Nhưng cũng có khi bài văn tế trở thành khúc bi ca trào phúng tiễn đưa vong hồn kẻ thù xâm lược xuống địa ngục (Văn tế Rivive…). Đó là những áng văn tế bất hủ, có giá trị lịch sử, văn hóa văn chương sâu sắc.

          Ngày nay, văn tế vẫn được sáng tác và sử dụng chủ yếu trong các buổi truy điệu, lễ tang; nhưng hầu hết được viết theo thể văn xuôi hoặc thơ lục bát, song thất lục bát. Văn tế - phú thỉnh thoảng mới xuất hiện với mục đích và cảm hứng trào phúng, đả kích, giễu nhại… đăng trên các trang văn nghệ của báo chí nhằm mục đích vui cười…mà thôi!

          2. Nhắc lại đôi điều sơ lược về văn học sử và lý luận thể loại để thấy được, nhìn chung, ở nước ta, văn tế đã từ lâu trở thành một trong những thể loại văn xưa, cơ hồ đã thất truyền. Vậy mà hôm nay, người đọc chúng ta lại vui mừng được đọc một bài văn tế - văn xưa viết trong đời mới khá lâm ly, bi thiết, căm giận và xót xa, đớn đau, tiếc thương, thất vọng tràn trề mà chưa nguôi hy vọng…vào công lý và luật pháp trong hiện tại và … tương lai!... của 1 ngòi bút trẻ - anh Trần Chung (đăng trên blog vunhoNINHBINH. com vào những ngày trung tuần tháng 4 – 2015).
          Về thể tài: có thể nói, Văn tế các cụ Cây là một sáng tạo nghệ thuật rất giản dị mà thuyết phục: coi cây có hồn, Hồn cây Hà Nội, coi cây Hà Nội như người Hà Nội (sử dụng biện pháp tu từ nghệ thuật: Nhân hóa – so sánh; không mới, nhưng cảm động!).
          Có một điều nho nhỏ, theo ý tôi, là cái nhan đề ấy chưa thực bao quát. Đâu phải chỉ khóc các cụ cây cổ thụ, lão niên mà trong dự án chặt hạ, thay thế cây “hùng vĩ, hoành tráng” này (có tới 6700 cây phải được chặt hạ, thay thế đến năm 2016). Có những cây cổ thụ trăm năm, vài trăm năm tuổi đã đành, nhưng cũng có rất nhiều cây trung niên, vài chục tuổi, cây thanh niên hơn kém chục năm… cây yếu, sâu bệnh đã đành, cả cây thiếu niên đang xanh non mơn mởn… Nghĩa là cả hàng loạt cây già trẻ, lớn bé… đều ngổn ngang ngã gục… thành ma, trong và sau những tiếng cưa máy, tiếng búa rìu xé lòng người Hà Nội! Mà chính những cây trẻ, cây non, cây con ấy bị nhất loạt đốn ngã cùng thành ma với các lão niên cổ thụ, mới càng đáng khóc thương, oan ức. Bởi vậy, tôi cứ băn khoăn tiêng tiếc rằng, phải chăng nhan đề nên là Văn tế vong hồn (hoặc hồn linh) cây Hà Nội. Hoặc ngắn gọn hơn nữa: Văn tế Cây Hà Nội, Văn tế Cây... có lẽ ôm trùm, bao quát đề tài hơn.
          Về thể loại và bố cục: bài văn tế dài 46 câu (không kể 10 cụm từ chuyển dẫn: Từng nghe, Nhớ linh xưa, Đau đớn thay, Lạ chi, Chỉ vì, Ai dè, Còn đâu…), về cơ bản tuân thủ cấu trúc chung của 1 bài văn tế cổ.
          Thể loại phú Đường luật kết hợp với các thể thơ: song thất lục bát: 6 khổ (24 câu), lục bát: 2 câu, 7 tiếng: 2 câu, 4 tiếng : 4 câu, 10 tiếng: 8 câu và 13 tiếng: 2 câu. Trong các câu 4 tiếng, 7, 8, 10, 13 tiếng: phép đối (song quan (giữa câu trên và câu dưới) và tiểu đối (gối hạc) trong 1 câu) được sử dụng khá đều đặn, đúng niêm luật, gieo vần linh hoạt làm cho nhịp điệu bài văn tế trôi chảy, nhịp nhàng, phù hợp với dòng tình cảm, cảm xúc của tác giả.
          Như thế, có thể nói, người viết trẻ hôm nay vừa kế thừa tinh hoa truyền thống thơ - phú - văn tế lâu đời của cha ông vừa có sự mạnh dạn thể nghiệm những kết hợp mới, đã đem lại hiệu quả nghệ thuật mới đáng ghi nhận.

          3. Văn tế các cụ Cây mở đâù bằng 2 câu tứ ngôn, (mà thoạt đọc cứ thấy hình thức nhang nhác như 2 câu đầu bài Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc):
Trời đất âm u,
Thủ đô giá rét.
          Đem so sánh với:        Súng giặc đất rền,
                                              Lòng dân trời tỏ.
                                                                     (Nguyễn Đình Chiểu),
          thì rõ ràng hậu sinh nay chưa thể sánh được với người xưa về mức độ khái quát, đối lập sâu sắc và lớn lao giữa tình thế đất nước; súng giặc với lòng dân, đất rền với trời tỏ; nhưng cũng đã phần nào mô tả được cái không khí thời tiết âm u giá lạnh, không chỉ vì thời tiết mà còn bởi chuyện khúc mắc, đau đớn do chính con người gây ra.
          Hai câu tứ lục tiếp theo trực tiếp vạch ra cái nghịch lý bất thường của cây Hà Nội trong sự đối lập hụt hẫng giữa chồi nongốc cũ do bàn tay tàn nhẫn, vô cảm của con người.
          Đoạn Thích thực: Nhớ linh xưa đáng lẽ phải gợi lại được nhiều kỷ niệm đáng nhớ, phong phú hơn nữa của cây xanh Hà Nội đối với các lứa tuổi, các tầng lớp đồng bào Thủ đô. Ở đây, mới gợi nhắc được 3 kỷ niệm với thiên nhiên, 1 kỷ niệm với tình yêu đôi lứa. Hơi nghèo! Nhưng cũng có thể bổ sung ngay một cách rất hợp lý, hợp tình bằng cách chuyển đoạn:
Còn đâu?
Cây cơm nguội vàng…
Cây bàng lá đỏ…
Hoa sữa vẫn ngọt ngào…
Cánh phượng man mác buồn…
          Một cách dụng ý, người viết nhắc lại lời những ca khúc nổi tiếng sống mãi với thời gian về Hà nội, về tuổi học trò của Trịnh Công Sơn (Hà Nội mùa thu), Hồng Đăng (Hoa sữa), Phượng hồng (Vũ Hoàng).
          Theo tôi, đây là 1 trong những đoạn hoài niệm lịch sử man mác trữ tình, nói lên cái linh hồn văn hóa Thăng Long - Hà Nội qua âm nhạc. Nếu nó được chuyển dịch lên nối tiếp sau câu… bầy chim ríu rít, thì sẽ hết sức lôgich (Trong khi đặt ở trước đoạn Ai dè… lại làm cho mạch văn lạc, rối).

          4. Đoạn Ai vãn chiếm nội dung chủ yếu của bài văn tế, được thể hiện bằng thể thơ dân tộc: song thất lục bát, lục bát. Nét đặc sắc là ở chỗ nhân vật trữ tình các cụ cây Hà Nội (bị chặt hạ) không chỉ được tả từ bên ngoài, trong tâm trạng nghẹn ngào, đau đớn, phẫn uất của những người dân Hà Nội yêu Thủ đô, yêu cây Thủ đô như yêu trái tim mình, mà còn được tả từ bên trong tâm trạng. Hồn cây cất lên thành tiếng nói, lời than, xoáy lốc lên những câu hỏi diết da, thống thiết:
Vì đâu lá phải lìa cành?
Vì đâu thân gốc đoạn đành kêu rên?
… Cớ làm sao lại giết chúng tôi?
          Tâm trạng người – tâm trạng cây quyện hòa, không còn khoảng cách phân biệt. Nỗi đau đớn, ai oán như càng tăng gấp bội.
          Những câu như:
Những giọt nhựa như dòng máu ứa,
Lả tả rơi, hoa lá trên cành.
          Vẫn là tả cảnh từ bên ngoài, nhưng tả bằng trái tim run rẩy cảm thông.          Còn hai câu:
Khóc lên, cho thấu trời xanh,
Bao giờ được thấy Hà Thành dịu êm!
          Đâu chỉ còn là sự cảm thông, sẻ chia mà là niềm mong mỏi, ước ao vĩnh cửu của người Thăng Long – Đông  Đô – Hà Nội hướng về Thành phố vì Hòa bình sôi động, hiện đại; nhưng hình như đang mất dần, giảm dần sự dịu êm, thanh nhã trong cảnh quan thiên nhiên, trong lối sống con người Tràng An thanh lịch, chẳng thơm cũng thể hoa nhài?!

          5. Vừa đồng hành vừa trái ngược với khóc vì xót xa, đau đớn, tiếc thương cây xanh Hà Nội, là khóccăm giận sự vô cảm, vô tình, sự vô trách nhiệm của con người, của những cán bộ các cấp chủ trương và tổ chức thực hiện Dự án chặt hạ, thay cây Thủ đô Hà Nội rất trái lòng dân này. 
          Tác giả dành những đoạn thơ quyết liệt, dứt khoát, rõ rành, nhức nhối để nói to lên, kêu vang lên cái sự thật nhỡn tiền của 1 quyết định trẻ già cùng chết/chẳng phân vân, chặt hết một lèo! mà nguyên nhân sâu xa là vì có những kẻ tham tiền, tham lợi, việc có màu, quyết liệt làm ngay, với lý sự cùn của phường ích kỷ, tư lợi đến vô cảm, vô tình, vô nhân, vô đạo lý:
Cây nào mà chẳng là cây!
Dăm ba năm nữa, kệ thây phố phường!
          Đúng là tư tưởng cũ mèm, thối nát: sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi!
          Tuy nhiên, trong ba động của tâm thức bức bối, đau uất, khó kìm nén bản thân, khó giữ được bình tĩnh, người viết trẻ cũng còn để lọt những câu thơ còn vụng về, dễ dãi trong diễn đạt. Chẳng hạn:
Trẻ con hết cửa leo trèo,
Dân tình, ai muốn nói leo, cũng thừa!
          Hoặc một so sánh chưa sát:
Lắm kẻ mặt dày mày dạn trơ như thớt mít (phải thay bằng nghiến hay nhãn); hoặc:
                … gắng suy nghĩ vẩn vơ, mong hãy dừng tay!
          Tại sao lại có thể suy nghĩ vẩn vơ? (nấu nung, day dứt, quyết liệt chứ!); Sao lại chỉ mong họ dừng tay?!
           Cũng trong tâm thế bức xúc kéo dài gần hết cả tháng ba xuân Ất Mùi (2015) này, một cựu nhà giáo Hà Nội đã bức xúc viết bài tứ tuyệt Giết xuân:
Man rợ giết xuân, xài dự án!
Ngổn ngang, cây Hà Nội thành… ma!
Tiếng cưa xé lòng dân. Bão nổi!
Dừng ngay! Trọng tội với ông cha!
          Từng lời, từng câu, từng chữ ngùi ngẫm, xa xót, đớn đau, phẫn nộ, nảy lửa, thét lên tiếng nói của lương tâm nhân dân đồng lòng hỏi đòi những người có trách nhiệm phải dừng ngay lập tức hành vi tội lỗi chứ không phải chỉ mong mỏi nhẹ nhàng, hoặc cố tình, cố ý dềnh dang, ngậm miệng… đổ dưa trách nhiệm cho nhau,… chạy!!!
                                                                 ***
          Tuy nhiên, nhìn tổng thể, về tư tưởng - nghệ thuật: bài Văn tế các cụ Cây của anh bạn trẻ Trần Chung vẫn là một tác phẩm trữ tình - chính trị gây được sự đồng cảm, xúc động trong lòng bạn đọc rộng rãi. Nó chứng tỏ thể văn tế xưa vẫn có thể phát huy được tác dụng tích cực của mình trong cuộc đời mới, trong tâm hồn và trí tuệ người đọc hôm nay, khi thể hiện một chủ đề chính trị - thời sự - kinh tế - xã hội bức thiết của đất nước Việt Nam và nhân dân Thủ đô Hà Nội nghìn năm yêu dấu./.

Đêm 24 – 4 – 2015. ĐV


2 nhận xét:

  1. Cháu xin cảm ơn chú Đường Văn đã bình bài với những nhận xét rất sâu sắc cũng như chỉ ra những điểm yếu trong bài viết mà một người mới tập viết như cháu hay mắc phải hay những điểm còn hạn chế do sự từng trải, bài bình luận của chú rất khích lệ tinh thần tiếp tục viết thể loại này của cháu. Cảm ơn chú nhiều

    Trả lờiXóa
  2. Nhân tiện xin giới thiệu với chú bài viết văn điếu

    VĂN ĐIẾU ÔNG NGUYỄN BÁ THANH

    Sinh ra nơi đất Đà Thành
    Một đời vinh hiển xứng danh anh hùng
    2.

    Tôi với bác chưa từng gặp mặt
    Chợt nghe tin bác mất mà thương
    Đã đành sinh tử vô thường
    Mà cay khoé mắt mà vương lệ sầu

    Tôi mến bác vì đâu chẳng rõ
    Như bao người đã tỏ lòng yêu
    Nghe hay Đà Nẵng bao nhiêu
    Đến khi thực tế nhiều điều đẹp hơn
    10.

    Một vùng đất vẫn còn hoang hoá
    Được bác lên vài khoá thay da
    Biển Mỹ Khê, núi Bà Nà
    Nhắc cho hậu thế Hoàng Sa nước mình

    Ông Chủ tịch dân tình thương mến
    Với đồng liêu trên bến dưới thuyền
    Quyết đưa thành phố đi lên
    Những nơi đáng sống có tên Đà Thành
    18.

    Trước chấn chỉnh quan hành làm việc
    Cấm thói quen diễn xiếc cửa quyền
    Năm không, ba có ưu tiên
    Toàn dân đoàn kết vững tin vào ngài

    Sau chính sách nhân tài thu hút
    Kẻ kém trình buông bút cho xong
    Cơ quan trên dưới một lòng
    Tận tâm công việc bên ông làm bằng
    26.

    Những thủ tục lằng nhằng bỏ bớt
    Giới doanh nhân chẳng ngớt lời khen
    Công trường nhà máy đua chen
    Niềm vui sản xuất vang rền tiếng ca

    Cơm có thịt nhà nhà vui sướng
    Kể ngày xưa chỉ tưởng trong mơ
    Không đâu, sự thật bây giờ
    Dân tình hạnh phúc là nhờ có ông
    34.

    Nắm phát triển giao thông làm trọng
    Những cây cầu nhanh chóng được xây
    Trước kia chỉ một Cầu Quay
    Sông Hàn giờ đã đổi thay đôi bờ

    Màn đêm xuống mộng mơ huyền ảo
    Khách bộ hành bước dạo hai bên
    Ngỡ đây lạc cảnh thần tiên
    Miền Trung ta đó, bạn hiền bốn phương
    42.

    Dẫn nối tiếp những đường xinh đẹp
    Ngược Hội An, xuôi tiếp Thừa Thiên
    Sạch xanh bãi biển dịu hiền
    Đón chào du khách mọi miền ghé thăm

    Những giai thoại trăm năm còn kể
    Ngài Bí thư vui vẻ dễ gần
    Làm quan coi trọng chữ nhân
    Ván cờ xưa ấy, quan - dân vỉa hè
    50.

    Mới hay bác được về Nội chính
    Dạ tôi mừng chân quýnh quáng vui
    Sao nay bác đã đi rồi !
    Đất trời nhuốm sắc sụt sùi âm u

    Ngũ Hành Sơn mây mù tang tóc
    Biển Hoàng Sa gào khóc tên ông
    Sông Hàn lệ chảy tuôn dòng
    Hải Vân cuốn trận cuồng phong trả trời
    58.

    Chùa Linh Ứng mỉm cười cõi phật
    Xứ Hoà Vang trở đất ôm người
    Bác nằm yên nghỉ bác ơi !
    Bá Thanh - Đà Nẵng đời đời nhớ ơn.
    62.

    Trần Chung 15.02.2015

    Trả lờiXóa