ĐI
TÌM VẺ ĐẸP CỦA THƠ - Bài
của Vũ Nho trên Học văn - Văn học
ĐI TÌM VẺ ĐẸP CỦA THƠ
- PGS.TS Vũ Nho
So với văn xuôi, cảm thụ và phân tích thơ vừa có cái dễ, vừa có cái khó hơn. Thơ thường ngắn, bài thơ dài lắm cũng chỉ độ mấy chục câu. Thơ có nhịp điệu có vần, dễ nhớ, dễ thuộc. Thơ cô đọng, có những câu như là châm ngôn. Nhưng tứ thơ không dễ nắm bắt, hồn thơ không dễ cảm nhận, cái đẹp của thơ không dễ giảng giải, phân tích. Bài thơ hay giống như là một sinh vật sống - như con cá bơi trong nước, như con bướm lượn trong vườn, như con chim hót trên cành. Sự phân tích và giảng giải thô thiển, không thích hợp của ta đôi khi biến thơ thành con cá chết, thành con bướm ép, thành con chim nhồi rơm…
Khó nhất đối với thơ ca là làm sao nắm được hồn thơ, nhận ra được vẻ đẹp lung linh rất khó nắm bắt. Từ bài thơ, tìm hiểu vẻ đẹp riêng của từng khổ, từng câu. Rồi lại từ những hiểu biết chi tiết đó, thấm nhuần một lần nữa vẻ đẹp của toàn bài. Ta sẽ hỏi bài thơ nói điều gì ? Từng có bao nhiêu người đã nói ? Cái mới ở đây làm cho ta thích thú là gì ? Đó là ở nội dung ? Ở cách trình bày nội dung ? Hay là ở cả hai ?
Rõ hơn ở nhiều loại thể văn học, đối với thơ, nội dung và hình thức gắn bó máu thịt. Có thể nói như E. éptusencô :
Hình thức chính là nội dung
Vì vậy mà cách chia khổ, chia đoạn, cấu trúc của đoạn, cấu trúc của câu, trật từ các từ trong câu, các biện pháp tu từ…có một ý nghĩa rất to lớn. Và mỗi nhà thơ có một phong cách, một lối diễn đạt riêng của mình. Ngay một nhà thơ thì mỗi bài lại nói bằng tiếng nói riêng, bằng cách riêng. Thành ra cái đẹp của thơ vô cùng đa dạng và phong phú. Toan tính vạch ra những công thức, những quy trình đi vào thơ… thì thật là ngớ ngẩn. Mọi con đường đều có thể đến với thơ. Sao ta lại dám nói chỉ có hai, ba, hay bốn năm con đường ?
So với văn xuôi, cảm thụ và phân tích thơ vừa có cái dễ, vừa có cái khó hơn. Thơ thường ngắn, bài thơ dài lắm cũng chỉ độ mấy chục câu. Thơ có nhịp điệu có vần, dễ nhớ, dễ thuộc. Thơ cô đọng, có những câu như là châm ngôn. Nhưng tứ thơ không dễ nắm bắt, hồn thơ không dễ cảm nhận, cái đẹp của thơ không dễ giảng giải, phân tích. Bài thơ hay giống như là một sinh vật sống - như con cá bơi trong nước, như con bướm lượn trong vườn, như con chim hót trên cành. Sự phân tích và giảng giải thô thiển, không thích hợp của ta đôi khi biến thơ thành con cá chết, thành con bướm ép, thành con chim nhồi rơm…
Khó nhất đối với thơ ca là làm sao nắm được hồn thơ, nhận ra được vẻ đẹp lung linh rất khó nắm bắt. Từ bài thơ, tìm hiểu vẻ đẹp riêng của từng khổ, từng câu. Rồi lại từ những hiểu biết chi tiết đó, thấm nhuần một lần nữa vẻ đẹp của toàn bài. Ta sẽ hỏi bài thơ nói điều gì ? Từng có bao nhiêu người đã nói ? Cái mới ở đây làm cho ta thích thú là gì ? Đó là ở nội dung ? Ở cách trình bày nội dung ? Hay là ở cả hai ?
Rõ hơn ở nhiều loại thể văn học, đối với thơ, nội dung và hình thức gắn bó máu thịt. Có thể nói như E. éptusencô :
Hình thức chính là nội dung
Vì vậy mà cách chia khổ, chia đoạn, cấu trúc của đoạn, cấu trúc của câu, trật từ các từ trong câu, các biện pháp tu từ…có một ý nghĩa rất to lớn. Và mỗi nhà thơ có một phong cách, một lối diễn đạt riêng của mình. Ngay một nhà thơ thì mỗi bài lại nói bằng tiếng nói riêng, bằng cách riêng. Thành ra cái đẹp của thơ vô cùng đa dạng và phong phú. Toan tính vạch ra những công thức, những quy trình đi vào thơ… thì thật là ngớ ngẩn. Mọi con đường đều có thể đến với thơ. Sao ta lại dám nói chỉ có hai, ba, hay bốn năm con đường ?
Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa coi sáng tạo thơ ca là một điều huyền bí, ta chỉ cảm thấy, mà không phân tích, không rút đúc ra thành các quy luật, các thao tác. Bằng kinh nghiệm cảm nhận bình thơ, bằng sự tìm hiểu, nghiên cứu cách cảm thơ, thưởng thức thơ, và bình thơ của các nhà thơ, nhà phê bình, người viết muốn trao đổi một số kinh nghiệm đi vào thế giới cái hay, cái đẹp của thơ ca.
Trước hết khi đi vào thế giới của thơ ca, ta chớ nên đi với một trái tim dửng dưng, với con mắt thờ ơ, lạnh nhạt. Hãy trân trọng và nâng niu, vì đó đâu phải là câu chữ, đó là hồn người viết, là vật họ gửi làm tin cho ta. Vì vậy hãy đọc thơ như mình trò chuyện với tác giả với một tinh thần cảm thông 'đồng khí, đồng thanh'. Và như vậy trái tim ta mới có thể dễ dàng hoà nhịp với trái tim đang phập phồng của thi nhân trong từng câu chữ.
- Thơ xin chớ đọc một lần!
Đó là một lời cần thuộc trước khi thuộc những vần thơ khác. Hãy đọc đi đọc lại. Nếu cần, có thể ngâm nga để cho thơ, một lần nữa lên tiếng hát trong lòng ta. Dĩ nhiên đọc nhiều lần, không phải đọc để mà đọc. Mối lần đọc ấy là một lần cảm nhận, thưởng thức, tìm hiểu. Nhà thơ Xuân Diệu có một kinh nghiệm khi đọc thơ Hoàng Nhuận Cầm:
Mũ tai bèo khẽ nghiêng nghiêng
Nghe lăn lăn những tiếng chim xuống hầm
Yêu chim mà chẳng lên thăm
Bởi vì điểm chốt nên nằm lặng im
Ông viết 'bây giờ tôi mới cảm thấy mình vừa mới thật hiểu bài thơ, phải đọc lần thứ mười mới xúc cảm được đến tận trái tim của bài thơ, nghĩa là của người làm thơ : còn phảng phất tuổi thiếu niên thì mới coi sự xa chim là quan trọng, chứ thật là thanh niên rồi thì phải 'Gửi em, cô thanh niên xung phong chứ '([1]).
Thử học tập Xuân Diệu, cũng phải đọc đến hàng chục lần khổ thơ Sang thu của Hữu Thỉnh:
Chợt nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
Mới vỡ ra một điều : tại sao nhà thơ lại viết là 'hình như' ? Này nhé hương ổi chín - mùa Thu. Gió se - đích là gió thu. Sương lãng đãng - sương thu. Khứu giác, xúc giác, thính giác đều mách bảo sang Thu rồi. Còn điều chi nữa mà ngờ ? Bấy giờ ta mới xem xét vì sao nhà thơ không reo lên, không khẳng định, mà lại viết ở dạng nghi vấn như thế. Và viết như thế có đúng tâm trạng không, có làm cho bài thơ lung linh thêm không ?
Vẻ đẹp của thơ ca trong từng bài thơ thường ẩn chứa ở chỗ nào ? Thật khó mà trả lời đích xác, rành rọt. Vì rằng thơ thì đúng là đẹp mỗi bài một vẻ. Có bài đẹp ở tứ, có bài đẹp ở tình, có bài đẹp ở câu, có bài đẹp ở lời, có bài đẹp tất cả, nhưng có bài lại đẹp ở giọng điệu.
Có bao nhiêu là bài thơ diễn tả cảnh chia li, kẻ ở người đi, nhưng Thu Nguyệt viết thật là độc đáo và đặc sắc:
Mặt trời nằm trong ngực
Mặt trời đừng bước ra
Để thời gian ở mức
Ngày mai em đi xa
Làm sao 'mặt trời' lại nằm trong ngực cô gái, sao mặt trời lại có thể 'bước ra' mà lên bầu trời để cho thời gian quá cái mức 'ngày mai em đi xa' ? Mức thời gian ấy là mức nào ? Đo bằng cái gì ? Ta chưa tìm câu trả lời ngay. Nhưng sự khao khát của cô, niềm mơ ước của cô, tâm tình của cô muốn vĩnh viễn hoá giây phút chia tay đầy xúc động, đầy tình cảm thì ta cảm được ngay, hiểu được ngay. Cái phút giây kì diệu ấy phải chăng một lần ta đã bắt gặp trong ao ước của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn:
Đừng bao giờ nữa chín thêm
Sợ tan mất giấc mơ em một thời
Và cả Xuân Diệu khi nhà thơ thốt lên :
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi
Ai trong số chúng ta mà chả một lần ước ao, mong muốn thế?
Không phải ngẫu nhiên mà trong thơ, việc dùng từ chọn chữ, cách nói đảo ngữ, thậm xưng, trùng điệp được các nhà thơ rất chú ý khi sáng tạo. Vì chính nhờ chúng mà nhà thơ nói được rất nhiều, gợi được rất nhiều, gây ấn tượng rất mạnh và câu thơ nhanh chóng bắt rễ vào trong trí nhớ bạn đọc. Nhiều người đã phân tích rất hay về bài thơ Có bệnh bảo mọi người nhưng hầu như chưa có ai để ý đến trật tự của câu thơ:
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân lai bách hoa khai
Xuân qua trăm hoa rụng
Xuân tới trăm hoa cười
Theo lô gíc thông thường, thì Xuân phải đến, rồi Xuân mới đi, và hoa phải nở rồi hoa mới rụng. Thế mà ở đây, nhà tu hành kiêm thi sĩ lại nói chuyện mùa xuân đi, và hoa rụng trước rồi mới nói chuyện mùa xuân đến và hoa nở sau. Một sự vô tình chăng ? Không phải. Vì bài thơ này nói về sự trái quy luật, sự vượt qua quy luật. Không những thế, tác giả muốn hướng tới sự sống, ca ngợi sự bất tử, bất diệt của sự sống. Vì thế mà cái đích hướng tới là xuân đến, là hoa nở, và kết thúc là một nhành mai nở muộn, bất chấp 'xuân tàn'. Bởi vậy, nên kết cấu của bài thơ, trật tự của những câu thơ cũng góp phần vào thể hiện tư tưởng chủ đề. Tất nhiên, bài thơ càng thêm hay, thêm sâu sắc vì nó nói được triết lí của Đạo Phật, nói được triết lí của đời sống. Đạo và Đời thống nhất.
Vị trí từ ngữ trong câu cũng có vai trò hết sức to lớn. Bài thơ Cửa biển Bạch Đằng của Nguyễn Trãi là ví dụ tiêu biểu. Thăm lại Bạch Đằng, thăm lại chiến địa xưa, cảm hứng của nhà thơ, nhà quân sự Nguyễn Trãi thật mãnh liệt. Cảm hứng ấy đã khiến nhà thơ viết :
Ngạc đoạn kình khoa sơn khúc khúc
Qua trầm kích chiết ngạn tằng tằng
Đây là một cách so sánh. Nhưng nếu đảo vế câu, nó sẽ trở thành sự so sánh bình thường, không đáng nói nhiều. Còn viết như Nguyễn Trãi, chính là thể hiện sâu sắc và tài tình cách nhìn đầy cảm hứng lịch sử : nhìn thấy quân giặc dữ bị băm vằm trong dáng núi non lởm chởm, nhìn thấy giáo gươm gãy của giặc thảm bại trong bờ bãi tầng tầng… Cách nhìn ấy càng tăng thêm niềm tự hào dân tộc và xúc cảm trước chiến công hiển hách của người xưa.
Cũng có thể thấy cái hay của trật tự từ ngữ trong câu thơ ở thơ Giang Nam : cười khúc khích 'Cô bé nhà bên nhìn tôi cười khúc khích' và khúc khích cười 'Thẹn thùng nép sau cách cửa - Vẫn khúc khích cười khi tôi hỏi nhỏ'. Lần sau phải viết 'khúc khích cười' vì cô bé đã thành thiếu nữ, đã biết ngượng thẹn. Cô giấu miệng cười, nên chỉ nghe thấy tiếng khúc khích mà biết là cô cười, chứ không vừa nhìn thấy miệng cười vừa nghe thấy tiếng cười như hồi nào cô còn hồn nhiên.
Đoạn thơ của Quang Huy :
Một cô gái Nga mái tóc màu hạt dẻ
Ngón tay đan trên những sợi dây đồng
Lúc ấy cả công trường say ngủ cạnh dòng sông
Những xe ủi xe ben sóng vai nhau nằm nghỉ
Chỉ còn tiếng đàn ngân nga
Với một dòng trăng lấp loáng sông Đà
Nếu viết đảo lại 'ngủ say' thì cái hay không còn nữa. Chúng ta hãy thử lí giải xem tại sao lại thế.
Ca dao xưa nói rằng:
Người xinh cái bóng cũng xinh
Người giòn cái tỉnh tình tinh cũng giòn
Bài thơ hay chắc chắn là tứ hay, ý hay, cấu trúc hay, trật tự từ ngữ hay, và từ ngữ bản thân nó cũng hay. Cái hay của từ ngữ rất khó nhận ra. Không phải cứ hễ lấp láy, cứ ẩn dụ hoặc ngoa dụ là hay. Đời thường, người ta nói lời hay ý đẹp, khuyến khích nói lời hay ý đẹp. Nhưng trong thơ, thì có khi nói tục, mà lại hay.
Hồ Xuân Hương văng ra: Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
Tú Xương chửi: Cha mẹ thói đời ăn ở bạc.
Nhưng đó là những từ không thể thay thế được, nó vừa làm nên vẻ đẹp của lời thơ, vừa phản ánh rõ cá tính, cái riêng của người viết.
Nhưng cái gọi là 'nhãn tự' (từ mắt) trong câu thơ nhiều khi nó không trồi lên, không lộ ra, mà nó lặn vào trong bài. Bao người đã đọc câu thơ Huy Cận
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa
Nhưng phải đợi Xuân Diệu mới tìm được mối liên hệ giữa bóng chiều sa với cánh chim nghiêng: 'con chim đang xoè cánh bay, bóng chiều sa nặng đến nỗi nó phải nghiêng cánh, lệch cánh'.
Với bài thơ Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế thì chữ 'đáo' trong 'Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền' (nửa đêm, tiếng chuông tới thuyền của khách) là 'nhãn tự', vì nó đã nhân hoá tiếng chuông, biến tiếng chuông thành người bạn tới thăm khách trong đêm buồn ở bến Phong Kiều…
Bài thơ Có một ngày của Nguyễn Khoa Điềm trong tập thơ Tình bạn tình yêu có câu thơ :
Em sẽ có cái cười
Bằng ánh sáng của cái hôn khác
…
Cái ngày đó
Anh sẽ bắt đầu
Với anh
Bằng bước chân ngày đón em
Hai từ 'sẽ' chính là nhãn tự của bài, vì nó khẳng định nó thông báo rằng đây là một giả định, chứ không phải là ngày đó đã qua hay ngày đang diễn ra. Không thấy được chúng, bài thơ sẽ bị hiểu sai lệch, và giá trị của nó cũng sẽ mất mát nhiều. Cũng tương tự như thế, những từ xưng hô 'mày, tao' độc đáo trong một số bài thơ của Trần Đăng Khoa như : Sao không về Vàng ơi, Nói với con gà mái, Đánh thức trầu… cũng là nhãn tự của bài thơ, làm nên không khí hồn nhiên, thân mật, thơ trẻ đặc biệt (2).
Vấn đề đối với chúng ta, những người đọc thơ, thưởng thức thơ là làm thế nào để phát hiện được cái hay của từ ngữ trong câu thơ ? Tất nhiên trực cảm sẽ giúp chúng ta một phần. Nhưng có phải ai cũng có khả năng nhận biết ngay bằng trực giác đâu. Cách thức đáng tin cậy là ta thử thay thế từ ngữ ấy bằng những từ đồng nghĩa, gần nghĩa. Và cố gắng lí giải vì sao nhà thơ lại không dùng những từ của ta. Những từ do nhà thơ viết hay hơn ở chỗ nào, hợp hơn ở chỗ nào ?
Ví dụ, với bài Thương vợ của Tú Xương, nhà thơ viết Quanh năm buôn bán ở mom sông. Ta thử bỏ từ 'Quanh năm' và thay bằng : Suốt ngày, Ngày đêm, Ngày ngày, Tháng ngày, Bao năm, Suốt năm. Rõ ràng, những từ đó có thể nói về thời gian, mức độ lặp lại, nhưng không có từ nào như 'quanh năm' vừa diễn tả được sự liên tục ngày tiếp ngày, tháng tiếp tháng, mùa tiếp mùa, vừa diễn tả được sự dằng dặc của thời gian vất vả, vừa diễn tả được sự lặp lại theo chu kì lớn như một cái vòng tròn định mệnh…
Ví dụ khác, những câu thơ của Nguyễn Đình Thi :
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Câu thơ thứ nhất ta chú ý đến từ ngữ : chảy máu. Tại sao tác giả không viết cánh đồng quê đẫm máu, ngập máu, loang máu, đầy máu ? Viết như thế, chỉ nói được máu người bị giặc giết loang trên đồng, ngập trên đồng. Nhưng viết 'chảy máu' thì khái quát hơn, vừa nói được cánh đồng đẫm máu người bị giết, và sâu xa hơn, còn nói được chuyện cánh đồng cũng bị giặc giết, cánh đồng này cũng bị tàn sát. Lũ giặc giết người đã ác, nhưng chúng còn giết cả những cánh đồng, chúng còn tàn sát cả thiên nhiên, đất đai, cây cỏ,... Vì thế cách viết của nhà thơ Nguyễn Đình Thi có sử dụng nghệ thuật nhân hóa, sức gợi, sức khái quát của câu thơ lớn hơn nhiều…
Bây giờ ta thử hỏi vì sao nhà thơ lại chọn trời chiều ? Vì sao không viết chẳng hạn : Dây thép gai đâm nát bình minh ? Dây thép gai đâm nát trời trưa ? Đây là thời gian hành quân của người chiến sĩ, tiếp sau đó là câu thơ 'Những đêm dài hành quân nung nấu - Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu', bởi vậy thời gian chiều chuyển sang đêm gần gũi. Nhưng sâu xa hơn, có lẽ bình minh lên hồng chân mây hay trời trưa trong trẻo sẽ không thích hợp với không khí cánh đồng chảy máu. Trời chiều thường có ráng đỏ, thường tím tái, khi dây thép gai đâm nát, gợi một không gian ứa máu. (Trong Nhớ rừng, Thế Lữ cũng chọn thời gian và không gian chiều để diễn tả. 'Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng. Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt'). Cánh đồng quê chảy máu. Trời chiều bị dây thép gai đâm nát cũng ứa máu. Sự diễn tả như thế tạo ấn tượng mạnh mẽ về tội ác của kẻ thù. Và đấy là câu thơ hay với cách viết tối ưu.
Vị trí của chữ nghĩa quan trọng như vậy, cho nên các nhà thơ rất quan tâm đến dùng chữ mới, chính xác hơn là đem đến sự mới mẻ cho chữ dùng. Chữ có thể vẫn là những chữ ấy, nhưng trong một tập hợp mới, câu thơ bỗng lạ :
Trăng nằm sóng xoải trên cành liễu
Đợi gió xuân về để lả lơi
(Hàn Mặc Tử - Bẽn lẽn)
Nằm sóng xoải, lả lơi gắn liền với trăng. Đằng sau động tác, hành vi ấy là cả một xu thế Âu hoá, đổi mới của các cô gái tân thời 'Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng - Áo cài khuy bấm,...'.
Còn có thể thấy từ sờ sẫm gối có vẻ ma quái trong thơ Hàn Mặc Tử. Thi sĩ là người đầu tiên ghép hành động sờ sẫm cho bóng trăng ('Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối - Gió thu lọt cửa cọ mài chăn' - Thức khuya). Trước đây ta chỉ mới thấy trăng treo, trăng gác, trăng nhòm, trăng chênh chếch, trăng ngần, trăng lửng lơ…
Hồ Xuân Hương là người hay tìm tòi những từ ngữ độc đáo, mới mẻ. Còn nhớ những đỏ lòm lom, chín mõm mòm, hỏm hòm hom, sờ rậm rạp, mó lam nham, khua lắc cắc, vỗ phập phòm…làm cho câu thơ sống động. Tản Đà cũng là người ưa dùng những từ ngữ mới mẻ : lăm răm mắt (Ai đang độ ấy lăm răm mắt - Tớ đã bây giờ lún phún râu) ; sóng rờn rờn (Ngủ yên trong chiếc thuyền con - Gió hiu hiu thổi, sóng rờn rờn đưa) ; tiếng kìn kìn (Suối đâu ? Cối nước liền bên - Chày đâm vân mẫu kìn kìn tiếng đêm) ; bồng bỗng tếch (Cô cất vó lên bồng bỗng tếch - Lấy chi nuôi nấng cái, con, chồng).
Các nhà thơ hiện đại không ít thì nhiều đều chú ý đến tìm chữ. Có thể thấy rõ xu hướng này trong thơ Lê Đạt, Vũ Xuân Hoát và rõ rệt hơn cả là Nguyễn Duy. Trong thơ Nguyễn Duy, chúng ta gặp ngày ngun ngủn, đêm rỗng tuếch, gió toang hoang, gió tuây huẩy, bay bướm bườm rườm, nhoẻn nụ đười ươi…
Những từ ngữ độc đáo trong thơ, ngoài giá trị tự thân của mình, chúng còn thường gắn liền với những phương tiện, biện pháp tu từ. Các nhà thơ thường dùng phổ biến là so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, nhân hoá, tượng trưng. Đã có hẳn một bài viết về so sánh trong thơ (Đi giữa miền thơ). Ở đây sẽ nói qua về các phương tiện, biện pháp còn lại.
Ẩn dụ cũng là so sánh, nhưng là so sánh ngầm. Các nhà ngôn ngữ học cho rằng đây đây là sự định danh thứ hai mang ý nghĩa hình tượng dựa trên sự tương đồng hay giống nhau giữa hai khách thể.
Trần Thị Vân Trung viết:
Ôi !Em căm giận cho sự nhạy cảm của chính bản thân mình
Để đến nỗi
- Nụ cười anh trẻ trung
- Lời nói anh dịu dàng
Cũng không còn có thể
Níu kéo một mặt trời đang lặn ở trong em
(Một mặt trời đang lặn)[3]
Mặt trời đang lặn là ẩn dụ về người mà nhà thơ yêu quý, tôn thờ, nâng niu. Có vẻ rất hiện đại. Nhưng người con gái trong ca dao đã từng coi người mình yêu như mặt trời rồi : 'Thấy anh như thấy mặt trời - Chói chang khó ngó trao lời khó trao'. Cái mới ở đây là vừng mặt trời đang lặn không thể níu kéo lại.
Chúng ta hãy xem xét câu Kiều:
Bóng hồng nhác thấy nẻo xa
Xuân lan, thu cúc mặn mà cả hai
Ở đây, Nguyễn Du đã dùng hình ảnh hoa lan mùa xuân, hoa cúc mùa thu để so sánh với hai chị em Thuý Vân, Thuý Kiều. Cả hai người đẹp ví với hai loại hoa đẹp của hai mùa là rất phù hợp. Và trong đó hình như nhà thơ cũng vẫn luôn có ý thức về vẻ đẹp 'mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười'.
Trong bài thơ Viếng lăng Bác, nhà thơ Viễn Phương viết:
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Hình ảnh mặt trời trong câu thơ thứ hai là hình ảnh ẩn dụ chỉ Bác Hồ. Đây là ẩn dụ hay, vì trong tình cảm nhân dân, Bác là mặt trời Cách mạng, mặt trời chân lí, Bác như trời xanh biển rộng ('Bác ngồi đó lớn mênh mông - Trời xanh, biển rộng, ruộng đồng, nước non' - Tố Hữu ).
Hoán dụ cũng là một phương tiện các nhà thơ thường hay dùng. Những hoán dụ thành công sẽ đem lại chiều sâu ý nghĩa cho câu thơ, giúp nhà thơ bày tỏ được những điều mình muốn nói.
Diễn tả tấm lòng của nhân dân Việt Bắc với lãnh tụ, Tố Hữu dùng hình ảnh rừng núi:
Nhớ chân Người bước lên đèo
Người đi rừng núi trông theo bóng Người
Rừng núi là nơi chiến khu cách mạng, rừng núi là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc Việt Bắc. Vậy rừng núi trông theo… chính là nhân dân Việt Bắc ngưỡng mộ, trông theo lãnh tụ. Câu thơ thể hiện tấm lòng, tình cảm của nhân dân với Bác.
Tự thuật về mình, nhà thơ Hữu Thỉnh viết:
Tôi bước vào thành phố
Với nguyên mùi rơm tươi
(Tôi bước vào thành phố)
Mùi rơm tươi là mùi của mùa màng, của làng xóm làm nông nghiệp. Mùi rơm tươi ở đây để thay thế cho sự mộc mạc, chân chất, vất vả, lực lưỡng của những người gắn bó với ruộng đồng, những người 'chân quê'.
Kết thúc bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính, nhà thơ Phạm Tiến Duật viết :
Không có kính rồi không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước
Xe cứ chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim
Trái tim chính là hình ảnh hoán dụ, nói về tấm lòng, về phẩm chất tinh thần, về người chiến sĩ lái xe. Hình tượng thơ gợi nhớ trái tim chói sáng của chàng Đan cô trong thần thoại. Đồng thời, nhà thơ muốn khẳng định : con người mới là yếu tố quan trọng quyết định cuộc chiến tranh chứ không phải là vũ khí.
Trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá, chúng ta sẽ gặp một hoán dụ hay:
Câu hát căng buồm với gió khơi
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời
Câu hát là hình ảnh hoán dụ chỉ những người lao động làm chủ đời mình, làm chủ biển khơi. Câu hát thấp thoáng trong suốt quá trình ra khơi, đánh cá, trở về. Đó là khí thế phơi phới yêu đời, vui tươi, hăng say lao động dựng xây cuộc sống mới.
Nhân hoá là một phương tiện không thể thiếu trong các phương tiện mà nhà thơ sử dụng. Nhân hoá thường gắn liền với tượng trưng. Bài thơ Tre Việt Nam của Nguyễn Duy là một ví dụ khá tiêu biểu cho sự nhân hoá và tượng trưng.
Vươn mình trong gió tre đu
Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành
Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm, tay níu, tre gần nhau thêm
Thương nhau tre không ở riêng
Lưng trần phơi nắng phơi sương
Có manh áo cộc tre nhường cho con
Cây tre đã được nhân hoá một cách tài tình. Tre đúng là con người nông dân Việt Nam vất vả, lam lũ, cần cù, nhưng rất lạc quan yêu đời, biết gắn bó đoàn kết, biết nhường nhịn, hi sinh.
Trong bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương, hình ảnh cây tre cũng được nhân hoá và tượng trưng cho các chiến sĩ cảnh vệ canh gác cho giấc ngủ của Bác, cho đất nước, dân tộc quây quần xung quanh Bác :
- Ôi hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng
- Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, bản thân việc nhân hoá cũng đã đạt hiệu quả biểu đạt. Vì thế không nhất thiết nhân hoá gắn liền với tượng trưng.
Ví dụ câu thơ của Bà huyện Thanh Quan :
Bước tới đèo ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa
Cỏi, cây, đá, lá, hoa, năm loại được nhân hoá như con người 'chen' lấn nhau trong một câu thơ để thể hiện sự rậm rạp, hoang sơ của Đèo Ngang. Không có một sự tượng trưng nào cả.
Ví dụ khác, những câu thơ của Nguyễn Linh Khiếu :
Những sớm mai trên bờ bãi sông Hồng
chập chờn trong sương tiếng sột soạt ngô dậy thì
thẹn thùng thay xiêm áo
nây nẩy những bắp non tươi ẩn hiện
mùa nước sinh đang hổn hển trở về
Phù sa non đầm đìa tươi mê
lộng lẫy chảy như đàn bò cái đang mùa động đực
tiếng gọi thống thiết ở miền lúa nước
những cánh đồng hôn phối bồn chồn lưu vực dòng sông
(Phù sa sông Hồng)
Tác giả nhân hoá để diễn tả nhịp điệu hân hoan dào dạt, nhịp điệu truyền giống thiêng liêng của tạo vật trong phù sa non rạo rực sông Hồng.
Nhiều bài thơ của Trần Đăng Khoa sử dụng nhân hoá rất đạt, rất thành công : Buổi sáng ở nhà em, Mưa, Đánh thức trầu, Vườn em, Cây dừa, Đám ma bác Giun, Tiếng võng kêu… Những câu thơ hồn nhiên mà thật sinh động, tinh tế :
- Chị tre chải tóc bên ao
Nàng mây áo trắng ghé vào soi gương
(Buổi sáng ở nhà em)
- Kẽo cà kẽo kẹt
Cây na thiu thiu
Mắt na hé mở
Nhìn trời trong veo
(Tiếng võng kêu)
- Đứng canh trời đất bao la
Mà dừa đủng đỉnh như là đứng chơi
(Cây dừa)
Một lối diễn đạt các nhà thơ hay dùng là sự tương phản. Tương phản về số lượng, về chất lượng, về không gian, về thời gian:
Em mười chín tuổi nghìn năm trước
Sao đến bây giờ mới hai mươi
Nghìn sau gặp lại…em hăm mốt
Môi, mắt, vòng tay vẫn thiên thần
(Thiên thần - Nguyễn Trọng Tạo)
Đây là sự tương phản giữa có và không:
Chỉ lòng anh chật bóng hình em
Và như thế anh lại càng đơn độc
Và như thế anh buồn phát khóc
Bởi có em mà không có em
(Bóng buồn - Nguyễn Việt Bắc)
Khổ thơ gợi nhớ bài thơ Hà Nội vắng em của Tế Hanh. Tế Hanh khai thác không gian thành phố vắng để đi đến cảm giác vắng đầy cả em - nghĩa là em vẫn ngự trị nơi không em, để được an ủi, thoả mãn.
Nguyễn Việt Bắc khai thác không gian nhỏ hơn và ảo hơn - không gian tình cảm, không gian lòng anh. Lòng chật bóng hình em. Tưởng là có nhưng hoá ra không. Bởi có em mà không có em. Càng có lại càng không, nên càng không thể an ủi, không thể thoả mãn, càng đơn độc 'Hai người nhưng chẳng bớt cô đơn' (Xuân Diệu).
Sự tương phản tạo ra sự nhoè mờ, câu thơ càng lấp loáng, thú vị :
Nguyễn Trọng Tạo viết :
Hai đôi môi khát một thời tìm nhau
Chín can…rượu chẳng còn đâu
Còn em hoá rượu. Cúi đầu, anh say
(Rượu cần)
Chín can, rượu hết, nhưng không hết vì em đã hoá rượu. Hai đôi môi khát đâu chỉ có uống rượu, mà còn uống nhau. Vậy say đâu chỉ là say rượu. Mà rượu hết thì sao lại say rượu được. Vậy là say em. Say cúi đầu như kiểu Cao Chu Thần cúi đầu trước vẻ đẹp hoa Mai.
Vấn đề không phải là cứ dùng phương tiện và biện pháp tu từ thì câu thơ sẽ hay, sẽ đạt hiệu quả nghệ thuật. Dùng thế nào cho hay hoàn toàn phụ thuộc vào tài năng của nhà thơ. Bởi vậy, không phải tất cả so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, nhân hoá, tượng trưng... đều cùng một chất lượng nghệ thuật. Chỉ có sự độc đáo mới là thước đo chính xác.
Ngoài chữ nghĩa, các phương tiện, biện pháp tu từ, các nhà thơ ưa tìm tòi sự mới mẻ của hình tượng. Hình tượng mới mẻ thường đem đến cho bài thơ một sức hấp dẫn mới. Chiếc áo đỏ cháy rực như ngọn lửa mà Nguyễn Mĩ đã phát hiện ra trong Cuộc chia li màu đỏ là hình tượng trung tâm toả sáng cả bài thơ.
Hình tượng núi cứ ba ngọn như chiếc đinh ba 'Trụ trời trụ đất đứng nguy nga' trong bài thơ Lên núi Ba Vì là một phát hiện độc đáo của Phạm Tiến Duật về hình sông thế núi thể hiện tinh thần thượng võ cuả dân tộc.
Hình tượng 'Đầu súng trăng treo' trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu là một hình tượng mới mẻ. Trăng treo vốn không mới lạ. Lí Bạch đời Đường, trong thơ đã thấy trăng treo. 'Trường lưu nhất phiến nguyệt - Quải tại Đông khê tùng - Còn mãi một vành trăng - Treo trên ngọn tùng phía đông dòng suối'. Thời Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm cũng thấy mảnh trăng treo : 'Non Kì quạnh quẽ trăng treo - Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò'. Nhưng trăng treo đầu súng là hình tượng vừa thực, vừa tượng trưng chỉ thấy trong thơ Chính Hữu. Đó là biểu tượng tình đồng chí sáng rỡ như vầng trăng, là biểu tượng khát vọng hoà bình, biểu tượng chính nghĩa ngời ngời của cuộc kháng chiến…
Hình tượng con Xà Mâu trong bài thơ Con Xà Mâu tội nghiệp của Thu Bồn : 'Tiếng sủa trung thành trở thành phản phúc - Con Xà Mâu bị mai phục giữa hai làn đạn chéo súng cực nhanh'. Là một hình tượng mới mẻ và ám ảnh.
Những hình tượng độc đáo trong thơ thường là hình tượng gợi sự liên tưởng bất ngờ, thú vị.
Xuân Diệu nhìn đất nước như một con tàu lớn mà mũi Cà Mau là mũi thuyền xé sóng:
Tổ quốc tôi như một con tàu
Mũi thuyền xé sóng mũi Cà Mau
Tố Hữu viết về mẹ Tơm, những người mẹ chở che Cách mạng:
Sống trong cát, chết vùi trong cát
Những trái tim như ngọc sáng ngời
Người đọc vừa thấy được sự vất vả, lam lũ, sự bình dị của những người lao động, đồng thời liên tưởng về sự cao đẹp, sáng ngời của những tấm lòng, lại thấy được cả sự biết ơn, trân trọng của người viết.
Về một đêm mưa kỉ niệm, nhà thơ Đoàn Thị Kí có câu thơ:
Mưa như trời đất chăng dây
Chúng mình cùng vướng, ai đây gỡ giùm
Đã có bao nhiêu là hình tượng mưa : mưa như chăng tơ, mưa như đánh trống, mưa như thác, mưa lèm nhèm, mưa lay phay, mưa nhập nhoà, mưa như khói qua chiều… Song mưa như trời đất chăng dây gơi lên một liên tưởng mới. Hoá ra Trời và Đất cũng hay nghịch, cũng chăng dây để bẫy người. Trong sợi dây mưa còn có cả sợi dây tơ hồng của ông Tơ, bà Nguyệt. Mà như vậy thì đôi trai gái kia vướng vào mưa, vướng vào sự thắt buộc của Tạo hoá thì có mà… giời gỡ ! Câu thơ ai đây gỡ giùm vì vậy mà biết bao là ý nghĩa thắt buộc tự nhiên. Hình thức hỏi nhưng lại là khẳng định thiên duyên.
Nhà thơ Lê Thị Mây xây dựng hình tượng 'Gió quả phụ' rất thành công trong bài thơ cùng tên. Đã có bao nhiêu là hình tượng Gió trong thơ. Và hình tượng quả phụ có thể ít hơn song cũng không phải là hiếm.
Song, Gió quả phụ - người Quả phụ - gió thì lần đầu tiên xuất hiện trong thơ Lê Thị Mây. Đó là tượng hình của những hi sinh, mất mát mà người phụ nữ phải gánh chịu trong và cả sau chiến tranh :
Gió - trầm ca - gió
Đấy là tóc của những người đàn bà chết bom
trong
thành phố
đấy là tóc của người đàn bà goá bụa nuôi con
Sau chiến tranh đã qua được mười năm.
Một ví dụ khác về sự liên tưởng do hình tượng thơ gợi nên. Đó là bài thơ Lá Diêu bông của Hoàng Cầm.
Chị ba con em tìm thấy lá
Xoè tay phủ mặt chị không nhìn
Tay xoè ra là để ôm mặt, che mặt. Nhưng tác giả lại viết là phủ mặt. Bàn tay tựa như tấm giấy người ta dùng lúc lâm chung vậy. Phải chăng lúc ấy, bàng hoàng, kinh ngạc trước sự bền bỉ, chung tình của người con trai, chị cũng tựa như đã chết. Hay chính chị tự mình liệm đi những điều lí trí khô khan bấy lâu chế ngự tình cảm của mình ?
Thơ hay thật muôn vẻ. Cũng có thể thơ hay ở giọng điệu, ở cách nói mới về những điều đã quen, đã cũ.
Mấy câu thơ sau của Phan Thị Thanh Nhàn hay chính là ở sự phát hiện, khái quát :
Các cụ ông say thuốc
Các cụ bà say trầu
Còn con trai con gái
Chỉ nhìn mà say nhau
(Đám cưới ngày mùa)
Nhưng cũng Phan Thị Thanh Nhàn lại hay ở sự bất ngờ khi phát hiện ra mình trong cô gái mình nhìn thấy :
Một cô gái xinh tươi
Ngồi sau xe mỉm cười
Tôi nhìn theo cô đấy
Chợt gọi thầm : tôi ơi !
Trần Thị Vân Trung trong bài thơ Tuổi mười sáu cũng chung một cách nhìn của Phan Thị Thanh Nhàn. Nhà thơ thấy lại mái tóc, ánh nhìn, nụ cười và cả sự chưa lớn của mình 'Cái thời chưa lớn khôn - Mọi điều đều lạ lẫm - Cái thời chưa…dám hôn - Chỉ nhìn… mà say đắm'. Và kết thúc thật bất ngờ :
Mùa xuân trôi quá vội
Để lại bao vấn vương
Nước mắt mờ hơi sương
Nhìn em mười sáu tuổi
Hoặc thơ nói về vẻ đẹp của các cô gái. Mỗi thời có một cách quan niệm về vẻ đẹp. Mỗi thời lại có cách ăn mặc, thời trang khác nhau. Bởi vậy nhà thơ bao giờ cũng có những đóng góp mới trong ngay cả chi tiết thơ.
Đây là vẻ đẹp của cô gái trong ca dao:
Một thương tóc bỏ đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
Ba thương má lúm đồng tiền
Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua
Năm thương cổ yếm đeo bùa
Nhưng đến Nguyễn Bính thì cô đã có sự thay đổi đáng kể:
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi
Nào đâu cái yếm lụa sồi
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân
Nào đâu cái áo tứ thân
Cái khăn mỏ quạ cái quần nái đen
(Chân quê)
Trong thơ Phạm Công Trứ sau này, cô gái diện quần bò áo chẽn :
Về quê ăn tết vừa rồi
Em tôi áo chẽn, em tôi quần bò
(Lời thề cỏ may)
Đến Nguyễn Việt Bắc thì cô gái đã thành một tay chơi có hạng mà các tay sành điệu cũng phải chào thua:
Con gái
Môi mọng chín
Mắt xanh đánh võng
áo ba lỗ
soóc bò
Phóng Dream cong kim cây số
(Ngỡ ngàng)
Trong mỗi hình ảnh cô gái ấy ngoài chi tiết về áo quần, ăn mặc, đều có thái độ đánh giá của mỗi nhà thơ. Và sự độc đáo chính là ở thái độ cảm xúc và góc nhìn.
Nhà thơ Nguyễn Duy viết về vẻ đẹp những con đường Hà Nội:
Đường nào cũng lắm thương yêu
Lối nào cũng đẹp rất nhiều lứa đôi
(Mưa trong nắng, Nắng trong mưa)
Cũng có thể nghĩ tương tự như thế về những nẻo đường đi tìm vẻ đẹp của thơ. Đường nào, lối nào, hướng nào cũng có thể tìm thấy vẻ đẹp. Có vẻ đẹp rực rỡ, tưng bừng. Có vẻ đẹp khiêm nhường, bẽn lẽn. Có vẻ đẹp lồ lộ, có vẻ đẹp lấp ló, kín đáo. Có vẻ đẹp lực lưỡng, có vẻ đẹp mảnh mai. Có vẻ đẹp bắt mắt, sắc bén, có vẻ đẹp dịu dàng, mờ tỏ…
Những bước đường chúng ta vừa đi chỉ như là những bước dạo ban đầu trên miền thơ bát ngát.
Trích trong cuốn Vũ Nho -THƠ NHỮNG VẺ ĐẸP, Nxb Giáo dục, 2008
([1]) Xuân Diệu, Đọc những bài thơ viết về bộ đội, Tạp chí Tác phẩm mới, số 43 - 44, năm 1974, tr. 64,65.
(2) Xem thêm Đi giữa miền thơ, NXB Văn học, H., 1999.
([3]) Trong tập Khoảng cách cuối cùng, NXB, Thanh Niên, 1999.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét