Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

ĐỢI ANH VỀ K. Ximonov với lời bình Vũ Nho





                                                                               Vũ Nho - chủ trang


K. Ximonov

Bản dịch nghĩa:

Hãy đợi anh, anh sẽ trở về

Chỉ cần hãy gắng đợi.

Hãy đợi khi những cơn mưa màu vàng

Gợi nỗi buồn phiền

Hãy đợi, khi những trận tuyết trút

Hãy đợi khi nóng nực

Hãy đợi khi người ta

Quên ngày hôm qua, không chờ đợi những người khác nữa



Hãy đợi, khi từ những nơi xa xôi

Những bức thư không tới

Hãy đợi khi những người cùng đợi

Đã chán sự đợi chờ



Hãy đợi anh, anh sẽ trở về

Đừng cầu chúc điều tốt

Cho những người biết làu làu

Rằng đã đến lúc quên

Dù cho mẹ và con trai

Tin rằng anh không còn

Dù bạn bè đã mỏi mệt đợi chờ

Ngồi xung quanh đống lửa

Uống rượu vang đắng cay

Để tưởng nhớ hồn anh

Hãy đợi - và đừng cùng với họ

Vội vàng cạn chén



Hãy đợi anh, anh sẽ trở về

Trêu gan tất cả những chết chóc

Người không đợi anh

Cứ để họ nói rằng : Gặp may

Những người không đợi chờ, không hiểu được

Bằng sự chờ đợi của mình

Em đã cứu sống anh

Giữa lửa đạn



Chỉ có em và anh sẽ biết

Vì sao anh thoát chết

Đơn giản, không có người nào khác

Như em, biết đợi chờ

                           ( Vũ Nho dịch từ tiếng Nga)

Bản dịch thơ:

Em ơi đợi anh về

Đợi anh hoài em nhé

Mưa có rơi dầm dề

Ngày có dài lê thê

Em ơi em cứ đợi.

Dù tuyết rơi gió thổi

Dù nắng cháy em ơi

Bạn cũ có quên rồi

Đợi anh về em nhé!

Tin anh dù vắng vẻ

Lòng ai dù tái tê

Chẳng mong chi ngày về

Thì em ơi cứ đợi!

Em ơi em cứ đợi

Dù ai thương nhớ ai

Chẳng mong có ngày mai

Dù mẹ già con dại

Hết mong anh trở lại

Dù bạn viếng hồn anh

Yên nghỉ nấm mồ xanh

Nâng chén tình dốc cạn

Thì em ơi mặc bạn

Đợi anh hoài em nghe

Tin rằng anh sắp về!

Đợi anh anh lại về.

Trông chết cười ngạo nghễ.

Ai ngày xưa rơi lệ

Hẳn cho sự tình cờ

Nào có biết bao giờ

Bởi vì em ước vọng

Bời vì em trông ngóng

Tan giặc bước đường quê

Anh của em lại về.

Vì sao anh chẳng chết?

Nào bao giờ ai biết

Có gì đâu em ơi

Chỉ vì không ai người.

Biết như em chờ đợi.



 Tố Hữu dịch

Lời bình của Vũ Nho

Bài thơ là lời tâm tình nhắn gửi, là ước vọng của người ra trận đối với người ở hậu phương, của người chồng đối với người vợ, trong đó chỉ láy đi láy lại một điều duy nhất “ Hãy đợi anh. Anh sẽ trở về!”.

Nội dung chính của bài thơ như tên gọi của nó là ĐỢI (Mười một lần “Hãy đợi” và  bảy lần “Đợi” thành ra 18 từ đợi trên tổng số 135 từ của toàn bài).


Bấy giờ là vào năm 1941, cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, gian khổ và anh dũng của nhân dân xô viết vừa mới bắt đầu. Trước sức tấn công ào ạt của phát xít, quân đội và nhân dân xô viết phải chịu rất nhiểu tổn thất, mất mát, hi sinh. Bài thơ ra đời trong chiến tranh. Nó theo những người lính xô viết toả khắp các mặt trận, trở thành khúc “chinh phu ngâm” của những người cầm súng. Người lính ra đi, đối mặt với thần chết, chặn đứng thần chết nơi tiền tuyến, nhưng sức mạnh của anh, niềm tin của anh, tình yêu của anh đặt ở hậu phương. Bài thơ nói về chiến tranh, nhưng đây là mặt trận phía sau, mặt trận không có súng nổ, mặt trận tình cảm; chính xác hơn là mặt trận tình yêu. Thử thách lớn lao nhất nơi mặt trận này là sự bền bỉ, thủy chung. Thắng lợi ở mặt trận này có ý nghĩa quyết định đối với tiền tuyến và cũng có ý nghĩa to lớn đối với chiến tranh. Vì thế, người vợ, người chờ đợi là nhân vật trữ tình quan trọng, là toàn bộ cảm hứng mà bài thơ hướng tới.

Em ơi đợi anh về

Đợi anh hoài em nhé

(Hãy đợi anh, anh sẽ trở về. Chỉ cần hãy gắng đợi!). Người dịch đã diễn tả rất đạt niềm mong ước “hãy đợi, hãy gắng đợi” thành “đợi anh hoài” - một sự chờ đợi kiên trì, bền bỉ, dẻo dai. Chờ đợi, một điều không mới trong tình yêu. Nhưng ĐỢI trong chiến tranh lại trở thành một điều hết sức khó khăn và ác liệt. Trước hết, người phụ nữ chờ chồng ra mặt trận sẽ phải chịu đựng nỗi buồn rầu, mòn mỏi, phải sống trong khắc khoải chờ mong. Thiên nhiên vô tình đồng lõa với kẻ thù gặm nhấm tâm trạng con người khiến lòng buồn rười rượi:

- Mưa rơi dầm dề

- Tuyết rơi lạnh buốt

- Nắng nóng thiêu đốt

Đây không đơn thuần chỉ là những hiện tượng thiên nhiên dễ gây buồn nản, dễ làm mệt mỏi, chán chường. Mưa dầm mùa Thu (những cơn mưa màu vàng ảm đạm làm nhão cả đất trời). Tuyết giá mùa đông. Nắng nóng mùa Hạ. Sự luân chuyển thời gian cho thấy rằng sự chung thủy chờ đợi không chỉ tính bằng ngày tháng, mà bằng mùa tiếp mùa, năm tiếp năm dằng dặc. Trong đời sống tâm lí của con người, vui thì ngày ngắn (Ngày vui ngắn chẳng tày gang), còn buồn thì ngày dài, nhất là buồn trông ngóng thì ngày càng dài dằng dặc (Ba thu dọn lại một ngày dài ghê). Bởi thế mà trong bản dịch, nhà thơ Tố Hữu, bằng sự tinh tế của mình, đưa câu thơ dịch “Ngày có dài lê thê” vào là hết sức sáng tạo.

Điều khó khăn với sự chờ đợi không chỉ là những cách xa vời vợi về không gian và thời gian. Khó nhất là sợi dây nối mong manh giữa hai người xa  thẳm - những lá thư bỗng nhiên vắng bặt. Xa thời gian, xa không gian, những bức thư là sự nhắc nhớ, là sự hiện diện của người ngoài mặt trận với người hậu phương. Không có thư. Tình huống rất xấu. Người ngoài mặt trận hoặc đã bị thương nặng, hoặc bị bắt làm tù binh, hoặc bị hi sinh. Mọi người đã mệt mỏi không chờ đợi nữa, nhưng người chiến sĩ vẫn mong muốn dù lâm vào hoàn cảnh ấy- xin hãy gắng đợi chờ.

“ Hãy cứ đợi chờ” là một điều luôn luôn không thay đổi, bất chấp thiên nhiên, bất chấp thời gian, bất chấp sự vắng tin, quên lãng. Chờ đợi trải qua thử thách lớn nhất, khắc nghiệt nhất là khi không còn ai chờ đợi, không còn ai hi vọng nữa.

- Mẹ già con dại tin rằng anh không còn.

- Bạn hữu thân thiết nhất thì theo tục lệ, uống rượu tưởng niệm hồn anh.

Chỗ dựa  tinh thần duy nhất của người vợ ở hậu phương lúc này chỉ là bản thân chị, tình yêu và niềm tin của chị mà thôi. Ước muốn của người lính là bất chấp tất cả, trái với tất cả, người vợ cố chờ  và không vội vàng nghĩ theo, làm theo những người xung quanh. Nếu có thể dùng một câu thơ tóm tắt toàn bộ cảm xúc cơ bản của các khổ thơ trên thì không gì thích hợp hơn là câu thơ “ hãy đợi anh, chỉ cần em cố đợi” mà Tố Hữu đã dịch thành “ Đợi anh hoài , em nghe”.

Những khổ thơ tiếp theo, điệp khúc giả định không còn nữa. Thay vào đó là lối diễn đạt khẳng định: Anh trở về. Sự trở về thật kì diệu vì nó vượt lên mọi cái chết, bất chấp  và chiến thắng mọi cái chết. Nó làm cho mọi người kinh ngạc, giải thích bằng sự rủi may của số phận. Còn người lính và người vợ thủy chung giải thích theo tinh thần “cầu được, ước thấy” huyền bí của những chuyện thần kì:

Bằng sự chờ đợi của mình

Em đã cứu sống anh

Vì sao anh thoát chết

Đơn giản, không có người nào khác

Như em biết đợi chờ

Đúng là một sự kì diệu. Nhưng suy cho cùng, sự kì diệu này đâu phải đột ngột, bất ngờ hiện ra. Nó là kết quả của sự âm thầm chờ đợi kì diệu của người phụ nữ. Sự kì diệu sinh thành một sự kì diệu khác- ấy là một logic tự nhiên.

Trong cuộc chiến tranh ở mặt trận tình yêu, người phụ nữ xô viết - hoá thân của lòng chung thủy, hoá thân của tình yêu bền bỉ - đã chiến thắng. Tình yêu ấy đã thắp sáng niềm tin chiến thắng cho tất cả mọi người.

Nàng chinh phụ xô viết của K. Ximonov làm quen với bạn đọc Việt Nam năm 1947 tại chiến khu Việt Bắc. Đất nước Việt Nam với bao nhiêu hòn vọng phu rải khắp Bắc - Trung- Nam, với tác phẩm “ Chinh phụ ngâm” nổi tiếng của Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm đã nhanh chóng đồng cảm với tư tưởng nhân đạo và niềm tin sâu sắc của nhà thơ. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, bao nhiêu người phụ nữ Việt Nam đã “chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền” (Thơ Hữu Thỉnh) bền bỉ đợi chờ người ra trận, hẳn trong lòng họ có vọng thầm thì lời nhắc “Đợi anh hoài em nghe!”.



1991
In trong cuốn Bình thơ, nxb Hội nhà văn , 2015






2 nhận xét: