Hà Nội yêu
Cao Ngọc Thắng
Góc phố nào cũng in dấu chân quen
Thuở chúng mình chung nhau một lối
Mỗi gốc cây là một lời bối rối
Cột đèn đường làm chứng những nụ hôn
Những lần hẹn em lòng dạ bồn chồn
Dưới mái hiên nhìn ra con đường dốc
Chỗ quành kia chảy dài suối tóc
Em đến rồi anh muốn chẳng dám ôm
Hà Nội ngày xưa thánh thiện có em
Bờ vai xuôi và môi em đỏ mọng
Trong tay nhau tình lên cao ước vọng
Mắt mơ màng đọng lời nói dịu êm
Nhớ Hà Nội là nhớ Hà Nội đêm
Ánh đèn vàng vàng sang cây ẩn lá
Tiếng dương cầm quyện nước hồ sóng sánh
Cánh tay vòng anh mềm mại lưng em
Xào xạc Hà Nội gió mùa thân quen
Hai đứa mình đuổi dọc con đường lá
Gió heo may thổi tung tà áo lụa
Chạm ngực em run rẩy tuổi học trò
Nhớ Hà Nội tim anh nặng lời thề
Nước Hồ Gươm viết cao xanh thăm thẳm
Em lên xe hoa cớ gì anh giận
Chôn trong lòng da diết một tình yêu
Hà Nội ơi, cứ mỗi sớm mỗi chiều
Mỗi đêm thâu dạo quanh từng ngõ phố
Tiếng rao khuya lẫn trong hơi gió thở
Đẫm ngọt ngào nhung nhớ làn môi thơm.
Lời bình của Vũ Nho
Nhà thơ Cao
Ngọc Thắng là người Hà Nội. Anh sinh ra
và lớn lên ở thành phố của mình. Anh làm thơ, viết truyện, viết kí. Khi một người
có tâm hồn thơ , lại sống và công tác ở
giữa lòng thành phố đẹp và thơ như thành phố Hà Nội thì chắc chắn không thể không viết thơ về thành phố . Trong 6 tập
thơ đã xuất bản, tập thơ nào anh cũng có bài viết
về Hà Nội. Chỉ lướt thoáng đã thấy 7 bài. Ấy là
các bài : Hà Nội 30 tết, Thoáng
thu Hà Nội, Tình thơ ( Hà Nội sớm thu tinh khiết), Giã từ (Đã đến lúc giã từ cốm xanh chuối tiêu trứng cuốc/ Chiều hồ
Tây, ốc luộc, bánh tôm), Về Trường Sa ( Tạm biệt nhé Em – Hà Nội), Hà Nội
yêu, Hà Nội và tôi.
Cao Ngọc Thắng
Hàng cây lá lơ mơ thở khói
Quán vỉa hè ấp chén nôn nao
( Tình thơ)
Cành đào trên vai thênh thênh phố vắng
Cái chật chội ngày thường say lướt khướt
hương xuân
Cái lo toan vấn vương nơi cửa ô gió lộng
Chợt nồng nàn mưa bụi thắt lưng sông
(
Hà Nội 30 Tết)
Năm nay lá bàng vàng thúc thắc
Một vòng quanh Hà thành say ngủ
Mái ngói thâm trầm mặc thở sương
Nhoe hồng mặt gương hơi gió
Cuộc đời nhớ nhớ thương thương
(
Hà Nội và tôi)
Riêng bài thơ “ Hà Nội
yêu” là một bài thơ hoài niệm về một tình yêu chanh cốm vô tư trong sáng tuổi học trò. Nó là bóng
dáng thành phố, bóng dáng những mối tình thánh thiện. Nó khác với tình yêu của
những người lớn tuổi trong không khí chiến tranh. Tôi nhớ câu thơ của nhà thơ
Nguyễn Đình Thi trong bài “ Chia tay trong đêm Hà Nội”:
Anh ôm chặt em và ôm cả khẩu súng trường
bên vai em
Có người cho rằng câu
thơ có vẻ lên gân, có vẻ lập trường “sẵn sàng chiến đấu”. Sao cứ phải “ôm cả khẩu súng trường” vướng
víu cho…chắc ăn? Người khác cho rằng viết
thế mới thực, mới đúng là tình cảm trong chiến tranh. Dẫu sao đó cũng là tình
yêu của những người lớn tuổi. Còn trong “ Hà
Nội yêu” của Cao Ngọc Thắng, tình yêu mới chớm của tuổi biết yêu nên rụt
rè:
Em đến rồi anh muốn chẳng dám ôm
Hành động rụt rè ấy gợi nhớ
sự không dám của một đôi trai
gái Hà Nội trong bài thơ Hương thầm của
nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn : “ Nào ai đã một lần dám nói/ Hương bưởi thơm
cho lòng bối rối/ Anh không dám xin/ Cô gái chẳng dám trao”.
Ngay cả cái ôm của người con trai cũng được thể hiện thật nhẹ
nhàng mà kín đáo:
Cánh tay vòng anh mềm mại lưng em
Và thật vô tình, nhưng ý tứ biết bao khi hai đứa trẻ mới lớn,
mới bước vào tuổi thanh niên hồn nhiên đuổi nhau trên đường nhiều cây lá của
con phố Thủ đô:
Xào xạc gió mùa Hà Nội thân quen
Hai đứa mình đuổi nhau trên đường lá
Gió heo may thổi tung tà áo lụa
Chạm ngực em run rẩy tuổi học trò
Giống như bao tình yêu mơ mộng tuổi học trò, yêu đấy nhưng
không đi đến hôn nhân. Tình yêu có thể đẹp nhưng vì nhiều lí do mà…tan vỡ. Người con trai không oán trách, cũng không giận
hờn. Một thái độ tôn trọng bạn gái:
Em lên xe hoa cớ gì anh giận
Và từ đó kỉ niệm về một mối tình đẹp vẫn in mãi trong lòng,
vẫn sống mái trong kí ức thẳm sâu:
Hà Nội ơi cứ mỗi sớm mỗi chiều
Mỗi đêm thâu dạo quanh từng ngõ phố
Tiếng rao khuya lẫn trong hơi gió thở
Đẫm ngọt ngào nhung nhớ làn môi thơm
Đấy chính là một cách yêu rất Hà Nội, một Hà Nội yêu say đắm, ngọt ngào
trong kí ức một chàng trai Hà Nội, một công
dân của thành phố Thủ đô.
Hà Nội, tháng 12 năm 2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét