Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2015

Cây xanh ở Ba Đình sẽ hỏi thăm chú bé Khoa

Cây xanh ở Ba Đình sẽ hỏi thăm chú bé Khoa

Chú bé Khoa ở đây là nhà thơ Trần Đăng Khoa. Tác giả của bài thơ "Hà Nội" được cho là viết năm 1969 (hôm trước, tôi đã cho đăng lại từ bản trực tuyến của Thi Viện, ở đây).

Trong bài đó, theo chính nhà thơ Trần Đăng Khoa, thì có hai dòng sau:

"Mấy năm giặc bắn phá 
Ba Đình vẫn xanh cây"


1. Gần đây, sự kiện "thảm sát cây xanh Hà Nội 2015" bùng phát, thì nhà thơ đã đăng đàn: 

Bài này đã bị xóa (chỉ còn lưu ở đây và muc số 6 ở đây)

Và, trong lúc đăng đàn đó, ông đã tâm sự như sau, cũng như đọc lại những câu thơ đã viết thời lên mười của mình. Nguyên văn:

"
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng “không có lợi ích nhóm” trong chuyện đốn hạ 6.700 cây xanh ở Thủ đô. Nói vậy có thể tin được không? Không có chiến dịch đốn hạ cây, tại sao lại có hàng trăm cây lớn bị chặt? Nhiều tuyến phố ngổn ngang như công trường khai thác gỗ.
Thời chiến tranh, bom đạn tàn phá khốc liệt, Hà Nội vẫn giữ được lá phổi xanh của mình. Bấy giờ, tôi còn là một cậu bé mà vẫn tự hào về Thủ Đô Hà Nội: “Những năm giặc bắn phá – Ba Đình vẫn xanh cây – Trăng vàng Chùa Một Cột – Phủ Tây Hồ hoa bay…”. Bây giờ, không có giặc, cũng không còn bom đạn nữa mà cây xanh thành phố Hà Nội lại bị hạ sát tàn bạo còn hơn cả những trận rải thảm của B52. 
"


Theo bác Thợ Cạo, thì xem ở trang của chính "Lão Khoa" thì ép-phê hơn (tại đây).

2. Về mấy câu thơ đó của chú bé Khoa, tôi đã đưa thắc mắc như sau:

"Tôi đang thắc mắc là tại sao lại là "Phủ Tây Hồ hoa bay...". Quả thực năm đó, chú bé Khoa (khoảng 11 tuổi) đã đến Phủ Tây Hồ, và thấy cái gì đó bay bay ? 

Hay là chú bịa ? Hay là ngài Xuân Diệu đã thêm thắt gì vào đó ? Hẳn là từ nhà Xuân Diệu mà lên Phủ Tây Hồ thì phải đi xe đạp thì hợp lí (hơn là so với cuốc bộ). Thứ nữa, phải có người hướng dẫn đi cùng. Hay chính là Xuân Diệu ?


Có thể bác Vũ Nho sẽ có kiến giải gì đó (bác Vũ Nho từng xuất bản cuốn nghiên cứu về thơ Trần Đăng Khoa). Hoặc, chính nhà thơ thiếu nhi giải đáp thì là tốt nhất.
"



3. Thắc mắc của tôi, sau đó, đã được bác Vũ Nho (một người có nghiên cứu chuyên sâu về thơ Trần Đăng Khoa) giải đáp như sau:

"Về chuyện "Phủ Tây Hồ hoa bay" thì có nhẽ tốt nhất là đặt câu hỏi với nhà thơ "thần đồng" ngày xưa mà bây giờ cũng chưa già lắm ( không phải "già khú" như Trần Đăng Khoa tự nhận). Tôi không thấy có chi tiết nào nhà thơ nói về việc "can thiệp" của ông thầy Xuân Diệu. Phủ Tây Hồ, có nhiều người mang hương hoa đến lễ. Vì sao lại nhìn "hoa" của người mang đến BAY được? Hoặc giả có cây bông gòn, bông gạo ở phủ, hoa bay ( những hạt bông gòn bung nở, như bông hoa nhỏ xíu bay trong gió)? Bài thơ chỉ đề năm viết 1969, không rõ tháng viết. Trước đó, chú bé Khoa cũng đã quan sát về hoa Hà Nội và viết : Hà Nội có nhiều hoa/ Bó từng chùm cẩn thận/ mấy chú vào mua hoa/ Tươi cười ra mặt trận. Hoa đem lễ thì cũng là hoa được sắp xếp cẩn thận, khó mà BAY. Tôi chỉ đoán như vậy. Để chắc chắn, sẽ gọi điện cho Trần Đăng Khoa là ổn thôi!"


"Bạn Giao thân mến!
Tôi đã điện thoại cho Trần Đăng Khoa để nói về thắc mắc của bạn. Nhà thơ trả lời hai ý : Thứ nhất là bài này, nhà thơ Xuân Diệu không có góp ý gì. Thứ hai, "hoa bay" ở đây là câu thơ viết ảo, đa nghĩa: Có thể hiểu hoa bông gòn, bông gạo bay; cũng có thể hiểu là hoa nắng (qua tán lá) lung linh khi gió thổi; và cũng có thể hiểu là những nụ cười trên gương mặt người như hoa trong gió và nắng của bóng cây Phủ Tây Hồ!
"

4. Tôi đã nhờ thêm bác Vũ Nho như sau, sau khi nhận được giải đáp của bác (và cũng là của nhà thơ Trần Đăng Khoa qua bác):

"
Rất cảm ơn bác Vũ Nho và nhà thơ Trần Đăng Khoa !

Hai chi tiết trên, thì chi tiết liên quan đến nhà thơ Xuân Diệu là một cái giả thiết xa xôi. Cốt để gợi lại không khí anh Khoa lên Hà Nội thời gian đó thôi. Hoàn toàn là giả thiết.


Chi tiết thứ hai thì nếu được, nhờ bác Vũ Nho hỏi giùm anh Khoa là: lúc đó, anh Khoa lên Phủ Tây Hồ là tự đi, hay là đi cùng ai. Lúc đó, vào năm 1969, khi anh Khoa tới Phủ Tây Hồ, thì Phủ đã có người tới lễ chưa ? Tức là cháu muốn biết thêm thông tin bên ngoài câu thơ về Phủ Tây Hồ đó của anh Khoa.

Kính nhờ bác Vũ Nho.
"


5. Bây giờ, tạm gác lại chuyện Phủ Tây Hồ.

6. Mà trở lại với "cây xanh". Tức cây xanh ở Ba Đình. 


"Mấy năm giặc bắn phá 
Ba Đình vẫn xanh cây"

Tức là cả đoạn:

"

Hà Nội có tàu điện 
Đi về cứ leng keng 
Người xuống và người lên 
Người nào trông cũng đẹp 

Mấy năm giặc bắn phá 
Ba Đình vẫn xanh cây 
Trăng vàng chùa Một Cột 
Phủ Tây Hồ hoa bay...
1969 
" 


7. Thì kết quả như sau (bản in trước ngày 30/4/1975):


Hình chụp bằng điện thoại, hơi mờ


8. Tức là, ở thời điểm năm 1969, không phải là:

"Mấy năm giặc bắn phá 
Ba Đình vẫn xanh cây"

Mà là:

"Mấy năm giặc bắn phá
Hà Nội có sao đâu"


9. Như vậy, "Ba Đình vẫn xanh cây" có thể là câu đã sửa lại sau này. 

Sửa lúc nào thì cần xác nhận với chính nhà thơ, và với các nhà nghiên cứu phê bình văn học.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội, cũng như cây ở Ba Đình, có thể "truy cứu trách nhiệm" của nhà thơ !

Chí hướng Ba Đình đã xuất hiện lúc nào đó, khi cậu bé lớn lên.

---

Những entry liên quan đã đi trên blog này:















Văn nghệ thứ Bảy : Mùa xuân đâu còn là Tết trồng cây

Gỗ quí của Việt Nam dựng chùa ở Trung Quốc : tòa tam bảo tồn tại từ thập niên 1660 đến nay

 Mạng cây mạng người, diễn biến tiếp theo

-  Không nói nhiều : mỗi cây là một mạng người đó, các ông các bà ạ

4 nhận xét:

  1. Thú vị thật!
    Tôi có viết cuốn sách Trần Đăng Khoa thần đồng thơ ca ( NXB Văn hóa thông tin,2000). Phần lớn thơ của Trần Đăng Khoa là được in sau 1975. Bởi vậy chi tiết này của bạn Giao thật bất ngờ với tôi. Trong khi tìm hiểu thơ Trần Đăng Khoa, tôi chú ý chi tiết là "chú bé" Khoa luôn sửa chữa thơ của mình. Cũng có trường hợp sửa thơ hay lên, có trường hợp không hay bằng bản cũ. Riêng câu sửa này thì hay hơn hẳn. Có điều là bây giờ Ba Đình vẫn xanh cây. Các vị lãnh đạo mới cho chặt ở đường Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Trãi thôi...
    Trả lờiXóa

    Trả lời

    1. Chuyên gia nghiên cứu thơ Trần Đăng Khoa thấy thú vị là vui rồi. Có mấy chỗ cháu viết vui vui bác Vũ Nho à. Còn thực chất đúng là thêm một trường hợp chú bé Khoa sửa thơ của mình.

      Sẽ vẫn còn bất ngờ về chi tiết Phủ Tây Hồ đó bác Vũ Nho. Vì đã nói là tạm gác, nên ở entry này tạm che câu tiếp theo.

      Lại phải chờ luận giải từ phía chuyên gia trước, hoặc là tâm sự của chính nhà thơ. Hi vọng, bạn đọc sẽ được một kiến thức gì đó bổ ích.
  2. Tối cuối tuần vui thiệt đó nghen . " Hà Nội có sao đâu " trong suy nghĩ của chú bé 10 tuổi ,còn " Ba đình vẫn xanh cây " là suy nghĩ của ông già gần 60 với sự việc lùm sùm như thời gian vừa qua
    Nhà văn , nhà thơ cũng phải cảm nhận được hơi thở của cuộc sống , nhưng sửa lại thơ như vầy thì bó tay . Chờ bác Giao đưa đoạn sau lên xem tiếp , chắc vui lắm à nghen
    Trả lời


  3. Chép lại từ Giao Blog

2 nhận xét:

  1. Cảm ơn bác Vũ Nho ! Ở đây chúng ta biết thêm một trường hợp cụ thể về việc "thôi xao/thôi sao" trong sáng tác văn học.

    Nếu được, mong bác hỏi giúp anh Khoa xem là anh ấy đã chữa bản thảo này vào năm nào ? Dựa vào tư liệu văn bản nhiều khi không có được những kiến giải sâu sắc từ tâm sự nghề nghiệp của nhà văn.

    Kính nhờ bác.

    Trả lờiXóa
  2. Bạn Giao thân mến! Theo ý tôi thì thật khó khi đưa câu hỏi này cho nhà thơ. Bởi vì làm sao mà nhớ hết chi tiết ngày tháng năm như thế. Người tìm hiểu chúng ta chỉ có cách duy nhất là đối chiếu các lần in khác nhau. Ví dụ câu thơ " Hà Nội có sao đâu" in trong bản in năm X, vậy câu " Ba Đình vẫn xanh cây" thấy lần đầu xuất hiện trên bản in năm Y, chúng ta biết được sự sửa chữa diễn ra trong khoảng năm Y-X. Không cụ thể ngày tháng năm được, nhưng biết được quãng đó nhà thơ bao nhiêu tuổi. Và như tôi đã nói, có trường hợp chữa làm HAY hơn, nhưng cũng có trường hợp làm giảm cái HAY đi. Người đọc có thể có lí hơn tác giả.

    Trả lờiXóa