Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

THƠ LÀ ĐIỂM TỰA





                                               Nhà thơ Phạm Ngọc San, cầm mic trong buổi giao lưu

THƠ LÀ ĐIỂM TỰA

Qua 2 tập  Sao hôm trên sân thượngSương đâu chỉ là mờ đục của Phạm Ngọc San , nxb Hội Nhà Văn, 2015



                                                     Vũ Nho



1. Với  khá nhiều người viết,  làm thơ chỉ như là một thú chơi. Là một chút mua vui khi trà dư tửu hậu. Với một ít người thì thơ như là một phương tiện giao cảm với đời, thơ là điểm tựa tinh thần, thơ là một thể nghiệm tâm hồn, một khao khát sống. Có lẽ Phạm Ngọc San làm thơ là thuộc số ít này chăng?

          Câu thơ tri kỉ đam mê

          Đêm đêm trắc ẩn bộn bề mưa Ngâu

                                    Mưa Ngâu

Niềm đam mê đó đã khiến người viết “thức xanh tràn cõi đêm” ( Đêm xanh). Mặc cho thế gian “ bể ái sóng cồn, nhân tình bão tố”, người thơ vẫn miệt mài, lặng lẽ: “ Cõi bình yên âm thầm một lối đi về” ( Cõi bình yên). Được biết trước đó tác giả đã từng in ba tập Vừng trăng trong mưa, Hoàng hôn không yên lặng và  Chạng vạng hoa đèn.



2. Thơ của Phạm Ngọc San là thơ tâm tình, là khúc hát tự ru mình, tự ru bạn tình, ru đồng đội, rông ra là ru những phận người. Có khá nhiều những hoài niệm về một thời nghèo khó, trong trẻo và hồn nhiên.

          Rẽ ngôi giữa

          Làm duyên với cây gìa ngàn tuổi

          Gió và chân

          Hôn mòn đá cuội

          Sẵn sàng bón tên tuổi

          Cho xanh những rừng già

                   Rững xanh một thuở

Như người viết thú nhận, cảm xúc  cùng với kỉ niệm, kí ức ùa về thật mạnh mẽ, dào dạt:

          Kỉ niệm về ăm ắp, nóng dãy làn môi

          Mừng, tủi, buồn vui, thương xót, bồi hồi

          Không kịp nhận đâu giọt vui, giọt đắng

          Chỉ thấy làn môi nóng mặn

          Cháy bỏng khô ran

                             Nước mắt vô thường


Biết bao là kỉ niệm về Quan họ,  Tháng Ba mùa  lễ hội,Tháng chạp mưa bay,  Chiều Đông Hà Nội,  Hà Nội mùa hoa sữa, Hà Nội mùa sâm cầm,  Thu về Hà Nội giữa chiều xuân, Bâng khuâng Hà Nội,.. Nhưng không chỉ có thế. Thấp thoáng gữa những kỉ niệm đó là những hiện thực của cuộc sống bây giờ, cuộc sống hôm nay. Và sau những sự kiện là một trái tim nhiều trăn trở, một tấm lòng giàu trắc ẩn, âu lo.

          Bây giờ hiện đại hân hoan

          Khu công nghiệp mọc lan tràn đồng quê

          Trai làng ra phố làm thuê

          Gái làng xuất ngoại mang về hư vinh

                             Lão nông tri điền

Không nói gái làng xuất ngoại chung chung mà lo nỗi lo mong manh của đường cày chốn quê, của bao người gái Việt lấy chồng  Đài Loan, Hàn Quốc :

          Lập lòe ngọn gió Đông Tây

          Để mong manh những đường cày chốn quê

          Mong manh cái nghĩa phu thê

          Đài Loan, Hàn Quốc đường về mong manh

                             Mong manh

Cuộc thiên di bất đắc dĩ của những  cánh chuồn - phận người trong cơ chế thị trường thật buồn:

          Cái duyên cao-thấp trời trao

          Thôi thì phận mỏng thấp cao nỗi gì

          Phố làng, ruộng hết chuồn đi

          Ngẩn ngơ một cuộc thiên di đượm buồn

                                    Cánh chuồn phố làng

Cái “gió lạ”, cơn gió bụi thời nay khiến cho bao giá trị bền vững bị lung lay, có nguy cơ đổ vỡ. Thật đáng cảnh báo để suy ngẫm:

          Nghìn năm Bắc thuộc  bao đời đã qua

          Thế mà giữ trọn đạo nhà

          Con Hồng cháu Lạc không nhòa nét riêng

          Bây giờ gió lạ triền miên

          Làm chung chiêng nét thiêng liêng bao đời

                             Một khúc ngâm

Đây đó có những vần châm biếm có sức nặng phê phán và cho thấy thơ ca không chỉ là những thù tạc, những tình cảm riêng tư ( Dù cho những tình cảm đó cũng rất đáng được trân trọng). Với ông bạn láng giềng nói một đàng làm một nẻo:

          “ Chữ vàng” tình nghĩa như hề

          Ngụy quân tử! Nhớ cung mê Bạch Đằng!

                                Gửi câu ca dao cho ngụy quân tử truyền kiếp

Với những “ma không hồn” bị bùa mê làm mờ mắt đục khoét dân như một bầy sâu:

          Đêm xanh bùa ánh trăng tà

          Lợi danh bùa những lũ ma không hồn

                             Bùa mê

Tiếc rằng những vần thơ như thế  không nhiều. Song cái tạng của người viết vốn thiên về kỉ niệm và cảm xúc trong trẻo, thiết nghĩ, bạn đọc cũng không  quá khe khắt.

          3. Có lẽ tác giả là người mê hội họa, nên những bài thơ, nhất là thơ về mùa, về cảnh thường long lanh nhiều màu sắc. Thử lấy bất chợt mấy bài thơ liền nhau nào, ta cũng thấy khá nhiều sắc màu. Có màu nắng, màu mưa, màu sương, màu mây, màu đất, màu rạ rơm, màu lá xanh, lá úa… và cả những màu tâm trạng.

          Một số bài thơ  thành công của tác giả có sự hòa sắc, hòa thanh và hòa  hợp tình thơ kín đáo nhẹ nhàng. Đọc thơ nhiều khi có cảm giác đứng trước bức tranh cánh đồng, hoặc một chiều Thu phố, một dòng sông quê, một đêm trăng mờ, một chiều sương bồng bềnh, huyền ảo. Phải chăng từ tranh anh viết thành thơ và thơ là bức tranh bằng  ngôn từ của người yêu hội họa?



4.     Tôi đi về phía không tôi

Và đi về phía chân trời không em

                   Phía không em

Tôi đọc đi đọc lại hai câu thơ này. Phải chăng tác giả tiện tay thì viết vậy thôi? Hoặc là có một ẩn ý gì đây về cuộc đời, về nghệ thuật? Con người của mình, cái tôi  phải chăng đã quá quen thuộc, quá gần gũi rồi, nên không cần đi về phía đó? Phải chăng thơ về cái tôi, cõi tôi, hướng nội hiện đã quá nhiều, nên cần có một sự tìm tòi, một cuộc ra đi, dấn thân, khám phá? Cả cái tôi và cả em nữa? Đi về phía  không tôi, không em đó là đi về nơi chưa biết, không biết rõ, đi để thấy điều mới mẻ. Nếu quả thật tác giả nghĩ như vậy thì đó là một ý nghĩ táo bạo rất đáng ghi nhận, hoan nghênh. Tuy nhiên trong nghệ thuật, không chỉ cứ đi khác hướng là có thể đến nơi mới, khác hướng là tìm được cái mới, cái lạ.  Còn bao nhiêu yếu tố khác để đảm bảo cho một sự thành công. Nhưng dám đi…cũng là một thái độ tích cực rất cần được ủng hộ!



          5. Nếu bạn đọc biết được rằng tác giả Phạm Ngọc San - người viết những vần thơ  trong trẻo, không ít niềm vui nhưng cũng đầy lo âu, khao khát ấy là một cựu chiến binh, là một người mắc bệnh hiểm nghèo. Anh đã chiến đấu với bệnh tật, những đau đớn về thể xác để đến với thơ, đến với hội họa mong góp phần nhỏ bé làm cho cuộc đời này đẹp hơn, đáng yêu và đáng sống hơn. Thơ là điểm tựa tinh thần của tác giả. Và qua thơ, qua nghị lực của người làm thơ, bạn đọc cũng có thể tìm thấy điểm tựa tinh thần của mình. Thơ ca chân chính bao giờ cũng thanh lọc và  cứu rỗi tâm hồn người viết và người đọc.

                                                      

                                                             Hà Nội, tháng 6&7 năm 2015

                            

         



         

         




3 nhận xét:

  1. Đọc bài viết của anh thấy hiện lên khá rõ Phạm Ngọc San qua thơ, tuy nhiên, ở mảng "trong thơ có họa", chưa thấy thật rõ. "Tôi đi về phía không tôi

    Và đi về phía chân trời không em", phải chăng cũng là bức họa trừu tượng? Em cảm ơn anh Vũ Nho đã cho đọc bài viết này.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Nguyễn Đình Xuân ghé trang và chia sẻ.
      Về họa và thơ, tôi không sành lắm, nên chỉ nói được ngắn gọn thế thôi!

      Xóa
  2. Chào Bác Vũ Nho. Cảm ơn Bác-(Ko nói cho hay đâu nhe!) Đúng là nhà phê bình hàng đầu. Người chỉ đọc thơ mà hiểu tôi kĩ thế! Tôi đọc bài bình của Bác mà rưng rưng! Không rưng rưng chỉ vì Hay mà vì Hay và Dúng- ĐÚNG ắt HAY. Đúng con ngf của mình! Với tiêu đề:"THƠ LÀ ĐIỂM TỰA" đã cho tôi vô cùng trân trọng và nể phục! Tôi Viết văn thơ ko để thành nhà này nhà kia. Duyên phận trời định, nhưng ko để ai thương hại mình! Tất cả phải lấy CHÂN, THIỆN làm gốc thì ắt có MỸ (Mỹ của Chân thiện). Mặc oan khiên cứ lấy KHIÊM, NHẪN ắt câu viết có TÂM Bác nhỉ. Chắc Bác mới đọc 2 tập mới, mà 2 tập này nhiều yeus điểm hơn các tập trước Bác ạ. Người đọc mà hiểu ngf viết đó là HẠNH PHÚC CHO NGƯỜI VIẾT, Bác nhỉ.
    Tôi vô cùng áy náy và thật có lỗi vì hôm nay mới thăm đáp lễ muộn mằn! Mong Bác ĐẠI XÁ cho. Sau buổi giao lưu tôi ốm triền miên Bác ạ. Tôi mong có ngày được đón Bác tại gia dình để được trò chuyện cùng Bác nhiều hơn. Chúc Bác VUI. KHỎE, THỊNH VƯỢNG và VẠN SỰ NHƯ Ý.
    Kính
    Phạm Ngọc San
    Đ/T : 0913249566

    Trả lờiXóa