Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2015

CON MẮT VỚI TÌNH YÊU





                          Vũ Nho



Trong kho tàng ca dao chúng ta bắt gặp nhiều câu có liên quan đến miệng cười, đôi má lúm đồng tiền, mái tóc đuôi gà, chiếc yếm thắm, rồi cái nón thúng quai thao... Những câu ca dao mới đẹp làm sao:

- Mình về có nhớ ta chăng

Ta về ta nhớ hàm răng mình cười

- Răng đen nhưng nhức hạt dưa

Miệng cười tủm tỉm như chưa có chồng

 - Chẳng tham nhà ngói rung rinh

Tham về một nỗi anh xinh miệng cười

Tuy thế, những câu ca dao nói về con mắt có lẽ là nhiều nhất. Và những câu ca dao hay về con mắt cũng thật nhiều. Đó là điều dễ hiểu. Vì tục ngữ nói: "Giàu đôi con mắt".

Chúng ta ngày nay quan niệm: "Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn". Tất cả những màu sắc của thiên nhiên, của cây đời xanh tươi, và “sắc màu của tình cảm” đều tác động đến chúng ta qua "chiếc cửa sổ" độc đáo đó.

Con mắt được nói đến nhiều nhất là con mắt liên quan đến đời sống tình cảm của con người, liên quan đến tình yêu lứa đôi. Những câu ca dao dưới đây tuy không nói về con mắt nhưng chính là nói về mắt, nói về "hoạt động nhìn" của người đang yêu:


Ngày ngày em đứng em trông

Trông non non ngất trông sông sông dài

Trông mây mây kéo ngang trời

Trông trăng trăng khuyết trông người người xa.

Những câu kiểu "em đứng em trông", "trông cá cá lặn trông sao sao mờ" là rất phổ biến. Hãy chỉ kể đến những câu trực tiếp nói đến mắt, chúng ta thấy cũng đã nhiều. Bài thơ "Mười thương" nét đáng thương đáng mến thứ mười là con mắt có tình - tình trong con mắt.

Chín thương cô ở một mình

Mười thương con mắt có tình với ai.

Con mắt trực tiếp tham gia vào đời sống tình cảm, là phương tiện để bộc lộ tình cảm. Nỗi nhớ sâu thẳm cháy ruột cháy gan "Nhớ ai bổi hổi bồi hồi - Như đứng đống lửa như ngồi đống than" đã hiện lên con mắt:

Nhớ ai con mắt lim dim

Chân đi thất thểu như chim tha mồi

Nỗi nhớ đã biến thành nước mắt:

Nhớ ai em những khóc thầm

Hai hàng nước mắt đầm đầm như mưa

Nỗi nhớ đó thành niềm khắc khoải làm cho con mắt ngủ không yên, cứ cháy sáng mãi như ngọn đèn trong đêm.

Đèn thương nhớ ai

Mà đèn không tắt

Mắt thương nhớ ai

Mắt ngủ không yên.

Cái niềm thương nỗi nhớ da diết ấy được bắt đầu như thế nào? Chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn một chút về hai câu ca dao:

Con dao vàng rọc lá trầu vàng

Mắt anh anh liếc, mắt nàng nàng đưa

Mới đọc, người ta dễ có cảm giác các yếu tố trong hai câu này độc lập, không gắn bó với nhau. Nó từa tựa như hai câu dưới đây về mặt cấu trúc:

Tới đây phân rẽ đôi đàng

Của anh anh gánh, của nàng nàng bưng.

Nhưng đọc kỹ thì không phải như vậy. Con dao vàng gặp lá trầu vàng là gặp được sự tương xứng. Dao vàng quý giá đem rọc lá trầu ôi thì phí dao đi. Ngược lại lá trầu vàng bị con dao cùn cắt cứa thì cũng uổng thân trầu. Nhưng dao vàng gặp trầu vàng, thật là tốt đẹp, may mắn, cũng giống như nàng gặp anh. Và vì thế "mắt anh anh liếc, mắt nàng nàng đưa" là nói chuyện của hai anh chị nhìn nhau chứ không phải nhìn ai khác.

Câu ca dao nói rất rõ cái gọi là "giới tính" của hai người. Anh táo bạo, sôi nổi, bồng bột cho nên "liếc". Còn nàng là con gái vốn kín đáo thuỳ mỵ hơn nên chỉ "đưa" thôi. Nhưng hiệu quả thì chắc gì ai đã hơn ai. Đôi mắt "sắc như dao cau". Với cặp mắt ấy chỉ cần "đưa" nhẹ cũng đủ cắt vào tận tim của đối tượng. Đây, lời thú nhận của chàng trai về sức "công phá" và "quyến rủ” của mắt em:

Hoa thơm hoa ở trên cây

Đôi con mắt em lúng liếng dạ anh say lừ đừ.

Mắt lúng liếng tạo nên sóng mắt, như sóng biển làm cho anh chóng mặt. Rồi anh say, say lử, say lừ đừ. Ở đây có cái say thuần tuý sinh lý vì "chóng mặt" nhưng ai dám bảo không có cái say tâm lý - say tình. Mà say tình mới là cái chính. Say sinh lý bùng nổ say tâm lý. Chàng trai, say không chỉ ở con mắt nhìn mà say ở trong tim.

Nhưng câu ca dao này chỉ nói cái say của một phía. Còn câu ca chúng ta đang xét nói cái say của cả hai người. Anh liếc, nàng đưa - thật là nhịp nhàng, cân xứng. Cả câu thơ có hai động từ "liếc" và "đưa" còn lại là hai từ "mắt" và bốn từ "anh" "anh" "nàng" “nàng". Có cảm giác là bốn chủ thể. Và như vậy dĩ nhiên sẽ có bốn cặp – tám con mắt đang say sưa mải miết "liếc", "đưa" nhau. Vâng, khi người ta đã say nhau, đã mê nhau thì có đến hàng ngàn con mắt cũng vẫn chưa đủ để ngắm nhìn nhau cho thỏa.

Có thứ tình yêu được ví như trái cây, phải trải năm tháng qua mưa nắng, phát triển từ từ rồi đến mùa ửng chín, ngọt ngào. Cũng có tình yêu như tiếng sét. Lóe chớp bùng nổ dữ dội và lập tức say mê. Xét cả về đời sống lẫn trong nghệ thuật, tình yêu nào cũng đẹp đẽ, đáng yêu. Nếu không có loại tình yêu "như tiếng sét" thì sẽ hẳn là một thiệt thòi cho cuốn "bách khoa tình yêu” của nhân loại.

Điều mà người viết những dòng này tâm đắc là anh và nàng trong câu ca dao ấy hiện nay vẫn đang chắc tay búa, tay súng, tay cày, tay bút trên mọi trận tuyến của đất nước. Chúng ta có thể bắt gặp họ bất cứ ở đâu. Nhưng tốt nhất xin mời bạn đến những đám cưới. Chẳng cần tinh ý lắm cũng nhận ra họ ngay như trong thơ Phan Thị Thanh Nhàn:

Các cụ ông say thuốc

Các cụ bà say trầu

Còn con trai con gái

Chỉ nhìn mà say nhau.

                      

                 Thái Nguyên, Hà Nội 1986

2 nhận xét:

  1. Hây dà ! Hây dà
    Lời bình hay quá ta , mộc mạc , giản dị như cây lúa cây khoai vậy . Người ta bây giờ hay bắt chước nhau bình những lời văn óng ả , ngôn từ trau chuốt theo kiểu hàn lâm . Đọc lên thấy đèm đẹp nhưng chẳng có gì đọng lại . Phải đến một giới hạn nào đó thì con người ta mới viết được những laoif văn bình dị chân chất mà đi vào lòng người như này . 4 khổ thơ của Phan thị Thanh Nhàn Bác đưa vào làm câu kết độc thiệt , rất hay

    Trả lờiXóa