Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2018

Bài nói của Vũ Nho tại buổi ra mắt sách của Ngô Thị Kim Dung

Ngày 23/12/2018, Vũ Nho được mời dự ra mắt tập thơ KHÚC XUÂN THÌ của tác giả Ngô Thị Kim Dung. Giấy mời do lớp trưởng viết văn Nguyễn Du,  Trần Khánh Toàn chuyển. Hôm đó, VN có phát biểu đôi lời về tập thơ. Ghi lại trên trang như một kỉ niệm.

                                                 Người dự

                                                Nhạc sĩ Đoàn Bổng hát tặng

                                   Nhà thơ Quang Hoài, diễn giả chính

                                              Nhà văn Vũ Bình Lục

                                       Nhà thơ, họa sĩ Mạnh Quỳnh


 Cảm nhận đọc tập thơ
KHÚC XUÂN THÌ của Ngô Thị Kim Dung
                                   Vũ Nho
Kính thưa các bác, các anh chị em và các bạn yêu thơ!
Thưa các nghệ sĩ và người thân của tác giả Ngô Thị Kim Dung!
Tôi rất vui vì được tác giả tặng thơ,  gởi giấy mời ( qua  anh Trần Khánh Toàn, lớp trưởng lớp viết Văn của Hội nhà Văn),  và kết bạn trên FB.
Lại trân trọng gọi là Thầy, mà cô không học tôi một chữ hay nửa chữ nào.
Tôi đã đọc chăm chú tập thơ  và có một vài nhận xét. Theo nhà thơ Quang Hoài giới thiệu thì tác giả còn nhiều bài thơ sẽ in, sau khi ra mắt tập thơ này. Tác giả muốn “lắng nghe và học hỏi”.
Vậy xin mạn phép góp ý, vẽ rắn thêm chân trước.
Xin được kể hai câu chuyện về Xuân Diệu chữa thơ và bình thơ.
Một thi sĩ viết “ Nón che nghiêng, trời mưa lổ đổ/ Đôi môi hương sấu chín dịu chua”.
Ông hoàng của thơ tình nhận xét : Môi chua là môi của người ốm. Vì vậy nên câu thơ nói cụ thể lại thô. Ông  bỏ hai chữ “dịu chua”. Chỉ còn “Đôi môi hương sấu chín”. Thật là tinh tế. Đôi môi cô gái là đôi môi tỏa hương thơm!

Một thi sĩ khác tả cô gái miền núi hái nấm “ Hương nấm thơm nồng nếp áo xanh”.
Xuân Diệu cho rằng chữ “nồng” không được nhã, nhất là lại nói về áo quần của chị em. Ông đề nghị bỏ chữ “NỒNG” mà thay bằng một chữ giản dị nhưng hợp lí.
          “ Hương nấm thơm vào nếp áo xanh”.
Tôi rất khâm phục sự tinh tế của nhà thơ Xuân Diệu trong hai trường hợp này.
          Bây giờ quay trở lại với thơ của cô giáo  Ngô Thị Kim Dung.
Kim Dung rất ưa dùng chữ “ Nồng”. Nhiều “Nồng”  qúa là điều không nên! Trong tình cảm người ta quý chữ “ NỒNG NÀN”, nhưng liều lượng cũng  chỉ nên vừa đủ.
          Thêm nồng nàn cho má ửng hồng tươi (Khúc xuân thì)
          Nơi dẫu cạn vẫn ươm nồng hoa trái  (?) ( Nơi đó cuối dòng sông)
          Trọn tình anh muôn dải thật khát nồng  (?) ( Tìm về yêu nhớ tháng ba)
          Má hồng em thèn thẹn đón ân nồng ( Hương bưởi tình anh)
          Cho xuân đến xôn xao nồng hương bưởi;
          Cả hai đứa nụ hôn nồng chân thật     ( Có khi nào)
Trao nồng môi ấm mùa thi đón chờ ( Tấm thiệp hồng)
          Vin cành em đợi môi nồng gửi trao;
Hong nồng bờ cát cho xanh biển về ( Chạm khẽ)
23 lần NỒNG có phải là nhiều quá không trong một tập thơ mỏng?
Tôi là người hay chi li. Tác giả sinh năm 1972, năm 1990 vừa tròn 18 tuổi. Năm ấy, lửa chiến tranh đã tắt lâu rồi. Không có chuyện người lính ra trận ( chỉ có người thanh niên đi nghĩa vụ). Vậy những bài thơ yêu, đợi chờ, hò hẹn với người lính ra trận là những bài tác giả tưởng tượng để viết ra. Vẫn biết những bài tưởng tượng, không trải nghiệm, vẫn có thể hay, có thể xúc động như bài “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của Tố Hữu, “Suối Lê nin” của Trần Văn Loa.  Đó chỉ là ngoại lệ. Mặt khác, cô giáo Kim Dung không phải là Tố Hữu hay Trần Văn Loa, vì thế những bài thơ đó lời lẽ   khá chung chung,  hình ảnh quen, mòn, ít xúc động.
          Tôi đánh giá cao những bài viết trên cơ sở tình cảm thực, trải nghiệm thực của người viết. Đó là yếu tố cần cho bài thơ thành công. ( Không phải ai trải nghiệm nỗi đau mất cha, mất mẹ cũng có thể viết những câu thơ xúc động, chỉ có người có khả năng thơ mới có thể làm điều đó).
          Bài thơ “Chữ hiếu con dâng” và bài “Mời cha về” là hai bài viết thành công trên cơ sở xúc cảm chân thành. Bài “ Anh có về” cũng là bài thành công nhờ tỉnh cảm  thực với quê hương.
          Một số câu thơ của Kim Dung đứng riêng biệt thì hay, nhưng trong bài thì bị nhòe mờ, bởi tứ của bài thơ không chặt, bởi tác giả ham diễn giải và bởi những câu thơ dễ dãi khác. Ví dụ bài “Khúc Xuân thì” ( trang 22).
          Câu thơ:  Chỉ nhỏ nhẹ ngọt ngào làn sương tỏa
Cách  3 câu lại có : Sao lấp lánh sáng ngời sương gõ cửa.
Tôi nhớ nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn viết:
          Em là cô bé tham lam
          Ôm đầy tay tháng Ba ngon một mình
Đấy là sự “tham lam” được nhận thức, được phóng đại lên để thể hiện tình yêu đời, yêu những ngày tháng Ba. Còn trong bài thơ “ Khúc Xuân thì”, tác giả viết:
          Em uống cạn hương thơm dành hai đứa
Đây lại là một thiếu sót không nhỏ. Tôi cho rằng chỗ này phải dùng chữ “Ta”, hoặc nếu không muốn viết có chủ ngữ và để tránh lặp từ ở câu sau,  thì dùng chữ “ Cùng”:
          Cùng uống cạn hương thơm dành hai đứa
          Cho đêm về mỗi nửa ấm tình ta
          Những bài thơ bảng lảng, nhòe mờ chủ thể, nhòe mờ thi cảnh của Kim Dung đem đến sự bâng khuâng, mơ mộng,…Không thể hiểu  rành rõ tác giả muốn nói gì nhưng có thể cảm được tình thơ, ý thơ nhẹ nhàng  lâng lâng mà sâu lắng.
          Những bài thơ ấy là Tóc mây, Tặng anh, Bẻ đôi câu thề, Thu gầy, Mảnh nhớ, Lời yêu chín vàng.
          Xin phép đọc một bài:  Tặng anh.
Tôi đọc bài này vì có câu mà tôi thấy rất chân thành, rất nữ tính.
Lời cuối   tôi dành cho sự công phu, tâm huyết và  lành nghề của nhà thơ Quang Hoài đã viết lời giới thiệu với tất cả sự ưu ái, trân trọng và chắt lọc!
          Chúc mừng tác giả với tập thơ đầu tay!
          Một lần nữa cám ơn tác giả Ngô Thị Kim Dung và các bạn có mặt! Chúc mọi người hạnh phúc, thành đạt và mãi mãi yêu thơ!
                                             12/2018


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét