Thứ Ba, 4 tháng 12, 2018

MÙA HOA TAM GIÁC MẠCH, NHỚ HÀ GIANG




MÙA HOA TAM GIÁC MẠCH, NHỚ HÀ GIANG

(Tản văn)

Nguyễn Thị Lan



Mỗi độ tháng Mười, khi gió heo may lặng lẽ về trên phố nhỏ mang theo cái se lạnh từ phương Bắc….tôi lại nhớ về Hà Giang và mùa hoa tam giác mạch.



Nỗi nhớ của tôi bắt đầu từ cổng trời Quản Bạ - nơi suốt bốn mùa chìm trong biển mây mù và sương núi. Nằm cách thành phố Hà Giang khoảng 46 km về phía Bắc, cổng trời Quản Bạ là cửa ngõ đầu tiên vào công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn. Khi tấm biển “Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn” được viết bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt hiện ra sừng sững giữa trời đất, lòng chúng tôi không khỏi hồi hộp. Bước qua cánh “cổng” ấy, một thế giới khác sẽ mở ra. Chúng tôi thấy núi, thấy mây, thấy sương mù, thấy gió…Chúng tôi tiến sâu vào vùng cao nguyên đá, nơi nhiều khoa học trên thế giới cho rằng vẫn còn là một ẩn số của thiên nhiên.

Nhớ Hà Giang là nhớ những cung đường. Từ thành phố Hà Giang lên cao nguyên đá Đồng Văn là liên tiếp những cung đường với cổng trời, với đèo 9 khoanh huyền thoại, với những khúc cua tay áo. Để đến đỉnh trời của Tổ Quốc (Lũng Cú, Mèo Vạc) là gần 150 km đường vực với những cung đường đèo khúc khuỷu vắt ngang những ngọn núi đá tai mèo cao vút, một bên là vách núi trập trùng, một bên là vực sâu thăm thẳm. Những con đường rất hẹp, trung bình chỉ vừa đủ hai chiếc xe hơi cỡ nhỏ phải nép mình mới có thể qua được. Đi qua những cung đường nơi đây, du khách không khỏi thích thú đến ….rợn ngợp.

Nhớ Hà Giang là nhớ đá. Hành trình đi sâu vào cao nguyên đá Đồng Văn là đi vào cõi đá. Một miền đá nhấp nhô trập trùng, một nơi đá ngự trị, đá nhiều hơn mọi thứ trên đời, đá chồng lên đá, đá lô xô, đá ngả nghiêng, đá bạt ngàn, đá mênh mông. Nơi đây là một “thiên đường đá”. Con người ở đây “sống trong đá, chết nằm trong đá”.

                  Tác giả Nguyễn Thị Lan



Nhớ Hà Giang là nhớ nắng, gió, sương mù và tuyết. Miền đá xám mênh mông này là một vùng khí hậu mang đậm nét ôn đới. Về mùa Đông không ít năm nhiệt độ ở đây xuống -50C để có mùa hoa tuyết bay. Những ngày tuyết rơi ở cao nguyên đẹp lắm. Tuyết thả nhẹ nhàng xuống những mái nhà âm dương, tuyết phủ trắng cây cối vạn vật, tuyết bừng lên trong nắng sớm. Hoa tuyết trải mình xuống đá, xuống hoa lê, hoa mận, hoa đào, trải trên đỉnh núi như một dải khăn voan trắng mịn màng… Nhưng không chỉ có tuyết rơi, cao nguyên đá còn thừa nắng và gió. Giữa cao nguyên khoáng đạt, gió thổi vần vũ thỏa sức tung hoành. Và nắng, thứ ánh nắng quyến rũ trong veo ngập tràn trên mênh mông núi đồi yên ả.

Nhớ Hà Giang là nhớ hoa. Không đâu trên đất Việt nam có những khung cảnh đối lập như thế này: miền đất có hoa nở trên đá, miền đất có sự hòa quyện của đá và hoa. Cứ ngỡ trong cái vùng mênh mông đá xám sự sống sẽ lụi tàn nhưng bạn sẽ ngỡ ngàng xao xuyến khi bắt gặp men theo các cung đường là sắc màu của các loại hoa. Mùa Xuân, hoa cải vàng rực chân núi, hoa đào đỏ thắm những mái ngói rêu phong, hoa lê, hoa mận nở trắng xóa một vùng. Mùa Thu, hoa tam giác mạch bắt đầu nở. Lên Hà Giang ta bắt gặp những đồi hoa, thung lũng hoa, những ruộng hoa tam giác mạch nở rực rỡ như những hạt mưa tím hồng hiện lên ngút tầm mắt, nằm ngang cạnh những con đèo, men theo những cung đường, chênh vênh dọc ruộng bậc thang, e ấp bên ngôi nhà đất tường trình của người dân tộc. Hoa như tấm khăn voan khổng lồ phủ kín núi đồi Hà Giang đem đến cho nơi đây một vẻ đẹp miên man hoang dại. Muôn loài hoa đã mang lại sự ấm áp cho những dãy núi đá xám thâm u.

Nhớ Hà Giang là nhớ đèo Mã Pì Lèng và dòng sông Nho Quế. Đèo Mã Pì Lèng là một trong “tứ đại đỉnh đèo”, là “vua của các con đèo Việt Nam”. Đỉnh Mã Pì Lèng là nơi được cho là một trong những điểm quan sát toàn cảnh đẹp nhất ở Việt Nam. Dưới chân đèo Mã Pì Lèng, ở độ sâu ngun ngút gần ngàn thước là dòng sông Nho Quế, mảnh mai như một dải lụa, ẩn hiện, lặng lẽ trôi như bất chấp sự khắc nghiệt của thời gian và không gian.

Nhớ Hà Giang là nhớ những ngôi nhà cổ, phố cổ. Hà Giang là một trong những vùng văn hóa sớm nhất Việt Nam. Ở đây có những ngôi nhà tường trình bằng đất của người H’Mông, những phố cổ Đồng Văn, Phó Bảng, Phố Cáo. Tất cả đã đi qua thời gian và không gian, vừa heo hút tĩnh lặng huyền bí, vừa hiền hòa bình yên khuất nẻo, chả mấy xáo trộn như bao đời nay vẫn thế.

Nhớ Hà Giang là nhớ chợ tình Khau Vai – phiên chợ đặc biệt, độc đáo có một không hai dành cho lứa đôi để nhớ, để thương, để có phút xao lòng “ngoài chồng, ngoài vợ”; để có một ngày xuống chợ gặp cố nhân, rồi lại xa và hẹn vào mùa Khau Vai tới. Đến đây, và ta tự hỏi: “những người dân nơi đây cứ lầm lũi sống nhưng sao họ lại có đời sống tình cảm mãnh liệt và đẹp như vậy?” Đến đây, ta thấy buồn và nhớ …., chợt nghĩ: “Ai trên đời chẳng có một Khau Vai?”

Nhớ Hà Giang là nhớ “mỏm tột Bắc”, điểm cực Bắc của Tổ Quốc, một trong bốn điểm cực xác định hình dạng địa đồ Việt Nam. Nơi đây có chấm son cột cờ Lũng Cú ngày đêm tung bay giữa gió ngàn cao nguyên đá. Lên đến đỉnh Rồng, một cảm giác vỡ òa thiêng liêng trong lồng ngực. Nơi ta đặt chân đây “vầng trán kiêu hãnh” của Tổ Quốc, từ lâu đã trở thành hình ảnh thiêng liêng trong mỗi người con đất Việt.

Nhớ Hà Giang tôi lại nhớ cả những nơi chưa kịp đến – Vị Xuyên. Nơi đây có mặt trận Vị Xuyên – vùng chiến sự ác liệt nhất trong cuộc chiến chống xâm lấn biên giới. Từ 1984-1989 hơn 4000 bộ đội Việt Nam đã hy sinh, hàng nghìn người bị thương, hơn 2000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt và hơn 10.000 dân thường thiệt hại trong cuộc chiến. Cao điểm 685 (Thanh Thủy, Vị Xuyên) đã trở thành “lò vôi thế kỷ”, cả ngọn núi sừng sững trở nên trắng xóa dưới những trận mưa pháo của địch. Tôi mong một lần được về đây để thắp một nén hương ở đài hương, đài tưởng niệm ở nghĩa trang Vị Xuyên. Về đây để nhẩm thầm bài hát “Đồng đội ơi” do nhạc sĩ Trương Quốc Hải là một cựu binh Vị Xuyên sáng tác. Về đây, để thêm một lần nghĩ về Tổ Quốc.

…Mùa hoa tam giác mạch này lại nhớ Hà Giang

Ai lên cao nguyên đá cho lòng tôi theo với, Hà Giang ơi!


Hải Dương, tháng Mười năm 2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét