TRIẾT TÌNH SINH - DIỆT - DIỆT - SINH
(Bình bài Sớm mai*)
Song bình 1: HOÀNG DÂN - ĐƯỜNG VĂN
Đập tan sạch bách vô tình!
Đập tan ráo trọi vô minh, vô thường!
Đập tan luôn cả mình luôn!
Sớm mai, một ngọn xanh rờn… trồi lên.
1
Câu:
Hút cạn đáy thẳm, tôi tìm thấy tôi…
(Dường
như (22),
theo tôi, không chỉ là cái đinh găm tư tưởng triết lý của Dường
như mà còn là một trong những “Tuyên
ngôn nghệ thuật” của NVA – một tuyên
ngôn hướng nội, giản dị và thấp thoáng chút ngậm ngùi. Con người nói chung
thường rất dễ đồng cảm với những điều giản dị và dị ứng với những “lập thuyết”
đao to búa lớn, trống rỗng.
Thế nên khi đọc “Sớm mai”, cơ hồ trực giác tôi đã “ngấm thẳng” câu mở đầu: Đập tan sạch bách vô
tình!
Thật quyết liệt và cũng
thật… đau đớn! Đã “đập tan” tức là không thể phục hồi, lại “sạch bách” tức là tuyệt đối không khoan
nhượng, không luyến tiếc! Đối tượng để “hành quyết” là gì? Là thói “vô tình”! Theo nghĩa hướng ngoại thì thói vô
tình là khởi đầu, sau đó sẽ là vô cảm
và cuối cùng là vô lương (tâm)? Đó
cũng là một nẻo đường đời mà không ít kẻ mắt tinh, tai thính, mồm dẻo… đang
ngạo nghễ thăng tiến và kiếm chác – những kẻ vô cảm, vô lương này làm sao có
thể cảm, thấu được nỗi thống khổ của thảo dân nói chung, chứ đừng nói là những
thảo dân không may bị khiếm thị, khiếm thính, và khiếm hành ngôn…? Chúng có thể
vung bạc tỉ để “hối lộ” thần phật, nhưng không thể mở miệng nói nổi một lời tử
tế với những nạn nhân khốn cùng đang lần hồi lê lết trong trập trùng bóng tối.
Nhưng theo nghĩa hướng nội thì câu chuyện lại khác?
Hình như chủ thể trữ tình muốn tự “đập
tan” chính sự an phận, yếm thế, tự ti, mặc cảm… tù đọng của mình để khơi
dậy những cảm hứng của lòng ham sống, ham yêu, ham sáng tạo?
Câu hai:
“Đập tan ráo trọi vô minh, vô thường”
đã minh chứng cho phỏng đoán trên. Vẫn
quyết liệt và triệt để như câu mở đầu, nhưng ở đây đối tượng “hành quyết” là sự
u mê, tăm tối, ngu dốt, hèn hạ; là sự đổi thay, quay quắt của thói đời. Dường
như chủ thể trữ tình đã nỗ lực tự “khai
sáng” cho chính mình để có đủ dũng khí vượt lên những thói thường mà con
người rất khó tránh.
Câu ba:
“Đập tan luôn cả mình luôn!”
là hệ quả tất yếu của ý tưởng ở hai câu trên. Trước hết,
nó là lời tự thú chân thành rằng, ta
cũng có những thời đoạn nào đó từng chìm đắm trong những u mê, mặc cảm, tự ti,
phẫn chí, buông xuôi…; nhưng rồi ta bỗng giật mình sám hối và bùng cháy một
khát vọng “thay máu” cho bản thân – một cuộc “thay máu” không hề dễ dàng, nhưng
đó lại chính là “cửa sinh” duy nhất, giữa bát trận đồ thiên
la địa võng của cõi người;… không thể khác! Hành động tự giác này xem ra có vẻ
liều mạng, điên khùng, hơi bị tự lên gân, cường điệu, đánh bóng, PR gì đó,… nếu đặt vào văn cảnh khác. Nhưng ở đây, đặt
trong văn cảnh, tâm thế cụ thể này, trong sự nối mạch với 2 câu trên và câu kết liền dưới, đọc đi đọc lại, tôi vẫn
không hề thấy cảm giác tồi tệ, đáng chán ấy. Mà ngược lại, cảm nhận rằng, nhịp
thơ liền và nhanh, dứt khoát như 1 lằn tên đã rời khỏi cung, chỉ 1 đích phóng
tới. Ý thơ sáng ngời. Tình thơ hào sảng. Đó là câu thơ giản phác, thẳng băng,
thể hiện ý chí và nỗ lực quyết đưa quá trình tự diệt, tự hủy thể xác và tâm
tưởng bản thân đến tận cùng, đặng kết thúc một chu trình cuộc sống. Về nghệ
thuật và giọng điệu, ai dám bảo thơ lục bát không chở nổi những cảm xúc, tâm
trạng mạnh, nhanh như chớp xoẹt? Đọc vang thành tiếng, bỗng nhiên thống khoái
lạ lùng!
Sớm mai, một ngọn xanh rờn…
trồi lên!
Vào lúc bình minh ló
rạng, mà bình minh nào cũng chứa chan hi vọng, sẽ có một ngọn xanh rờn…
trồi lên! Đó sẽ là một gương
mặt mới, sự sống mới hồi sinh, tái sinh sau những dằn vặt, đớn đau âm ỉ, dai
dẳng trong tâm hồn của một người thơ bất hạnh, nhưng không bao giờ chịu buông
xuôi – một người thơ can đảm và khả ái!
Thạch Bàn, 7. 8. 2015. HD
2
Trong quá trình đọc – biên tập chùm 36 bài Triết tình lục bát bốn câu của Nguyễn
Việt Anh (7–2015); (theo đề nghị của
tác giả); đã được trích đăng trên các blog
trannhuong, nguyennguyenbay, vunhoNINHBINH.com, (30 – 7 - 8 – 2015),
tôi cũng đã có một vài ý nghĩ đồng hướng
với anh bạn văn Hoàng Dân xứ Thạch Bàn, Long Biên. Nay xin nói rõ hơn vài điểm
tâm đắc, qua một lời song bình viết
vội.
Trong thực tế văn học
sử, thơ triết lý thế giới xuất hiện từ thời cổ
- trung đại (Hi – La, Ai cập, Trung Quốc, Ấn độ…). Thơ triết lý Việt Nam cũng ra đời từ rất lâu với Mãn Giác Thiền sư
(triều Lý), Tuệ Trung Thượng sỹ (triều Trần), Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm
(thế kỷ 16)… Giữa thập kỷ thứ 2 thế kỷ 21, cây viết khiếm thị trẻ Nguyễn Việt
Anh nuôi khát vọng tập sáng tác loại thơ
khó này bẳng chùm 36 bài lục bát bốn
câu. Khát vọng nghệ thuật đáng trân trọng ấy bước đầu đạt kết quả đến đâu?
2.1.
Trước
hết, nét độc đáo nổi bật của chùm thơ
này, theo tôi, là ở:
+ Nó rất tập trung về chủ đề
(chuyên đề) và tính chất thể loại như 1 thể
nghiệm nghệ thuật mạnh bạo đầu tiên của người viết mà tôi tạm đặt tên bằng cụm từ - thuật ngữ hơi
dài: Triết tình lục bát bốn câu.
Nguyễn Việt Anh chủ ý chọn thể thơ dân tộc truyền thống 6/8 như 1 lối chơi độc tấu đầy dũng cảm và tự
tin, dù biết trước sẽ khó tránh khỏi sự đơn điệu, trùng lặp về vần điệu, nhất
là về giọng, nhịp. Anh đang hết sức nỗ lực cần mẫn và quyết tâm đi tìm một lối lục bát của riêng mình. Lần này,
Việt Anh lại tự thử thách trong thể lục
bát 4 câu, rất ngắn, cô đúc để thể hiện những nội dung hiện thực – triết lý
sâu xa. (Lưu ý: Lục bát 4 câu không phải là thơ tứ tuyệt (như tứ tuyệt Đường luật (thất
ngôn, ngũ ngôn…). Quả là trói voi bỏ rọ, dám chấp nhận và kiêu hãnh với cái
bé hạt tiêu của mình! Nhưng theo tôi, nhìn chung, trên một bình diện và mức độ
nhất định, anh đã thành công.
+ Về nội dung tư tưởng và
tính chất: Hướng nội sâu, bằng cách mượn
một vài hình ảnh thực, tâm trạng, cảm xúc, tình cảm thực để khái quát những ý nghĩa triết lý nhân sinh phong phú,
nhiều vẻ mà tác giả từng trải nghiệm, ngẫm ngợi. Những triết lý, triết luận ấy
tuy không mới về nội dung, không mang tính tính phát hiện đáng ngạc nhiên;
nhưng lại khá mới trong cách diễn đạt,
biểu hiện, trong tư duy và hình
tượng, ngôn từ nghệ thuật.
+ Những triết lý mà Việt Anh đề xuất và bàn luận, chiêm nghiệm
được trình bày bằng hình thức thơ lục bát ngọt ngào, êm ái, chậm rãi, ung
dung, dịu dàng, nhẹ nhàng; nhưng khi cần, cũng không kém phần bức xúc, mạnh mẽ.
Nhiều câu, bài rắn rỏi, đầy tự tin, khẳng định quả quyết và không bao giờ tư
biện, chung chung, mà rất đỗi cụ thể và nhất là được viết ra trong tư duy và
tưởng tượng bay bổng và tinh tế, bằng tất cả sự nồng nàn, đắm đuối của tình yêu
cuộc sống, con người. Bởi vậy, về cơ bản, nó giản dị, lắng sâu và có thể gây
được hiệu ứng sẻ chia, đồng cảm rộng xa nơi người đọc.
Để sơ giản khái quát lý
luận, tôi tạm gọi là loại thơ triết tình
lục bát bốn câu như một thao tác định
danh, phân loại bước đầu. 2 bài Dường
như và Sớm mai được chọn bình là
cặp thực chứng khá thuyết phục cho
những nhận xét trên của chúng tôi.
2.2. Tán thành những bình giải cặn kẽ, thấu tình đạt lý và tinh tế (câu 3 – 4), hình ảnh tim đêm) của Hoàng Dân với bài Dường như, tôi chỉ muốn bạn đọc lưu ý
cái nhan đề bài thơ gợi ý tứ rất đỗi mơ hồ, tương đối,… Nhưng những điều cảm
nhận và nghiệm suy, kết luận trong từng câu và cả bài lại mang tính xác định
khá rõ ràng. Càng về cuối, tính xác quyết càng cao, càng chắc chắn. Đọc kỹ,
thấy đó không phải là mâu thuẫn giữa thực tiễn và tư duy chủ quan mà là biện chứng của quy luật giữa chủ quan và khách quan trong nỗ lực
vượt thoát và khám phá của chủ thể người sáng tạo.
Thật ra, triết lý tôi tìm thấy tôi, nghĩa là tự mình gắng
gỏi tìm cho bằng được cái bản thể, cái
tôi cá nhân của mình đã và đang là một trong những vấn đề triết học nhân
sinh cơ bản nhất của loài người từ đông tây kim cổ. Ta là ai? đã và vẫn là một trong những câu hỏi triết lý chưa có lời
đáp cuối cùng (như ngọn gió siêu hình! (CLV). Trong 36 triết tình, Việt Anh cũng hơn 1 lần
trở đi trở lại triết lý này bằng những cách nói khác nhau:
(Giờ tôi
lại chẳng thấy tôi chút nào! (Có phải?(16);
Ai từ thăm thẳm gọi ta? Hay trong ta, tiếng vọng ra, gọi người?!(Có? Không?)(25);
Thôi đành im lặng để hồn thẩm nhau! (Im lặng (35); Phí công rượt bóng, đuổi
hoài hồn ta… (Rượt đuổi), (36)…
Ở đây, cái chủ chốt
hướng tới không phải là bản chất cái tôi
trữ tình của anh mang nội hàm gì
mà là phác họa con đường, quy trình, lộ trình trắc trở, gian
nan, khó khăn, quyết liệt để tìm cho bằng được cái tôi ấy: thành công, thất bại, nhiều lần (gặp rồi xa, lại gặp rồi, xa thêm) có khi tạm thời chấp nhận thất
bại, cũng có khi chán nản, tuyệt vọng (buông
tay, chìm tận tim đêm). Nhưng trên
hết là sự triệt để dấn thân đến cùng,
với nghị lực, nội lực không mệt mỏi, quyết tâm đi tới cùng, tận bờ sát góc (hút cạn đáy thẳm)… thì kết quả tất yếu
sẽ là: thành công: tôi tìm thấy… tôi!
Cái mới và hấp dẫn của
bài thơ triết tình này chính là ở đó.
Mỗi người, tùy hoàn
cảnh, tính cách, điều kiện…không giống nhau, muốn thành sự, tất yếu sẽ phải
chọn cho mình những con đường khác nhau
đặng tìm kiếm, giải mã cái tôi bản thể
của mình; nhưng tinh thần chung của nó, ý chí chung của nó và điều kiện tiên
quyết để tới đích thắng lợi, phải chăng chính là con đường mà tác giả Dường như đã mô tả và tự mình trải
nghiệm?
Vì thế, xét trên một mặt
nào đó, đúng là có thể xem câu thơ cuối cùng của Dường như là một trong
những tuyên ngôn nghệ thuật nghiêm
túc, chân thành và tự giác, tự nguyện của Nguyễn Việt Anh; một tuyên ngôn của
tuổi trẻ thông minh, quả cảm, vượt lên bất hạnh để không ngừng sáng tạo. Về
điểm này, tôi hoàn toàn biểu đồng tình với nhận xét của Hoàng Dân.
2.3. Linh hồn của bài Sớm
mai, theo tôi, chính là triết lý mang tính quy luật đẫm vị Thiền: sinh – diệt – diệt – sinh… tuần hoàn chu
chuyển, vô tận vô cùng…; một trong những triết lý nhân sinh lâu đời nhất. Có
sinh thì có diệt; có diệt mới có sinh!... Sinh
– dương, diệt – âm; âm – dương, dương
– âm chuyển hóa không ngừng tạo nên sự tồn tại, phát triển của đại vũ trụ (thiên nhiên) và tiểu vũ trụ (con người).
Đóng góp riêng của Việt Anh ở bài này không phải là sự khám phá,
luận giải sâu thêm về nội dung, bản chất của triết lý dân gian truyền thống mà
là ở thái độ, tình cảm trong quá trình
thực hiện quy luật đối với bản thân mình. Một thái độ cực kỳ mạnh
mẽ, trực diện, trực tiếp, quyết liệt, triệt để, chứa chan niềm tin vào cuộc
sống và tương lai,… phù hợp với giọng thơ,
nhịp thơ lục bát trẻ khỏe, đầy hào khí, cuồn cuộn như sóng triều, vượt qua
lốc bão cập bờ bình yên.
3 câu trên chỉ nói về quá
trình hành động hủy diệt bằng điệp
ngữ - động từ ghép đập tan cộng với các phụ từ chỉ mức độ và cường độ tuyệt đối
mang tính dân dã cao: sạch bách, ráo trọi
(phương ngữ Nam
bộ), tan tành… Đập tan, phá hết, hủy hết tất cả những gì thuộc về vô tình (tình cảm, thái độ, ứng xử), vô minh (u tối, mê muội, vô tri… thuộc
về tri thức, hiểu biết); vô thường
(sự biến ảo khôn lường, khó nắm bắt, khó làm chủ của hiện tượng, sự vật, quy
luật). Nghĩa là đập tan tất cả những gì cần phải, cần thiết
tiêu diệt, không thương tiếc. Không lưu luyến, không trù trừ, nhân nhượng…! mà
khó khăn nhất, quyết liệt nhất chính là sự tự hủy diệt bản thân, cá nhân mình (Đập tan tành cả tôi luôn!). Nhưng quá
trình đập phá, hủy diệt và tự hủy diệt với những kẻ thù gần gũi và ghê gớm ấy
không phải bởi thái độ, hành động cuồng điên, mất lý trí hoặc mê tín, cực đoan,
ngu muội bởi những huyễn hoặc giáo điều, giáo lý tù mù, bí hiểm nào đó…mà là
những thái độ, tình cảm, hành động quả đoán, bản lĩnh, thông minh trên cơ sở sự
hiểu biết, thức nhận, giác ngộ sâu sắc về ngoại giới cùng bản thân, với niềm
lạc quan tin tưởng vô bờ vào sự hồi sinh, tái sinh, phát triển không ngừng của
sự sống - con người. Nếu mô hình hóa mạch thơ Sớm mai với một đồ thị đường pa
rabol hình sin, thì hẳn câu thơ thứ ba này phải nằm trọn trong đoạn cong, vòng
trũng xuống đáy, mà từ luôn chính là
vị trí điểm uốn chuẩn xác.
Đọc câu kết – câu duy nhất nói về sự hồi sinh, tái sinh, phát triển như 1 chiếc đòn bẩy cứng khỏe, lại chọn đúng điểm tỳ:
Sớm mai, một ngọn
xanh rờn… trồi lên!,
tôi chợt bồi hồi nhớ tới đoạn cuối bài Từ thế chi ca (Bài ca giã từ cõi thế (1989), Chế Lan Viên viết
không lâu trước khi lên bàn phẫu thuật lần cuối cùng:
Anh tồn tại mãi!
Không bằng tuổi tên, mà như tro bụi,
Như ngọn cỏ tàn, đến tiết, lại trồi lên!
Không biết Nguyễn Việt
Anh đã đọc những câu thơ này hay chưa? Nếu đã
thì đó là sự chịu ảnh hưởng dễ hiểu
của lớp con cháu đối với thế hệ gạo cội ông cha. Nếu chưa thì phải chăng đó là sự gặp
gỡ tình cờ lý thú của hai thế hệ làm thơ cách nhau hơn nửa thế kỷ, khi cùng
suy tư về một triết lý cuộc đời, trong sự chiêm nghiệm và tưởng tượng nghệ
thuật của riêng mình.
Và tôi bạo gan cho rằng
cái ngọn xanh rờn (ngọn gì không
rõ?!) trồi lên vào buổi sớm mai đẫm
sương ấy, có phần trừu tượng mà cụ thể, trẻ trung, đáng yêu và quyến rũ hơn ngọn cỏ tàn đến tiết, lại trồi lên! của tác giả Điêu tàn, Ánh sáng và phù sa*!
Nhưng so sánh như vậy liệu có khiên cưỡng và mạo phạm không? Xin tùy bạn đọc
xét định.
2.4. Tuy nhiên, đọc trọn chùm
36 bài triết tình lục bát bốn câu
khá sắc sảo và độc đáo của Nguyễn Việt Anh, đã thấy thấp thoáng sự trùng lặp chính mình trong những bài
thơ, từ cách lập ý, dựng tứ đến hình ảnh, câu chữ. Đặc biệt, người đọc chưa hề tìm thấy một triết lý nào, dù
đơn giản, nhỏ bé mà thiết thực là kết quả của những suy nghiệm, phát hiện riêng của chính người đi tìm chân lý và
người thơ khái quát triết lý. Ở đây, hầu như Việt Anh mới là người được/bị nếm
trải, phát hiện lại và minh họa khéo một số triết lý thông thường (cần thiết)
bằng thơ lục bát ngắn… mà thôi!
Tôi hiểu, điều đó là vô
cùng khó khăn. Phải có thời gian, phải tích lũy và tư duy, nghĩ ngợi, trăn trở
không ngừng… may ra! Nhưng tôi vẫn muốn kỳ vọng nơi cây bút trẻ đặc biệt này;
vì tôi luôn tự hào và tin tưởng ở tuổi trẻ, người trẻ; vì tôi cũng đã có một
thời trẻ tuổi mơ mộng và say mê, một thời vang và bóng… đã xa mờ!/.
* Bài thơ thứ 3/36; chùm Triết tình lục bát bốn câu của NVA (7 – 2015).
* Tên các tập thơ của CLV.
Trèm, 8 – 8 – 2015. ĐV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét