NGUYÊN QUANG THUYÊN VỚI TRƯỜNG CA “LÀNG CỦA MUÔN ĐỜI”
Đọc “Làng của muôn đời” của Nguyễn Quang Thuyên,
NXB Hội Nhà Văn, 2015
Vũ Nho
Làng ở Việt Nam là một đơn vị hành
chính xã hội có từ bao đời. Làng gắn với
quê thành ra làng quê với mái đình, cây đa, với lễ hội dân gian. Làng trở thành
một yếu tố từ ghép với tất cả không gian, cảnh vật, con người : ao làng, đình làng,
đường làng, cổng làng, đồng làng, giếng
làng, người làng, dâu làng, rể làng, dân làng, lệ làng. Lệ làng chặt chẽ và nghiêm có khi còn hơn cả những luật
lệ hành chính thời phong kiến đến nỗi “ Phép Vua thua lệ làng”. Chính vì LÀNG
quan trọng như thế, nên nhà văn Ngô Tất Tố mới có phóng sự “Việc làng”, nhà văn Kim Lân mới có truyện
ngắn “Làng”, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc
Tú có tiểu thuyết “Đất làng”, nhà văn
Ngô Ngọc Bội có tiểu thuyết “Ao làng”,
nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn có truyện ngắn “ Chuyện
làng Gành”, tiểu thuyết “Làng Cói Hạ”,
nhà văn Lê Lựu có tiểu thuyết “Chuyện
làng Cuội”… Làng sẽ mãi mãi là một đề tài phong phú, mời gọi các nhà văn thử
bút.
Tâm thức làng ăn sâu, lắng đọng
trong mỗi tâm hồn con dân nước Việt, bởi vậy viết bản trường ca “Làng của muôn đời” là một việc làm có ý
nghĩa thời sự và lâu dài. Có lẽ là người quan tâm đến lịch sử, hiểu lịch sử đất
nước (Ngoài Hội viên Hội nhà văn Việt
Nam, tác giả còn là Hội viên hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) và hiểu vai trò của “làng” trong đời sống cộng đồng nên tác giả Nguyễn Quang
Thuyên mới chọn trúng và đúng một đề tài hay như thế. Vấn đề là triển khai đề tài trong thể loại trường ca như thế nào
thôi.
Trong lịch sử văn học dân tộc, chúng
ta có những diễn ca lịch sử, những bài thơ dài, có những bản anh hùng ca của các
dân tộc ít người Tây Nguyên, có những truyện thơ nôm khuyết danh và có tác giả…
Nhưng nếu xét kĩ ra, trường ca như một thể loại văn học viết thì chỉ mới xuất
hiện trong những năm gần đây, sau khi chúng ta được tiếp xúc với những trường
ca dịch từ nước ngoài. Tuy vậy, trường
ca cũng được rất nhiều nhà thơ dụng bút. Ngay tác giả Nguyễn Quang Thuyên, trước
khi viết trường ca này, anh đã viết truyện thơ “Làng Nung của tôi” (2000), viết trường ca Thị trấn vùng đồi trong tập
“Chiếc gương cuộc đời” (2001), “Những dấu
chân huyền thoại” (2009), “Trường ca
Khát vọng biển” ( 2013). Như vậy “Làng của muôn đời” được kế thừa nội
dung, hình thức của truyện thơ và ba trường ca chứ không phải là tác phẩm đầu
tay. Và dĩ nhiên, tác giả cũng được kế thừa kinh nghiệm của một loạt những trường
ca thành công trong dòng chảy thi ca Việt những năm gần đây.
Làng, xét về không gian thì không
lớn lắm. Làng nhỏ hơn xã, dân số không quá nhiều ( dù có là làng nghề, hay là làng
ven thị “bờ xôi ruộng mật” chăng nữa). Để khắc phục giới hạn về không gian Địa
lí, tác giả đã khai thác không gian Lịch sử lâu đời của của làng mình. Các chương
Gốc làng, Mẹ của ngày xưa, Bên đền Thánh
Mẫu và chương mở đầu Đối thoại lặng im đã cho thấy làng Nung
có một bề dày lịch sử “truyền ngôn”:
Làng Nung của tôi
Nghiêng nghiêng xứ Đoài
Nơi hợp lưu sông Đà đen và dòng Thao giang
Tháng ngày kiếp đời ngầu ngầu sắc đỏ
Làng có tự khi nào
Người già nhất cũng không nhớ rõ
chỉ lõm bõm truyền ngôn
( trang 10)
Nhưng có một nhân chứng cho biết
làng có từ rất lâu rồi. Ấy là cay đa làng nghìn tuổi:
Năm bão to
Cây đa ngàn năm bật rễ
Già trẻ thức thâu đêm
chống, néo, buộc,
chằng
Neo giữ hồn làng
( trang
12)
Dù làng làm nghề gốm nhưng cũng
giống như bao làng quê khác, làng Nung là
một làng nghèo “nối đời bám rễ vào sông/
bám vào chông chênh đói rét/ làng như con choi choi/ bập bềnh mặt nước”. Cái
đói được thể hiện trong đận giáp hạt cả
làng vào rừng:
Tháng ba giáp hạt
cả làng vàng mắt vào rừng
tìm quả vả, quả sung
đào củ nâu củ dáy
Cạo vỏ thái miếng to
ngâm vào nước muối
thiếu muối thì đốt rễ cỏ
tranh lọc lấy nước mà ngâm.
Phải đương đầu với những ngày đói
kém, giáp hạt, làng còn phải đương đầu với thiên tai, lũ lụt. Những câu thơ thật
ấn tượng về trận lụt tháng sáu:
Lũ tháng sau dâng lút mái nhà
trẻ con bồng bềnh bè chuối
bì bõm người lớn lội sau
dạt vào gò, doi, mô, đống
nắng như trát lửa trên đầu
người chết xương vùi trong nước
người sống nào biết về đâu
vật vờ lùm tre gốc cỏ
Nhưng làng
Nung vẫn dẻo dai, bền bỉ vượt qua tất cả, làng làm cuộc thiên di “đùm nhau vào núi”.
Tác giả đã viết
về người Mẹ của làng như là nhân vật huyền thoại trong truyện cổ.
Người mẹ của năm người con trai làm tướng của vua Hùng, người mẹ dạy dân làng
trồng trọt, săn bắn. Và một người mẹ cụ thể là mẹ của mình, một con người bằng
xương bằng thịt, sinh ra ở làng, “làm dâu
chị cả” ở làng, và làm một người dân
bình thường “Mẹ không vào du kích/ mẹ
không làm giao liên/ mà mòn vai nát bàn chân những buổi chợ phiên/ bán dầu dọc,
bán sơn, bán chè/ mua thuốc, vải, giấy, diêm cho cha/ đưa lên vùng kháng chiến”.
Nhưng người dân bình thường đó với tinh thần thượng võ, với lòng tự trọng, lòng căm thù bọn giặc “bờm xơm” đã dùng đòn gánh
đi chợ khiến cho “hai thằng tây đen đã
toác đầu/ sã vai co cẳng chạy về đồn”.
Thấy rõ cách làm
dày dặn trường ca về làng là việc tác giả đi sâu vào lịch sử làng Nung. Từ quá
khứ xa mờ đến thời kì tiền khởi nghĩa (Đêm
trước). Từ đó tiếp đến Cách mạng tháng Tám thành công ( Bình minh). Rồi tiếp theo là kháng chiến
chống Pháp ( Lửa khói). Thế trận làng viết kĩ hơn về làng trong
cuộc kháng chiến chống Pháp. Chương Đối mặt
cũng viết về cuộc chiến này và phần “ Những
ngày náo nhiệt” viết về làng trong
giai đoạn kết thúc kháng chiến bằng “chiến
dịch Điên Biên Phủ quân ta sắp mở”. Rõ ràng nếu xét về lịch sử, tác giả có thể viết
tiếp các chương làng Nung trong Cải cách ruộng đất, trong những ngày làm ăn hợp
tác và trong kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Có lẽ sợ như thế sẽ dài và ôm đồm
quá chăng, nên Nguyễn Quang Thuyên chỉ dừng lại ở cuộc khàng chiến chống Pháp
thắng lợi? Hay tác giả định dành cho trường ca khác? Tuy vậy tác giả cũng hé mở
cho thấy làng Nung trong thời buổi mở cửa của cơ chế thị trường. Có người ô tô,
kính đen sang trọng nhưng “khi nhắc về pho tượng đổ trong đình/ họ trầm
ngâm đắn đo thăm dò/rồi lặng lẽ rút ra vài tờ bạc lẻ”. Tác giả không quên cảnh
báo về nguy cơ của làng trước “những mánh
lới bỏ thầu/ những toan tính bon chen phỉnh phờ và đố kị” :
Bao ruộng mật bờ xôi, dự án về xẻ thịt
Làng thuần nông khấp khởi (…) thoát nghèo
Ngót mười năm cỏ vẫn cứ mọc đầy
Làng không còn ruộng cấy
Sau lũy tre xanh
lấp ló nhì nhằng những văn minh đô thị
đang từng ngày bức tử nếp làng xưa!
Bên đền thánh mẫu, tr 38,
39
Không có một
nhân vật nào của “làng” được viết kĩ ngoài
“Mẹ của ngày xưa” và “Mẹ”. Thấp
thoáng các chiến sĩ trai làng nhập vào đoàn Bông Lau (Các anh về), một du kích ghi nhật kí (Nhật kí một đội viên du kích), các bà mẹ trong Hội mẹ chiến sĩ, các
cô gái làng chờ đợi ngày chiến thắng gặp lại chàng dũng sĩ Bông Lau…Trong khi đó
phía giặc Pháp, viên quan năm Sa- Puy được khắc họa khá chi tiết bằng nhiều trang viết “Quan năm Sa –Puy mắt đỏ vằn như hai cục máu” ( 5 trang trong phần Lửa khói ), lại được tiếp tục nói đến
trong Đối mặt với các phần “giấc mơ lạ” và “đền tội” ( 14 trang). Có lẽ đó là một dụng ý của tác giả khi nói về
sự nham hiểm, điên cuồng, tàn bạo của kẻ thù làng Nung?
Có một số chỗ
tác giả say sưa làm cho không ít câu thơ
mang tính chất diễn ca lịch sử, kể chuyện có vần. Đoạn thơ trong phần “Đối thoại lặng im” mà tác giả coi tiếng
khóc là “tuyên ngôn trẻ thơ/ Chỉ một mình tôi biết” có phần gượng
ép khi gán những câu hỏi “liệu có thuộc về
ta?” cho một đửa trẻ vừa chào đời với “cặp
mắt ngáo ngơ”. Một vài chỗ từ ngữ chưa thật chắt lọc, so sánh thiếu
chính xác : rồi đêm đêm mẹ rót vào tai
con cho quên đi cái nhớ ( không thể
hiểu là vì sao phải quên, và cái nhớ ấy là cái nhớ gì? Phải chăng mẹ kể chuyện
để con quên đi cái đói? trang 76) tia nắng tháng hai loe hoe như da người ốm
( tr. 101), chân đất, răng đen,/sần sì như cổ tích ( trang 111)…
Phần kết thúc
là “Làng của muôn đời”, cũng trùng với
tên chung của tác phẩm. Ở đây tác giả muốn tổng kết, khái quát những suy ngẫm,
chiêm nghiệm về làng, tình yêu làng, yêu cuộc sống của mỗi cá thể:
Không ai có thể đi qua cuộc đời hai lần
Không ai có thể chọn cho mình nơi sinh
Càng không thể cho mình có được quyền
chọn cha, chọn mẹ
nhưng một điều hiển nhiên
mọi người đều có thể
thắp cho mình một lối để yêu thương…
Viết trường ca “Làng của muôn đời” theo tôi hiểu đó là một
cách thắp cho mình một lối để yêu thương của tác giả. Và Nguyễn Quang Thuyên đã thành công. Giải nhì cuộc
thi viết về nông nghiệp và nông thôn của
Hội nhà văn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp, phát triển nông thôn ( 2010-2015) là
con tem chất lượng cho tác phẩm.
Hà Nội, 3/11/2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét