Thứ Sáu, 8 tháng 2, 2019

Một người Hà Nội của Nguyễn Khải với lời bình



                                        

 MỘT NGƯỜI  HÀ NỘI

                                                     Truyện ngắn của Nguyễn Khải
Lời bình của Vũ Nho



Nguyễn Khải (1930-2008) tên khai sinh là Nguyễn Mạnh Khải. Ông sinh  tại Hà Nội, nhưng quê gốc ở Nam Định. Thuở nhỏ, ông sống ở nhiều nơi. Tham gia cách mạng từ khi đang học trung học, Nguyễn Khải gia nhập đội tự vệ chiến đấu ở Hưng Yên, sau đó vào bộ đội, làm y tá rồi làm báo. Từ sau năm 1975, Nguyễn Khải chuyển vào sống và làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh. Ông tập trung bám sát đời sống, đề cập đến nhiều vấn đề chính trị – xã hội cũng như các vấn đề trong đời sống tư tưởng, tinh thần của con người.

Hành trình sáng tác của Nguyễn Khải tiêu biểu cho quá trình vận động của văn học dân tộc hơn nửa thế kỉ qua. Trước năm 1978, tác phẩm của ông có khuynh hướng chính luận với sức mạnh của lí trí tỉnh táo. Từ năm 1978 trở đi, tác phẩm dần dần có màu sắc triết luận và quan tâm đến số phận cá nhân trong cuộc sống đời thường với giọng văn đôn hậu, trầm lắng, nhiều chiêm nghiệm.

Ông được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000.

Các tác phẩm chính:

- Tiểu thuyết: Xung đột (1959-1962), Đường trong mây (1970) , Ra đảo (1970),  Chiến sĩ (1973), Cha và Con và…(1979) , Gặp gỡ cuối năm (1982) .

- Truyện : Các tập truyện Mùa lạc (1960), Tầm nhìn xa (1963), Chủ tịch huyện (1972), Thời gian của người (1985),  Một thời gió bụi (1993), Hà Nội trong mắt tôi (1995), Sống ở đời (2002).

Truyện ngắn Một người Hà Nội  viết năm 1990, in trong tập truyện Hà Nội trong mắt tôi (1995). Đây là tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Khải trong giai đoạn đổi mới của đất nước.

Bà Hiền là nhân vật trung tâm của truyện ngắn Một người Hà Nội.   Tác giả gọi bà theo quan hệ gia đình là “cô Hiền”.                                

Cô là người sống thẳng thắn, chân thành, thức thời và thực tế. Bà  cô nhận xét : “chính phủ can thiệp vào nhiều việc của dân quá”. Bà chủ động thu xếp việc nhà, mặc dù “có bộ mặt rất tư sản, một cách sống rất tư sản” nhưng lại không bị cải tạo, vì cô không bóc lột. Đối với con cái, bà dạy dỗ cẩn thận từ cách ăn uống, nói năng, đi đứng “ phải có chuẩn, không được tùy tiện, buông tuồng”; các con phải “biết tự trọng, biết xấu hổ”.

                      Nguyễn Khải



Bản thân bà cũng cư xử rất tự trọng, đàng hoàng khi đồng ý cho các con đi chiến đấu trong Nam. Bà nói : “ Tao đau đớn mà bằng lòng, vì tao không muốn nó sống bám vào sự hi sinh của bạn bè. Nó dám đi cũng là biết tự trọng”.

Bà Hiền vẫn giữ nếp sống văn hóa của người Hà Nội từ cách ăn mặc, tiếp đón bạn bè, đến nơi tiếp khách lịch sự, sang trọng và sự tinh tế khi chơi hoa thủy tiên ngày tết.

Bà Hiền là một người Hà Nội “thuần túy Hà Nội, không pha trộn”. Bà đã sống cùng những biến đổi của lịch sử của đất nước nhưng vẫn giữ được phẩm chất và bản lĩnh của mình. Bà  là hạt bụi vàng làm nên đất kinh kì “chói sáng những ánh vàng”.

Bên cạnh nhân vật  bà cô Hiền, còn có những người Hà Nội đẹp đẽ là Dũng, Tuất và mẹ Tuất. Đó là những con người làm nên vẻ đẹp “chói sáng những ánh vàng” của Hà Nội.

Truyện Một người Hà Nội thể hiện cái nhìn  nghệ thuật mới của Nguyễn Khải về cuộc sống và con người. Trước thời kì đổi mới, Nguyễn Khải khai thác hiện thực với cái nhìn tỉnh táo, sắc sảo nhưng đơn chiều. Nhà văn  nhìn cuộc sống trong thế xung đột cũ- mới, lạc hậu- tiến bộ, xấu-tốt, địch-ta…và khẳng định sự chiến thắng của cái mới, cái tiến bộ, của chúng ta.

Bước vào thời kì đổi mới, cái nhìn của Nguyễn Khải đa chiều, đầy trăn trở, chiêm nghiệm. Con người được nhìn nhận trong mối quan hệ lịch sử, cộng đồng, gia đình, truyền thống.

Tác giả bên cạnh việc ca ngợi vẻ đẹp của người Hà Nội, còn thể hiện một cách nhìn  phê phán về quan niệm ấu trĩ của  một thời đối với những người  “sang trọng” như bà Hiền. Mặc dù yêu quý Hà Nội, nhưng tác giả cũng so sánh những nét chưa đẹp của Hà Nội với thành phố Sài Gòn “thành phố Sài Gòn rộng hơn, đông hơn, đẹp hơn cái Hà Nội của mình, về người dân Sài Gòn cũng lịch thiệp, nhã nhặn hơn người dân Hà Nội”, đồng thời  nêu dẫn chứng cụ thể về anh bạn trẻ  chửi bậy và thái độ của người dân khi  người khác hỏi thăm đường. Điều này cho thấy Nguyễn Khải đã không nhìn hiện thực một chiều, không chỉ thuần túy ca ngợi.

Câu chuyện  xoay quanh nhân vật chính là bà Hiền, một người Hà Nội càng ngày càng thể hiện vẻ đẹp văn hóa và bản lĩnh của một người bình thường, một công dân của Thủ đô.

Tác giả thuật chuyện thường đặt một sự việc dưới nhiều góc nhìn để cho bạn đọc tự  rút ra kết luận chứ không áp đặt cách đánh giá của mình.

Biện pháp so sánh được tác giả khai thác triệt để. So sánh  quan niệm của bà Hiền với bản thân, so sánh cách ăn uống nền nếp của gia đình  bà cô và cách ăn uống bình dân của gia đình mình, so sánh lối sống lính với nếp sống văn hóa chuẩn mực, so sánh Hà Nội với Sài Gòn…để làm bật lên cái đẹp và chưa đẹp.

Câu chuyện được kể bằng đối thoại, xen với phân tích, bình luận,…thể hiện những quan sát sắc sảo, những bình luận xác đáng, những suy ngẫm, chiêm nghiệm của một người giàu từng trải nên hấp dẫn và thuyết phục người đọc.

Tác giả khắc họa và ca ngợi bản lĩnh, cốt cách của người Hà Nội tự tin, thức thời, thực tế, tự trọng với lối sống văn hóa, thanh lịch, sang trọng qua nhân vật bà Hiền, một người Hà Nội “thuần túy Hà Nội, không pha trộn” và tin tưởng Hà Nội sẽ phát triển trong thời kì mới “chói sáng những ánh vàng”. Một sáng tác độc đáo của nhà văn Nguyễn Khải về người Hà Nội và Thủ đô Hà Nội.

                                                                 

                                                                      H à Nội, 2011-2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét